Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật V Mùa Chay - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 14/03/2024
  • Chủ đề: Giờ tôn vinh

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    GIỜ TÔN VINH

    Tin Mừng(Ga. 12, 20-33)

         Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: "Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu". Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: "Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha". Lúc đó có tiếng từ trời phán: "Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa". Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: "Một thiên thần nói với Ngài". Chúa Giêsu đáp: "Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta". Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng thuật lại câu truyện Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem dịp lễ vượt qua. Nhân việc người Hi Lạp tìm gặp, Đức Giê-su tiên báo về những chặng đường đau khổ dẫn đến cái chết của Người.

    Tại sao Chúa lại lấy hình ảnh hạt lúa thối đi? Tại sao Chúa lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng đến như vậy, Người có sợ chết không?

    1. Tại Giê-ru-sa-lem

    Những người It-ra-en bắt đầu lo sợ tầm ảnh hưởng của Đức Giê-su. Họ được chứng kiến những màn trình diễn đầy ngoạn mục của Đức Giê-su trong sứ vụ của Người. Quần chúng đi theo Đức Giê-su ngày càng đông, đã làm cho những người It-ra-en e ngại; thay vì tôn phục, họ ghen tức với Người. Điều này được thể hiện rất rõ trong dịp lễ Vượt qua tại Giê-ru-sa-lem, người Biệt phái đã lên tiếng: "Các ông thấy không, các ông sẽ chẳng làm được gì hết: hãy coi đó, thiên hạ bắt đầu theo Hắn cả rồi." Họ tìm cách hại Người.

    Những người Hi Lạp đi tìm Đức Giê-su. Đây là những người ngoại quốc, những người ngoại giáo. Họ đến ngỏ lời với Phi-líp-phê và An-rê để được gặp Đức Giê-su. Sức cuốn hút của Đức Giê-su đã vượt qua biên giới đất đai và tôn giáo của người It-ra-en. Sự xuất hiện của những người ngoại giáo báo hiệu lịch sử bước sang trang mới, ơn cứu độ không còn chỉ dành riêng cho người It-ra-en nữa, ơn cứu độ dành cho hết mọi người. Hành động giao tiếp với các Tông đồ bộc lộ dấu chỉ: Họ đi tìm và thấy Đức Giê-su qua trung gian các Tông đồ. Những người Hi Lạp này cũng nhận thấy rằng, Đức Giê-su là trung gian để giao hoà con người với Thiên Chúa.

    Đức Giê-su đã tuyên bố: "Đã đến giờ Con người được tôn vinh." Giờ đây không phải là một khoảnh khắc thời gian, được tính toán bằng giây phút, mà là một thời điểm bắt đầu bằng một sự kiện vĩ đại. Đức Giê-su nhiều lần nói đến giờ "của Con Người," nhưng đây là lần cuối cùng Chúa nói trong đoạn Tin Mừng này. Đức Giê-su cảm thấy vui khi thấy thành quả của việc loan báo Tin Mừng không chỉ nơi người It-ra-en mà đến với cả dân ngoại. Đức Giê-su cảm thấy "giờ xét xử và cứu độ thế gian" đã đến gần, cũng là giờ mà "Con Người được tôn vinh," vì Người vừa là Chúa vừa là con người. Đức Giê-su nói đến "giờ," là Người đã mạc khải chương trình cứu độ phổ quát, qua đường thương khó, tử nạn và phục sinh của Người..

    2. Tình yêu Thập Giá

    Hình ảnh hạt lúa mì chết đi, diễn tả những biến cố sẽ xảy đến trong cuộc đời của Đức Giê-su: Ngắm nhìn một đồng lúa mì mơn mởn quyễn rũ, người ta nhớ lại những hạt lúa mì bị vùi xuống lòng đất như một ngôi mộ. Nó phải chết đi trong môi trường mới, kích thích nó biến hình đổi dạng, thay đổi, đâm chồi, rồi thành cây lúa. Cuộc phiêu lưu của hạt lúa mì cũng là cuộc phiêu lưu của Đức Giê-su, Người đã đánh đổi mọi thứ cao sang, để thành con người nghèo hèn yếu đuối tầm thường, bị từ chối và bị kết án. Đức Ki-tô chấp nhận chết đi như hạt lúa mì để trổ sinh muôn vàn bông lúa.

    Đức Giê-su đã chọn con đường thập giá và cái chết để được tôn vinh: Đức Giê-su đã cảm nghiệm thấy trước những giây phút giằng co quyết liệt trong cuộc thử thách đầy khổ đau: những lời chế giễu tục tĩu, những chiếc roi tả tơi trên thân xác, những lời hô hoán đả đảo, giết đi. Đức Giê-su cũng đã cảm nghiệm được cây thập giá nặng trĩu, nơi dành cho Ngài trong giây phút cuối đời như tên tử tội. Đức Giê-su hi sinh tất cả để hiến thân cho nhân loại

    Đức Giê-su "xao xuyến:" Người ta có thể ngạc nhiên, nếu là Chúa sao Người lại phải lâm vào khủng hoảng như vậy? Trong cơn tuyệt vọng Người đã phải cầu cứu Cha của Người: "Lạy Cha nếu có thể được, xin cất chén này xa Con." Đức Giê-su muốn xác minh rằng, Người là Thiên Chúa, nhưng Người cũng là con người, cũng mang tất cả những tình cảm, yếu đuối của con người để nêu gương cho loài người. Đứng trước cây thập giá tội tình, đứng trước nấm mồ khủng khiếp, Đức Giê-su không che dấu những cảm xúc kinh hoàng. Tuy nhiên Đức Giê-su không để cho nhân tính lấn át Thần tính; sau một hồi xao xuyến, Người vẫn mau mắn vâng lời Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha."

    3. Thập Gía Đức Ki-tô

    Hãy từ bỏ: Như hạt lúa chấp nhận từ bỏ tình trạng hiện có để bị chôn vùi, đổi thay, nảy mầm. Như những hạt lúa bị nghiền nát, để được nặn lên những chiếc bánh nuôi sống con người, Đức Giê-su cũng chấp nhận bị nghiền nát trong cuộc thương khó để trở nên bánh trường sinh nuôi dưỡng con người. Mỗi người phải biết từ bỏ những vật chất tạm bợ: tiền của, địa vị, vật chất, tình cảm, từ bỏ ý riêng. Đây có thể là trận chiến cam go, đấu tranh quyết liệt giữa thiện ác, giữa thế gian với Chúa. Được Chúa là được tất cả, mất Chúa là mất hết, người ta có thể mất thế gian nhưng được hạnh phúc đời đời.

    Hãy cầu nguyện: Trước sức nặng của đau khổ, thập giá và cái chết, Đức Giês-u bị giằng xé, trăn trở, thổn thức. Người đã trải nghiệm những giây phút kinh hoàng, những giây phút  "xuống tinh thần," vã mồ hôi máu, đến nỗi thốt lên: "Linh hồn Thầy buồn đến chết được"(Mc 14,34). Tuy nhiên, Người vẫn còn con đường để vượt qua thử thách, đó là việc nối kết với Cha của Người. Cầu nguyện không phải liều thuốc giảm đau, nhưng tiếp sức mạnh giúp con người sống phó thác vào Chúa.

    Hãy hi vọng: Trong mọi hành động, con người phải có lòng tin tưởng và nuôi dưỡng hi vọng. Cuộc phiêu lưu thầm lặng của hạt lúa ở dưới lòng đất để trở thành cây lúa, cũng là cuộc phiêu lưu của Đức Giê-su trong cuộc thụ nạn, để gặt hái thành công. Cuộc sống con người được gieo vãi trong tối tăm, đau khổ, cạnh tranh, thất vọng, nhưng nếu họ luôn đặt niềm tin vào Chúa, họ sẽ chiến thắng, họ sẽ gặt hái vụ mùa bội thu.

    Xin Chúa giúp mỗi người biết nắm bắt thời cơ, dù có phải hi sinh thiệt thòi, để đạt được mục tiêu của đời người: đó là hạnh phúc trường sinh bất diệt.

    CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM B

    Chủ đề: Con đường hạt lúa

    DÀN Ý

    1. Hạt giống

    - Giống là quan trọng: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Giống tốt cây sẽ khỏe trước môi trường.

    - Hạt giống phải chịu từ bỏ, mục nát. Hạt giống phải được ủ, vùi, mục nát mới mọc nên cây, sinh bông hạt.

    - Hạt giống phải chấp nhận thân phận nghịch lý ‘được và mất,’ tùy theo thời tiết và các điều kiện bên ngoài.

    2. ‘Hạt giống’ trong đoạn TM Gioan (Ga 3, 14-21)

    - Tin Mừng nói về hạt giống: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không hối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24).

    - Đức Giêsu ám chỉ hạt lúa là sự sống: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Ga 12, 25).

    3. Con đường hạt lúa môn đệ

    - Người môn đệ phải đi theo con đường Chúa đã đi. Chúa phán: “Ai muốn theo Ta, thì phải bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta.” Ai cũng thích trở thành vĩ nhân, nhưng đâu có dễ mà đạt được. Đức Giêsu đã nêu gương đấu tranh quyết liệt trước những khổ đau để dạy con người, cuộc sống là phải đối diện với những thử thách, chông gai.

    - Người môn đệ phải được gieo vào lòng đất. Đức Giêsu vốn  là Thiên Chúa mà không đòi địa vị ngang hàng Thiên Chúa, mà nên như hạt lúa gieo vào đất thế gian. Kitô hữu hãy từ bỏ mình, như con ốc sên phải chui ra khỏi vỏ mới bò được, họ cũng phải ra khỏi vỏ bọc của mình, mới có thể nên hoàn thiện để sống đẹp lòng Chúa và phục vụ tha nhân.

    - Người môn đệ chấp nhận chịu mục nát. Đức Giêsu như hạt lúa bị mục nát: “Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết.” Kitô hữu cũng phải mục nát đi những suy nghĩ cá nhân, gian tham, mê muội, để thay thế bằng nếp sống đạo đức, ngay thẳng, yêu thương, như hạt lúa chấp nhận bị nghiền nát, nhào nặn và nấu nướng để trở thành bánh ăn.

    - Người môn đệ hạnh phúc vì sinh nhiều bông hạt. Suốt chiều dài lịch sử Giáo hội, bao hạt lúa môn đệ đã chịu mục nát để Giáo hội được lớn mạnh, bao hạt giống chứng nhân đã chết đi trong cánh đồng nhân loại để đem lại mùa màng giá trị, ‘Máu các vị tử đạo chính là hạt giống trổ sinh các tín hữu.’ Giáo Hội Chúa Kitô đã mang lại những giá trị thực sự cho loài người. 

    - Truyện: Đêm mưa bão có vợ chồng già vào nhà nghỉ hỏi phòng trọ. Thư ký nói: mọi phòng đã có người thuê, nhưng ông bà có thể ngủ phòng tôi. Vậy anh ngủ ở đâu? Đừng lo. Sáng hôm sau, khách trả tiền. Hai năm sau, thư ký nhận bức thư, kèm vé máy bay khứ hồi đi Nữu Ước và danh thiếp của khách đêm bão. Khách dẫn thư ký tới đại lộ, chỉ nhà cao tầng: Đây là khách sạn tôi xây cho anh quản lý. Thư kí bỡ ngỡ. Anh là Astoria, chủ nhân mạng lưới khách sạn Mỹ. Đây là khách sạn tiện nghi nhất thời bấy giờ(ST).

    - Người môn đệ vinh dự được ‘đồng hình đồng dạng’ với Chúa Kitô trong cái chết của Người và hy vọng cũng sẽ sống lại. Họ đôi khi bị thiệt thòi, nhưng Chúa sẽ đồng hành để giúp họ gặt hái hoa quả dồi dào, và được hạnh phúc gấp trăm ở đời sau.

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan