DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
NĂM B
LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa."
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng Gioan thuật lại cuộc đàm thoại giữa Đức Giê-su và Ni-cô-đê-mô về đường lối và điều kiện để được ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Người ta thắc mắc tại sao Đức Giê-su lại ví mình với con rắn đồng? Tại sao Đức Giê-su lại nói đến việc kết án trong khi đang đề cập đến tình yêu thương của Người qua cây Thập giá?
1. Những dấu chỉ
Thiên Chúa luôn tỏ cho con người những dấu chỉ để họ nhận ra Đức Giê-su là Đấng cứu độ và tình yêu của Chúa dành cho nhân loại:
Hình ảnh Ni-cô-đê-mô được giới thiệu trong đoạn Tin Mừng, là một nhân vật quan trọng đến đàm thoại với Đức Giê-su. Ông là nhân viên Hội đồng It-ra-en và là một Biệt phái. Gio-an nhiều lần giới thiệu về Ni-cô-đê-mô, với hình ảnh thân thiện và có cảm tình với Đức Giê-su: ông đã nhiều lần đến gặp Người, ông đã phản đối người It-ra-en giết Đức Giê-su, hay việc ông đến tẩm liệm xác Chúa. Đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ lần thứ nhất: Ni-cô-đê-mô đến thưa chuyện với Đức Giê-su vào ban đêm, thảo luận về tình yêu Thiên Chúa, về ánh sáng và sự cứu độ. Ni-cô-đê-mô đại diện cho những người có thiện chí đi tìm ánh sáng và chân lí.
Hình ảnh con rắn đồng giương cao lên trong sa mạc, cũng được đưa ra trong đoạn đầu Tin Mừng. Dân It-ra-en trong cuộc hành trình sa mạc thường bị một loài vật đáng sợ tấn công, đó là rắn lửa. Môi-sen truyền làm cây gậy để treo rắn đồng lên, như một dấu hiệu chữa trị, và những ai nhìn vào với niềm tin, sẽ không phải chết. Thực ra con rắn đồng chỉ là một thứ vật kim loại, vô tri vô giác, không có sức mạnh cứu chữa gì, nhưng Đức Giê-su nhắc lại con rắn đồng ở Cựu Ước để chỉ về Người, là dấu chỉ niềm tin của dân vào Thiên Chúa để được chữa khỏi, thì những ai nhìn lên Đức Kitô bị treo lên cũng sẽ được cứu sống như vậy.
Hình ảnh cây thập giá ngày xưa, người Rô-ma dùng để kết án tù nhân, cũng được Đức Ki-tô nêu lên, như một dấu chỉ của cây Thánh giá, làm phương tiện cứu độ nhân loại. Thập giá vốn là nỗi khiếp sợ, ô nhục đối với con người, đã được Đức Giê-su biến thành vinh quang, hạnh phúc. Đối với Gio-an, Thánh giá và Phục sinh là một màu nhiệm, sự kiện Chúa sống lại được khai mạc vào ngày thứ Sáu Tuần thánh; Thánh giá đem lại vinh quang cho Đức Ki-tô. Tên trộm lành đã được cứu sống đời đời, ngay khi Chúa còn trên cây Thập giá. Thánh giá trở thành biểu tượng, là sự sống cho những ai theo đuổi tới hạnh phúc đời đời.
2. Con Một Thiên Chúa
Thiên Chúa luôn trung thành với con người, và tình yêu đó được thể hiện qua Đức Giê-su Ki-tô:
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"(Ga 3,16). Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Người đến thế gian vì yêu loài người, Người đã sống kiếp con người, đã bị đối xử tàn nhẫn và bị giết. Chỉ có điên dại mới yêu đến thế, chết vì yêu, yêu một tạo vật ích kỉ, tội lỗi, phản bội! Đây là biểu hiện tình yêu của Chúa Cha, đã "sẵn sàng hi sinh Con một của Mình." Đây cũng là biểu hiện tình yêu tuyệt đối của Đức Giê-su, "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hi sinh mạng sống mình vì bạn hữu"(Ga 15,13). Đây là tình yêu trao hiến hoàn toàn, trao hiến chính Mình vì yêu nhân loại.
Thiên Chúa ban ánh sáng cho thế gian, đó là Đức Giê-su, Con một Thiên Chúa. Đức Giê-su nói với Ni-cô-đê-mô: "Ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã làm trong Thiên Chúa"(Ga 3,21). Con người bị bóng che của tội lỗi vây phủ. Mặc dù Thiên Chúa không xây ngục tù, nhưng loài người tự mình nhốt vào tăm tối, do những hành động tội lỗi mà họ không muốn bị lộ tẩy, họ khước từ ánh sáng. Đức Giê-su kêu gọi mọi người tiến đến sự sáng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi ban Con Một Mình để những ai tin vào Con của Người thì được sống đời đời"(Ga 3,16). Đó là ánh sáng tình yêu, ánh sáng từ Thánh giá có sức giải thoát con người ra khỏi tối tăm của tội lỗi.
Thiên Chúa sai vị Thẩm phán đến xét xử nhân loại: Đức Giê-su là Con một Thiên Chúa, đã đến thế gian để cứu độ loài người. Đức Giê-su cũng sẽ trở lại lần thứ hai trong uy quyền vinh quang như là Vị Thẩm phán tối cao. Việc cứu rỗi không chỉ xuất phát từ sáng kiến của Thiên Chúa, mà do quyền tự do chọn lựa của con người đón nhận hay không đón nhận. Người đến để cứu độ chứ không đến với mục đích kết án: "Vì Thiên Chúa không sai Con Mình đến trong thế gian để xét xử thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người mà được cứu sống."
3. Ơn cứu độ
Muốn được cứu độ con người cũng phải thực hiện những điều kiện tối thiểu như Chúa dạy trong đoạn Tin Mừng:
Hãy tin: Cuộc sống của con người không thể thiếu niềm tin. Tất cả các mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội, tôn giáo đều lấy niềm tin làm căn bản. Cuộc sống được phát triển qua trao đổi: kiến thức, hàng hoá, tiền nong, lương bổng, hôn nhân. Niềm tin nối dài cuộc sống. Đức Giê-su cũng đòi buộc con người phải có niềm tin nơi Người: "Ai tin vào Người thì sẽ không bị xử phạt, còn ai không tin thì sẽ bị kết án xử rồi." Trong thế gian, không ai có đủ tư cách để cho con người có thể dựa cậy tin tưởng; chỉ có Thiên Chúa là Cha nhân lành luôn yêu thương quan phòng bảo vệ. Chỉ có tin vào Chúa, con người mới được hoàn toàn hạnh phúc.
Hãy hành động: Đức tin thôi ư? Đó chỉ là Đức tin chết, cần phải có việc làm sống động. Niềm tin vào Chúa đòi buộc người ta phải thực hành qua tha nhân. Không thể đứng khoanh tay nhìn một xã hội bất công, bạo lực, người bóc lột người. Không thể im lặng khi chứng kiến cảnh bắt cóc con tin, lạm dụng trẻ em, phụ nữ, nghiện ngập, tha hoá, dựng chuyện, vu oan. Tình yêu Thiên Chúa đòi buộc con người phải nhập cuộc, để thể hiện tình yêu với tha nhân. Thái độ tin vào Chúa không phải như nhận món quà người khác tặng, để rồi chỉ biết nói lời cám ơn. Tin vào Người là phải dùng khả năng, con tim, khối óc để thể hiện ra bên ngoài. Đức tin phải là toà nhà trên đời, là ngọn đèn trên giá cao, không bị khuất tầm nhìn, để rọi sáng toả rạng ra xung quanh.
Hãy hát lên bài ca tạ ơn: Hình ảnh Đức Giê-su trong đoạn Tin Mừng như là món quà tặng vô giá. Thiên Chúa đã trao ban tình yêu của Người, Thiên Chúa đã nâng con người từ chỗ bùn nhơ tội lỗi, Thiên Chúa tháo cởi con người khỏi những xiềng xích ngục tù, Thiên Chúa dọi ánh sáng vào bóng tối bao trùm thế gian, Thiên Chúa đem lại giá trị cho tội nhân qua cây Thập giá. Tất cả là món quà quí giá của Thiên Chúa trao ban cho loài người.
Mỗi người chúng ta hãy hát lên bài ca tri ân và biến nó thành hành động để thắp sáng niềm tin nơi đồng loại, hãy chia sẻ hồng ân cho người anh em để mình tiếp tục nhận được nhiều hồng ân khác.
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B
Chủ đề: Chúa yêu thế gian
1. Thiên Chúa là tình yêu
- Thiên Chúa được gọi là tình yêu. Bản chất Thiên Chúa là tình yêu, hoạt động trong tình yêu Ba Ngôi, chia sẻ cho tạo vật. Yêu Chúa có thể hiểu là nhân loại dành tình yêu cho Ngài. Aristote ví: Chúa làm thế giới di động vì được yêu.
- Thánh Kinh mạc khải: Tình yêu là thuộc tính của Thiên Chúa. Người là chủ thể tình yêu.
- Kitô giáo nhấn mạnh tình yêu Thiên Chúa với con người, không phải là tình yêu con người đối với Chúa.
- Gioan thêm: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời tình yêu, Ngôi Lời tình yêu vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời tình yêu là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
2. Lời Chúa hôm nay nói về Chúa yêu thế gian
- Sách sử Biên niên viết: “Ai thuộc về dân Chúa? Chúa sẽ ở với nó, nó hãy tiến lên” (2 Sb 36,23).
- Tin Mừng kể lời Đức Giêsu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để những ai tin Con Ngài thì không hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16).
- Đức Giêsu nhấn mạnh thêm: “Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ” (Ga 3, 17).
3. Hãy đáp trả tình yêu Chúa
- Phải nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Chúa nhật màu hồng hôm nay là nói lên niềm vui mà Thiên Chúa dành tình yêu cho con người, đến độ hi sinh Con Mình. Đây không phải là liều chết; thắt cổ tự tử, hay là chết đi để chạy trốn tình yêu. Đây là tình yêu dâng hiến mà Thiên Chúa đã dành tất cả cho người mình yêu, là toàn thể nhân loại.
- Phải nhận ra sự quan phòng của Thiên Chúa. Tình yêu
Thiên Chúa dành cho con người bao la, trải rộng, không phân biệt màu da tiếng nói hay kẻ có tội. Thiên Chúa luôn muốn điều tốt lành cho mọi người. Dân Itrael bất trung mà Chúa vẫn thương, gọi Abraham, tuyển Môsê để giải thoát họ khỏi ách nô lệ. Chúa còn gửi thẩm phán, tiên tri, các vua để hướng dẫn họ.
- Phải nhìn lên Chúa Giêsu. Dân Itraen muốn được khỏi bệnh rắn cắn thì nhìn lên rắn đồng đã được treo sẵn. Đức Giêsu đã bị đóng đinh thập giá giữa hai tên trộm và bị treo lên cao cho mọi người chứng kiến. Ngài đã chết đi cho tất cả mọi người được tha thứ và được cứu thoát. Kitô hữu cũng phải hướng lên Thập Giá Đức Kitô để được pưn cứu độ muôn đời.
- Truyện: Khách tham quan được dẫn đi xem phòng trưng bày nghệ thuật. Ở đó có một số bức tranh đẹp, được nhận là kiệt tác thế giới. Khi tham quan, du khách nói:“Tôi không cho các bức tranh cũ này có nhiều giá trị.” Hướng dẫn viên: “Ông ơi, không cần xem xét về các bức tranh này nữa, mà cần phải xét lại về những ai nhìn vào chúng”(ST).
- Phải tin vào ơn cứu rỗi từ nơi Thiên Chúa. Chúa đã yêu thương con người, vì tất cả là do chính Ngài đã tạo dựng. Trong cuộc sống, người ta phải có niềm tin mới có hạnh phúc. Chúa Cha đã hi sinh Con Một để cứu vớt loài người. Chưa có người nào trên trần thế đã làm được như vậy như Thiên Chúa để chứng tỏ tình yêu của mình đối với người mình yêu.
- Phải ăn năn sám hối để được ơn tha tội. Chúa Giêsu chấp nhận lời sám hối của anh trộm và đưa về Nước của Ngài. Mùa Chay kêu gọi mọi người biết tha thứ, cầu nguyện, ăn chay và sống bác ái theo tinh thần của Đức Kitô, để được tha thứ và được xứng đáng sống trong tình yêu của Thiên Chúa.
Lm Giuse Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 77 | Tổng lượt truy cập: 4,074,643