Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật Phục Sinh Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 30/03/2024
  • Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật Phục Sinh Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Lc 24,1-12)

          Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng bước vào, các bà không thấy xác Chúa Giêsu. Ðang khi các bà còn ngơ ngác không hiểu việc đó, thì có hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói. Các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất, thì hai người lên tiếng bảo: "Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại". Và các bà nhớ lại những lời Người đã nói.

              Bỏ mồ đi về, các bà tường thuật lại tất cả sự việc cho mười một Tông đồ và các người khác. Các bà đó là Maria Mađalêna, Gioanna, Maria mẹ Giacôbê; và những người nữ khác cùng đi với họ cũng nói như vậy với các tông đồ. Nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin. Dầu vậy Phêrô cũng đứng dậy chạy ra mồ, nhưng khi cúi xuống nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm nằm đó và ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự đã xảy ra.

    NIỀM VUI PHỤC SINH

    DÀN Ý

    1. Niềm vui

    - Niềm vui là biểu hiện cảm xúc mô tả các trạng thái tinh thần con người như hạnh phúc, vui chơi giải trí, hưởng thụ. được biểu hiện một phần ra ngoài qua nụ cười, hớn hở.

    - Epicurus cho niềm vui là sự vắng mặt đau khổ và sự tự do. Cicerô tin niềm vui là sự thống trị của cái tốt.

    - Niềm vui là sự hưng phấn tại thời điểm hiện tại, còn hạnh phúc có thể đo lường, xác định qua thời gian.

    - Niềm vui lớn nhất của kiếp người là được sống lại để được hưởng hạnh phúc đời đời.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về niềm vui Phục sinh

    - Tông đồ Công vụ kể: “Ngày thứ ba, Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa tuyển chọn” (Cv 10,40).

    - Phaolô viết: “Khi Ðức Kitô là sự sống xuất hiện, anh em sẽ xuất hiện với Ngài trong vinh quang” (Cl 3,4).

    - Gioan gắn niềm vui với niềm tin: “Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết” (Ga 20,9).

    3. Hãy vui lên alleluia

    - Vui vì Đức Kitô đã phục sinh. Ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật. Phục Sinh không chỉ là biến cố lịch sử mà là nền tảng niềm tin cho Giáo Hội. Phaolô viết: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,20). Không vui sao được khi Chúa Giêsu đã mở đường sự sống cho nhân loại đi vào.

    - Vui vì được giải thoát khỏi tù đày tội lỗi. Nhiều người đang ngụp sâu lầy lội vì tiền bạc, quyền lợi, danh vọng giam hãm. Nhưng Đức Kitô sống lại đã đem lại niềm vui và hy vọng. Tội lỗi giam hãm con người, nhưng biến cố Phục sinh đã giải phóng con người, giúp họ trở lại cuộc sống ban đầu lúc tạo dựng.

    - Truyện: Có tên cướp đêm ẩn nhà bác sĩ lấy của. Có tin đứa trẻ làng bên bị bệnh nặng. Làng đó ở xa, đến đó nguy hiểm, nhưng bác sĩ tự nhủ: Mình không đi bé ấy chết thì sao. Ông liêu xiêu qua gió tuyết. Sớm hôm sau khi bác sĩ về, tên cướp đón và sụp lạy: Tôi là tên trộm, đêm qua, tôi nấp và muốn bắt ông khai chỗ giấu của cải, rồi giết ông. Nhưng thấy ông bất chấp nguy hiểm đi chữa bệnh. Ông đã cứu đứa trẻ, mà còn cứu chính ông và cứu cả tôi nữa(ST).

    - Vui vì nấm mồ được mở tung. Người ta đều phải chết, và nấm mộ là nơi an nghỉ đời đời. Nhưng, như quả trứng vỡ ra, con gà chào đời, thì khi ngôi mộ mở ra, Đức Kitô đã sống lại. Maria, Phêrô và Gioan đều chứng kiến ngôi mồ mở toang, Xác Ngài đã biến mất. Tất cả đã thấy và đã tin rằng: Chúa Kitô đã phục sinh.

    - Vui vì được sống đời sống mới. Trong cuộc sống, nhiều người đau khổ, thất vọng. Họ luôn ước mong về ơn Phục Sinh. Kitô hữu mừng Chúa phục sinh, cũng chính là mừng sự sống lại của chính mình, nên cố gắng thay đổi lối sống, như Phaolô nói: “Anh em hãy nghĩ đến sự trên trời, đừng nghĩ những sự dưới đất”(Cl 3,2).

    - Vui vì sẽ được sống lại. Thiên Chúa đã cho Đức Kitô sống lại thế nào thì Ngài cũng sẽ cho mọi người sống lại như vậy. Chúa phục sinh đã mở ra một kỷ nguyên mới, xóa bỏ kiếp nô lệ đau thương để đem lại hi vọng vào cuộc sống vĩnh cửu. Xin Chúa cho chúng con biết đón nhận niềm vui và tin tưởng vào ngày được Chúa cho sống lại vinh quang.

    ĐỨC KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI

    SUY NIỆM

    Chúa Giê-su đã sống lại, lịch sử nhân loại đã sang trang, dấu ấn vĩ đại trong việc chỗi dậy từ cõi chết của Chúa Giê-su đã mở toang cánh cửa sự sống, cái chết không còn là nỗi thất vọng của con người, mà thay vào đó là sự hi vọng sống lại sau cái chết của thân xác loài người.

    Nhiều người có tư tưởng cho rằng, tại sao Chúa không sống lại công khai trước mặt đám đông, vào ban ngày ban mặt, mà lại sống lại trong đêm tối, dễ làm cho người khác nghi ngờ có sự sắp đặt nào đó? Tại sao Chúa không hiện ra với các Tông đồ trước mà lại hiện ra với các bà?

         1. Canh thức

    Xác Chúa được chôn cất trong mồ đá, sau cái chết đầy thảm kịch. Người It-ra-en thường đào hố vào đá làm mồ chôn kẻ chết. Ngày nay ở Giê-ru-sa-lem người ta vẫn còn thấy những mồ bằng đá còn lại thuộc dòng họ Hê-rô-dê. Chiếc mộ của Chúa Giê-su là do ông Giu-se A-ri-ma-thi-a đã đào sẵn và sau khi táng xác Chúa, người ta đã lấy hòn đá to để đóng cửa mồ lại.

    Những lính canh mồ Đức Giê-su, là những người đầu tiên tham gia canh thức Chúa. Người It-ra-en sau khi đã giết Đức Giê-su, họ vẫn còn canh cánh nỗi lo về Con Người này; họ đã chứng kiến cái chết và sống lại của La-da-rô có ảnh hưởng như thế nào; nhất là khi chính họ đã được nghe Đức Giê-su tuyên bố là Người sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chết. Chính vì thế, họ đã xin Phi-la-tô cho phép cắt một đoàn lính canh bên mộ Người. Đây là việc hệ trọng liên quan đến sinh tồn của cả dân tộc, nên những lính canh cũng rất tận tâm trong việc canh thức. Dù tự nguyện hay cưỡng ép, những người canh mộ Chúa đã có dịp chứng kiến một phép lạ phi thường: Đức Giê-su từ cõi chết sống lại.

    Các môn đệ và nhất là mấy người phụ nữ đã tham gia việc canh thức. Họ đã được chứng kiến các việc Thầy mình làm, họ cũng được chứng kiến cuộc khổ nạn của Đức Giê-su; các bà đã đứng dưới chân Thập Giá, các bà chứng kiến họ đã táng xác Người; giờ đây các bà muốn đến mộ Chúa để xức dầu thơm cho Người. Chính vì tình yêu, các bà đã canh thức với Chúa và các bà đã chứng kiến việc Thầy mình sống lại qua ngôi mộ trống: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu”(Ga 20,2).

    Giáo hội Công Giáo, và mỗi Kitô hữu cũng đã trải nghiệm cuộc canh thức. Mỗi người cũng đã được chứng kiến cuộc tưởng niệm sự Thương khó Chúa, ăn chay hơn các ngày khác, lột bỏ con người cũ để trở thành con người mới qua Bí tích Giao hoà. Mỗi người cũng đã bước theo đường Thập giá để qua đêm canh thức này, mỗi người được chứng kiến cuộc tưởng niệm vĩ đại: Đức Giêsu tự mình sống lại, đem lại sự sống đời đời cho toàn thể nhân loại.

     Đêm nay mọi người chứng kiến anh em tân tòng được gia nhập Ki-tô giáo qua Bí tích Rửa tội. Những người này cũng đã canh thức với Chúa qua việc học kinh tìm hiểu giáo lí, tham gia các lễ nghi tưởng niệm và trong tâm tình chờ đợi có ngày hôm nay, họ đã được ánh sáng Phục Sinh chiếu toả, để họ có được những ngày mới đầy ân sủng với danh nghĩa là Kitô hữu.

         2. Chúa sống lại

    Cuộc động đất là dấu hiệu đầu tiên cho việc Chúa Giê-su sống lại. Những diễn biến đã xảy ra sau cái chết của Chúa: đất động, màn nhà thờ xé ra, đá lở, mồ mả mở toang(Mt 27,51-52); việc Chúa sống lại cũng xảy ra cuộc động đất tương tự. Kinh Thánh cũng thường nhắc tới sự hiện diện của Chúa qua các cuộc rung chuyển ở Si-nai(Xh 18,19), rồi ở Hô-rep (IV 19,11), đặc biệt cuộc rung chuyển trái đất sẽ diễn ra trong ngày Cánh chung, ngày mà Thiên Chúa đến để xét xử trần gian. Cuộc động đất nơi mộ Chúa là biểu hiện Thiên Chúa đã phục sinh, đánh bại tử thần để mọi người được sống lại với Người.

    Tảng đá lăn đi là dấu hiệu Chúa đã ra khỏi mộ. Cuộc động đất nơi mộ Chúa, có liên hệ tới việc tảng đá mà người ta dùng để lấp mộ Chúa: “Bà Ma-ri-a Ma-đa-le-na đi đến mộ thì thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ.” Tảng đá đối với Ma-ri-a là thất vọng, mọi sự đã kết thúc "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Ngài ở đâu.” Đời người thường có một tảng đá vô hình, đè nặng trong tâm hồn, như tảng đá tham lam đè nặng Giu-đa, làm ông phản bội Chúa và kết thúc cuộc đời bằng cái tròng treo cổ; người ta cũng thường bị những tảng đá đam mê, hận thù, ghen ghét đè nén làm tan nát đời người. Tuy nhiên, với Gio-an, tảng đá lăn ra lại là niềm hi vọng: "Ông đã thấy và đã tin." Tảng đá đã được lăn ra khỏi mộ Chúa, để đưa ra khỏi mộ hết mọi người: “Này Ta mở cửa mồ cho Ngươi. Ta sẽ đem Ngươi ra khỏi mồ”(Ed 37,12).

    Các Thiên Thần xuất hiện bên mồ là dấu hiệu khác của Chúa Ki-tô Phục sinh. Thánh Kinh đề cập rất nhiều lần việc “Thiên thần từ Trời xuống.”  Việc Thiên Thần xuất hiện bên Mộ Chúa ngay sau cuộc động đất, và ngồi trên hòn đá lăn ra, bổ sung vào màu nhiệm Phục Sinh. Đây chính là Thiên thần của Chúa, với dung mạo sáng láng, mà người ta thấy trong Đa-ni-en hay trong cuộc Biến hình của Chúa. Các Thiên thần đã thông tin việc Chúa Ki-tô đã sống lại đích thực: “Đừng tìm Người sống nơi kẻ chết, Người không có ở đây, Người đã sống lại rồi.”

         3. Chứng nhân

    Các phụ nữ là những người đầu tiên, phát hiện ra việc Chúa không còn ở trong mộ. Đây là kết quả của những tình cảm dồi dào và sâu nặng mà họ dành cho Chúa; các bà không sợ nguy hiểm rình rập từ nhiều phía, họ vẫn một mực ra Mộ để viếng xác, xức dầu thơm cho Chúa. Họ đã được gặp gỡ Thiên thần Chúa và đã được thông báo là Đức Ki-tô không còn trong Mộ nữa, Người đã sống lại: “Đừng sợ, hỡi các bà…” Rồi cũng chính các bà đã hạnh phúc trực tiếp gặp Chúa; họ đã được tiếp sức để là những chứng nhân đầu tiên thực hiện sứ vụ Chúa trao phó: “Hãy về báo tin cho anh em hay...” Từ chỗ hoảng sợ, đến chỗ vội vã rời khỏi mồ và chạy để “loan tin” Đấng Phục Sinh. Các bà là những chứng nhân tuyệt vời của Chúa Ki-tô.

    Các Tông đồ là những chứng nhân tiếp theo của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Nghe mấy phụ nữ loan tin về chiếc mồ trống, dù trong lúc thất vọng vì hoảng sợ, các môn đệ như Phê-rô và Gio-an đã vội vã ra mồ; họ đã chứng kiến những gì đã diễn ra đúng như Kinh Thánh. Sứ điệp Phục Sinh đã bén rễ trong tâm hồn các môn đệ và sau khi được Chúa hiện ra củng cố niềm tin của họ trước khi Người về trời, các ông đã mạnh dạn ra đi loan báo tin mừng Phục Sinh cho toàn thể nhân loại bằng cả chính sự sống của mình, để làm chứng cho sự kiện trọng đại này.

    Mỗi người cũng phải là chứng nhân của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Hằng năm người Ki-tô được tưởng niệm cuộc đời của Đức Ki-tô và sự phục sinh của Người. Họ hiểu rằng cái chết không phải là ngõ cụt, là kết thúc, mà là bắt đầu cuộc sống mới. Có biết bao thảm kịch diễn ra trong đời người: tai nạn giao thông, nạn nhân của chiến tranh huỷ diệt, chiến tranh hoá học, chiến tranh tôn giáo; nhiều nhà thờ bị phá huỷ, nhiều người tốt lành bị thiệt phận, bị giết oan. Nếu Chúa Ki-tô không phục sinh thì kẻ gian thắng thế, tung hoành, người hiền lành mãi chịu thiệt thòi. Nhưng không, Đức Ki-tô đã sống lại, làm bẽ mặt những kẻ kiêu ngạo, gian tham và vực dậy những tâm hồn sầu khổ.

    Người Ki-tô chúng ta sau khi được tiếp sức qua sự kiện Phục Sinh, phải biết ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa cho mọi người xung quanh, để họ được chung chia niềm vui hạnh phúc với Đức Ki-tô, Đấng sẽ cho mọi người được sống lại trong ngày sau hết.

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan