Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật III Mùa Thường Niên - Năm B

  • 19/01/2024
  • Hãy theo Ta

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    TRUYỀN GIẢNG TIN MỪNG

    Chúa Nhật III Thường Niên

    Tin Mừng (Mc. 1, 14-20)

       Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm". Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

    Suy Niệm

    Thánh Mac-cô thuật lại việc Đức Giê-su tuyển chọn những môn đệ đầu tiên để cộng tác trong sứ vụ truyền giảng của Người.

    Tại sao Đức Giê-su lại nối kết sám hối với Tin mừng, phải chăng Người tiếp tục tư tưởng sám hối của Gio-an Tẩy giả? Tại sao đoạn Tin Mừng lại ghép nối bài giảng của Chúa Giê-su vào thời kì đầu sứ vụ với việc tuyển chọn các môn đệ?

    1. Đầu đời sứ vụ Đức Ki-tô

    Đoạn Tin Mừng thuật lại hai hành động khác nhau của Đức Giê-su, trước hết là về việc rao giảng Tin Mừng và sau đó là kêu gọi bốn Tông đồ. Người ta ngạc nhiên trong đoạn Tin Mừng này chuyển tải hai văn thể khác nhau, mặc dù thánh Mac-cô đặt hai đoạn văn liền nhau. Người đọc có cảm tưởng được nghe hai nội dung khác nhau, nhưng mang một mục tiêu thống nhất. Mac-cô muốn nhấn mạnh việc làm đầu tiên của Đức Giê-su là loan báo Tin Mừng, đồng thời tác giả cũng trình bày cho mọi người thấy rằng, Đức Giê-su không muốn làm gì mà không có môn đồ cộng tác.

    Đức Giê-su hoàn tất nhiệm vụ của Gio-an: Sau khi Gio-an Tẩy giả bị bắt, các việc làm của thánh nhân cũng kết thúc. Tinh thần sám hối của Gio-an chính là việc chuẩn bị cho Đấng Cứu Độ đến. Việc Gio-an bị giao nộp cũng là dấu hiệu mà Đức Giê-su bị giao nộp cho kẻ thù và hy sinh đến chết trên Thập giá, rồi sống lại vinh quang để hoàn tất sứ vụ cứu độ của Người đối với nhân loại.

    Đức Giê-su chọn Ga-li-lê làm cơ sở và bắt đầu bằng việc tuyển chọn bốn môn đệ, khai mạc sứ vụ của Người. Ga-li-lê là miền đất phía Bắc It-ra-en đối nghịch với Giê-ru-sa-lem. Biển hồ Ga-li-lê nằm gọn trong nội địa. Hầu hết các môn đệ Đức Giê-su làm nghề đánh cá ở đây. Ga-li-lê là nơi Chúa chọn các môn đệ, rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ trong ba năm công khai của Người. Tại Ga-li-lê, Đấng Phục Sinh đã hiện ra trên biển hồ, tập hợp mọi người. Cũng tại đây, những môn đệ đầu tiên đã trở thành cộng đoàn trong Giáo hội của Chúa Ki-tô trong hoàn vũ.

    2. Sứ điệp Tin Mừng

    Qua đoạn tường thuật ngắn ngủi, tác giả nêu lên những sứ điệp cứu độ mà Chúa chuyển đến mỗi người:

    Thời kì đã mãn: Đức Giê-su đã đến thế gian, Cựu Ước đã chấm hết, thời gian chuẩn bị đã kết thúc, bóng tối và sự chết phải nhường chỗ cho ánh sáng Đức Ki-tô, lời sấm của Tổ phụ và các Ngôn sứ bắt đầu kiện toàn, Gio-an vị ngôn sứ cuối cùng đã bị bắt giam và đã chết, nhường lại cho Tân Ước, cho sứ vụ của Đức Giê-su, đó là Tin Mừng mà Người lên kế hoạch và chuẩn bị loan tin cho tất cả mọi dân tộc, "Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô."

    Triều đại Thiên Chúa đến gần: Đức Giê-su đã đến, cùng với Nước Trời, là nơi cư ngụ lí tưởng cho những ai tin Người. Tất cả những Hồng phúc, ơn thánh, sự cứu độ sẽ được ban tặng cho mỗi người trong Giáo hội của Đức Giê-su; vương quyền của Thiên Chúa thực sự bảo toàn, như lời các Ngôn sứ đã loan báo. Thiên Chúa sẽ bảo vệ dân Người khỏi ách nô lệ, khỏi đói khát, bệnh tật. Thiên Chúa sẽ giải phóng con người khỏi tù tội; chính nghĩa trong Nước Chúa sẽ toàn thắng. Trong Giáo hội của Chúa, mọi người được bình đẳng như anh em con một Cha trên Trời.

    Hãy sám hối: Để vào Nước Chúa, người ta phải sám hối. Đức Giê-su đến với sứ mạng cứu độ và chuộc lại những gì con người đã đánh mất. Chúa đòi hỏi người ta phải từ bỏ quá khứ tội lỗi để làm mới cuộc đời. Sám hối giúp con người tống khứ những thứ rác rưởi, cặn bã, bám dính vào trong nhà linh hồn. Sám hối đòi hỏi con người phải tự giác, cảm nghiệm về lỗi lầm của mình và định hướng con đường tiếp theo. Sám hối là một đòi hỏi trước khi con người đón nhận Tin Mừng.

    Hãy tin vào Tin mừng:  Loài người thường phấn khởi mỗi khi nhận tin vui. Tin mừng Đức Giê-su loan báo là tin vui từ Trời. Tin Mừng thông báo cho mọi người tin vui: Đức Giê-su là con Thiên Chúa, Đấng thiên hạ đợi trông nay đã đến, Người đến như con người để hoàn thành lời hứa với Tổ phụ; đó là tin vui về Nước Trời, nơi đó mọi người được sống hạnh phúc; đó là tin vui về Giáo hội mà Đức Giê-su thiết lập, trong đó mọi người được sống trong Ân sủng. Đây là tin vui giải phóng, kết thúc kiếp sống nô lệ của con người, là tin vui Phục Sinh, cái chết không phải là hết mà là bắt đầu cuộc sống vĩnh cửu với Chúa.

    3. Sứ vụ môn đệ Đức Giê-su

    Đức Giê-su, trong sứ điệp Tin Mừng mở rộng Nước Chúa, luôn cần sự cộng tác của con người. Chúa đã kêu gọi những môn đệ đầu tiên và tiếp tục kêu gọi mọi người cộng tác vào sứ vụ của Chúa:

    Hãy theo Tôi: Lời kêu gọi như một mệnh lệnh của Đức Giê-su đối với các môn đệ. Bốn môn đệ đầu tiên đã theo Chúa trong suốt cuộc hành trình còn lại của đời mình. Người ta có thể ngạc nhiên khi thấy những người này có thể nhanh chóng bỏ những thói quen lâu ngày, những tiện nghi, gia đình, tình yêu, con cái, nghề nghiệp. Các ông đã theo Chúa, sống với Chúa, nghe Chúa giảng, chứng kiến Chúa chữa bệnh, săn sóc quan tâm đến người nghèo. Lời kêu gọi của Đức Giê-su có sức mạnh uy quyền làm mọi người sẵn sàng nghe theo. Người Kitô sau khi lãnh nhận phép Rửa tội, luôn được mời gọi để đồng hành với Chúa, sống xứng đáng với Người môn đệ của Đức Ki-tô.

    Hãy là những kẻ chài lưới người: Người ta không thể đón nhận Tin Mừng một mình để rồi cất đi, bỏ vào két sắt, mà phải chia sẻ cho người khác. Thiên Chúa vẫn cần con người cộng tác đi ra biển cả mênh mông, đầy "cá người." Người ta đón nhận Tin Mừng, không do công đức, tài năng của riêng mình, nhưng là do ơn Chúa và sự cộng tác của mọi người .

    Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng, Ki-tô hữu không là cho mình mà là cho người khác. Họ phải là "ngư phủ bắt cá người," để đưa mọi người về hưởng một cuộc sống viên mãn trên Nước Trời.

    CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B

    HÃY THEO TA

    DÀN Ý

    1. Các loại cuộc gọi

    - Người ta gọi nhau để chuẩn bị trò truyện, đối thoại.

    - Người ta còn dùng tiếng gọi để nối kết với loài vật.

    - Người ta gọi nhau bằng điện thoại, gọi cá nhân, gọi nhóm, hội nghị, hay gọi dịch vụ kết nối nhiều thành viên.

    - Tình cảm, có thứ gọi là ‘thích,’ có thứ gọi là ‘yêu.’

    - Có thứ gọi tên người, tên địa danh.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về việc theo Chúa

    - Giona vâng lệnh Chúa, thực hành ý Chúa: “Giona chỗi dậy đi đến Ninivê theo lời Chúa dạy” (Gn 1,3).

    - Chúa Giêsu đòi hỏi các môn phải tin Lời Ngài: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm” (Mc 1,15).

    - Chúa Giêsu gọi môn đệ theo Ngài: “Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại thuyền cùng với các người làm công và đi theo Người” (Mc 1,20).

    3. Theo tiếng Chúa gọi

    - Theo tiếng Chúa gọi là phải từ bỏ tất cả. Tiếng Chúa gọi khác cuộc gọi bình thường, như gọi bạn bè đối tác, xong rồi hết chuyện, nhưng Chúa kêu gọi từ bỏ mọi sự là phải mãi mãi và thậm chỉ từ bỏ cả mạng sống nữa. Không có gì có thể thay thế được Thiên Chúa, dù họ là bạn bè, người thân, vì chỉ có Người là Đấng có thể ban sự sống vĩnh cửu.

    - Theo tiếng Chúa gọi là phải ăn năn sám hối. Con người mỏng giòn yếu đuối dễ sa ngã. Sám hối rất cần thiết giúp con người có thể hoàn thiện bản thân. Nhưng sám hối thực sự, luôn đòi hỏi sự đổi mới, dứt khoát với những quá khứ lầm lạc, quyết tâm xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn, trở thành những người tốt lành và hữu ích.

    - Truyện: Có 2 tội nhân vào sa mạc đền tội. Họ tự giam túp lều, ăn chay, cầu nguyện, đánh tội. Các tu sĩ từ cộng đoàn đem đồ ăn cho họ. Sau một năm, có sự khác biệt: một người vui vẻ, khỏe mạnh; một người ốm ho buồn bã. Cả hai đến gặp Bề Trên xem có xứng nhập cộng đoàn không? Người ốm: Ngày ngày tôi nhớ các tội đã phạm, hình phạt sẽ chịu, tôi sợ mất ăn mất ngủ. Người khỏe nói: Tôi hằng cảm tạ Chúa đã tha cho tôi, tôi luôn nghĩ tới tình yêu của Ngài. Các tu sĩ cảm kích với tâm tình của người khỏe(ST).

    - Theo tiếng Chúa gọi, ra đi loan Tin Mừng. Chúa Giêsu đã đem Tin Mừng đến cho nhân loại. Ngài muốn mọi người cộng tác trong công trình Nước Chúa. Ngài đã kêu mời mọi người hãy cộng tác trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Lời kêu gọi ‘hãy đi theo tôi’ vẫn còn tiếp tục vang lên mãi trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người trong thế giới ngày nay.

    - Theo tiếng Chúa gọi để ra đi phục vụ. Trong cuộc sống muôn màu, người ta có thể sống theo một ơn gọi nào đó qua một nghề nghiệp, như bác sĩ, kĩ sư, công nhân, thợ thuyền. Kitô hữu nghe theo tiếng Chúa gọi,phải sống dấn thân phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, sống bên lề phải chấp nhận ‘vất vả chài lưới với những đêm thức trắng!’

    - Kitô hữu không chỉ là tin lời Giáo hội dạy, để được cứu rỗi, nhưng thực hành theo tiếng Chúa gọi, nhiệt tâm làm môn đệ Chúa Giêsu. Chúa nói: “Mù dắt mù thì cả hai đều rơi xuống hố.” Trong xã hội đầy tội lỗi, sa đoạ, ích kỷ và hưởng thụ, họ phải nên muối men giúp cho cuộc sống nên tốt đẹp hơn.

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

     

    Bài viết liên quan