Chúa Nhật XIV TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 04/07/2024
  • Chủ đề: Sứ vụ Ngôn sứ

     

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc. 6, 1-6)

    Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: "Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?" Và họ vấp phạm vì Người.

    Chúa Giêsu liền bảo họ: "Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình". Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy.

    THÀNH KIẾN

    Dàn Ý

    1. Thành kiến

    - Thiên kiến, biaces: là nhìn vấn đề không đầy đủ, phiến diện, không trung lập, nghiêng về một phía, thiếu công bằng, suy nghĩ thiên lệch, thiếu khách quan, ý kiến thiên vị, áp đặt. 

    - Thành kiến, prejudice: ​​là những ý kiến đã định hình trước các dữ kiện thực tế, đánh giá chủ quan về tuổi tác, giới tính, chính trị, tôn giáo, chủng tộc, ngôn ngữ, đặc điểm.

    - Định kiến, prejudice: Như thành kiến, nhưng định kiến là cách nhìn sai lệch cố định về người hay vật, còn thành kiến là những ý kiến đã ‘thành rồi,’ thành nếp suy nghĩ cố hữu.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về thành kiến

    - Ezekien nói về những đứa con cố chấp: Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: ‘Đức Chúa phán thế này’ (Ed 2,4).

    - Người đồng hương có thành kiến về vai trò của Đức Giêsu: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là sao?” (Mc 6, 2).

    - Người đồng hương thành kiến về lí lịch của Đức Giêsu: “Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria sao?” (Mc 6,3).

    3. Xóa bỏ thành kiến

    - Hãy xóa bỏ thành kiến về thân phận gia đình. Itrael quan điểm Đấng Cứu Thế phải đến từ dòng dõi sang trọng, nhưng Đức Giêsu lại sinh ra nơi gia đình bần hàn, nên họ coi thường Ngài. Nhiều người có chút điều kiện, con ông cháu cha, nên coi thường hạng ‘bạch đinh.’ Nhưng Chúa đã nói, chỉ những ai thi hành ý Chúa, mới là anh chị em của Chúa.

    - Hãy xóa bỏ thành kiến về coi trọng hình thức. Itrael không tin Đức Kitô, vì không thấy nơi Ngài tướng mạo của Đấng cứu thế. Dìm hàng, chê bai đã thành thói quen của con người, ‘trông mặt mà bắt hình dong.’ Người ta thích thờ bò vàng lấp lánh hơn thờ Thiên Chúa. Khổng Tử cũng nói: “Người tôi yêu chưa chắc đã tốt; người tôi ghét chưa chắc đã xấu.”  

    - Truyện: Một thợ mộc làm việc, có cậu bé ngồi xem. Lúc cần búa, tìm không thấy, nghi đứa bé ăn cắp. Nhìn mặt nó đúng là mặt kẻ ăn cắp. Nghe nó nói đúng là giọng kẻ ăn cắp. Sau một lúc, ông thấy lại cái búa. Nhìn lại, thấy mặt mũi nó hiền lành, khác với mặt đứa ăn cắp búa. Nghe nó nói, đúng là con nhà gia giáo, khác với lời nói của thằng ăn cắp búa.

    - Hãy xóa bỏ thành kiến về địa vị giai cấp. Dân làng Nagiarét biết rõ Đức Kitô xuất thân từ gia đình hạ lưu: “Ông chẳng phải bác thợ mộc, con Maria sao?” Họ coi trọng của cải, địa vị mà bỏ qua tình thương, công lý. Nhiều kẻ đuổi theo đại gia, ‘ông to bà lớn,’ hơn là nghe theo sứ giả của Chúa.

    - Hãy xóa bỏ thành kiến về phán đoán cá nhân. Người ta hay cố thủ trong pháo đài của mình. Đeo kính màu gì thì nhìn cảnh vật ra màu đó. Họ đưa người khác vào tầm nhìn hạn hẹp của mình. Chê bai xuất phát từ ghen tị, ích kỷ, kiêu kì. Mc. Kenzie nói: “Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi.”

    - Thành kiến, chê bai gây tác hại đến cuộc sống. Tin Mừng mời gọi mọi người phải xác định lại lập trường. Phải qua lăng kính đức tin, người ta mới tìm ra sự thật, và mạnh dạn chia sẻ với anh em của mình.

    SỨ VỤ NGÔN SỨ

    Suy Niệm

              Đoạn Tin Mừng Thánh Mac-cô thuật lại câu truyện Đức Giê-su về quê Na-da-ret và giảng dạy ở hội đường ngày thứ Bảy, người đồng hương nửa ngạc nhiên, nửa khinh thường về thân thế bình thường của Người.

              Người ta thắc mắc tại sao Đức Giêsu không làm phép lạ để chia sẻ niềm vui với người quê hương? Tại sao người It-ra-en không thừa nhận phép lạ khi chứng kiến Chúa chữa bệnh quá dễ dàng? Tại sao người đồng hương đang ngưỡng mộ Đức Giê-su lại có thể nhanh chóng thay đổi sang thái độ căm thù? Và tại sao Đức Giê-su lại ngạc nhiên về sự cứng lòng tin của họ, trong khi Người vẫn cho rằng một Ngôn sứ thường bị bạc đãi ở quê hương?

              1. Vị Ngôn sứ tại quê hương  

              Đức Giê-su về quê Na-da-ret sau những ngày đi giảng dạy, làm phép lạ, cụ thể là sau phép lạ chữa bệnh cho một người đàn bà loạn huyết và làm cho con gái ông trưởng hội đường sống lại. Na-da-ret là quê hương, mà Đức Giê-su đã sống trong gia đình cùng với Thánh Giuse và Đức Ma-ri-a. Đó là nơi Chúa lớn lên, làm việc và trưởng thành. Quê hương đối với Người là những kỉ niệm tốt đẹp, là "chùm khế ngọt," những tình cảm khó quên,  Đức Giê-su cũng cảm nghiệm được điều đó khi Người vào hội đường ngày nghỉ lễ và giảng dạy. Người đồng hương thích thú và ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Người.

              Người đồng hương thay đổi thái độ nhanh chóng: Sau một hồi thán phục, vì được xem Đức Giê-su giảng dạy và chữa bệnh, họ chợt nhớ ra nguồn gốc của Người, thân thế Người, chẳng có gì đáng để ý. Cha của Người, một người làm nghề thợ mộc rất bình thường; Mẹ của Người là bà Ma-ri-a cũng là anh em với họ, giản dị đơn thường! Họ cũng biết rất rõ về Đức Giê-su, cùng lớn lên với họ, cũng làm nghề mộc, cùng đi đến trường học như họ. Cậy là người đồng hương, họ muốn Đức Giê-su cống hiến nhiều hơn, làm phép lạ kinh thiên động địa để họ thưởng ngoạn. Họ không tin tưởng vào Lời dạy của Người, họ đòi kiểm nghiệm. Hơn nữa, khi họ thấy Đức Giê-su nhấn mạnh về "sự từ bỏ," là thứ họ không muốn, họ không hi vọng Người sẽ đem lại lợi ích về kinh tế, chính trị như họ nghĩ và họ đã xúc phạm đến Người.

              Các Ngôn sứ trước đây cũng đã từng bị đối xử như vậy: Người It-ra-en coi thường các Ngôn sứ vì cũng là đồng hương với họ. Chính Đức Giê-su cũng đã xác nhận: "Không Tiên tri nào được trọng dụng ở quê hương"(Ga 1,44). Người thế gian thường cố gắng "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau," nhưng các Ngôn sứ là những người mang lệnh Chúa, phải nói thẳng, nói thật, phải can đảm vạch tội kể cả vua quan để bảo đảm công lí, khiến người It-ra-en lên án giết họ.

              2. Tiếp nối sứ vụ

              Trước những đòi hỏi của người đồng hương, Đức Giê-su vẫn duy trì quan điểm và tiếp tục sứ vụ truyền giảng Tin Mừng:

              Đức Giê-su từ chối không làm phép lạ trước đòi hỏi của người đồng hương: Mặc dầu biết trước, nhưng Đức Giê-su vẫn ngạc nhiên với thái độ cứng lòng của người It-ra-en, vì so với các Ngôn sứ, Người đã làm những việc lớn hơn nhiều, Người thực hiện những gì các Ngôn sứ thông báo, chữa bệnh, làm phép lạ, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Dẫu sao Đức Ki-tô cũng bị người ta đối xử như các Ngôn sứ xưa vậy.

              Có thể người ta coi đây là một thất bại đối với sứ vụ của Đức Giê-su: Bị người khác từ chối thường làm con người tổn thương, bị người đồng hương từ chối lại càng đáng buồn hơn. Đức Giê-su bị "phơi áo" trên sân nhà! Tuy nhiên, Chúa vẫn để quyền tự do cho con người lựa chọn: tin hay không tin. Trước sự cứng lòng quá đáng của người đồng hương, Đức Giê-su đã không làm phép lạ nào. Để được hưởng phép lạ, phải có điều kiện, họ phải tin và đón nhận người.

              Đức Giê-su tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng: Người nói với các môn đệ, "Chúng ta hãy đi nơi khác đến các làng xã xung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa"(Mc 1,38). Do bị bao vây bởi những thành kiến, người đồng hương Chúa đã đánh mất thời cơ chứng kiến những điều kì diệu; cơ hội giờ đây đến với người khác, những người biết khiêm nhường đón nhận. Đức Giê-su thực hiện sứ vụ rao giảng Lời Chúa, đem Tin Mừng cho người nghèo và làm phép lạ củng cố Lời giảng. Đức Giê-su cũng sai các Tông đồ đi rao giảng. Chúa cần sự cộng tác của con người. Họ cũng sẽ vấp phải những ngáng trở, cố chấp, từ chối... nhưng người môn đệ Chúa sẽ không thất vọng. Trước mặt Chúa, mọi người, nam, nữ, già trẻ... đều là đối tượng quan tâm của Người.

              3. Đón nhận Tin Mừng

              Đoạn Tin Mừng nhắn gửi mỗi người bài học thực hành:

              Hãy tin: Trước sự cứng lòng tin của người đồng hương, Đức Giê-su đã không làm phép lạ nào. Qua việc này cho người ta thấy tương quan giữa phép lạ và niềm tin: phép lạ chỉ xảy ra khi người ta tin và chấp nhận. Người It-ra-en không tin, vì họ chỉ nhìn thấy quá khứ tầm thường về Đức Giê-su, nên họ không nhận ra Người là Ngôn sứ, họ không thấy những gì trổi vượt theo như họ tưởng, nên họ không thể nhận ra Người là Đấng Cứu thế; Thiên Chúa "chào thua" trước sự cứng lòng tin của con người! Ngày nay không thiếu những người ham danh chuộng lạ, nhiều người quá nhờn với nghi lễ phụng vụ, khinh thường các bí tích, đi tìm cảm giác mới ở những nơi xa lạ, tập thiền trong các đền chùa miếu mạo. Danh Ki-tô hữu thôi chẳng đem lại lợi ích gì, cần phải để ơn Chúa biến đổi con người của mình.

              Hãy rũ bỏ thành kiến: Trong cuộc sống, sự thành đạt của con người phụ thuộc rất nhiều vào chọn lựa đầu tiên của ngày khởi nghiệp. Một người có nhiều kiến thức thông minh, nhưng lựa chọn công việc làm ruộng ở vùng quê; ban đầu đối với anh là thuận lợi, nhưng anh ít có cơ hội để làm thương gia nổi tiếng, anh không có can đảm để đổi nghiệp; cuộc sống của anh sẽ mãi với những gì anh đã bắt đầu. Trong khi đó có những người vất vả ban đầu, nhưng lại thành công trên thương trường hay vũ đài chính trị. Xã hội Việt nam còn bị ảnh hưởng tư tưởng nhiều vào "số phận." Người It-ra-en bị kẹt cứng với nếp sống quen thuộc, với những luật lệ lâu đời, họ không thể nhìn ai đó vượt ra ngoài tầm nhìn của họ; họ nhìn Đức Giêsu với những định kiến. Đức Giê-su về quê chỉ càng làm cho họ tò mò, xét nét, phê bình và cuối cùng họ xúc phạm đến Người.

              Ngày nay con người bị vẫn ảnh hưởng rất nhiều với những thành kiến hẹp hòi, họ từ chối cơ hội để phát triển; thay vì chấp nhận, phấn đấu thì họ đã bác bỏ, ganh tị. Xin Chúa giúp chúng con hiểu Lời Chúa để thực hiện trong cuộc sống và không bao giờ làm Chúa "buồn" vì chúng con.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan