Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm B

  • 15/12/2023
  • Chứng nhân Đấng Cứu Thế

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Chúa nhật III mùa Vọng

    CHỨNG NHÂN ĐẤNG CỨU THẾ

    Suy Niệm

    Tin Mừng (Ga 1,6-8.19-28)

    Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Ðấng Kitô". Họ liền hỏi: "Thế là gì? Ông có phải là Elia chăng?" Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia". - "Hay ông là một đấng tiên tri?" Gioan đáp: "Không phải".

    Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?" Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo." Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?" Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người". Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sống Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.

    Suy Niệm

    Đoạn Tin mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa những người It-ra-en và Gio-an về vai trò của Đấng Cứu thế. Gio-an đã nói thật về vai trò của mình chỉ là người chuẩn bị cho Đấng đến sau là Đức Ki-tô, Đấng cứu độ thiên hạ đợi trông.

    Tại sao những người It-ra-en coi trọng Gio-an, thậm chí coi người là Đấng cứu thế, mà lại không tin lời giới thiệu của Gio-an về Đức Ki-tô? Có mâu thuẫn gì khi Gioan từ chối mình không phải là Ê-li-a, trong khi Đức Giê-su lại cho rằng Gio-an chính là E-li-a người phải đến?

    1. Chứng nhân

    Thánh sử Gio-an giới thiệu Đức Ki-tô qua thánh Gio-an Tiền hô. Gioan Thánh sử là chứng nhân sống động, người đã viết lại những màu nhiệm mạc khải về sứ vụ của Đấng Cứu thế, về Ngôi Lời nhập thể, Đấng hằng có, Người là sự sống và là sự sáng soi thiên hạ. Thánh sử giới thiệu Gio-an Tẩy giả như một nhân vật quan trọng trong chương trình cứu rỗi: "Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an"(Ga 1,6). Dưới con mắt của Thánh sử, Gio-an không phải là ánh sáng, chỉ là cái đèn Thiên Chúa chuyển đến để soi đường cho mọi người nhận biết Ngôi Lời.

    Gio-an Tẩy giả qua cuộc đối thoại với người It-ra-en đã làm nổi bật lên vai trò của Đức Ki-tô: Gio-an kêu gọi mọi người thống hối và làm phép rửa tại sông Gio-đan. Cuộc sống của Gio-an cũng hoàn toàn khác biệt với lối sống của các tầng lớp It-ra-en, nhất là dân thành thị lúc đó. Mọi người chú ý đến Gio-an, tôn trọng ông và chịu phép rửa của ông. Họ nghi ngờ vai trò của Gio-an và phái người đến để điều tra, họ coi Gio-an là Ê-li-a, vị Tiên tri lớn nhất trong Cựu Ước mà theo Ma-la-ki-a, Ê-li-a sẽ trở lại. Gio-an đã từ chối, mặc dù Đức Giê-su xác nhận Gio-an là Ê-li-a phải đến(Mt 11,14), nhưng là tinh thần của Ê-li-a chứ không phải là con người Ê-li-a tái sinh. Khi được hỏi ông có phải là Đấng Cứu Thế hay một nhân vật khác thường, Gio-an đã thẳng thắn từ chối: "Tôi không phải là Đấng Ki-tô hay vị Ngôn sứ..., tôi là một tiếng kêu"(Ga 1,23). Nhiệm vụ của ông là mở đường dẫn lối, là làm chứng cho "Đấng ở giữa các ông mà các ông không biết"(Ga 1,26).

    2. Đấng thiên hạ đợi trông

    Cả Gio-an Tiền hô và Gio-an Thánh sử đã làm chứng về Chúa Ki-tô với những hình ảnh tuyệt vời nhất:

    Đức Giê-su là ánh sáng: Gioan coi Đức Giê-su là ánh sáng có sức mạnh làm rực rỡ vũ trụ, đốt nóng lòng người. Ánh sáng của Chúa Ki-tô sẽ xoá tan bóng tối, tà thần tội lỗi, bóng đêm của cuộc đời nô lệ. Thế gian rất cần ánh sáng để nhận biết sự thật. Người ta có thể dùng đôi mắt bình thường để nhìn thấy ánh sáng thể lí, người ta dùng con mắt tri thức để nhìn thấy ánh sáng khoa học, nhưng người ta chỉ có thể nhìn thấy ánh sáng Đức Ki-tô qua các chân lí mạc khải, qua các chứng nhân sống động và trung thực của Đức Ki-tô: "Ông đã đến để làm chứng thực về sự sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin"(Ga 1,7).

    Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ: Gio-an nhìn Đức Giê-su chính là Đấng Cứu Thế mà cha ông họ đã đợi trông. Gio-an cho họ thấy Người đã xuất hiện và đang ở giữa họ. Gio-an đã tự nhận phép rửa của ông chỉ là phép rửa sám hối, chuẩn bị cho phép Rửa đích thực của Chúa Ki-tô có sức cứu độ, là phép rửa bởi phép Đức Chúa Thánh Thần. Với người It-ra-en, sự cứu độ bao gồm việc giải thoát họ ra khỏi một thế giới thương tâm, đầy đọa, giải thoát họ khỏi nô lệ đế quốc, đem lại giá trị của một quốc gia là Dân riêng của Chúa, nhất là việc giải thoát họ khỏi nô lệ của tội lỗi do Tổ tông A-dong và E-và và những lỗi lầm của cha ông đã phản bội Chúa. Họ mơ ước được giải thoát, khỏi chết và được hạnh phúc đời đời. Chỉ có Đức Giê-su là Đấng có thể giải thoát con người khỏi những ràng buộc, mặc dù họ không nhận ra Người, Thánh sử viết: "Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người"(Ga 1,10).

    3. Mẫu gương

    Đoạn Tin Mừng đưa ra những bài học ứng dụng qua gương sáng của Gio-an Tẩy giả:

    Hãy đổi mới : Gio-an bỏ nếp sống phồn vinh nơi thành phố để vào hoang địa, tu thân tích đức, chuẩn bị sứ vụ tiền hô Chúa Cứu Thế. Hoang địa không phải nơi tìm kiếm giải trí bề ngoài, nhưng là nơi lí tưởng cho cuộc canh tân con người, nơi yên tĩnh để con người nhìn lại chính mình trước khi làm sứ vụ Chúa muốn. Gio-an kêu gọi "thay đổi nếp sống hoàn toàn." Trong không khí của những ngày chuẩn bị đón Chúa đến, mỗi người hãy dọn đường cho Chúa bằng việc thay đổi chính mình, một điều kiện không thể thiếu để đón mừng Chúa  Giáng Sinh.

    Hãy trung thực: Trong khi mọi người hướng theo để  tôn vinh Gio-an, nhưng ông đã không nhận lấy cho mình, mà coi mình chỉ là "tiếng kêu" trong hoang địa mênh mông, mở đường cho Chúa mà thôi. Gio-an coi mình rất nhỏ bé, hèn hạ trước Đấng Cứu Thế. Gio-an đã công khai tuyên bố: "Tôi không xứng đáng cởi dây giầy cho Đấng đến sau tôi." Trong khi thế gian tìm mọi cách để quảng bá về mình bằng mọi hình thức khéo léo tinh vi, mọi người phải luôn biết cúi mình khiêm nhường dọn đường cho Đức Giê-su, làm tiền hô cho Người. Ngày nay, các Ki-tô hữu cũng bị vây lấp xung quanh mình với những câu hỏi: bạn là ai? Dù họ là giáo dân, cô giáo lí viên, chị nữ tu hay một linh mục, họ đều phải chịu trách nhiệm trong lương tâm và phải trả lại sòng phẳng những giá trị Chúa trao cho.

    Mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn và thành thật coi mình chỉ là một khí cụ nhỏ bé, một tiếng nói, một tôi tớ để phản ánh vinh quang Chúa và thông chia ơn Chúa cho những người xung quanh mình.

    CN III MÙA VỌNG – CHỨNG NHÂN

    Dàn ý

    1. Chứng nhân

    - Chứng: Là chứng chỉ, chứng cứ; làm chứng, chứng bệnh.
    - Nhân: Là người, phẩm chất, khoan hậu, lõi, căn nguyên. 
    - Chứng nhân: Là người làm chứng, kẻ đứng ra xác thực. 
    - Kitô hữu phải là chứng cho Đức Kitô Phục sinh, chứng nhân Tin Mừng cứu rỗi, chứng nhân của niềm hy vọng, chứng nhân lòng Chúa thương xót, chứng nhân sự thật.
    2. Lời Chúa hôm nay về gương chứng nhân

    - Gioan viết về chứng nhân: “Có người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, để mọi người nhờ ông mà tin” (Ga 1,6).

    - Gioan Tiền hô nói thật về mình khi được hỏi ‘ông là ai’: “Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô” (Ga 1,20).

    - Gioan Tiền hô còn làm chứng về Đức Kitô: “Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”(Lc 3,27).

    3. Thực hành vai trò chứng nhân

    - Hãy làm chứng cho ánh sáng. Có nhiều thứ ánh sáng: Ánh sáng vật lý, văn hoá, ánh sáng khoa học, tâm linh. Mắt có thể thấy ánh sáng vật lý, người có kiến thức có thể thấy ánh sáng khoa học; nhưng để thấy ánh sáng tâm linh, cần phải có chứng nhân. Kitô hữu hãy noi gương Gioan Tẩy Giả, Người là chứng nhân đích thực vì đã tìm cách để ánh sáng chiếu soi tới mọi người.

    - Truyện: người về nhà, thấy con gái bé đang khóc. Bé nói nó chơi trò chơi trốn tìm. Nhưng khi đến phiên cháu trốn, bé đã trốn quá kỹ, đến nỗi các bạn bỏ đi chơi trò khác, không tìm cháu nữa. Cháu bé cứ chờ đợi các bạn tìm thấy mình, nhưng không thể nào. Khi ra khỏi chỗ ẩn núp, bé phát hiện ra rằng chỉ còn một mình nó thôi(ST).

    - Hãy làm chứng bằng lời nói. Ngày nay người ta nói dối như ‘cơm bữa,’ văng tục như ‘hát hay,’ rồi đanh đá, chua ngoa, bỏ vạ cáo gian cho người khác. Gioan dùng tiếng nói để thuyết phục mọi người tin vào Chúa Giêsu. Con người là vật biết nói, phải dùng ngôn ngữ để loan truyền và bảo vệ chân lí và tình thươngĐức Giêsu Kitô đã rao giảng.

    - Hãy làm chứng bằng việc làm. ‘Lời nói bay đi, gương lành lôi cuốn.’ Gioan từ bỏ cuộc sống tiện nghi vào sa mạc để sống chiêm niệm và thực hành ý Chúa, nên đã có thể lôi kéo mọi tầng lớp người đến chịu phép rửa. Hãy thực hành gương sáng, vì đó chính là bài giảng hùng hồn nhất, là lời chứng có giá trị nhất, có thể lôi kéo mọi người trở về với Thiên Chúa.

    - Hãy làm chứng cho Chúa suốt cả cuộc đời. Gioan đã quên chính mình đi, đến nỗi đã giới thiệu chính các môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu. Gioan bất khuất trước cường quyền, lên án hành vi vô luân của vua Herođê và đã bị chém đầu. Ngài làm chứng cho Đức Kitô bằng cả cuộc đời chân thành. Mỗi người cũng phải chứng cho Chúa suốt cả cuộc đời của mình.

    - Không chỉ Gioan, Kinh Thánh hay Chúa Cha, mà chính các công việc của Chúa Giêsu cũng làm chứng cho Ngài. Kitô hữu không chỉ tự hào vì có giấy chứng nhận Rửa tội, cũng không thần tượng một người nổi tiếng nào đó, mà là yêu mến và làm chứng về Đức Giêsu để xứng đáng được lãnh thưởng Nước Trời như Người đã hứa.

    Lm Jos. M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan