Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật XIII TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 28/06/2024
  • Chủ đề: Niềm tin phục hồi và cứu sống

     

     

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc. 5, 21-43)

    Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

    {Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.}

    Lúc đó người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi," nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

    HÃY GẦN GŨI

    Dàn Ý

    1. Đụng chạm gần gũi

    - Đụng: Là sờ, đụng chạm, đâm, tiếp xúc, xúc phạm.

    - Gần gũi: Là thân mật, gần gũi, hiệp thông, tình cảm.

    - Vỗ về, gần gũi: Là yên ủi nhau trong lúc khó khăn.

    - Đặt tay: Là chữa bệnh, luân sa; Nghi thức trong các Bí tích, như truyền chức, xức dầu, đặt tay ban phép lành.

    2. ‘Đụng chạm’ trong đoạn TM Maccô (Mc 5, 21-4)

    - Đức Giêsu biết có người đụng vào áo, vì thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5,30).

    - Đức Giêsu cầm tay bé gái nói: “Talitha kum,” nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được” (Mc 5,41).

    3. Đừng sợ và hãy gần gũi

    - Đức Giêsu gần gũi giúp người ta hết sợ về cuộc sống thể chất. Sợ hãi là tâm chung của con người. Họ sợ bệnh tật, sợ khổ, sợ nghèo, sợ tai nạn. Các môn đệ sợ bão, người đàn bà sờ vụng’ vì sợ bị la ó. Đức Giêsu vượt ra khỏi mọi ‘sợ hãi’ để lo cho nhu cầu con người, bất chấp luật Itrael cấm gần người đã bị dơ, bất chấp nguy hiểm.

    - Đức Giêsu gần gũi giúp người ta bớt sợ hãi về tinh thần. Người phụ nữ bị bệnh ô uế đã 12 năm, lo lắng, tủi nhục, phải cách ly mọi người, không được tham gia phụng vụ, nhưng Chúa Giêsu chấp nhận để bà đụng vào áo mình cho bà được an tâm. Khi người ta sống gần gũi Chúa và tha nhân, thì tâm hồn bình an, không còn sợ hãi nữa.

    - Đức Giêsu gần gũi giúp người ta tăng niềm tin. Người đàn bà nghe nói về quyền năng Chúa Giêsu, đã mạnh dạn đụng vào áo Người với lòng tin mãnh liệt, ‘dù chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.’ Đức Giêsu nhấn mạnh niềm tin, qua việc xác nhận lòng tin của bà, nên cho bà khỏi bệnh: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.”

    - Đức Giêsu gần gũi nhắc mọi người hãy đến với Chúa. Đức Giêsu biết ý định của phụ nữ Canaan khi đụng áo Người: “Ai đã đụng đến Ta?” Chúa cũng biết luật Itrael, ai để người bệnh loạn huyết sờ áo, cũng sẽ ra ô uế. Đức Giêsu chấp nhận hành vi đó, và còn chữa bệnh cho bà. Kitô hữu hãy đụng đến Lời Chúa Thánh Thể; bằng miệng, bằng tay và bằng cả trái tim nữa.

    - Truyện: Cụ bà năng đến nhà thờ cầu nguyện. Có cậu bé nấp sau bàn thờ theo dõi và nghe bà cầu xin:“Lạy Chúa, con đã già và sống đủ. Bất cứ lúc nào Ngài gọi, con sẵn sàng.” Bà cầu nguyện ba ngày như vậy. Ngày thứ tư, sau khi bà cầu nguyện, cậu bé giả giọng nói vọng ra từ sau bàn thờ: “Ta đã nghe lời cầu xin của con, Ta sẽ đến đón con lúc chín giờ sáng mai.”Bà về nhà, không sao ngủ được vì lo lắng. Bà ân hận vì những gì bà đã cầu nguyện (ST).

    - Đức Giêsu gần gũi nhắc mọi người gần gũi anh em. Đức Giêsu từng sờ mắt, tai, lưỡi, xoa trên cơ thể người bệnh, ôm trẻ nhỏ. Đối xử với ai thế nào thì họ cũng sẽ đáp trả lại mình như vậy. Nếu mình luôn đối xử thân thiện, gần gũi, thì mọi người cũng sẽ trả lại ánh mắt dịu hiền, nụ cười hạnh phúc, giúp biến đổi cuộc sống của con người nên hoàn thiện hơn.

    NIỀM TIN PHỤC HỒI VÀ CỨU SỐNG

    Suy Niệm

              Đoạn Tin Mừng thánh Mac-cô thuật lại câu truyện Đức Giê-su làm phép lạ chữa lành cho một người đàn bà bị bệnh loạn huyết được phục hồi và cứu sống cho bé gái con ông trưởng hội đường It-ra-en.

    Người ta phân vân tại sao Chúa gọi sự chết là giấc ngủ? Có sự liên hệ gì giữa Đức Giê-su và cái chết?  Phải chăng Đức Giê-su không tuân giữ Lề luật khi Người đụng vào xác người chết mà theo luật It-ra-en, làm như vậy sẽ bị ra dơ bẩn? Tại sao Chúa bắt giữ bí mật phép lạ?

    1. Những bệnh nhân kêu cứu

    Câu chuyện diễn ra sau phép lạ Chúa Giê-su ra lệnh cho gió bão trên biển yên lặng. Đức Giêsu và các môn đệ đến Ca-pha-na-um và quần chúng kéo đến với Người. Đức Giêsu tiếp tục rao giảng, chữa bệnh, xua quỷ ám. Chúa làm phép lạ, một mặt là kiện toàn sứ vụ mà sách Khôn ngoan và các Ngôn sứ loan báo, mặt khác là để biểu hiện tình thương của Thiên Chúa đối với con người, Người dựng nên họ không để huỷ diệt, mà để họ được sống hạnh phúc mãi mãi.

              Ông Giai-a, trưởng hội đồng It-ra-en đã xuất hiện và xin Đức Giê-su chữa bệnh cho con gái 12 tuổi của ông bị bệnh trầm trọng nguy chết. Khi Đức Giê-su tiếp nhận lời cầu xin của mình, ông Giai-a đưa Chúa và các môn đệ về nhà. Ông thất vọng khi nghe tin con gái ông đã chết, có lẽ vì quá nhiều người đến xin Chúa điều nọ điều kia, nên làm mất thời gian trên đường đi. Giai-a chỉ xin chữa bệnh, ông đâu có ngờ Chúa có thể làm cho kẻ chết sống lại. Trước mặt đám đông đang khóc lóc, Chúa đưa ba môn đệ tới chỗ con gái của ông Giai-a và Chúa cho cô sống lại.

              Người phụ nữ mắc bệnh loạn huyết 12 năm tiếp cận Chúa trên đường đi, hi vọng được Đức Giê-su chữa khỏi bệnh cho bà. Bất chấp bà đang bị dơ, theo luật không được phép gần người khác, bất chấp đám đông đang chen lấn, bất chấp nỗi lo sẽ bị Chúa phát hiện và bị người ta chê cười, bà đã mở con đường đến với Đức Giê-su và âm thầm đụng vào gấu áo Người, bà đã được khỏi bệnh.

              2. Đức Giê-su hành động

              Người phụ nữ không tự nhiên khỏi bệnh, bé gái không thể sống lại nếu không có sự can thiệp của Đức Giêsu, những hành động đầy tình thương và quyền năng của Thiên Chúa:

              Đức Giê-su để người phụ nữ đụng tới gấu áo Mình: Người tỏ quyền năng Thiên Chúa khi làm phép lạ cho bệnh nhân được khỏi. Trước một đám đông chen lấn, với một cử chỉ nhẹ nhàng, đụng vào gấu áo cũng không dấu nổi Đức Giê-su, vì Người cảm thấy một sức mạnh mầu nhiệm phát ra từ nơi Người. Một người phụ nữ bị bệnh loạn huyết đã 12 năm, tốn nhiều tiền thuốc, gặp nhiều thầy lang, nhưng vẫn bất lực. Ngược lại, Đức Giê-su chinh phục cơn bệnh một cách quá dễ dàng. Người chấp nhận một người phụ nữ bị người đời loại bỏ đến bên Người, đụng chạm tới Người và chữa bệnh cho bà.

              Đức Giê-su làm phép lạ cho kẻ chết sống lại, để tỏ quyền năng Thiên Chúa: Chết là quy luật của mọi tạo vật, một uy quyền trên mọi đối tượng: vua chúa, quan quyền, người giầu có, kẻ có nhiều kiến thức khoa học, dân thường. Tuy nhiên, ở đây Đức Giê-su nói, bé gái đã chết "chỉ ngủ thôi." Có nhiều ý nghĩa trong câu nói này. Trước hết Chúa nhấn mạnh quyền năng của Chúa có thể làm cho người chết sống lại, như đánh thức một người ngủ vậy, đồng thời Chúa cũng nói về sự sống lại của chính Người sau này. Chúa muốn khẳng định rằng, con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, là để cho họ được sống đời đời.

              Đức Giê-su đặt tay: Cả hai câu truyện đều nói đến hành động đụng chạm. Người đàn bà loạn huyết đụng chạm gấu áo Chúa, và được lành bệnh. Đức Giê-su đặt tay trên bé gái đã chết để làm cho cô chỗi dậy. Luật It-ra-en cấm không được đụng chạm đến người chết, nhưng Đức Giê-su coi cái chết chỉ như giấc ngủ, Chúa muốn nhấn mạnh giá trị sự gần gũi trong quan hệ của con người. Sự gần gũi như ôm hôn, bắt tay, âu yếm bên ngoài có thể tạo nên sự ấm áp, củng cố sức mạnh tinh thần, giúp người yếu đuối được yên ủi và lành bệnh, giúp cho tội nhân biến đổi cuộc đời. Đức Giê-su cảm thấy "năng lực từ Người phát ra" khi người phụ nữ đụng đến áo Mình, năng lực của Người cũng phát ra để em bé đã chết chỗi dậy. Đức Giê-su đã chia sẻ năng lực. Ki-tô hữu cũng phải chấp nhận hi sinh để phục vụ tha nhân, họ phải biết chia sẻ năng lực mình như đặt tay chữa bệnh, thăm bệnh nhân, bắt tay với người tội lỗi... Nếu sau đó họ biết tiếp xúc với Chúa, năng lực của họ qua đó sẽ được phục hồi trở lại.

              3. Gương thực hành

              Người đàn bà bị bệnh loạn huyết và ông trưởng hội đường đều nhận được phép lạ, và đều được Chúa khen ngợi vì những đức tính họ thể hiện:

              Họ có lòng tin mạnh mẽ: Niềm tin đã làm một người phụ nữ nghèo, bệnh tật, sợ sệt, có khả năng nhận ra quyền năng của Đức Giê-su và bất chấp những ràng buộc của Lề luật, những mặc cảm xã hội, rào cản của đám đông, bà đến để chạm bằng được vào Chúa. Niềm tin đã làm cho ông trưởng hội đường không mặc cảm về địa vị, không sợ ánh mắt của quần chúng, ông đến xin Đức Giê-su chữa bệnh cho con gái ông: "Lòng tin của con đã cứu chữa con." Một người bệnh, nếu không có đức tin, sẽ bị thiệt thòi, họ chịu đựng sự vô nghĩa của bệnh tật. Người có đức tin, không những hi vọng vào Chúa cứu họ, mà họ còn có Chúa đồng hành với những cơn đau. Người Ki-tô không nhắm mắt trước những gian nan, không dao động giữa những thiệt thòi, không buông xuôi trước những thất vọng mà phải hiên ngang tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa dắt tay họ vững bước đi lên.

              Hãy biết khiêm tốn: Người đàn bà chỉ nghĩ mình được chạm vào gấu áo Chúa là đủ, ông trưởng hội đường quỳ gối sụp lạy Đức Giê-su và khiêm nhường kêu cầu lòng thương của Người. Họ coi Đức Giê-su là Thiên Chúa và coi mình là tội lỗi. Sự khiêm nhường của họ đã được đền đáp, nguyện vọng của họ được thoả nguyện. Mỗi người Ki-tô cũng phải biết thực hành khiêm nhường, như khi đi cầu nguyện, khi cầm Mình Thánh Chúa, khi đặt tay trên sách Thánh, khi rao giảng Lời Chúa, khi tiếp xúc với tha nhân. Hãy khiêm nhường như Đức Giê-su Ki-tô đã khiêm nhường thẳm sâu, để nên như con người hoàn toàn.

              Hãy nêu gương phục vụ của Đức Giê-su: Sau khi làm cho bé gái sống lại, Chúa bảo người nhà cho bé ăn. Đức Giê-su Ki-tô quan tâm đến nhu cầu đời sống của con người, dù đây chỉ là một nhu cầu rất nhỏ bé trong muôn vàn nhu cầu đang cần đến Người, như chữa bệnh, trừ quỷ, giảng dạy. Chúa dạy mỗi người phải dành thời gian để chăm sóc người khác. Chúa muốn mỗi người hãy cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách áo mặc, vì đó là đại diện của Người. Chúa cũng nhấn mạnh đến việc phục vụ tinh thần: xác con người phải ăn để sống, thì linh hồn con người muốn sống, cũng phải được ăn Bánh Chúa ban, đó là Mình Máu Người.

              Mỗi người phải là môn đệ, là chứng nhân của Chúa cho hết mọi người, bằng tất cả nỗ lực và gương sáng của mình. Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a luôn bầu cử cho tất cả chúng ta, được là môn đệ trung thành của Đức Ki-tô.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

     

    Bài viết liên quan