Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật II Mùa Thường Niên - Năm B

  • 12/01/2024
  • Người môn đệ Chúa

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CÁC CHÚA NHẬT II TN - NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA

    Chúa Nhật II  Quanh Năm

    Tin Mừng (Ga 1, 35-42)

    Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

              Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá."

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và thầy trò Gio-an. Sau những cuộc trao đổi, giới thiệu các nhân vật, Đức Giê-su đã tuyển chọn những môn đệ đầu tiên của Người.

    Nhiều người thắc mắc tại sao Chúa hỏi các môn đệ Gio-an: "Các anh tìm gì?" Chúa biết họ đến tìm Chúa mà?

    1. Gặp gỡ

    Thánh Gio-an giới thiệu Gio-an Tiền hô, người đã giới thiệu Đức Giê-su cho các môn đệ mình:

    Thánh Gio-an Tiền hô giới thiệu Đức Giê-su trong tuần lễ đầu tiên ra mắt sứ vụ công khai của Người. Sự xuất hiện của Đức Giê-su đã tác động nơi Gio-an một cảm nghiệm sâu sắc. Gioan Tẩy giả đã chứng kiến buổi giới thiệu từ Trời bằng tiếng nói của Đức Chúa Cha, sự xuất hiện Đức Chúa Thánh Thần qua hình chim bồ câu, cũng như những dấu chỉ nơi Đức Giê-su. Mặc dù lúc đó Gio-an vẫn còn là môn đệ của Gio-an Tẩy giả, nhưng ông đã phát hiện những dấu ấn khác thường nơi Đức Giê-su, ông từ bỏ mọi sự mà theo Người.

    Đoạn Tin mừng thuật lại những cuộc gặp gỡ thú vị: Hôm ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói "Đây là Chiên Thiên Chúa." Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Con người trưởng thành nhờ những cuộc gặp gỡ trao đổi, học hỏi, nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ vô bổ và chóng bị lãng quên. Bên cạnh đó cũng có những cuộc gặp gỡ để đời, làm cho sự nối kết giữa người với người thêm phong phú, đôi khi giúp con người có những bước ngoặt vĩ đại. Những cuộc gặp gỡ thời gian đầu trong sứ vụ của Chúa với Gioan Tẩy giả, với môn đệ Gio-an, Phê-rô, Gio-an, An-rê rất ý nghĩa và có tầm quan trọng đặc biệt.

    2.  Đấng Me-si-a

    Sau những giây phút gặp gỡ và giới thiệu lẫn nhau, Đức Giê-su trong vai trò nhạc trưởng đã thể hiện ý định của của Người trong những ngày đầu đời sứ vụ với các môn đệ:

    Các anh tìm ai? Trước khi cuộc đối thoại bắt đầu, những câu hỏi luôn là cần thiết để thể hiện tinh thần tự do, cởi mở và tìm kiếm. Sau khi từ cõi chết sống lại, Đức Giê-su cũng đã hỏi Ma-ri-a Ma-đa-lê-na: "Bà tìm ai? Đây cũng là câu hỏi mà Giáo hội hỏi các tân tòng, họ phải biết tôn thờ ai? Ngày nay nhiều người muốn bỏ qua việc học hỏi tìm hiểu giáo lí để làm thủ tục nhập đạo nhanh chóng, miễn là xong việc và làm hài lòng những người thân. Mặc dù Đức Giê-su biết rõ ràng những ai đến với Người, nhưng Chúa đặt câu hỏi để nhắc bảo lương tâm họ ý thức về việc mình làm. Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của con người.

    Hãy đến mà xem: Cuộc đối thoại được tiếp tục đi xa hơn. Sau khi cho mọi người ý thức được mục tiêu của họ, Đức Giê-su nói: "Anh em hãy đến mà xem." Chúa muốn họ phải đến gần hơn để hiểu rõ về Người, Chúa không trả lời trực tiếp để phô trương cái tôi như người đời thường vỗ ngực về mình. Không những thế Chúa bảo họ phải "xem" để tìm hiểu kĩ về Người. Ở đây không chỉ xem bằng con mắt thường, mà còn xem bằng con mắt trí khôn, để nắm bắt ý nghĩa Lời Chúa và bằng con mắt linh hồn để hiểu được những màu nhiệm thiêng liêng.

    Đức Giê-su tuyển chọn các môn đệ: Sau những buổi gặp gỡ, giới thiệu nhân sự, Chúa Giê-su kêu gọi mọi người hợp tác. Gio-an đã không thất vọng khi thấy môn đệ của mình theo Chúa mà còn giới thiệu họ đến với Người. Những môn đệ đầu tiên như: An-rê, Phê-rô, Gio-an đã theo tiếng gọi của Đức Giê-su để đồng hành với Người. Đức Giê-su tuyển chọn các môn đệ, huấn luyện họ khám phá sự thật nơi Người, để có thể làm chứng cho Người. Rất đơn giản và rất kì diệu, để chuẩn bị cho sứ vụ vô cùng trọng đại là cứu độ nhân loại, Chúa gọi những người nghèo khổ đơn sơ, Người có thể biến đổi những thứ tầm thường trở thành vĩ đại.

    Đức Giê-su đổi tên Simon thành Phê-rô: Sau khi đã quyết định thu nhận Phê-rô làm môn đệ Chúa, Đức Giê-su đã đổi tên ông. Việc đổi tên ở đây có nhiều ý nghĩa, trước hết biểu hiện Phê-rô từ nay chính thức thuộc về Đức Giê-su, chứng tỏ Người có uy quyền, là bề trên có thể thay đổi vị trí của người dưới; việc đổi tên cũng nói lên ý Chúa muốn thay đổi chính con người Si-mon, thay đổi nhân cách, biến đổi đời sống của ông nên con người mới hoàn toàn; ngoài ra qua việc đổi tên, Chúa còn định hướng cho ông để nhận lãnh chức vụ cao cả là nền tảng Giáo hội mà Chúa thiết lập, Phê-rô sẽ là thủ lĩnh của Giáo hội.

    3. Người môn đệ Chúa

    Đức Giê-su bắt đầu thực hành sứ vụ và Người cũng đòi hỏi mọi người tiếp nối sứ vụ của Người:

    Hãy sống ơn gọi: Để được làm môn đệ Đức Giê-su, người ta phải biết tìm kiếm, phải nhanh chóng đáp trả tiếng gọi của Chúa, phải biết từ bỏ. Tuy nhiên người Kitô không dừng lại ở đó, mà phải tiếp tục làm nghĩa vụ của một môn đệ đối với những người xung quanh. Người Ki-tô được kêu gọi sống dấn thân theo ơn gọi Ki-tô hữu. Rất nhiều người mang tên Ki-tô hữu, gia đình đạo gốc, nhưng lại thiếu tinh thần môn đệ Chúa, không tuân theo luật Giáo hội, không dám xưng danh mình trước người ngoài, mặc cảm về tội lỗi. Họ cần nhanh chóng chỉnh chu lại cách sống để sao cho xứng đáng giá trị của mình, tránh ảnh hưởng đến danh người Ki-tô.

    Hãy giới thiệu Chúa Ki-tô cho nguời khác: Gioan đã giới thiệu Chúa với các môn đệ của mình, các môn đệ này tiếp tục giới thiệu Chúa cho người khác bằng cả mạng sống. Ki-tô hữu, kẻ sống năm bảy chục năm, người trăm năm, liệu họ đã giới thiệu Chúa với bao nhiêu người? Giới thiệu là một nghệ thuật giúp người ta biết nhau, biết người mình giới thiệu. Muốn giới thiệu cho người khác, người môn đệ phải có kiến thức về Chúa, về giáo lí, Kinh Thánh, phụng vụ, đặc biệt là phải có đời sống tốt lành, gương mẫu, phản ánh vinh quang Chúa.

    Là Ki-tô hữu, chúng ta phải biết tới người khác qua cử chỉ vị tha, tinh thần bác ái, và đời sống thánh thiện của người môn đệ Chúa Kitô.

     

    CN II TN – HÃY ĐẾN MÀ XEM

    DÀN Ý

    1. Giới thiệu

    - Khi hội họp, tiệc tùng, thủ tục đầu tiên là giới thiệu người hiện diện, khách mời, chức sắc, người đặc biệt.

    - Trong cuộc sống xã giao, khi gặp người mới lạ, họ cũng thường giới thiệu, để nhận biết nhau.

    - Gioan giới thiệu Đức Giêsu cho môn đệ. Ông ý thức sứ vụ tiền hô, là phải giới thiệu đúng, để môn đệ theo Chúa.

    2. Lời Chúa hôm nay giới thiệu về Đức Kitô

    - Êli đã giới thiệu về Chúa cho Samuen: “Hễ có ai gọi con thì con thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sm 3,9).

    - Phaolô giới thiệu về Đức Kitô: “Chúa dã làm cho Đức Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1 Cr 6,14).

    - Gioan giới thiệu Đức Kitô cho môn đệ: “Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xoá tội trần gian” (Ga 1,35).

    3. Hãy đến mà xem

    - Chúa mời gọi con người qua Kinh Thánh. Nhiều tín hữu tự ti, vì vốn liếng về Kinh Thánh còn quá ít, nên không giới thiệu về Chúa được cho ai, mà chỉ đủ giữ đạo cho mình thôi. Những ai không biết Kinh thánh là không biết về Chúa Giêsu,’ vì mỗi Lời Chúa trong Kinh Thánh đều chuyển tải một sứ điệp của Thiên Chúa cho đến từng người.

    - Chúa mời gọi qua trung gian. Hêli là trung gian cho Samuel. Gioan Baotixita là trung gian cho Anrê và Gioan. Nhiều người chỉ muốn người khác nghe mình mà họ không cần nghe ai cả; họ cho ‘cái tôi’ của họ là nhất. Trong thực tế, nói là gieo mầm, nghe chính là thu hoạch, ‘người nói hay, không bằng người nghe giỏi’ là vậy.

    - Chúa mời gọi con người qua Bí tích Rửa tội. Trong kinh doanh, vai trò của nhân viên tiếp thị là phải giới thiệu khéo léo, mới bán được hàng. Chúa tiếp tục mời gọi mọi người qua các Bí tích, đặc biệt qua Bí tích Rửa tội. Ngài cũng cần ‘người tiếp thị nhiệt tình, sống tốt lành để có thể giới thiệu Chúa cho những anh em đang sống xung quanh mình

    - Chúa mời gọi gặp gỡ mọi lúc. Sau khi đáp lại lời gọi của Chúa, Samuel lớn lên, đầy ơn Chúa. Sau khi gặp Đức Giêsu, Anrê đã theo Đức Giêsu và đã xả thân làm chứng cho niềm tin. Ngày nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi con người khắp nơi. Chúa không mời đi lễ lấy lệ. Chúa cũng không gọi một lần, mà tăng dần lên, tùy vào thái độ của người nghe.

    - Truyện: Antôn ẩn tu nghe về ông thợ giầy, sống đạo đức. Khi hỏi đâu là bí quyết, thợ giầy: Tôi chỉ biết đóng giầy. Vậy sao gọi là thánh? Thợ giầy: Tôi làm việc 8 giờ, cầu nguyện 8 giờ và nghỉ 8 giờ. Tôi dâng cho Hội Thánh 1/3 của cải, 1/3 cho kẻ nghèo, 1/3 cho tôi. Antôn chưa chịu, vì ngài đã dâng hết của cải cho Giáo Hội và kẻ nghèo. Cuối cùng thợ giầy nói: Tôi không sao yên khi thấy cảnh nghèo khắp nơi và thưa với Chúa: “Thà vào hỏa ngục còn hơn là thấy những kẻ khốn khổ này.” Antôn mới hiểu rằng ngài chưa thánh thiện như thợ giầy đã dám hy sinh tất cả(ST).

    - Chúa Giêsu mời gọi hết mọi người: “Hãy đến mà xem.” Nghe tin tức về kết quả thi đấu bóng đá không thể hấp dẫn bằng theo dõi trực tiếp, ‘trăm nghe không bằng một thấy.’ Tín hữu hạnh phúc được Thiên Chúa mời gọi đến gặp Chúa và ‘ở lại với Người,’ đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể.

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan