DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI MÙA PHỤC SINH
NĂM B
LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn. Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau."
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Chủ đề: Hãy yêu thương nhau
(Dàn ý)
1. Yêu thương
- Thích: Là ấn tượng về một hành động, một cử chỉ hay ngoại hình của ai đó, dẫn đến ngưỡng mộ.
- Thương: Là tình cảm sâu hơn, từ ‘thích’ đến ‘thương.’ Có 3 loại: Thương cảm, thương hại, và thương yêu.
- Yêu: Khởi sự từ thích, đến thương, rồi đến ‘yêu.’ Yêu là muốn cho người khác được hạnh phúc.
- Yêu thương: Là cảm thông, hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau. Đó là tình thân, tình nghĩa, tình bạn, tình cảm, tình yêu.
2. Lời Chúa hôm nay nói về yêu thương nhau
- Gioan viết về tình thương: “Hễ ai thương yêu, thì đã sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,7).
- Đức Giêsu giới thiệu về tình yêu nơi Cha Ngải: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9).
- Đức Giêsu truyền phải yêu nhau: “Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau” (Ga 15,17).
3. Thực hành yêu thương nhau
- Yêu thương là thực hành giới luật mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu nhấn mạnh tình yêu bất khả phân ly giữa Thiên Chúa và nhân loại. Đã mến Chúa thì phải yêu người, vì tất cả mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa. Khổng Tử coi ‘tứ hải giai huynh đệ.’ Giới luật yêu thương là quan trọng nhất, là điều răn gồm tóm mọi điều răn khác.
- Yêu thương là đối xử khoan dung với anh em: Nhiều người ích kỷ, hẹp hòi, phe cánh, bỏ quên giới luật yêu thương. Đức Giêsu, khi chia tay, không trối lại tài sản có thể hóa giá, mà để lại di chúc tình yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau.” Ngài dạy thương yêu, là ‘chín bỏ làm mười,’ cảm thông, chia sẻ.
- Yêu thương là thực hành điều tốt đẹp nhất cho tha nhân. Người ta dễ dàng gây gổ, ham hố, lừa đảo, ‘miệng lưỡi không xương nhiều đường lắt léo,’ thiện ác giành giật lẫn nhau. Đức Giêsu dạy phải sẵn sàng thể hiện tình yêu bằng hành vi cụ thể. Đã yêu thì không chờ ‘con khóc mẹ mới cho bú.’ Chúa luôn đi trước để trao những gì là ích lợi nhất cho con người.
- Yêu thương là biết hi sinh và cho đi. Đó là hy sinh thời gian, tiền của, sức lực và hy sinh cả bản thân cho người thân. Cho đi của cải vật chất, cho cả nụ cười, lời nói, cử chỉ thân thiện. Cho đi là được, giữ lại là mất. Đức Giêsu nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu.”
- Có nhà giầu về hưu trao gia tài cho con trai một, cầu được sống an nhàn tuổi già bên con cháu. Nhưng con dâu không muốn bố chồng ở nhà mãi, nên đề nghị chồng đưa bố đi nơi khác. Chiều vợ, anh đưa bố vào viện dưỡng lão rẻ tiền theo ý vợ. Khi hai bố con đi bộ ở đó, bỗng bố bật khóc. Con nghẹn ngào xin lỗi. Bố thổ lộ: “Con ơi! Bố không khóc vì con đưa bố vào đây. Bố khóc, vì 40 năm trước, bố cũng đi lối này, đưa ông nội con vào đây”(ST).
- Thế gian lợi dụng tình yêu để phục vụ cho đam mê. Họ phô diễn, ngụy biện cho ‘quái thai tình yêu.’ Đức Giêsu biểu lộ tình yêu bằng cả đời sống gương mẫu và hi sinh. Xin Chúa giúp chúng con biết yêu thương nhau thực sự, để cuộc sống được bình an, tốt đẹp.
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng Thánh Gio-an thuật lại Lời dạy của Đức Giê-su về đề tài tình yêu. Đức Giê-su nói rất nhiều về chủ đề này: tình yêu với Cha Thầy, tình yêu anh em. Người còn đặt ra những tiêu chuẩn cho tình yêu đích thực, Người coi giới luật yêu thương là một lệnh truyền.
Đã gọi là lệnh truyền thì còn tình yêu nữa chăng, người ta đâu còn tự do khi phải tuân giữ luật lệ? Đâu phải chỉ yêu Chúa mới có niềm vui, những thứ tình yêu thế gian khác cũng tạo ra niềm vui đó chứ? Tại sao trong mười giới răn Chúa truyền, không chỗ nào nói đến từ tình yêu?
1. Di chúc thiêng liêng
Trong bối cảnh chuẩn bị "ra đi," Đức Giê-su tiết lộ những bí mật cuối cùng của Trái Tim Người, có thể sau bữa Tiệc li và trước khi vào vườn Giêt-si-ma-ni. Đó là những lời tâm huyết về tình yêu: "Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ điều răn Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu Thầy"(Ga 15,9b-10). Đức Giê-su muốn các môn đệ Người phải thực hiện tình yêu thương đối với nhau, vì Người coi đó là một lệnh truyền, một lời trăn trối trân trọng.
Đức Giê-su nói về tình yêu với Cha Người: Đức Giê-su muốn đưa các môn đệ đến với Chúa Cha. Thiên Chúa là nguồn mạch của tình yêu, mọi hoạt động trong Thiên Chúa đều xuất phát từ tình yêu, Đức Giê-su nói: Như Cha yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em. Chúa Cha yêu mến Chúa Con và thông truyền tình yêu này tới Đức Chúa Thánh Thần. Tình yêu màu nhiệm được trở nên hữu hình qua Đức Ki-tô, để thông ban tình yêu cho nhân loại. Tình yêu giữa Đức Giê-su với Cha Người là tình yêu tôn vinh, tình yêu vâng lời, là khuôn mẫu cho mọi tình yêu.
Đức Giê-su nói về tình yêu với các môn đệ: Đức Giê-su tiếp tục đòi hỏi các môn đệ đáp trả tình yêu đối với Người là Thầy của họ, Người nói: "Như Cha đã yêu Thầy thế nào, Thầy cũng yêu anh em như vậy"(Ga 15,9). Đức Giê-su đã so sánh tình yêu anh em như tình yêu với Thiên Chúa. Tình yêu khiến Thiên Chúa hạ mình nên như con người, sống với cuộc sống của con người; Người yêu thế gian đến si mê điên cuồng, mà đỉnh chóp của tình yêu đó là Thập giá vinh quang.
Đức Giê-su nhấn mạnh tình yêu thương nhau: Dòng chảy tình yêu của Chúa vẫn trải rộng, lan toả đến nhân loại để nên khuôn mẫu và động lực giúp con người yêu thương nhau, Chúa nói: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Người coi tình yêu anh em là lệnh truyền, để chứng tỏ tình yêu của họ đối với mọi người. Khi yêu thương nhau, người ta còn chứng tỏ là họ làm điều Chúa đã làm. Khi yêu thương nhau người ta chứng tỏ cho thấy Thiên Chúa đang hiện diện trong vũ trụ của con người.
2. Khuôn mẫu tình yêu
Tình yêu vốn là đề tài lớn nhất của mọi thời đại, tuy nhiên yêu như thế nào mới là trọng tâm của Lời dạy trong đoạn Tin Mừng. Có thể là một tình yêu cảm xúc, hoặc một tình yêu tự nhiên, yêu cái tốt, cái đẹp. Tình yêu giới hạn trong những người thân, những người làm ơn cho mình, những người trong một cộng đồng, Tổ quốc. Luật Cựu Ước đã tiến xa hơn, thước đo tình yêu tha nhân là tình yêu chính mình. Đức Giê-su hoàn thiện chuẩn mực tình yêu bằng một khuôn mẫu tuyệt đối: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em"(Ga 15,12). Không thể diễn tả hết tình yêu của Thiên Chúa, cao cả và tuyệt đối, con người chỉ có thể bắt chước phần nào mẫu tình yêu Đức Giê-su đã thực hành nơi con người:
Yêu như Chúa yêu là tình yêu vô vị lợi: Đó là tình yêu cho đi mà không đòi trả lại, tình yêu không cầu lợi cho mình, Chúa phán: "Nếu các con yêu những ai yêu các con thì có công trạng gì? những người thu thuế cũng làm như vậy?" Một thứ tình yêu trao đổi chưa phải là tình yêu đúng nghĩa, chỉ khi người ta biết cho đi tất cả như Chúa đã làm mới là tình yêu đích thực.
Yêu như Chúa yêu là tình yêu không giới hạn: Người ta thương yêu những người yêu mình, những người thuộc về mình; nhưng thù ghét, thậm chí còn muốn tiêu diệt những ai không thuộc về mình. Đức Giê-su dạy người ta phải yêu hết mọi người, không thân quen, kẻ xa lạ, người giàu có, kẻ nghèo hèn, kể cả kẻ thù, người tội lỗi. Đó là một tình yêu không phân biệt tốt xấu, lành dữ.
Yêu như Chúa yêu là tình yêu bằng hành động thực tế: Không phải là những khẩu hiệu sáo rỗng, không phải chỉ bằng môi miệng dẻo ngọt, không chỉ biểu hiện qua hình thức bên ngoài mà cả trong nội tâm, qua những việc làm thực tế. Yêu là nhìn xem những nhu cầu của người khác, mở rộng bàn tay chia sẻ với người nghèo, người khổ đau, cô đơn; yêu là nhìn xem những nhu cầu tinh thần của những người xung quanh bằng cách viếng thăm, chia sẻ niềm tin. Chúa đã làm tất cả để cứu vớt họ và Chúa đòi mỗi người cũng phải làm như Chúa.
Yêu như Chúa yêu là tình yêu vô điều kiện: Đó là tình yêu không so đo tính toán, không so sánh hơn thiệt. Đó là tình yêu tri kỉ, sẵn sàng quên đi mọi lỗi lầm của người khác. Đó là tình yêu dám hi sinh bản thân mình để chứng tỏ tình yêu. Đức Giê-su đã tha thứ cho kẻ tội lỗi, ban Nước Trời cho kẻ trộm, đã hi sinh chết trên Thập giá để cứu độ nhân loại. Đó là tình yêu trao tặng, tự hiến hoàn toàn, một khuôn mẫu tình yêu có sức cứu độ toàn thể nhân loại.
3. Kết quả của tình yêu
Tình yêu đem lại rất nhiều thành công trong cuộc sống, trong đó có những giá trị mà Đức Giê-su nói đến trong đoạn Tin Mừng Gio-an:
Khi yêu người ta đạt được niềm vui: Đức Giê-su coi niềm vui là món quà giá trị cho những ai nghe Lời Chúa mà thương yêu nhau: "Nếu anh em giữ các điều răn Thầy, anh em ở lại trong tình yêu của Thầy. Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để niềm vui của Thầy trong anh em, và niềm vui của anh em được trọn vẹn." Khi yêu, người ta sẽ cảm nghiệm được hạnh phúc, khi yêu nhau người ta cảm thấy bình an, niềm vui sẽ đến sau ngay những hành động yêu thương. Nó cộng lên cùng với tỉ lệ tình yêu. Tình yêu mãi mãi là niềm vui của mùa xuân vĩ đại.
Vì yêu, Thiên Chúa coi con người là bạn hữu: Các môn đệ có lẽ ngạc nhiên về Lời này của Đức Giê-su. Họ theo Chúa vì thán phục Người, đợi chờ ở Ngườì điều gì vĩ đại. Đức Giê-su đã tuyên bố: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết"(Ga 15,15). Đức Giê-su yêu thương các môn đệ, trò chuyện thân mật, kề vai sát cánh bên nhau, chia sẻ những điều kín nhiệm về Chúa Cha, kêu gọi cộng tác vào sứ vụ của Người, tiếp nối nhiệm vụ của Người với toàn thể nhân loại. Thiên Chúa đã hạ mình xuống với con người, chia sẻ thân phận con người, không còn là Thượng Đế mà là phàm nhân, không còn là tôi tớ với ông chủ mà là bạn hữu Người.
Lạy Chúa, trong một thế giới đang rất cần tình yêu, xin cho mỗi Ki-tô hữu chúng con có thể chứng tỏ được tình yêu mà Thiên Chúa muốn chúng con thể hiện qua anh em mình.
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 69 | Tổng lượt truy cập: 4,046,117