Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 16/05/2024
  • Chủ đề: Thần Linh thánh hóa

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Ga 20, 19-23)

           Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con." Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại."

    THẦN LINH THÁNH HÓA

    DÀN Ý

    1. Thần Linh

    - Thần linh: Là thần, siêu nhiên, thiêng liêng, quyền năng, bất tử; ý thức, siêu phàm. Người Việt tin có thần Tài, Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ, Mưa, Sấm, Gió.

    - Thiên thần: Là thụ tạo thiêng liêng, bất tử; có ngôi vị, lý trí; có vai trò tôn vinh Chúa và là sứ giả Chúa sai.

    - Chúa Thánh Thần: Là Một trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

    - Đức Kitô nói: Đấng Phù trợ Thầy sai từ Chúa Cha, là Thần Chân Lý sẽ dẫn các con tới Chân lý toàn vẹn.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về thánh hóa

    - Sách Xuất hành nói về Dân được hiến thánh: “Các ngươi sẽ là vương quốc tư tế, dân tộc hiến thánh. Ðó là lời ngươi sẽ nói lại với con cái Israel” (Xh 19, 6).

    - Phaolô nói về Thánh Thần thánh hóa: “Ðấng thấu suốt tâm hồn, biết điều Thánh Thần ước muốn. Vì Thánh Thần cầu cho các thánh như ý Chúa” (Rom. 8,27).

    - Đức Giêsu nói về Thần Khí thánh hóa: “Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giêsu nói về Thần Khí kẻ tin sẽ nhận” (Ga 7, 33-34).

    3. Thần Linh thánh hóa

    - Thánh Thần biến đổi các Tông đồ. Thánh Thần đến tác động tất cả: Canh tân bộ mặt trái đất, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, tưới gội chỗ khô khan, ủi an nơi sầu khổ. Ngài như luồng gió biến đổi các ông thuyền chài yếu đuối, trở thành can đảm, ra đi làm chứng cho Chúa Phục Sinh, đổi thay cả thế giới, như mọi người được chứng kiến. 

    - Thánh Thần tiếp sức việc truyền giảng Tin Mừng. Thánh Thần đã làm những điều kì diệu: Kinh Thánh được viết ra do ơn soi sáng của Thánh Thần, trở thành nền móng luật lệ của các quốc gia. Kinh Thánh được dịch ra 542 thứ tiếng, Tân Ước dịch ra 1.324 ngôn ngữ. Mỗi người đều được Thánh Thần tiếp sức ra đi loan Tin Mừng khắp nơi.

    - Thánh Thần thánh hóa Giáo hội. Giáo Hội được ra công khai ngày Lễ Ngũ Tuần. Lịch sử Giáo hội với những thăng trầm, biến động do bị bách hại; một số lãnh đạo Giáo Hội lại sống gương mù, độc đoán. Nhưng Thánh Thần vẫn không ngừng canh tân, để Giáo hội Đức Kitô vượt qua những khó khăn và tiếp tục phát triển.

    - Thánh Thần đổi mới thế giới. Người ta dùng nhiều thứ ngôn ngữ để truyền đạt thông tin, trong đó có ngôn ngữ vi tính, dựa trên các con số, đặc biệt ngôn ngữ mẹ, để để biểu lộ tâm tình. Thánh Thần đưa ra ngôn ngữ chung, ngôn ngữ tình yêu, ngôn ngữ của Chúa Cha để đổi thay cả thế giới, khắp nơi đến Giêrusalem đều nghe các Tông đồ nói như tiếng bản xứ.’

    - Truyện: Có anh học giáo lý dự tòng, học mãi không thuộc kinh Chúa Thánh Thần. Khó nhất là cứ lặp đi lặp lại “Thánh Thần xuống, Thánh Thần lại xuống.Anh nói: “Sao không thấy Thánh Thần lên mà thấy cứ xuống mãi?” Giáo lí viên nói: “Nếu Chúa Thánh Thần mà lên thì thế giới này sẽ bị hủy diệt ghê sợ hơn là bom nguyên tử!”(ST)

    - Trước một thế giới đầy dẫy bất công và bạo lực, những phương thế trần tục chỉ làm vấn đề thêm trầm trọng hơn, vì ‘lấy oán báo oán, oán trập trùng.Chỉ có Thánh Thần mới giúp con người biết khiêm nhường, tránh ảo tưởng, sống yêu thương để đem lại an vui đích thực.

    THÁNH THẦN CHÂN LÍ

    Suy Niệm

    Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống với các Tông đồ đúng như lời Đức Kitô đã hứa, để ở với Giáo hội và hoạt động với Giáo hội Người đã thiết lập; Chúa Thánh Thần là Đấng hiệp nhất mọi người lại làm một để họ được sống trong ân sủng Chúa.

    Người ta thắc mắc, nếu Chúa Thánh Thần là Đấng luôn hiện diện trong Giáo hội, tại sao trong năm Phụng vụ dành quá ít để kính Đức Chúa Thánh Thần? Phải chăng Đức Chúa Thánh Thần là Đấng có vai trò hiệp nhất trong Giáo hội hay lại là cớ cho sự chia rẽ thành các nhóm phái đang gia tăng trong Giáo hội, như hội Thánh Linh, hoặc các giáo phái khác, cho rằng những việc làm của họ đều được ơn Thánh Linh soi dẫn?

    1. Chúa Thánh Thần hiệp nhất Giáo Hội

    Đức Giê-su thành lập Giáo hội dựa trên Thân Thể màu nhiệm của chính Người. Các bộ phận là các thành phần trong Giáo hội, mà hạt nhân là các Tông đồ, tất cả phải được gắn kết với nhau. Đức Giê-su đã cầu nguyện cùng Chúa Cha, trước khi Người tự hiến tế làm lễ vật trên Thánh Giá: “Xin cho chúng hết thảy được hiệp nhất như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để chính họ cũng được nên một trong Ta, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con.”(Ga.17,21)

    Đức Giê-su tuyển chọn các Tông đồ: Xuất thân từ nghề chài lưới, ít học, mặc dù đã được Chúa huấn luyện, trí khôn các ông không thể tiếp thu được một nền thần học mà ngay cả ngày nay, các nhà thông thái lỗi lạc cũng chưa khám phá hết những điều huyền diệu trong đó. Các ông chưa có thể trở thành những chuyên gia lãnh đạo một Giáo hội mới mẻ; nhất là các ngài mới trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về cái chết của Thầy mình. Các ông run sợ, loạng choạng, các ông cần hỗ trợ. Giáo hội như một thân thể còn chưa đầy đủ, còn thiếu hơi thở của Chúa Thánh Thần.

    Chúa Thánh Thần đã quy tụ các Tông đồ là những người đang bị hoảng loạn, tan tác mỗi người một phương. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp họ can đảm để nhìn lại sự thật, sẵn sàng xung trận. Chính Chúa Thánh Thần đã nâng đỡ sự yếu đuối, vấp ngã của các môn đệ. Chính Chúa Thánh Thần soi sáng sự hiểu biết cho các môn đệ, bù đắp những hạn chế tầm nhìn, ra khỏi chiếc thuyền, mảnh lưới, đi khắp thế gian làm chứng về sự thật. Chính là Chúa Thánh Thần đã giúp các ngài có sức mạnh để quy tụ mọi người về một mối là Giáo hội của Chúa Ki-tô.

    Chúa Thánh Thần là Đấng quy tụ mọi thứ người: “Khi đến ngày lễ Ngũ tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh lùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.” Chúa Thánh Thần với đầy sức mạnh, quy tụ muôn dân thiên hạ, như lửa để đốt nóng, soi trí mở lòng mọi người, như gió mạnh lùa vào đẩy họ đến một nơi, như tiếng nói giúp họ nói và nghe được các tiếng mới lạ, hiểu được các loại văn hoá khác nhau, trở nên một trong Chúa Ki-tô: “Tất cả chúng ta Do Thái hay Hi Lạp, nô lệ hay tự do đều được chịu phép Rửa nhờ Chúa Thánh Thần để nên một thân thể.”(1 Cr.12,13)

    Chúa Thánh Thần hiệp nhất Giáo hội: Từ các châu lục: Âu, Á, Mĩ, Đại Dương, từ các loại sắc tộc, các loại hình văn hoá, tất cả đặt dưới sự lãnh đạo của Giáo hội, trên nền tảng Phê-rô, giám mục Rô-ma; chung một nghi lễ, một hệ thống luật lệ, một tổ chức điều hành. Dấu hiệu quan trọng nhất là sự hiệp nhất trong nhiệm tích Thánh Thể. Thánh Lễ vần là nơi hội tụ, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, mọi tầng lớp người, già trẻ lớn bé, mọi màu da, tiếng nói đến chung một bàn thờ, dâng của lễ vô giá là Đức Chúa Giêsu lên Thiên Chúa Cha để cứu độ toàn thể loài người.

         2. Hoạt động của Chúa Thánh Thần

    Chúa Thánh Thần không những là Đấng hiệp nhất Giáo hội Chúa Ki-tô, mà còn là Đấng bảo vệ, duy trì sự sống trong Giáo hội:

    Chúa Thánh Thần duy trì sự sống của Đức Ki-tô Phục Sinh. Thiên Chúa đã thổi hơi và ban Thần Khí cho con người để có sức sống. Chúa Giê-su thổi hơi để ban Thánh Thần sự sống cho Giáo hội. Như khí, nước, lửa là những chất liệu cần thiết để duy trì sự sống con người, Chúa Thánh Thần cũng qua các dấu chỉ này, ban sự sống cho toàn thể loài người. Giáo hội đã được Chúa Thánh Thần mở toang cánh cửa sự sống để hết mọi người có thể thông phần. Thay vì nỗi lo sợ thất vọng của các môn đệ, giờ đây nhờ ơn Chúa Thánh thần, họ sẵn sàng ra đi gieo vãi Tin Mừng, trở nên khí cụ để đổi mới con người, đổi mới trái đất, với cuộc sống mới dồi dào ân sủng Chúa.

    Chúa Thánh Thần hoạt động bền bỉ trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần hằng bảo vệ Giáo hội đến nỗi quyền lực Địa ngục cũng không thắng được. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội, giúp Giáo hội vượt qua những cạm bẫy của ma quỷ ghen tương phá hại. Giáo hội phải luôn cảnh giác với những cá nhân hay tổ chức, không bắt nguồn từ Giáo hội Chúa Ki-tô, lợi dụng danh Chúa Thánh Thần để phục vụ cho mục tiêu cá nhân, đó là thứ lợi dụng, bắt nguồn từ quỉ ma.

    Chúa Thánh Thần là Đấng phù trợ Giáo hội. Chúa Thánh Thần can thiệp qua các phép Bí tích, qua ba nhân đức Đối Thần: Tin, Cậy, Mến; qua những khả năng siêu nhiên là 7 ơn Chúa Thánh Thần. Người ban ơn khôn ngoan để làm việc giảng dạy, ơn Đức Tin, ơn hiểu biết, ơn làm phép lạ để hoạt động. Chúa Thánh Thần giúp các môn đệ hiểu được Lời Chúa, hướng dẫn họ lên đường. Ngày nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục hướng dẫn Giáo hội lên đường, đến với những người nghèo, bệnh tật, người đui mù, nhất là mù Đức Tin. Chúa Thánh Thần cũng đang nhắc bảo từng người hãy lên đường. Mặc dù Phụng vụ ít nhắc đến Chúa Thánh Thần hơn Chúa Ki-tô và Mẹ Ma-ri-a, nhưng giữa Chúa Ki-tô và Thánh Thần không có sự chia rẽ. Chúa Thánh Thần can thiệp vào mọi tác vụ của Đức Ki-tô, đó chính là Thánh Thần của Đức Ki-tô.

              Xin Chúa cho mỗi người hiểu rõ ý Chúa nhiệm màu để nhận ra ơn Chúa Thánh Thần luôn xuống dồi dào trong Giáo hội cũng như cá nhân mỗi người. Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục duy trì và canh tân mặt đất và xin Thánh Thần tình yêu đốt lửa kính mến trong lòng mọi người chúng ta để trở nên một sự hiệp nhất trong Chúa Kitô.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan