Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm B

  • 21/12/2023
  • Thiên Chúa viếng thăm dân Người

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Chúa Nhật IV Mùa Vọng

    THIÊN CHÚA VIÊNG THĂM DÂN NGƯỜI

    Tin Mừng (Lc. 1, 26-38)

    Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

    Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

    Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".

    Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"

    Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được."

         Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng thuật lại câu chuyện Thiên Thần loan tin Chúa đến với Đức Ma-ri-a. Với lời "xin vâng," Đức Ma-ri-a đã đem Chúa Cứu Thế đến với toàn thể nhân loại.

    Có đường nào khác để Chúa đến với nhân loại không, hay cứ phải qua lòng người phụ nữ, là Đức Trinh nữ Ma-ri-a? Liệu có trái với luật tự nhiên khi một người phụ nữ sinh con mà vẫn đồng trinh?

    1. Tin vui

    Thiên Chúa viếng thăm dân Người: Na-da-ret vốn là một làng rất nhỏ bé khoảng mấy trăm nhân danh với mấy chục căn nhà. Nơi đây cũng có ngôi nhà của Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a. Sự kiện truyền tin đã diễn ra trước khi Giu-se và Ma-ri-a về chung sống với nhau. Thiên thần loan báo việc Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người. Thiên Chúa đã chọn Đức Ma-ri-a làm nơi cư ngụ và trở thành con người. Cuộc viếng thăm giữa Thiên sứ Ga-bi-ri-en và Đức Ma-ri-a được bắt đầu bằng lời chào trịnh trọng: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Đức Chúa ở cùng Bà"(Lc 1,28). Ma-ri-a thực sự bối rối vì lời chào và vì những thông tin của Sứ thần. Làm sao một người nữ đã khấn giữ trinh khiết lại có thể sinh con được? Làm sao một người nữ lại có thể xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa được?

    Thiên Chúa nhập thể làm người: Thiên thần đã thông báo những việc kì diệu của màu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, việc mang thai là bởi quyền phép Đức Chúa Thánh Thần và Đức Ma-ri-a có sứ mạng thực hiện lời tiên tri I-sa-ia đã nói từ trước rằng: "Một người nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và người ta sẽ đặt tên con trẻ là Em-ma-nu-en"(Is 7,14). Lời sấm của các Ngôn sứ, các Tổ phụ, sau bao nhiêu năm chờ đợi nay được thực hiện, Tin Mừng đã được thông báo: Đức Giê-su mặc lấy xác con người trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a để cứu độ loài người.

    2. Lời sấm được thực hiện

    Đoạn Tin Mừng của thánh Lu-ca mang ý nghĩa thần học sâu xa, Đức Giê-su sinh ra không phải là con người bình thường, câu chuyện Truyền tin viết nốt những dòng chữ mà các Tổ phụ và Tiên tri đã loan báo:

    Đức Ma-ri-a khấn giữ mình trinh khiết:  Không như các thanh niên nam nữ thời đó, họ đều muốn kết bạn và có con hy vọng làm Tổ tông của Đấng Cứu Thế và để khỏi bị dân làng xỉ nhục; trái lại, Đức Ma-ri-a đã khấn giữ mình trinh khiết để hiến dâng toàn bộ cuộc đời cho Thiên Chúa. Do tập tục người It-ra-en và do ý Chúa nhiệm màu, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đã đính hôn nhưng vẫn quyết tâm sống trinh khiết trọn đời. Tất cả sự kiện khác thường đó xảy ra để Lời Chúa phán được thực hiện qua miệng các Tiên tri: Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra bởi người Nữ đồng trinh.

    Đức Giê-su sinh ra bởi dòng dõi Đa-vit: Một sự trùng lặp kì diệu, cả Ma-ri-a và Giu-se đều là dòng tộc Đa-vit. Đứng về phương diện lịch sử, Lời Thiên Chúa hứa với Đa-vit là sẽ bảo vệ triều đại của ông tồn tại mãi mãi, nhưng lúc này nhà Giu-đa đã mất quyền trị nước, người It-ra-en đã bị người Ba-bi-lon thống trị; do vậy chính việc Đức Giê-su là dòng dõi Đa-vit sẽ làm cho triều đại của Thánh vương trường tồn(Is 7,14). Triều đại của vua Đa-vit chỉ xây dựng trên nhà It-ra-en, nhưng giờ đây triều đại đó được bao trùm trên mọi dân nước đến muôn đời qua Đức Giê-su Ki-tô.

    Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, qua lòng Đức trinh nữ Ma-ri-a. Đây là dấu chỉ của tình thương cứu độ mà Chúa dành cho con người. Chúa dựng nên vũ trụ, nhưng Chúa dành tình yêu đặc biệt cho con người, mặc dù họ đã lỗi phạm. Thiên Chúa muốn cứu độ con người bằng những cử chỉ hết sức khiêm nhu để xoá tan bóng tối tội lỗi, nối kết con người với Thiên Chúa, tạo lập cuộc sống mới và đem lại giá trị đích thực của con người như Thiên Chúa hằng mong ước.

    3. Gương Đức Ma-ri-a

    Đức Ma-ri-a nêu cao đức khiêm nhường: Khi đối mặt với Thiên thần và khi được thông báo sự kiện trọng đại, Đức Ma-ri-a không tỏ ra cao ngạo, nhưng coi mình là tôi tớ Chúa. Chẳng những vậy, khi hay biết chị họ mình là E-li-da-bet có thai, Ma-ri-a đã ra đi thăm viếng và phục vụ hết mình như một người tôi tớ. Người ta thường không muốn người khác hơn mình, khi có dịp, họ tìm cách khoác vào mình mọi thứ uy quyền để hù người khác và dẫn đến đổ vỡ nát vụn bởi những cạnh tranh nghiệt ngã trong cuộc sống. Chỉ có con đường khiêm nhường mà Đức Ma-ri-a đã chọn, có thể giúp người ta đến gần Chúa hơn.

    Đức Ma-ri-a đã nêu cao đức vâng phục: Sau những bối rối ban đầu, khi đã biết được đường lối của Chúa, Đức Ma-ri-a đã cúi đầu thưa lời "xin vâng." Ngược lại với nguyện vọng là sống cuộc đời thầm lặng, và giữ mình trinh khiết trọn đời, giờ đây Đức Ma-ri-a đã từ bỏ ý riêng, vâng lời Chúa để tham gia những sự kiện trọng đại. Trong khi con người thích lấy chữ tự do là hàng đầu, họ muốn bỏ qua mọi ràng buộc, của bề trên, cha mẹ, luật pháp; trái lại bằng hai lời xin vâng, Đức Ma-ri-a đã đem Chúa đến với mọi người.

    Đức Ma-ri-a nêu cao tinh thần trách nhiệm: Mẹ Ma-ri-a đã muốn hoàn thiện mình như một người phụ nữ để dâng tất cả cuộc đời cho Đấng Tạo Hoá. Khi Thiên sứ báo tin, dù đây là Tin Mừng vĩ đại, nhưng Mẹ vẫn muốn giữ trách nhiệm với lời khấn trinh khiết của mình. Sau khi biết được việc sinh Đấng Cứu Thế là bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã vâng lời có ý thức và trả lời chấp thuận có trách nhiệm với Đấng mà Thiên Chúa giao phó cho Mẹ. Thế gian chứng kiến những việc làm vô trách nhiệm của con người, những hài nhi không được ra chào đời, những học sinh phải học ngoài giờ vì quyền lợi của thầy cô, những nạn nhân phải thiệt thòi đau đớn vì sự thiếu trách nhiệm của người điều khiển giao thông; Đức Ma-ri-a đã dạy cho mỗi người bài học chu toàn bổn phận.

    Mỗi Ki-tô hữu hãy theo gương Mẹ, luôn có ý thức trách nhiệm với Thiên Chúa và với tha nhân trong cuộc sống thực hành.

    CN IV MÙA VỌNGTRUYỀN TIN

    DÀN Ý

    1. Lời Chào

    - 1876, Alexander Graham Bell phát minh điện thoại, đề xuất lời chào ‘Ahoy!’ Thomas Edison đổi ra ‘Hello.’ Năm 1880, ‘Hello’ được dùng rộng rãi, cả trong văn chương.

    - Gabriel gặp Maria 14 tuổi, không chào ‘Hello,’ hay chào hay em, mà: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước...”

    - Lời chào kính trọng bắt đầu đối thoại, không phải truyền lệnh, giữa đại diện Thiên Chúa và loài người, là Maria.

    - Maria đã tỉnh thức và thận trọng với lời tôn vinh khác thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì? 

    2. Câu truyện truyền tin đoạn TM Luca(Lc 1,26-38)

    - Sứ thần Gabrien truyền tin Chúa đến: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).

    - Sứ thần truyền tin Đấng Cứu thế sinh hạ: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Chúa. Bà sẽ thụ thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,30).

    - Maria, sau giây phút lo sợ, đã nhận ra Ý Chúa và đáp lời Sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

    3. Thực hành tiếp đón Chúa

    - Hãy tin tưởng nơi Thiên Chúa. Nhiều người chưa tin Chúa, nên chưa thực hành sống đạo. Kitô hữu hãy noi gương Mẹ Maria biểu lộ lòng trung tin sâu xa với Thiên Chúa. Sau khi Nguyên tổ nghe con rắn lỗi luật, Thiên Chúa đã hứa sẽ có Đấng Cứu chuộc đến với loài người. Chính nhờ sống trung tín, mà Đức Mẹ Maria đã trở nên đền thờ cho Thiên Chúa ngự.

    - Hãy đón nhận Ý Chúa. Maria rất quí trọng trinh tiết, nhưng Mẹ Maria đã đón nhận Ý Chúa, kết hôn với thánh Giuse. Nhiều người cố chấp chống đối Ý Trời. Kitô hữu chớ như cái chổi cùn, quét mọi thứ bụi bẩn rồi sau đó lại thành ra thứ rác lì lợm. Đừng chờ Thiên Thần hiện ra! Đã có Tin Mừng. Hãy đón nhận thông điệp Chúa gửi qua thiên nhiên, ngôn sứ hay qua Giáo hội.

    - Hãy tạ ơn Thiên Chúa. Adong đã phản bội Chúa. Loài người cao ngạo cố tình xa Chúa, sống tội lỗi, nhưng Ngài vẫn yêu thương, không để con người bị giam hãm trong sự chết. Sau tiếng xin vâng, Ngôi Hai Thiên Chúa, đã làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria để ở với nhân loại. Hãy đáp lại tình yêu Thiên Chúa trong cả cuộc sống của mình.

    - Truyện: Gioan Vianney, là chủng sinh học kém. Một hôm, giáo sư đến kiểm tra, Vianney không trả lời được câu nào. Giáo sư quát:Một con lừa như anh, Giáo hội sẽ làm được gì? Vianney khiêm tốn trả lời: Thưa, xưa Samson chỉ dùng cái hàm con lừa, đánh bại ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả con lừa này, Chúa không làm được gì sao?(ST)

    - Hãy phó thác cho Thiên Chúa. Cuộc đời nhiều uẩn khúc, khổ đau, thách đố hay những cạm bẫy. Tuy nhiên, Thiên Chúa có những dự tính cho mỗi người. Kitô hữu phải bắt chước mẫu gương Đức Mẹ, là tin tưởng, cậy trông phó thác cả cuộc đời của mình cho Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và có thể làm được mọi sự, để giải thoát cho con người.

    - Xin Chúa cho chúng con luôn biết nhớ lại sự kiện Truyền Tin, biết ơn Thiên Chúa đã luôn yêu thương nhân loại, biết ơn lời ‘Xin vâng’ của Mẹ, để trở thành những sứ giả loan Tin Mừng Nước Chúa.

    Lm Jos. M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan