Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B

  • 28/11/2023
  • Hãy tỉnh thức !

    LOẠT BÀI

    SUY NIỆM TIN MỪNG  VÀ DÀN Ý CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

    NĂM B

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

     

    Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B

    Tin Mừng (Mc. 13, 33-37)

              Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"

    Suy Niệm

    Mở đầu mùa vọng, Giáo hội nhắc lại dụ ngôn ông chủ đi xa, để nhắn gửi mỗi người lời khuyên là phải biết kiên trì làm việc và đợi chờ, đồng thời phải luôn tỉnh thức đón ngày Chúa đến.

    Nói Chúa yêu nhân loại, tại sao Chúa lại để nhiều người luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, bán tín, bán nghi về cuộc đời mai hậu? Tại sao Chúa không đến đàng hoàng mà lại đến như một kẻ trộm?

    1. Kiên nhẫn đợi chờ

    Mặc dù nhiều lần đánh mất chính mình, nhưng con người vẫn hi vọng vào tình yêu của Thiên Chúa và Lời hứa của Người:

    Chờ đợi Đấng Cứu Thế: Tổ phụ loài người là A-dong và E-và được dựng nên giống hình ảnh Chúa và cho họ sống trong cảnh diệu quang hạnh phúc. Do thiếu lòng tin và thiếu vâng lời, Tổ tông đã ăn trái cấm và bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa đàng. Tổ tông đã đánh mất Hồng ân, lìa xa tình yêu Thiên Chúa. A-dong, E-và cũng như con cháu, phải sống cuộc đời vất vả, phải chiến đấu, phải luôn đặt trong tình trạng thử thách. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn kiên trì thương yêu nhân loại, Chúa đã hứa sẽ sai Con Một Mình xuống thế để chuộc lại quyền làm con Thiên Chúa mà con người đã đánh mất (St.3,15). Lời hứa đó như một giao ước và con người đã luôn sống trong đợi chờ ngày Chúa thực hiện giao ước đó.

    Chờ đợi Đấng Thiên Sai: Lịch sử cứu độ gắn liền với A-ra-ham, tổ phụ dân It-ra-en. Ông được kêu gọi cách đặc biệt là dân riêng của Chúa, nơi mà Đấng Cứu Thế sẽ đến giải phóng con người. Mặc dù phải chiến đấu để bảo vệ cuộc sống, luôn di chuyển với nghề du mục, phải làm tôi ở Ai Cập, nhưng người It-ra-en vẫn trông chờ một Đấng Cứu thế xuất hiện trong nhà Gia-cop. Phụng vụ Giáo hội hàng năm luôn diễn lại những ngày đáng ghi nhớ này trong mùa Vọng hay mùa Áp(Advent), là mùa chuẩn bị. Tiếng Việt Nam, mùa Áp còn có nghĩa gần kề, mùa nhắc nhở mỗi người hãy sống tốt nhất để đón ngày Chúa giáng trần.

    Chờ đợi ngày Quang lâm: Dụ ngôn nhắc mỗi người chuẩn bị ngày Đức Giê-su đến lần thứ hai trong uy quyền vinh quang, để phán xét muôn dân. Mặc dù Chúa không nói rõ ngày cánh chung sẽ đến khi nào, nhưng ngày đó sẽ đến. Ông chủ phân công việc cho các đầy tớ khi xa nhà, ông không thể bỏ của cải lại một cách vô cớ, ông sẽ trở về tính sổ, ông về lúc nào là quyền của ông, ông sẽ trả công cho những ai biết hoàn thành với nhiệm vụ được giao. Ki-tô hữu cũng phải trung thành với nhiệm vụ và kiên nhẫn đợi chờ ngày Chúa quang lâm.

    Chờ đợi ngày phán xét riêng: Lời cảnh cáo của Đức Giê-su cũng nhắc mọi người luôn sẵn sàng với giờ chết của riêng mình. Không ai có thể sống mãi, và cũng chẳng ai biết chắc được lúc nào con người sẽ phải chết: "Anh em phải coi chừng và phải tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào Con Người sẽ đến"(Mc.13,33). Mặc dù giờ Chúa đến không ai biết được, nhưng Chúa cũng đã tạo điều kiện đầy đủ qua rất nhiều phương tiện: qua thiên nhiên, qua Kinh Thánh, Giáo Hội, qua kinh nghiệm sống, cũng như cái chết của những người thân, mỗi người phải luôn trung thành và sẵn sàng từng giây phút, nếu họ muốn được hạnh phúc với Người.

    2. Phải tỉnh thức

    Qua những lời cảnh báo trong dụ ngôn, Đức Giê-su dạy người ta phải hành động để đón chờ ngày Chúa đến:

    Hãy hoạt động: Con người phải luôn làm việc, không được để thời gian chết, không được phép ngủ mê. Đầy tớ được tự do và toàn quyền hành động trong lúc ông chủ đi vắng. Cũng vậy, mỗi người, mỗi cộng đoàn được Chúa trao nhiệm vụ, họ phải có trách nhiệm làm cho cuộc sống được phát triển, phải hoàn thành nghĩa vụ, như người được trao những nén bạc phải biết kinh doanh làm lãi, hay như mấy cô trinh nữ khôn ngoan luôn cầm đèn với dầu đi đón chàng rể. Người ta phải có gì để tính sổ với Chúa qua những hoạt động bên ngoài như phục vụ tha nhân, qua thực hành bác ái, qua việc phát triển cộng đoàn.

    Hãy chiến đấu: Tỉnh thức không có nghĩa là trốn chạy cuộc sống, chối bỏ nghĩa vụ, mà phải đối diện với nó. Người ta phải chiến đấu với những cạm bẫy của ma quỷ, cảnh giác với những dụ dỗ đã từng làm Tổ tông sa ngã, phải túc trực, giao tranh với những đam mê của xác thịt là căn nguyên của mọi tội lỗi. Tỉnh thức thường được hiểu theo nghĩa tương phản với ngủ mê, đêm tối. Thế gian đã làm tôi ma quỷ, ngược lại quyền lực của sự sống là Thiên Chúa. Thế gian đã quay lưng lại với Người mà chạy theo vật chất. Các Ki-tô hữu được mời gọi với tư cách là con của ánh sáng để nhận ra ơn huệ Chúa ban và tiến lên phía trước.

    Hãy sáng suốt: Dân riêng của Chúa mất hàng nghìn năm đợi chờ, nhưng không nhận ra Chúa khi Người đến và ở giữa họ. Quan điểm của họ về Chúa đến, khác với những việc Chúa đã làm. Chúa không đến hoành tráng trong cung điện, kẻ hầu người hạ, cờ quạt trống phách ầm ĩ; nhưng Người đến trong sự nghèo hèn, giản dị, thầm lặng. Người đã trở nên như những kẻ tội lỗi, sa cơ, người thu thuế, người bị xã hội gạt ra bên lề. Người Ki-tô được mời gọi phải từ bỏ nếp sống bảo thủ; thói quen đã bóp chết niềm tin của con người và dìm sâu họ vào lối mòn của luật lệ, của truyền thống, của lễ nghi, tùng phục. Họ muốn đưa Chúa vào dòng xoáy cuộc sống mà họ đang theo đuổi.

    Xin Mẹ Ma-ri-a giúp chúng con luôn tỉnh thức, sáng suốt lắng nghe và luôn cầu nguyện để có thể nhận ra Chúa ở bên cạnh mình. Xin Mẹ giúp chúng con biết thực hành Lời Chúa để đạt mục tiêu cuộc đời như Chúa đã hứa cho chúng con.

     

    DÀN Ý – TIN MỪNG CHÚA NHẬT NĂM B

    CN I MÙA VỌNG (Bài 1) – NIỀM VUI VÀ HI VỌNG

    1. Cuộc đời và những hi vọng

    - Trong cuộc sống, hi vọng là không thể thiếu, như thứ men kích thích con người. Có người nói: “Mọi thứ trên thế giới đều do hy vọng tạo nên.” Hay: “Ước là được một nửa.” Nhưng đời người quá ngắn, chớ nên hy vọng hão huyền.

    - Trong Giáo Hội, Mùa Vọng, còn gọi mùa Ad (Adventus: đến, quang lâm), từ thời đức Grêgôriô, có 4 tuần. Giáo hội sống với hai chiều kích: Tưởng niệm biến cố Nhập thể của Con Chúa và chờ đợi Ngài trở lại.

    2. Lời Chúa hôm nay kể về niềm vui và hi vọng

    - Ngôn sứ Isaia biểu lộ niềm vui và hi vọng vào Chúa: “Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa” (Is 64,4).

    - Thánh Phaolô vui mừng và hi vọng ngày Đức Kitô đến: “Anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra” (1 Cr 1,7).

    - Đức Giêsu khuyên hãy tỉnh thức, để hi vọng chắc chắn được ơn cứu độ: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào” (Mc 13,33).

    3. Sống Mùa Vọng

    - Mùa Vọng khơi lại kí ức mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Đây là dịp cả thế giới chuẩn bị đón mừng Noel. Tất cả đều nhớ về những kỉ niệm cha ông chờ đợi ngày Chúa thực hiện lời hứa ban Đấng Cứu thế. Tại các nhà thờ châu Âu, Mùa Vọng, người ta đặt cạnh bàn thờ vòng nguyệt quế, kết từ cành lá thông, giữa là bốn cây nến. Mỗi tuần thắp một ngọn nến, nhắc tín hữu tỉnh thức chờ đợi Mùa Giáng sinh an lành. Chúa đã thực hiện lời hứa và Người sẽ hoàn tất sau lịch sử.

    - Mùa Vọng nhắc tới việc Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế cho loài người. Như đã hứa với Tổ tông loài người, sau khi phạm lỗi, Thiên Chúa sai Sứ thần Gabriel báo cho Maria tin vui về Đấng Cứu Thế: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” Qua lời xin vâng, Đức Mẹ đã cho thế giới niềm vui là đem Chúa đến với nhân loại.

    - Mùa Vọng là dịp củng cố niềm tin. Cuộc sống đòi phải có niềm tin. Niềm tin nối kết con người với Chúa và với nhau. Dân Chúa đã đặt niềm tin vào lời hứa về Đấng Thiên sai. Không có đức tin thì niềm hy vọng chỉ là viển vông. Nhưng nếu không có hy vọng thì đức tin cũng sẽ không thể tồn tại. Nhờ đức tin, người ta mới có hy vọng đạt tới niềm vui trọn hảo là đi tới đích cuộc đời, qua việc thực hành xây dựng hạnh phúc hiện tại nơi trần thế.

    - Mùa Vọng nhắc tín hữu hướng về tương lai. Mùa vọng là mùa chờ đợi, nhưng chờ ai và đợi thế nào? Thế gian trăn trở tìm nghề, tìm tình, tìm tiền, tìm địa vị… mà bỏ quên tương lai vĩnh cửu. Đức Hồng Y Fx. Thuận kể về hành trình đức tin gian khổ của mình bằng ‘Con Đường Hy Vọng.’ Kitô hữu luôn tin tưởng và hi vọng về một niềm vui dạt dào là Thiên Chúa sẽ biến thế giới tối tăm thành ánh sáng huy hoàng.

    - Truyện: Vua Fédéric, Đức, tính mỗi năm chim sẻ ăn 2.000.000 dạ lúa. Ông mở chiến dịch: diệt mỗì đầu chim sẻ là một phần thưởng, hy vọng vụ mùa bội thu. Nhưng lúc lúa trổ bông, sâu bọ ăn sạch lúa trên cả nước. Ông hối hận: “Giá chim sẻ còn thì nó sẽ giết đàn sâu này. nhưng đã muộn.” Hy vọng thành thất vọng(Sưu tầm).

    - Mùa Vọng hướng tín hữu về niềm vui trong ngày cánh chung. Thế giới này sẽ không tồn tại, cuộc đời sẽ kết thúc. Đó là ngày tồi tệ cho những kẻ gian ác, tội lỗi; mọi bí mật sẽ bị tỏ lộ và kết cục trong đau thương. Nhưng sẽ là ngày vui mừng cho người công chính, vì họ sẽ tràn đầy hi vọng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa trên Nước Trời.

     

    CN I MÙA VỌNG (Bài 2) – TỈNH THỨC

    1. Tỉnh thức

    - Tỉnh thức trong cuộc sống giống như việc trông coi của người quản lí; tỉnh thức cũng đi liền với ý thức.

    - Phật Thích Ca cho rằng, nếu tỉnh thức thì không phải lo gì: Ðừng lo khi chết sẽ đi về đâu? Chỉ cần nhìn quý vị sống bây giờ như thế nào, sẽ biết tương lai ra sao!”

    - Kinh Thánh nhắc đến bài học ‘tỉnh thức’ trong vườn Cây dầu, ‘tỉnh thức’ để không vấp ngã trước cám dỗ, như Phêrô chối Chúa ba lần trước khi gà gáy.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về tỉnh thức

    - Isaia kêu gọi luôn xa lánh tội lỗi để được cứu thoát: “Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi?” (Is 64,1.3b-8).

    - Phaolô khuyên hãy luôn tỉnh thức: “Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu ngự đến” (1 Cr 1,8).

    - Đức Giêsu kêu gọi tỉnh thức: “Điều Ta bảo các con, Ta bảo cho mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13,37).

    3. Hãy tỉnh thức

    - Tỉnh thức là cảnh giác sự xấu và tội lỗi. Người ngủ mê thường bị kẻ cắp lợi dụng phá hoại. Kẻ mê ngủ tâm hồn, như lối sống trụy lạc, đam mê, tranh giành,… còn nguy hiểm hơn, vì không có báo trước. Maccô dùng hình ảnh người canh cửa,’ để nhắc mọi người luôn đề phòng cạm bẫy từ ma quỉ, cũng như từ xác thịt yếu đuối và tội lỗi lẻn vào, làm cho người ta u mê, dễ bị rơi xuống vực sâu tối tăm.

    - Tỉnh thức là cảnh giác với danh vọng. Danh vọng như ngọn đèn đốt cháy những con thiêu thân. Những thú vui luôn mê hoặc con người dẫn đến quên mục đích cuộc đời. Tin Mừng nhắc nhở, Chúa sẽ đến bất ngờ, khi người ta đang mê man hưởng thụ. Hãy tỉnh thức đi tìm lẽ sống, từ bỏ ham mê quyền lực, làm giàu công trạng với Chúa, biến cuộc đời trở thành giá trị, hầu được hưởng hạnh phúc muôn đời.

    - Tỉnh thức là luôn cẩn trọng chu toàn nhiệm vụ. Người tài xế không được sử dụng chất kích thích dễ gây tai nạn. Người lái chuyến tàu quốc gia mê ngủ sẽ đưa cả dân tộc xuống hố sâu tranh chấp. Người lái xe tôn giáo không tỉnh thức sẽ đưa tín đồ lao xuống vực thẳm chia rẽ. Người lái xe cuộc đời phải luôn chu toàn nhiệm vụ để thẳng tiến về đích đời đời. Kitô hữu phải biết chu toàn nhiệm vụ, đặc biệt là thực hành giới luật mến Chúa yêu người.

    - Tỉnh thức để nhận biết ơn Chúa. Tin Mừng cho thấy, Ngài sẽ không xuất hiện trong oai phong tráng lệ, lụa là gấm vóc hay kèn trống linh đình. Ngài đến âm thầm qua các kẻ bé mọn, sa cơ. Người ẩn mình trong lũ ăn mày, bị bỏ rơi, yếu đau, lỡ đường, thậm chí một phạm nhân. Mỗi người phải luôn khôn ngoan tỉnh thức mới nhận ra Chúa, cũng như những hồng ân Ngài ban trong cuộc sống bộn bề.

    - Truyện: Tướng Archais Hy Lạp rất giỏi. Sau trận thắng lớn, ông mở tiệc khao quân. Đang vui, sứ giả đem đến bức thư báo khẩn là ông đang bị mưu sát. Ông không đọc mà nhét vào túi, tiếp tục nhậu và tự nhủ: “Để mai hãy tính”. Đêm đó, ông bị giết. Những gì làm được hôm nay đừng để đến ngày mai.

    - Tỉnh thức vì Chúa đến bất ngờ: Nhiều người dùng thuốc an thần để tìm giấc ngủ ngon. Nhưng Chúa muốn mọi người tỉnh thức, đó là luôn sẵn sàng đón Chúa đến bất ngờ. Chúa đến với con người bằng nhiều cách khác nhau trong mọi diễn biến của cuộc đời, cho đến giờ chết riêng và ngày cánh chung. Mỗi người phải khôn ngoan tỉnh thức, sẵn sàng chờ ngày Chúa đến.

     

    CN I MV (Bài 3) – MONG CHỜ CHÚA ĐẾN

    1. Dân Chúa chờ Đấng Thiên Sai

    - Itraen bị đô hộ, Bắc bị Assyri tiêu diệt, miền Nam, tức Giuđa, bị Babylone thôn tính. Xã hội bất công, tôn giáo bị pha trộn, người dân sống hình thức.

    - Nathan mong lời Chúa hứa sẽ được thực hiện: Vương triều Đavít sẽ được miên trường, khơi dạy sự chờ mong Đấng Thiên Sai sẽ xuất hiện để giải phóng toàn dân.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về mong chờ Chúa đến

    - Isaia cầu mong Chúa băng qua các tầng trời ngự xuống: “Chúa ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa” (Is 63, 19b).

    - Phaolô hằng khao khát ơn Chúa đến với mọi người: “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô” (1 Cr 1,4).

    - Đức Giêsu muốn mọi người sẵn sàng đón Chúa: “Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc chiều tối, hay là nửa đêm” (Mc 13,35).

    3. Thực hành mong chờ Chúa đến

    - Mong chờ Chúa đến trong các dịp kỉ niệm. Matthêu giới thiệu: Thiên Chúa đã nhập thể ở giữa loài người, tên là Emmanuel, nghĩa là Chúa ở cùng chúng ta. Mùa Vọng nhắc mọi người chuẩn bị đón mừng Lễ Giáng Sinh, là kỉ niệm Chúa đến lần thứ nhất, đem tin vui, bình an và ơn cứu độ đến cho loài người. Phụng vụ trong năm dẫn đưa người ta đến gần với Chúa, để sẵn sàng cho việc đón Người đến lần sau hết trong uy quyền vinh quang.

    - Mong chờ Chúa đến trong tâm hồn. Mùa Vọng mời gọi người ta chuẩn bị tâm hồn để được giao hòa với Chúa. Gioan viết: “Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” Chúa hiện diện nơi Thánh Thể, trở nên Bánh hằng sống, bổ sức tâm hồn và nuôi dưỡng con người trong hành trình về Nước Trời.

    - Mong chờ Chúa đến trong giờ chết. Bất kể ai sinh ra trên thế gian này, đều phải tiến về cái chết và chịu phán xét. Thiên Chúa luôn hiện diện nơi những ai luôn sẵn sàng. Sách Khải huyền viết: “Phúc cho ai chết trong ân nghĩa Chúa.” Chúa Giêsu còn dùng dụ ngôn để dạy mọi người phải sẵn sàng như các cô phù dâu khôn ngoan chờ đợi chàng rễ đến. Chúa gõ cửa, ai sẵn sàng mở ra, Ngài sẽ vào và dự tiệc vui với họ.

    - Truyện: Bà Maude, Nữu Ước, lần đầu hành hương Rôma, ngồi bên cửa sổ máy bay, nên lo sợ. Đang bay, một động cơ phản lực không hoạt động. la: “Chúng ta sắp chết!” Tiếp viên hàng không, sau khi hỏi ý kiến đoàn bay, rồi báo: “Xin quý vị an tâm, phi công bảo đảm máy bay sẽ đáp an toàn với 3 động cơ.” Nhưng cụ cứ la lên, tiếp viên trấn an: “Cụ đừng lo, Chúa đang ở đây, máy bay có tới 4 giám mục!” Cụ nói: “3 giám mục đủ rồi, nhưng phải đủ 4 động cơ!” Bà sợ vì thời giờ lại đến lúc cụ chưa sẵn sàng(ST).

    - Mong chờ Chúa đến lần thứ hai. Đức Giêsu đã báo trước về ngày Chúa quang lâm. Chúa dạy phải sẵn sàng như đầy tớ khôn ngoan và tỉnh thức chờ đợi chủ trở về bất ngờ. Những hình ảnh về Hồng thủy và Sôđôma nhắc nhớ con người hướng về ngày tận thế. Những ai sẵn sàng trong cuộc sống hiện tại là họ đang chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu trong cõi vĩnh hằng.

    - Mỗi người hãy noi gương Chúa, sống yêu thương phục vụ. Chúa hiện diện nơi người biết lắng nghe, suy niệm và thực hành Lời Chúa, đồng thời hiện diện nơi người anh em như lời Chúa hứa để đạt được hạnh phúc đởi đời: “Sự gì các ngươi làm cho một trong những anh em bé mọn là làm cho chính Ta.”

     

    CN I MÙA VỌNG (Bài 4) – KHÁT VỌNG

    1. Quan điểm về cuộc đời.

    - Quan điểm chết là hết: Không gì tồn tại, cứ ăn uống, vui chơi, hưởng thụ giây phút hiện tại, vì chết là hết.

    - Thuyết Định mệnh cho rằng mọi sự đã an bài, số phận đã định đoạt. Không làm được gì nữa, cố gắng vô ích.

    - Thuyết Luân hồi cho rằng: Kiếp này chưa đạt hạnh phúc thì hi vọng ở kiếp sau, khi con người tái đầu thai.

    - Kitô giáo chủ trương: Chúa trao con người trách vụ thế giới. Thời gian hiện tại quyết định số phận đời đời.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về khát vọng

    - Isaia ước mong Chúa đến giúp: “Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa Chúa,… Vì các chi tộc hưởng gia nghiệp Chúa, xin đoái nhìn lại” (Is 63,17).

    - Phaolô mong các tín hữu được ơn nghĩa Chúa: “Chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta và của Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 1,3).

    - Đức Giêsu hằng mong mọi người tỉnh thức để được ơn cứu độ: “Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!” (Mc 13,37)

    3. Khát vọng

    - Mùa Vọng là thời gian khát mong Chúa đến. Người ta có thứ này, lại đi tìm thứ khác, tìm mãi khôn nguôi. Chỉ nơi Thiên Chúa, mới có thể làm cho con người thoả mãn mọi ước nguyện. Nguyện xin Thiên Chúa ngự đến với các gia đình, cộng đoàn, để Ngài thương yêu, và hướng dẫn con người nên hoàn thiện hơn. Thánh Augutinô viết: “Chúa là khát vọng của lòng tôi, tôi sẽ khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa.”

    - Khát vọng nền công lý và hòa bình. Nhiều kẻ quyền thế trơ trẽn chia nhau lợi lộc béo bở, bất chấp công lý, đạo đức. Chiến tranh, cướp giật, lừa đảo luôn diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, Kitô hữu không mong Chúa trừng trị những kẻ bóc lột, độc ác, bất công, chính mình phải luôn sống có trách nhiệm với mọi người; đồng thời xin Chúa ban bình an cho con cái của Chúa cũng như ban công lí và trật tự cho toàn thế giới loài người.

    - Khát vọng thoát ra khỏi thói quen xấu. Thói quen làm giác quan người ta bị tê liệt. Thói quen xấu rất khó bỏ. Bỏ con ếch vào nồi nước nóng, thì nó sẽ nhảy ngay ra ngoài, nhưng nếu đặt nó vào nồi nước lạnh, rồi đun sôi, nó sẽ ngồi yên cho đến chết. Thần kinh của loài vật chỉ thấy nguy hiểm khi có cảm giác mạnh thôi. Mùa Vọng là dịp Kitô hữu cố gắng thoát ra khỏi những nết xấu, giúp cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.

    - Khát vọng cho mọi người nhận ra ơn Chúa. Đầu Năm Mới, người ta luôn hy vọng những điều may lành tốt đẹp sẽ đến qua những lời chúc. Chúa ban cho con người tràn đầy hồng ân mà nhiều người không nhận ra. Đầu năm Phụng vụ, Giáo Hội cũng mời gọi mọi người đón nhận hồng ân Chúa, và hướng về ngày Đức Kitô sẽ đến trong vinh quang, tái thiết trật tự mới tốt đẹp cho toàn thể nhân loại.

    - Truyện: nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại vườn ngô. Ông định bắn súng, không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có con đậu canh. Len lỏi dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay lên, nhưng chúng sà xuống con gác, với những tiếng kêu giận dữ. Con chim bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nó không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác(ST).

    - Khát vọng được ơn cứu độ. Đã sinh ra ở thế gian ai cũng muốn được cứu độ, được vào cõi vĩnh hằng, cõi phúc, Niết Bàn hay Thiên Đàng. Kitô hữu hãy sống công chính, yêu thương, tha thứ và chia sẻ cuộc sống cho nhau, không khát vọng Chúa giết bỏ thế lực gian tà, mà là đánh thức họ nhận ra uy quyền của Thiên Chúa, để tất cả được ơn cứu độ đời đời mà Chúa đã hứa ban.

                                                                                       Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

     

    BTT GPTB

    Bài viết liên quan