Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 05/04/2024
  • Phúc cho ai không thấy mà tin

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA MÙA PHỤC SINH

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Ga. 3, 14-21)

           Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

             Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!" Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

    CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

    Chủ đề: Phúc cho ai không thấy mà tin

    (Dàn ý)

    1. Không thấy

    - Các nhà thần kinh học cho rằng: Con người tạo ra, trong thời gian thực, mọi thứ có thể thấy ở điểm hiện tại, như: hình dáng, vật thể, màu sắc chuyển động.

    - Trong vũ trụ, nhiều vật trước mặt mà không thấy, như nguyên tử, tế bào, tia tử ngoại, tia hồng ngoại.

    - Trong ống kính, có thể thấy vật thay đổi liên tục trong không gian 3 chiu. Xiếc là do khéo lừa mắt khán giả.

    - Khi Thiền, có thể nhìn thứ mà thường không thấy.

    - Kitô hữu tin Đấng Tạo Hóa thấy những thứ mà con người không nhìn thấy, cả về chính bản thân mình.

    2. Lời Chúa hôm nay về phúc ai không thấy mà tin

    - Gioan nói, ai tin vào Đức Kitô sẽ thắng thế gian: “Ai là người chiến thắng thế gian, nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5,5).

    - Tôma đòi được thấy: “Nếu không thấy vết đinh ở tay Người, không thọc ngón tay vào lỗ đinh, không thọc tay vào cạnh sườn Người, tôi không tin” (Ga 20,25).

    - Chúa Giêsu chúc cho ai không thấy mà tin: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin” (Ga 20,29).

    3. Phúc cho ai không thấy mà tin

    - Người ta có thể không thấy do lỡ hẹn. Tôma lỡ hẹn, khi Chúa Phục Sinh hiện ra. Mắt thường nhiều khi không thấy sự vật, nhưng con mắt thứ ba: khoa học, cảm giác, đặc biệt Đức tin giúp có thể nhìn thấy. Nhiều tín hữu đứng xa dự lễ Chúa nhật chỉ để ngó, đi cho chiếu lệ. Họ sẽ lỡ hẹn vì thiếu nhiệt huyết.

    - Người ta có thể không thấy vì sợ. Tôma, có thể vì sợ người Itraen, đã không dám tụ họp với các môn đệ. Nhiều tín hữu lúc đạo sầm uất thì hăng hái, nhưng khi gặp khó thì họ trốn chạy, khai lí lịch không tôn giáo, niềm tin bị bỏ xó. Nhiều tín hữu sợ mất quyền lợi, sợ người ta chê cười, sợ khó làm ăn,… nên đã không dám công khai giữ đạo.

    - Người ta có thể không thấy vì kiêu ngạo. Toma thách Chúa: “Nếu tôi không được không thọc bàn tay và cạnh nương long Chúa, tôi không tin. Nhiều tín hữu Việt Nam suy nghĩ tiêu cực về Tôma. Họ lên án ai khô khan là ‘cứng lòng như Tôma,’ và ai hay nghi ngờ đều bị nhập gia phả ‘con cháu Tôma.’

    - Người ta có thể không thấy vì mê tín dị đoan, vì tin mạng. Nhiều người tin vào thần cây đa, thần nhà, thần bếp, thần hộ mệnh, hay tin vào quảng cáo trên các trang mạng, nên không thấy được sự thật. Kitô hữu dù không ‘thực mục sở thị’ mầu nhiệm Phục Sinh, nhưng có các chứng nhân rất thuyết phục như các Tông đồ, Tử Đạo, các nhà truyền giáo giúp người ta nhận ra chân lí vĩnh cửu.

    - Truyện: Ngày 23/9/1968, cha Piô qua đời. Cha mang 5 dấu thánh 50 năm nơi tay, chân, ngực. Khắp thế giới đã đến thăm, xưng tội và dự lễ cha cử hành và ai cũng thấy rõ các thương tích, đôi khi rỉ máu trên tay khi dâng lễ. Ngài còn chịu đủ mọi khám nghiệm y khoa, khoa học. Không ai giải thích được các vết thương đó và không có cách nào chữa trị được.

    - ‘Phúc cho không thấy mà tin.’ Lời Chúa đã thành hiện thực khắp thế giới. Dù không thấy trực tiếp Chúa Phục Sinh, nhưng tình yêu Chúa ‘từ đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.’

     

    SỐNG DẬY NIỀM TIN

    Suy niệm

    Sau khi từ cõi chết sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ, củng cố Đức Tin cho các ông, chúc bình an, ban Thánh Thần và trao cho các ông quyền tha quyền buộc để thi hành sứ vụ Người trao phó.

    Phải chăng mười một môn đệ của Đức Giê-su thiếu tư cách, để đến nỗi không thuyết phục nổi Tô-ma tin lời kể chuyện Thầy mình hiện về? Tô-ma có quá đáng không?

         1. Những dấu chỉ

    Qua đoạn Tin Mừng ngắn ngủi, người ta có thể nhìn thấy được vai trò của Đấng Thiên Sai, với tất cả những dấu chỉ khác thường, đặc biệt sự sống lại từ cõi chết của Chúa Ki-tô, đã tác động mạnh mẽ tới các chứng nhân của Người:

    Đức Giê-su hiện ra đã làm thay đổi bộ mặt các Tông đồ. Có thể nói, nếu Chúa sống lại mà Chúa không hiện ra trực tiếp với các Tông đồ, chưa chắc họ đã tin, chưa nói các ông có đủ can đảm đương đầu với người It-ra-en, làm chứng về Đức Ki-tô đã bị giết. Các Tông đồ đã nghi ngờ khi nghe các bà thông báo Thầy mình đã sống lại, các ông cho là chuyện vớ vẩn. Tô-ma nghe các ông khác kể lại Chúa hiện ra, không những không tin, còn ngạo mạn thách thức. Việc Chúa hiện ra là dấu chỉ quan trọng, làm chứng Người là Chúa, cái chết không làm gì được Người; Người sống lại và hiện diện sống động trước mặt các ông, để các ông làm chứng về điều này.

    Đức Giê-su chúc bình an khi gặp các môn đệ: Đây là dấu chỉ quen thuộc Người thường làm với họ, và các Tông đồ dễ dàng nhận ra cử chỉ đầy thân thương và hạnh phúc này. Bình an là ước mơ của con người, nhưng sự bình an mà Đức Giê-su chúc cho các môn đệ còn mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn, vượt xa sự bình an thông thường đó, là thứ bình an kết nối với cuộc tử nạn của Người. Đức Giê-su đã vượt qua đau khổ, để nay Người được vinh quang. Con người cũng phải qua nỗi đau để cuộc sống đạt được hạnh phúc.

    Đức Giê-su thổi hơi để thông ban sức mạnh cho các môn đệ. Đây cũng là dấu chỉ quen thuộc nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Khi dựng nên con người, Đấng Tạo Hoá đã thổi hơi vào cục đất, cho con người sống động. Nhờ Hơi Thở của Chúa, mọi vật trở nên hấp dẫn và thống nhất. Chúa Ki-tô cũng đã thổi hơi Thánh Thần của Người vào các môn đệ, để đưa các ông từ trạng thái hoảng loạn, trở lại bình thường và can đảm đối mặt với người It-ra-en. Thần Khí Chúa Ki-tô Phục Sinh đã thổi lên trong tâm hồn các môn đệ nhiệt huyết, để làm cuộc cách mạng thay đổi cả thế giới, một sứ mệnh cao cả mà các môn đệ phải chu toàn trên dân mới của Thiên Chúa.

    Những dấu đanh: Chúa để cho Tôma thực hiện lời thách thức: “Đặt ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy, đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”(Ga 20,27). Đây là những dấu chỉ của cuộc khổ nạn, những bàn tay đích thực của Chúa bị đanh đóng thâu qua, là cạnh sườn bị ngọn giáo đâm vào; tất cả hãy còn đó để chỉ cho các môn đệ: đây là Thầy Giê-su đích thực, là Người mà các ông bỏ trốn lúc bị bắt. Các Tông đồ đã được nhìn tận mắt Chúa Ki-tô Phục Sinh, đã sờ vào các dấu tích của Thầy. Họ đã đọc được những sứ điệp mà Chúa muốn chuyển tải tới các ông xuyên qua các dấu chỉ vật chất, để khám phá ra chân lý, và thực hành sứ vụ mà Chúa đã trao phó cho các ông.

         2. Làm chứng niềm tin

    Niềm tin là cốt lõi của cuộc sống tôn giáo. Củng cố niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh là trọng tâm của cuộc sống Ki-tô hữu:

    Người ta có thể đổ lỗi cho Tô-ma, một môn đệ từng được nghe Chúa giảng, chứng kiến Chúa làm phép lạ mà vẫn còn hoài nghi, làm sao Chúa có thể đòi những người không nhìn thấy, tin vào những gì họ không chứng kiến? Thực ra Tô-ma cũng quá đáng, ngạo mạn, một con người cứng lòng tin và đáng trách. Tuy nhiên, sự kiện Tô-ma cứng lòng chỉ để nói lên giữa Đức Ki-tô và các môn đệ không hề có thoả hiệp gian dối nào, họ cũng đòi thử thách, chứng kiến, đòi thử nghiệm: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh Người và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi không tin.” Tô-ma là con người yếu đuối như mọi người, nhất là khi các ông vừa phải trải qua cơn khủng hoảng độc nhất vô nhị, Tô-ma là con người thẳng thắn bộc trực, ông đòi hỏi cách chân thành; nhưng sau khi được Chúa cho ông thử nghiệm, ông cũng chân thành tin tưởng ra đi và hi sinh cho đến cùng để làm chứng về Chúa.

    Hành động của Tô-ma cảnh tỉnh các Ki-tô hữu: Họ cũng chẳng hơn gì Tô-ma, họ cũng đòi hỏi quá nhiều, Đức tin đang trong tình trạng báo động, niềm tin tôn giáo đang bị người ta đánh mất; người ta ưa quảng cáo, người ta thích vật chất hoá tinh thần. Một hôm hai học sinh chơi với nhau, nhìn thấy một cái cân bàn ở góc nhà. Người anh định đứng lên cân thử, đứa em can: Đừng, anh không nên đứng lên cái cân đó. Người anh ngạc nhiên: Tại sao, có gì nguy hiểm với cái cân này? Đứa em trả lời: Có, nếu không thì tại sao mỗi lần mẹ đứng lên cân, mẹ thường hét toáng và chạy đi rất nhanh. Đứa trẻ nói lại những gì nó chứng kiến, dù nó chẳng hiểu nguyên nhân thế nào. Ki-tô hữu sẽ phải đối đầu với cái mốt của thời đại: thấy và nghe, họ phải biết lắng nghe lời Chúa: “Phúc cho ai không thấy mà tin.”

              Các Tông đồ được Chúa sai đi làm chứng cho niềm tin của mình và làm chứng Đức Ki-tô Phục Sinh: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”(Ga 20,21). Đây là lệnh truyền của Chúa. Các phụ nữ, các Tông đồ, các môn đệ đã làm nhiệm vụ loan truyền Tin Mừng cách xuất sắc, các Ngài đã lấy máu đào để làm chứng cho lời giảng. Chúa còn thông ban cho các ông quyền tha quyền buộc: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm tội ai thì người ấy bị cầm giữ”(Ga 20,23). Chúa cũng ban quyền cho các ông làm phép Rửa để thực hiện việc rao giảng Tin Mừng, đó là sứ mệnh Chúa trao mà Giáo hội duy trì mãi mãi.

    Đức Ki-tô Phục Sinh cũng sai mọi người chúng ta, không phân biệt tuổi tác, giai cấp, ngôn ngữ. Mọi người đều cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa bên mình và luôn được Chúa trao ban đầy đủ hồng ân, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để biết lắng nghe, biết đọc ra ý Chúa, và biết xung phong lên đường làm chứng cho Chúa nơi mọi người anh em.

    LM Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan