Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm B

  • 26/01/2024
  • Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên - Năm B: Quyền năng

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    TRỪ QUỶ

    Chúa Nhật IV Thường Niên

    Tin Mừng (Mc. 1, 21-28)

    (Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ. Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: "Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: "Hãy im đi và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng thuật lại việc Chúa Giê-su vào hội đường It-ra-en trong ngày lễ nghỉ để giảng dạy và Chúa đã xua trừ quỷ ám cho người ta tại đó.

    Người ta phân biệt thế nào là ma quỷ? Tại sao ngày xưa lắm ma quỷ như vậy? Liệu ngày nay ma quỷ còn xuất hiện không?

    1. Tại Hội đường It-ra-en

    Người It-ra-en có thói quen vào hội đường nghe Lời Chúa và thực hành nghĩa vụ phụng vụ trong ngày Sa-bat. Đức Giê-su cũng tuân thủ lề luật như mọi người. Họ biết được tiếng tăm về Đức Giê-su nên đã mời Người giảng dạy. Phụng vụ trong ngày Sa-bát ở hội đường It-ra-en gồm hai phần: trước hết là phần lễ nghi với những lời ca tiếng hát tôn vinh Thiên Chúa và sau đó đến phần Lời Chúa, mọi người sẽ được nghe đọc sách Kinh Thánh, để rồi nghe chính ông trưởng Hội đường hoặc ông có thể mời ai thay ông cắt nghĩa đoạn Thánh Kinh vừa nghe.

    Giữa lúc đó, có một người bị quỉ ô uế nhập và xuất hiện ở hội đường: Bất chấp những tiếng la hét của người bị quỷ ám, mặc cho ma quỷ nài van Đức Giêsu tha cho chúng, Người quát mắng và ra lệnh cho chúng xuất khỏi nạn nhân. Đức Giê-su thực hiện việc làm này giữa lúc đông người, ngay trong hội đường It-ra-en, nhà của Lề luật, đã gây được sự ngạc nhiên lớn và tạo ra một chấn động không nhỏ đến danh tiếng của Đức Giê-su lúc đó.

    2. Đấng có uy quyền

    Câu chuyện xảy ra trong Hội đường Ca-pha-na-um, chứng minh Đức Giê-su không phải là một con người bình thường, Người là Đấng đầy quyền phép, trong lời nói cũng như trong hành động:

    Đức Giê-su là Đấng giảng dạy có uy quyền: Người ta có thể hình dung được hình ảnh Đức Giê-su, một nhà giảng thuyết rất tuyệt vời, hấp dẫn và rất trọng lượng, qua những gì khán giả bình luận về Người: "Thiên hạ rất đỗi ngạc nhiên về cách Người giảng dạy"(Lc 6,7;11,18).  Họ phát hiện qua Lời giảng dạy của Đức Giê-su mà những Kinh sư, chuyên gia giải thích Lời Chúa không thể có. Sức thuyết phục trong Lời giảng của Đức Giê-su, trước hết là do Người nói sự thật và những lời giải thích dễ hiểu. Không như các Kinh sư chỉ lặp lại những bài vở cũ rích, Đức Giê-su chuyển tải những thông điệp mới mẻ, những lời giảng không dựa vào ai, không nô lệ văn chữ, không đóng khung trong Lề luật; Người nói bằng tự do, sáng tạo và bằng quyền năng của Thiên Chúa, là Đấng giảng dạy có uy quyền.

    Đức Giêsu là Đấng có uy quyền trong hành động: Bản chất ma quỷ là ranh ma, xảo quyệt, kiêu ngạo, nhưng chúng đã thú thật, với những cử chỉ run sợ, la hét, những lời van xin và tuyên xưng về Danh Tính Đức Giêsu: "Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa"(Lc 1,24). Việc tuyên xưng như vậy, đồng nghĩa việc tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu độ. Ma quỷ nhận ra việc Đức Giêsu làm không giống như mấy ông phù thuỷ, pháp sư, các nhà làm ảo thuật; ma quỷ biết được là Người có thể tiêu diệt được bọn chúng: "Chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt cúng tôi ư?"(Lc 1,24). Việc Đức Giêsu quát mắng ma quỷ và chúng tức khắc vâng lệnh, càng làm cho nhiều người thán phục đến kinh ngạc: "Thế nghĩa là gì? Giáo lí mới mẻ ư, Người dạy có thẩm quyền. Ông ấy ra lệnh cho quỷ, quỷ cũng phải vâng theo." (Lc 4,36).

    3. Ma quỷ với loài người

    Con người phải luôn cảnh giác khi phân biệt các loại ma quỷ:

    Ma chính là hồn người chết hiện về để liên lạc với người còn sống. Đây là trường hợp rất hãn hữu. Chúa cho phép hồn người chết hiện về để nhắn bảo hay thông tin điều cần thiết gì đó. Đó là ma thật. Ngoài ra thế gian cũng hay nói đến ma vô hình như ma xó, ma cây đa hay ma trơi, đó là những thứ ma hoàn toàn không có cơ sở, mà do óc tưởng tượng con người đặt ra. Người ta cũng còn nói đến thứ ma không phải là ma, khi hôn mê người ta nói sảng, nói cả những chuyện quên lãng từ lâu, nay não trạng bị kích động mạnh, người ta tỏ ra không làm chủ được mình, nhiều người thường kết luận do ma làm, thực ra là do bệnh lí của con người. Cũng co thứ ma ranh, ma quái; có thứ ma lợi dụng tính ham nhục dục mà hành động như những ma ái tình, ma men, ma cờ bạc, ma ăn đêm, ma đói.

    Quỷ hoàn toàn khác ma, đó là hiện thân của Thiên thần dữ, đã bị Thiên Chúa trừng phạt ở Hoả ngục, nhưng vẫn thường xuyên hoạt động xung quanh con người. Ma quỷ đã từng xúi giục Tổ tông lỗi phạm luật Chúa. Ma quỷ tiếp tục quậy phá cám dỗ con người làm điều tội lỗi, đôi khi nhập vào người, để giam hãm họ như trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Kitô hữu phải cảnh giác khi gặp một nạn nhân xin trừ quỷ, tránh lầm lẫn giữa ma quỉ thật xuất hiện với những bệnh lí. Sự ngây ngô, thiếu thận trọng, không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng mà còn ảnh hưởng niềm tin của con người. Ngoài ra ma quỷ thường ẩn núp dưới những đối tượng khác nhau, nhiều khi rất hứa hẹn, hấp dẫn để đánh bẫy con người.

    Không ai có thể lường được sự nguy hiểm của ma quỷ, với những chiêu bài độc hại đánh vào tâm lí, đam mê và sơ hở của con người.Chống chọi với ma quỷ không phải là dễ dàng, do đó chúng ta phải luôn đề phòng cảnh giác và cậy nhờ hoàn toàn vào Chúa mới có thể chiến thắng được.

     

    CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B

    Chủ đề: Quyền năng

    1. Quyền năng

    - Người có quyền là có năng lực định đoạt, điều hành..

    - Người có chức có quyền: Là người được trao trách nhiệm và quyền giải quyết các vấn đề trong phạm vi được trao.

    - Người có quyền, không có chức: Là người có trình độ, bằng cấp, nhưng không giữ chức vụ gì của tổ chức.

    - Có người đạt quyền bính do đầu tư, bằng cấp, xem mặt đặt tên.’ Có kẻ đạt địa vị do hối lộ, ô dù, phe nhóm.

    - Người có quyền uy hiếp kẻ yếu, ‘cá lớn nuốt cá bé’. Kẻ không quyền là kẻthấp cổ bé miệng,’ ăn thèm vác nặng.’

    2. Lời Chúa hôm nay nói về quyền năng

    - Môsê thuật lời Chúa phán: “Tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta nói lời Ta không truyền nói, hay nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ phải chết” (Ðnl 18,20).

    - Dân chúng kinh ngạc về quyền uy Đức Giêsu: “Ðó là giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh” (Mc 1,27).

    - Tin Mừng kết luận về quyền năng và danh tiếng Đức Giêsu: “Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa” (Mc 1,28).

    3. Quyền năng và phục vụ

    - Quyền năng là từ Thiên Chúa. Trong cuộc sống, người ta phải tuân theo các quy luật có sẵn. Đức Giêsu tỏ ra uy quyền trong giảng dạy và xua trừ quỷ ma. Các Kinh sư dựa vào địa vị và Lời Chúa để giảng, còn Đức Giêsu giảng dạy với quyền từ chính Mình, vì Ngài là Thiên Chúa. Kitô hữu cũng được tham dự vào vương quyền của Chúa Giêsu qua bí tích Rửa tội.

    - Quyền năng là để phục vụ. Người ta chỉ muốn được người khác phục vụ, mà không muốn phục vụ ai. Maccô đưa hình ảnh Đức Giêsu quyền năng qua: Giảng dạy, trừ quỷ hay phục vụ chữa bệnh. Ngài đến trần gian để phục vụ, chứ không để được phục vụ. Đối tượng là kẻ nghèo khó, bệnh tật, kẻ bị quỉ ám, kẻ bất hạnh bị xã hội bỏ rơi, sống thiếu tình người.

    - Quyền năng là thực hành ý Chúa. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng đầy quyền năng. Ngài hay truyền đạt ý định của Ngài qua các ngôn sứ. Đức Giêsu còn hơn cả ngôn sứ, Ngài thực hiện chương trình cứu độ từ Cha Ngài. Mỗi người cần phải biết loại bỏ thứ nô lệ các loại ông chủ: Tiền bạc, bảo thủ, định kiến, thói xấu hay tôn giáo hình thức, để thực thi ý Chúa.

    - Truyện: Có hoàng tử vẫn dậy 5h sáng đọc kinh. hôm ngủ quên, Satan đánh thức. Hoàng tử bối rối, quỷ nói: “Đánh thức là điều tốt mà.” Hoàng tử đáp: “Sao quỷ lại làm điều lành, vậy nhân danh Chúa, mi phải nói rõ lý do? Quỷ nói thật: “Nếu ngài ngủ quên không đọc kinh, khi dậy ngài sẽ hối hận, khiêm tốn và sửa chữa; còn ngày nào cũng ra vẻ sốt sắng, ngài sẽ tự mãn, cho là đạo đức đủ rồi”(ST).

    - Quyền năng là phải biết hi sinh. Trong xã hội, người có địa vị thường là người giàu có, tham lam, ích kỉ, tàn độc. Hitler, Polpot tranh giành quyền lực bằng cả triệu sinh mạng. Đức Giêsu không tìm danh vọng, mà quỳ gối rửa chân cho môn đệ, thậm chí hi sinh mạng sống mình cho người mình yêu được hạnh phúc, để dạy con người luôn hi sinh vì người khác

    - Ngày nay, vẫn xuất hiện những ‘kinh sư thời hiện đại.’ Nhưng, quyền năng thực sự chỉ đến từ những người thật thà, hiền lành, khiêm nhường. Người Kitô phải là ngọn nến bị hao mòn để cháy sáng chiếu soi cuộc đời, qua cuộc sống phục vụ trong tình thương khiêm hạ.

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

     

    Bài viết liên quan