LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
CN XXIX THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Mc 10,35-45)
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: "Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy". Người hỏi: "Các con muốn Thầy làm gì cho các con?" Các ông thưa: "Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy". Chúa Giêsu bảo: "Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được". Chúa Giêsu bảo: "Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định."
Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: "Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người"
CẠNH TRANH
Dàn Ý
1. Cạnh tranh
- Cạnh tranh: Theo từ điển Việt, là ‘cố giành phần hơn về mình giữa cá nhân, tổ chức với các lợi ích như nhau.’
- Cạnh tranh là khái niệm rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hoá, thể thao.
- Nhiều khái niệm và cách hiểu về cạnh tranh: Cạnh tranh lành mạnh, không lành mạnh, cạnh tranh thuần túy.
- Cạnh tranh tôn giáo thường diễn ra do cách giải thích khác nhau về nguồn gốc, hoạt động của tôn giáo, niềm tin, hay các quan niệm về thế giới, con người.
2. ‘Cạnh tranh’ trong đoạn TM Maccô (Mc 10 42-45)
- Giacôbê và Gioan đến xin Chúa quyền lợi: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy” (Mc 10, 36).
- Các môn đệ khác không vui: “Mười môn đệ kia nghe chuyện liền bực với Giacôbê và Gioan” (Mc 10,41).
- Đức Giêsu lấy mình để dạy bài học: “Con Người không đến để được phục vụ, mà để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mc 10,45).
3. Cạnh tranh trong cuộc sống
- Có thứ cạnh tranh quyền lực. Thế gian không ngừng tranh giành chức quyền. Người ta dùng tài chính, quân sự, chiến tranh để duy trì thế lực. Chúa Giêsu đã trốn chạy làm vua theo kiểu nhân loại, chỉ có giành giật, bất công; mà Ngài đã nêu gương tinh thần hy sinh và khiêm nhường để phục vụ tha nhân như một người đày tớ.
- Có thứ cạnh tranh kinh tế. Người ta tìm mọi cách để có của cải vật chất; từ cá nhân, đoàn thể, cũng như quốc gia. Cạnh tranh giữa những người sản xuất, giữa kẻ bán, người mua. Cạnh tranh tài nguyên, thiên nhiên, nhân sự, thị trường. Cạnh tranh có thể là động lực thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, nhưng nó cũng dễ dẫn đến chiến tranh phá hại. Con người phải biết sống công bằng với món quà Chúa đã ban tặng.
- Có thứ cạnh tranh ý thức hệ. Người ta tranh nhau thể hiện quan điểm của mình. Có biết bao chủ thuyết, thể chế và ai cũng cho mình là nhất, bắt người khác phải quy thuận mình. Nó ảnh hưởng đến mọi lãnh vực, mọi dân tộc, quốc gia, tôn giáo. Đức Giêsu dạy bài học chia sẻ, cảm thông, thay vì cạnh tranh độc quyền. Kitô hữu coi mình là hình ảnh Chúa, phải biết sống vì mọi người.
- Có thứ cạnh tranh trong tôn giáo. Có người nghĩ, cần có ‘cạnh tranh lành mạnh trong tôn giáo’ để nên tốt hơn. Hội đoàn, giáo xứ, thi thố ‘cái tôi,’ rước phách linh đình, công trình đồ sộ! Liệu có quá vô tâm khi vẫn gửi bì thư xin tiền đến những gia đình túng thiếu, ốm đau không? Đức Giêsu khuyên không nên cạnh tranh tôn giáo: “Đừng cấm, họ nhân danh Thầy làm phép lạ.”
- Truyện: Sophie đi ở, coi con ông Merston. Ông cấm giảng đạo cho con ông. Sophie ghi ít chữ vào miếng giấy bỏ vào huy chương do ba của cô trối lại và đeo vào cổ. Sophie tận tâm nên các con Merston ngoan và giỏi. Nhưng vì thế Sophie kiệt sức và chết. Merston mở mảnh giấy đọc: “Khi cấm nói về đạo, tôi cố sống đạo với họ.” Cảm phục Sophie, cả nhà Merston theo đạo! (ST)
- Mỗi Kitô hữu hãy tự đặt câu hỏi, tôi phải làm gì để giúp đỡ những người xung quanh tôi? Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết làm cuộc sống có ý nghĩa, sống hòa đồng để xây dựng một thế giới hạnh phúc.
Suy Niệm
Hai anh em con ông Giê-bê-đê là Gio-an và Gia-cô-bê, xin Đức Giê-su được ngồi bên tả bên hữu Chúa trong nước Trời, đã gây bất bình với các Tông đồ. Đức Giê-su diễn tả cho các môn đệ thấy thế nào là quyền bính, đặc biệt Người nhấn mạnh đến tinh thần phục vụ.
Người ta ngạc nhiên, dù đã được Đức Giê-su nhắc nhiều về con đường đau khổ Người sẽ đi, mà vẫn có những môn đệ như Gia-cô-bê và Gio-an xin được ngôi bên tả, bên hữu Chúa? Liệu các ông có nghĩ đến những người anh em Tông đồ khác cùng đi theo Chúa như các ông? Tại sao Đức Giê-su lại nói đến phép Rửa ở đây?
1. Tranh giành ngôi thứ
Đức Giê-su tuyển chọn các môn đệ để tiếp nối sứ vụ của Người: Họ là những người làm chứng cho những gì họ đã xem và nghe; họ phải thống nhất với nhau để loan Tin Mừng cho mọi người. Giáo hội mà Đức Giê-su đang thành lập phải là một cơ cấu, có người lãnh đạo như bất cứ tổ chức nào khác trên thế gian, để duy trì tổ chức và để thực hiện mục tiêu có kết quả.
Hai con ông Gia-cô-bê là Gio-an và Gia-cô-bê, cũng như các Tông đồ, đều nghĩ đến vị trí của mình trong tổ chức mà Đức Giê-su sẽ thiết lập. Hai ông chớp thời cơ là những người được Chúa yêu, xin được ngồi bên tả bên hữu Thầy. Các ông vẫn nghĩ đến nước trần gian, nơi đó có quyền lực, có địa vị, lợi lộc. Điều này đã gây bất bình với các Tông đồ khác, cho rằng hai anh em định phỗng tay trên quyền lợi của họ. Không những thế, lời thỉnh cầu rất vô duyên, trong khi Thầy mình đang nói về cuộc Thương khó và cái chết, các ông lại tranh giành ngôi thứ cho mình. Các ông vẫn còn mang bản chất của con người: tham vọng, quyền lợi, vinh quang; các ông chưa hiểu hết những gì Chúa làm và Chúa muốn các ông cùng thực hiện, Người quở trách các ông: ''Các anh không biết các anh xin gì?''(Mc 10,38a). Chúa dạy cho các ông bài học thế nào là người làm lãnh đạo.
2. Để làm người lãnh đạo
Đức Giê-su thiết lập Giáo hội và Người đặt ra những tiêu chuẩn cho một người lãnh đạo trong Giáo hội:
Đoạn Tin Mừng đề cập tới quyền bính: Đã có tổ chức thì phải có lãnh đạo để điều khiển, đã có nhà nước thì phải có quyền bính để duy trì Tổ quốc, giữ gìn trật tự, bảo vệ quyền lợi cho mọi người. Có nhiều loại quyền bính: có thứ quyền do thừa kế, cha truyền con nối; có thứ quyền hành do bình bầu, chọn lựa; có thứ quyền áp đặt, thống trị; có thứ quyền bình đẳng dân chủ, đó là quyền lực dựa trên lợi ích chung, đồng hành với quần chúng. Thế gian thường lợi dụng quyền bính để trục lợi, họ sẽ trở thành những người quan trọng, thống trị người khác, hưởng đặc quyền đặc lợi, lương cao, họ có dịp để trả thù làm hại người khác. Tham vọng quyền lực đã trở thành một mãnh lực mê hồn làm cho người ta điên đảo tìm kiếm, cạnh tranh, ghen ghét. Các Tông đồ tranh luận ai là người làm lớn, các ông cũng có những tham vọng quyền chức địa vị, danh lợi.
Đức Giê-su nhấn mạnh vai trò phục vụ trong quyền bính, Chúa phán: ''Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người''(Mc 10,43-44). Quyền bính trong Giáo hội, không phải là thứ ham muốn tìm kiếm, mà chỉ trao cho những ai có tinh thần phục vụ. Đức Giê-su không muốn các môn đệ bị lôi cuốn vào những cuộc tranh giành ngôi thứ. Trong Giáo hội của Người, mọi người phải bình đẳng, tất cả là anh em với nhau con một Cha trên Trời. Những người làm lớn là những người phục vụ, làm đầy tớ mọi người. Chính Đức Giê-su nêu cao tinh thần phục vụ, Người đi khắp hang cùng ngõ hẻm để thăm người nghèo, cúi mình trên các bệnh nhân, bê nước rửa chân cho các môn đệ, Người đã từ chối cám dỗ của Sa-tan để thống trị các dân tộc. Đối với Đức Giê-su, quyền bính là thực hành giới luật yêu thương, lãnh đạo bằng cảm hoá, gương sáng và phục vụ hết mình.
3. Để làm môn đệ Chúa
Để làm người lãnh đạo, là môn đệ đích thực của Chúa, Đức Giê-su còn đòi họ phải đi theo con đường của Người:
Hãy uống chén Thầy: Trước những đòi hỏi lộ liễu và vô lí của hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an, Đức Giê-su nhìn họ với ánh mắt thông cảm. Các ông là con người, các ông chưa biết được những gì các ông sẽ phải đón nhận, nếu các ông tiếp tục làm môn đệ Chúa, Người nói với họ: ''Các anh không biết việc các anh xin gì, các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống không?''(Mc 10,38). "Chén" ở đây hiểu theo nhiều nghĩa, có thứ chén lâm li ngọt ngào, nhưng có thứ chén nhạt phèo vô vị; có thứ chén đầy tràn sung mãn, nhưng có thứ chén trống rỗng, nghèo nàn. Trong Kinh Thánh hay nói đến thứ chén đắng cay đau khổ. Đức Giê-su cũng sẽ phải uống thứ chén đắng đến mức độ Người dường như chùn bước, Người than thở: ''Cha ơi, nếu được xin Cha cất chén này khỏi Con''(Mt 26-39). Các Tông đồ không biết có hiểu hết được ý nghĩa của chén này và cứ thưa đại với Thầy là sẽ uống và thực sự sau này họ đã uống chén đắng của Chúa. Cuộc đời mỗi người, muốn có chén ngọt ngào vinh quang, thì trước hết cũng phải chia sẻ chén đắng của Đức Giê-su.
Hãy chịu phép Rửa của Thầy: Thực ra phép Rửa Chúa nói đây cũng đồng nghĩa với việc uống ''Chén Ta.'' Phép Rửa nói lên những hành động, sóng vỗ, chìm ngập, rửa sạch. Phép Rửa Chúa nói đây là dấn chìm, ngập máu, Người sẽ bị dìm vào phép rửa bằng máu, bị vùi dập bằng những cú đánh tả tơi, cây thập giá nặng nề, và chết trong dòng máu của đau khổ. Mỗi người cũng sẽ được chịu phép Rửa bằng Máu của Đức Ki-tô, đó là những thử thách hằng ngày trong cuộc sống mỗi người.
Không được ghanh tị: Qua việc xin xỏ ngôi thứ và sự tranh cãi của các anh em Tông đồ, Đức Giê-su dạy họ bài học của sự khiêm nhường. Chúa nói, "Người không có quyền,'' chính Người cũng vâng phục Chúa Cha. Tất cả địa vị quyền chức, đều do bởi Chúa ban, không nên tranh giành, ganh tị với nhau. Chúa muốn Nước Chúa không giống như các nước trần gian. Nước Chúa không có chỗ cho thống trị, áp bức, cạnh tranh, mà là Nước trong đó quyền bính dựa trên tình thương.
Xin Chúa giúp chúng con hiểu biết được giá trị của phục vụ để thực hành Lời dạy và làm theo gương sáng của Đức Kitô trong hành động của mỗi người chúng con.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 97 | Tổng lượt truy cập: 4,258,031