Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật Chúa thăng thiên - Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 09/05/2024
  • Chủ đề: Chúa lên trời - Gieo Tin Mừng

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VII MÙA PHỤC SINH

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc 16,15-20)

    Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh".

    Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo

    CHÚA LÊN TRỜI – GIEO TIN MỪNG

    Dàn ý

    1. Gieo

    - Gieo: Gieo quẻ, gieo mình, rắc hạt giống để nảy mầm.

    - Tin mừng: Phúc âm, Lời Chúa, Chân lí mạc khải, Tin vui.

    Từ Hy Lạp là ‘la lên,’ Tin Mừng là ‘tiếng kêu.’ 

    - Gieo Tin mừng: Loan, rao, công bố chân lí Mạc khải. ‘Sứ vụ sai đi’ là để rao giảng, ‘rao giảng’ để thiên hạ được nghe. 

    2. Lời Chúa hôm nay nói về gieo Tin Mừng

    - Công Vụ Tông Đồ kể lại vai trò các Tông Đồ: “Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,1-11).

    - Tin Mừng nhấn mạnh sứ vụ sai đi: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị kết án” (Mc 16,15-20).

    - Đức Giêsu hứa bảo đảm cho sứ vụ: “Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, nói những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, cũng chẳng sao” (Mc 16,15-20).

    3. Hãy đi gieo Tin Mừng

    - Hãy đi loan Tin Mừng theo lệnh của Đức Giêsu. Chúa ban những dấu lạ hỗ trợ việc loan Tin mừng như: “Trừ quỉ, nói tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay,” và “Dù có uống nhầm thuốc độc cũng không sao.” Ngài còn hứa không để ai đơn độc: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

    - Hãy đi ‘loan báo Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo.’ Thắc mắc: loài vật có thể nghe Tin Mừng? Phaolô viết: “Muôn thọ tạo luôn ngóng chờ ngày Chúa mạc khải vinh quang con cái Người. Như vậy mọi người phải biết nghe Đức Giêsu, đi gieo Tin Mừng, thi ân giáng phúc, sống nhân bản và sử dụng mọi vật đúng với quy luật của Tạo hóa đã sắp đặt nơi tạo vật.

    - Hãy đi loan Tin Mừng để giúp con người được ơn cứu độ. Chúa đã nói rõ ràng: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” Kitô hữu có nghĩa vụ phải nhanh chóng, loan truyền khắp nơi tin vui này để giúp mọi người có thể biết và thực hành để hưởng ơn cứu rỗi.

    - Hãy đi loan Tin Mừng để đem bình an và hạnh phúc. Đức Giêsu lệnh các Tông đồ trở về tiếp tục nhiệm vụ của Chúa nơi trần thế, không ‘đứng mãi nhìn trời.’ Ngài hứa sai Thần Chân Lý đến giúp thực hiện xây dựng Nước Trời ở trần gian, một thế giới an bình, sống yêu thương, bình đẳng, hạnh phúc.

    - Truyện: Vua kia nằm mơ tới một nơi, đông người cầm muỗm cán dài tranh múc cháo, mà không ai đưa lên miệng ăn được. Vua ngao ngán: “Rõ là hỏa ngục!” Vua tới nơi khác, cũng  đông người cầm muỗm cán dài, nhưng múc cháo rồi đưa cho người bên cạnh ăn. Mọi người ăn no. Vua gật gù: “Đây thật là Thiên Đàng hạnh phúc!”

    - Truyền thông có vai trò cộng tác loan tin cứu độ. Tin Mừng không đòi hỏi văn hay nói thạo, mà ưu tiên sống gương mẫu, không chơi bời, nhậu nhẹt; biết chia sẻ với người nghèo; hăng say với việc công ích. Chúa phán: “Sự thật sẽ giải thoát anh em!” Kitô hữu lắng nghe tiếng Chúa, để có thể truyền đạt Ý Chúa và  thiết lập con đường dẫn về Trời cho mọi người.

    CHÚA LÊN TRỜI

    Suy Niệm

    Thánh Mac-cô thuật lại câu truyện Đức Giê-su lên Trời. Chúa Giê-su từ biệt các môn đệ để lên ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Chúa trao trách nhiệm cho các Tông đồ tiếp nối sứ vụ của Người để đi giảng dạy cho muôn dân.

    Tại sao nói Chúa Giê-su lại lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa Cha, là thiêng liêng đâu có phân biệt tả hữu? Phải chăng mọi người không tin đều bị kết án Hỏa ngục?

    1. Để Kinh Thánh nên trọn

    Chúa Giê-su lên Trời sau khi hoàn tất chương trình mà Thiên Chúa dự định để cứu độ trần gian:

    Mặc dù có nhiều tranh luận về xuất xứ đoạn văn cuối cùng của Tin Mừng thánh Mac-cô nói về việc Chúa Giê-su lên Trời, phụng vụ Giáo hội đưa ra bài đọc này như một sự kiện công khai, đồng thời làm phong phú thêm tư tưởng của Tin Mừng. Người ta cho rằng đoạn văn này không nối kết với đoạn văn trước của tường thuật, có người cho rằng đoạn văn này là của một tác giả vô danh do linh ứng viết ra, nhằm bổ sung tường thuật Tin Mừng Thánh Mac-cô. Dẫu sao Đức Giê-su lên Trời là câu truyện thực, không phải chỉ Mac-cô viết ra mà các tác giả Tin Mừng khác hay tác giả sách Tông đồ Công vụ cũng đã thuật lại. Việc trình bày chi tiết, đặc biệt về những Lời dạy của Đức Giê-su và việc rao giảng Tin Mừng càng làm cho người ta hiểu được ý nghĩa của việc Đức Giê-su lên Trời.

    Biến cố lên Trời khép lại sứ vụ trần gian của Đức Giê-su: Chúa không còn hiện diện thể lí với loài người. Chúa kiện toàn những gì Kinh Thánh đã viết, từ khi sinh ra cho đến khi chết, sống lại và lên Trời. Tin Mừng giờ đây bước sang trang sử mới, Chúa Ki-tô lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa, nhưng Chúa vẫn hiện diện với loài người cách vô hình. Chúa Ki-tô trao nhiệm vụ cho các môn đệ thông qua Giáo hội, có Chúa Thánh Thần luôn hoạt động không mệt mỏi. Chúa Kitô hiện diện với mỗi người qua Tin Mừng, qua các Bí tích, qua các sứ giả của Chúa. Sứ vụ của Chúa Ki-tô chưa kết thúc mà vẫn hiện diện để kiện toàn Nước Trời, nơi mỗi người đang sống trên trái đất này.

    2. Khi Chúa Giê-su ở trên Trời

    Đức Giê-su lên Trời để công cuộc cứu độ trần thế  được tiếp diễn trong Bàn Tay của Thiên Chúa quan phòng

    Chúa Giê-su lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Trời đây không phải là một hành tinh, một thiên hà mà là toàn vũ trụ. Đó là nơi mà vinh quang và hạnh phúc mà Thiên Chúa ngự trị, là nơi Chúa dành cho những tạo vật tốt lành được tham dự niềm vui với Người. Nơi Chúa không có bên hữu bên tả, không chiếm chỗ trong không gian, Chúa là Đấng vô hình, hiện diện khắp mọi nơi. Việc ngồi bên tả bên hữu, mà Thánh Mac-cô nói đến là việc tham dự uy quyền và địa vị ngang hàng với Đức Chúa Cha, cùng cai trị mọi loài để cùng với các Thần Thánh ca ngợi tán dương Thiên Chúa mãi mãi muôn đời.

    Chúa Ki-tô vẫn hoạt động với loài người: "Các Tông đồ đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông"(Mc 16,2). Chúa Ki-tô về Trời sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hữu hình nơi trần thế, Chúa về Trời để nhận phần thưởng của Chúa Cha, đồng thời cũng để chuẩn bị chỗ cho mỗi người. Chúa trao nhiệm vụ đó cho các Tông đồ và Người hứa vẫn "luôn hiện diện với các ông mọi ngày cho đến tận thế"(Mt 28,20).

    Ở trên Trời, Chúa Giê-su vẫn bảo vệ các môn đệ: Chúa không bỏ rơi các Tông đồ khi làm nhiệm vụ, mà còn ban cho họ quyền năng thiêng liêng để làm nhiệm vụ, Chúa phán: "Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được tiếng mới lạ..." Những dấu lạ, có thể là quyền năng làm phép lạ như là thứ vũ khí giá trị cho các tay thợ Tin Mừng; nhưng đặc biệt là sức mạnh tinh thần, giúp các tín hữu Chúa chiến thắng các thế lực tội lỗi, những đầu độc nguy hại của thế gian, giúp sứ giả của Chúa có phẩm chất cao đẹp để làm việc với tất cả con tim tốt lành.

    3. Sứ vụ rao giảng

    Chúa Giê-su về Trời và Người kêu gọi mọi Ki-tô hữu cộng tác vào chương trình cứu độ trần gian của Người:

    Hãy loan Tin Mừng: Đức Giê-su mời gọi các Tông đồ đem Tin mừng cho mọi người: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài tạo vật." Tin Mừng ở đây là những gì được viết ra trong Thánh Kinh, đó là việc Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống con người, đó là sự chết và sống lại vinh quang của Người, đó là thành công trong công trình cứu độ của Người, là tình yêu của Người. Chúa Giê-su nhắc các Tông đồ không đứng nhìn Trời mãi, mà hãy về với thực tế để làm chứng về Người. Chúa mượn miệng lưỡi con người để rao giảng, dùng cuộc đời con người để làm nhân chứng. Chúa Giê-su không bảo họ phải giảng thuyết hay, mà bằng sức mạnh của niềm tin và đời sống, không phải là miệng lưỡi tuyên phán hay rên rỉ, phán xét, mà là can đảm nói lên sự thật, không phải bằng quảng cáo phô trương ầm ĩ, mà bằng đôi chân biết đi, không phải là lí thuyết suông mà bằng khuôn mặt tươi nở, để niềm vui của mình lan toả sang người khác.

    Hãy tin: Để được hưởng Nước Trời với Chúa, điều kiện quan trọng là con người phải tin, "Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ, ai không tin thì bị kết án"(Mc 16,16). Mặc dù Chúa để con người được tự do chọn lựa, tin hay không tin, nhưng nếu họ tin sẽ được cứu độ. Chúa không kết án ai, nhưng nếu người ta cố tình từ chối Tin Mừng, họ sẽ là người tự kết án chính mình. Một khi con người quyết tâm đón nhận Tin Mừng, họ phải thực hành những gì họ tin.

    Hãy trung thành với Giáo Hội: Đức Giê-su dùng Giáo hội để loan báo Tin Mừng. Nhiệm vụ của Giáo hội là nối dài sứ vụ của Chúa Ki-tô, có trách nhiệm loan báo Tin Mừng cho người khác. Mỗi người hãy vào nhà Giáo hội, đại diện Chúa Ki-tô và hãy cùng nhau xây dựng Giáo hội ngày một tốt đẹp, bằng đời sống gương sáng và hi sinh đóng góp của mình cho nhu cầu của tha nhân. Mỗi người là một tế bào giúp làm cho thân thể Giáo hội Chúa ngày càng hoàn thiện hơn.

    Xin Đức Trinh Ma-ri-a là Mẹ Giáo hội giúp chúng con luôn hướng về Trời để thực thi huấn lệnh của Chúa là đem Tin Mừng cho muôn dân.

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan