DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
NĂM B
Tin Mừng (Mc.1, 12-15)
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng"
Suy Niệm
Thánh Mac-cô thuật lại câu truyện Đức Giê-su vào hoang địa ăn chay và chịu ma quỷ cám dỗ. Đức Giê-su tuyên bố chấm dứt thời Cựu Ước để mở đầu thời kì mới bằng việc loan báo Tin Mừng Nước Trời.
Tại sao lại phải lên rừng vắng ăn chay, ở thành phố hay ở tại nhà mình có gì khác không? Tại sao ma quỉ biết Đức Giê-su là Đấng Thiên sai thông qua các dấu bên ngoài, như Lời giảng, các phép lạ, mà vẫn cố tình cám dỗ Người?
1. Đức Giê-su ở trên rừng vắng
Mỗi người hãy theo dấu chân Đức Giê-su qua đoạn Tin Mừng thánh Mac-cô để lại:
Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ của Người bằng việc vào nơi hoang địa, thực hiện những hành động cần thiết: thinh lặng, khổ chế, cầu nguyện, nhất là để tìm lại sự thân mật gần gũi với Thiên Chúa Cha của Người và hoạch định ra con đường sắp tới. Lịch sử các Tổ phụ, các Ngôn sứ đều đã trải nghiệm nơi hoang địa, núi cao để gặp Chúa và tìm lại chính mình. Đức Giê-su chấp nhận cuộc sống thiếu tiện nghi ở hoang địa, với cái nóng thiêu đốt, cô đơn, trống vắng, cái khát cháy bỏng. Đức Giê-su cũng muốn chứng tỏ Thiên Tính Người và lòng trung thành với Chúa Cha của Người nơi hoang địa hẻo lánh này.
Đức Giê-su ăn chay, chia sẻ cuộc sống của con người: Để cảm nghiệm cái đói khổ, cô đơn, thiếu thốn, Đức Giê-su đã nhịn chay 40 đêm ngày liên tục. Chay tịnh thường mang lại hiệu quả phi thường trong đời sống, đặc biệt đời sống tâm linh. Chay tịnh là hành vi đặt vị trí linh hồn cao hơn thân xác, nó cũng giúp người ta biết sống phó thác vào Đấng Tạo Hoá, chính vì thế mà người It-ra-en thường nhịn chay để tỏ lòng sám hối và cầu xin Chúa nâng đỡ trong khi gặp nguy hiểm. Đức Giê-su nêu cao bài học khiêm nhường: Người ăn chay để thông cảm sự yếu đuối của con người.
Đức Giê-su chiến thắng Sa-tan: Vốn xuất thân từ hàng ngũ Thiên thần, Satan là quỷ tướng, đến cám dỗ Đức Giê-su, bằng những thủ đoạn mánh khoé tinh vi, mà nó đã từng thành công nơi những người khác. Mỗi thủ đoạn là tất cả những nhu cầu cho cuộc sống vật chất: miếng ăn, dục vọng, nhất là quyền lực. Chúng muốn biến Đức Giê-su thành một Thiên Chúa giả tạo, có thể giải quyết mọi thứ. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã nhận thức được những quyến rũ trần gian, Người đi vào hoang địa, tránh ồn ào, quảng cáo; Người làm cho mưu đồ của Sa-tan bị đổ vỡ tan tành.
Đức Giê-su là A-đam mới: Cũng ở trong hoang địa, thánh Mac-cô đã đưa ra một hình ảnh khác thường nơi Đức Giê-su: Người "sống giữa dã thú và có các Thiên sứ hầu hạ"(Mc 1,13). Người ta có thể hình dung lại cuộc sống của A-dong và E-và trong vườn Địa đàng, nơi đó có các Thiên sứ hộ vệ, cùng với những con thú vật đủ loại, từ những con vật hiền lành đến những con "dã thú," sống chung với nhau. Đức Giê-su là A-đam mới, đem cảnh thanh bình địa đàng trở lại, nhờ việc chiến thắng những cám dỗ, đem lại yên vui cho nhân loại.
2. Sứ điệp Tin Mừng
Qua dấu chân của Đức Giê-su, mỗi người thấy được sứ vụ quan trọng của Người trong việc loan báo Tin Mừng:
Đức Giê-su chính thức chấm dứt thời kì Cựu Ước: Việc Gio-an bị bắt nói lên sứ mạng Tiền hô của ông từ nay đã hết. Gio-an là con người giao thời giữa cũ và mới. Gio-an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người dọn đường. Gio-an đã giới thiệu Đức Giê-su cho môn đệ của mình trước khi bị bắt; đó là lúc Đức Giê-su tuyên bố chấm hết thời cũ: "Thời kì đã mãn" và nay chuyển sang thời kì Đấng Thiên Sai.
Đức Giê-su rao giảng Tin mừng: Sau khi đã sẵn sàng cho sứ vụ, Đức Giêsu ra đi đến miền Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin mừng là tin tốt lành, không phải là thứ tin tức do người ta bịa đặt trên các phương tiện truyền thông, chỉ làm cho người ta bực mình, khó chịu. Đây là tin vui từ Trời, tin do chính Đức Giê-su loan báo. Tin Mừng đó còn là chính Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng từ Trời cao, đến với nhân loại như đã hứa với Tổ phụ. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng và tuyển chọn các môn đệ cùng đi rao giảng, để tất cả những ai tin vào Người sẽ được cứu độ.
Đức Giê-su tuyên bố Nước Trời đã đến gần: Nước Trời có thể hiểu là Thiên đàng, hoặc Giáo hội ở trần gian, mà Đức Giê-su thiết lập. Cựu Ước đã nói nhiều đến Nước Thiên Chúa và mong Nước đó chóng đến. Đó là Vương quốc mà Thiên Chúa giữ quyền tối thượng, Thiên Chúa sẽ quy tụ mọi vương quyền, quốc gia, lãnh thổ vào Vương quốc của Người. Đây là Nước công bình, hạnh phúc mà mọi người hằng mơ ước.
3. Đón nhận Tin Mừng
Theo gương Đức Giê-su, mỗi người hãy cố gắng thực hiện những việc làm cần thiết để đón nhận Tin Mừng:
Hãy sám hối: Đức Giê-su coi "sám hối" là điều kiện để đón nhận Tin Mừng. Chúa chỉ tha thứ khi con người biết từ bỏ mọi sự. Người ta không thể lau nước mắt người khác, nếu họ chưa từng biết khóc. Con người phải biết nhận ra chính mình yếu đuối lầm lỡ; họ phải quyết tâm đổi mới tận gốc rễ của con người cũ, của những thói xấu đã bám rễ trong mình. Đây không phải là công việc đơn giản; người ta không dễ dàng vứt bỏ thói quen, với lòng tự trọng, cao ngạo. Chỉ có ai khiêm nhường, dám nhìn thẳng vào mình với tinh thần sám hối mà Đức Giê-su kêu gọi, họ mới có hi vọng tiến lên.
Hãy chiến thắng cám dỗ: Ma quỷ dùng những cạm bẫy quyền lực, tiền tài, nhục dục để cám dỗ Đức Giê-su, nhưng Người đã đánh bại hoàn toàn mưu đồ của chúng. Con người cũng tiếp tục bị áp lực bởi những cơn cám dỗ đến từ ma quỷ, thế gian và xác thịt. Ma quỷ không bao giờ xuất hiện như những nhân vật kinh dị, mà tàng hình trong những con người đầy hấp dẫn đáng yêu; nhưng thực chất nó là một kẻ thù đáng sợ, luôn tìm thời cơ để lôi kéo con người hành động tội ác. Những thứ vật chất thế gian luôn óng ánh làm loé mắt con người, làm tê liệt lí trí, làm người ta lìa xa khỏi Nước Chúa. Những đam mê quyến rũ, những thèm khát luôn làm xao động lòng người, lôi kéo họ rơi vào cạm bẫy, làm liều.
Con người ngày nay chạm chán với cám dỗ nhiều hơn; cám dỗ qua phim ảnh, sách báo; cám dỗ qua quảng cáo, cạnh tranh, kích thích con người hưởng thụ thoả mãn. Cám dỗ vẫn tiếp tục với cá nhân cũng như trong toàn thể Giáo Hội. Mỗi người hãy khiêm nhường biết từ bỏ, cầu nguyện, thực hành chay tịnh, là những phương pháp hữu hiệu nhất giúp con người vươn lên.
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
CHỦ ĐỀ: CÁM DỖ
DÀN Ý
1. Cám dỗ
- Từ điển Wikitionary định nghĩa: “Cám dỗ là khơi dậy lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã.”
- Có ba thứ cám dỗ: Thế gian, xác thịt, ma quỷ.
- Cám dỗ có nhiều thứ: Cám dỗ từ đồ ăn, thuốc lá, rượu bia, ma tuý; hay từ sắc dục, địa vị, tiền bạc, công danh.
2. Lời Chúa hôm nay nói về cám dỗ
- Phêrô nói về sự không vâng phục của người xưa: “Người đến giảng cho các tâm hồn bị giam cầm, tức là các kẻ xưa kia đã có lúc không tin phục Thiên Chúa” (1 Pr 3,19).
- Maccô kể Đức Giêsu bị cám dỗ nơi hoang địa: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ” (Mc 1,12).
3. Vượt qua cám dỗ
- Noi gương Đức Giêsu chấp nhận cám dỗ. Quỉ cám dỗ Chúa, chứng tỏ quỷ thao túng thế gian. Con người có xác hồn, nên không tránh khỏi những cám dỗ đến từ thân xác và tinh thần, ‘cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.’ Người ta phải chấp nhận, khôn ngoan và phó thác cho Chúa, mới có thể vững vàng trước mọi cơn cám dỗ diễn ra hàng ngày.
- Noi gương Đức Giêsu, chiến thắng cái đói thể xác. Quỷ lợi dụng lúc Chúa đói, để dụ dỗ Ngài làm phép lạ đáp ứng nhu cầu thân xác. Nhiều người ‘đạo theo’ vì miếng cơm manh áo, để được vợ, được nhà. Người ta phải luôn cảnh giác với áp lực của nhu cầu ăn uống của thân xác. Chúa Giêsu đã thẳng thắn: “Con người không chỉ sống bởi cơm bánh, mà còn sống theo lời Chúa.”
- Noi gương Đức Giêsu chiến thắng cái đói quyền lực. Ma quỉ luôn cám dỗ con người về địa vị, bất chấp đàn áp, bất công, ‘coi trời bằng vung.’ Quỉ dụ Đức Giêsu về quyền lực, nhưng Ngài đã lột mặt nạ của nó. Chúa không làm phép lạ theo ý nó, cũng không làm ảo thuật như phù thủy, hay biểu diễn ra oai. Chúa dạy con người phải đề phòng với tham vọng chức quyền.
- Noi gương Đức Giêsu chiến thắng cái đói vinh hoa. Ma quỉ đánh bài ‘ngửa’ với Đức Giêsu, khi hứa cho phú quí sang trọng, nếu làm nô lệ cho nó. Nhưng Đức Giêsu đã thẳng thắn đuổi chúng đi. Ngài dạy, chỉ tôn thờ một Chúa thôi. Người tín hữu không đi đạo để đòi hỏi Chúa và Giáo Hội của Ngài phải đáp ứng các đòi hỏi của thế gian.
- Truyện: Có người Tề mê vàng. Sáng sớm ra chợ, tới hàng đổi tiền, liền chộp khối vàng rồi chạy. Người ta bắt và hỏi: Sao giữa đám đông mà dám cướp vàng thế? Anh trả lời: Lúc thấy vàng, tôi đâu còn thấy thiên hạ xung quanh nữa. Trước mặt tôi, chỉ có vàng mà thôi(ST).
- Noi gương Đức Giêsu phải luôn đề phòng cám dỗ. Quỉ dụ dỗ con người sa vào cơn ma trận: Quán bar, karaokê, bia ôm, hay cafê trá hình, động mại dâm, gội đầu thư giãn, để thỏa mãn tình dục. Nó còn hứa cho cuộc sống tiện nghi đầy đủ. Nhưng, chẳng có ai cho không cái gì bao giờ, mà đều có điều kiện hết. Ma quỷ còn đòi lại nhiều hơn gấp bội.
- Con người, cần chịu cám dỗ để vượt khó. Khi chịu cám dỗ, người ta có kinh nghiệm và có công với Chúa. Nhưng họ phải dựa vào Chúa. Ngài không hứa cho khỏi bị cám dỗ, nhưng hứa sẽ cứu thoát chúng ta, như Lời Chúa nói: “Cứ xin thì sẽ được, tìm sẽ gặp, gõ cửa thì sẽ được mở cho.”
Lm Giuse Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 106 | Tổng lượt truy cập: 4,075,046