DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ CHÚA HIỂN LINH
NĂM B
LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Phúc Âm (Mt 2,1-12)
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: "Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người". Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: "Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta".
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: "Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người". Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Suy Niệm
Màu nhiệm Nhập thể diễn tả tình yêu cụ thể Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa quan phòng bằng nhiều hình thức khác nhau, đã tỏ hiện màu nhiệm cao siêu của Người cho nhân loại. Qua ánh sao, các chiêm tinh gia, học giả đã đến được với Chúa Giê-su khi mới sinh ra ở Be-lem và họ đã dâng lễ vật thờ lạy Người.
Tuy nhiên nhiều người cho rằng, nếu Thiên Chúa yêu con người, tại sao Chúa không chỉ rõ cho họ biết về Chúa, mà chỉ mạc khải gián tiếp, mập mờ, khó hiểu, nhất là đối với trí khôn hạn chế của con người do chính Chúa tạo nên? Tại sao Chúa không sai Sứ thần đến thông tin cho các Tư tế, là những đại diện đang làm nhiệm vụ thờ phượng trong Đền thờ, mà lại mạc khải cho người xa lạ, dân ngoại? Và tại sao ngôi sao đi qua đất It-ra-en mà không ai nhìn thấy, ngoại trừ mấy ông dân ngoại?
1. Chúa hiển linh
Hiển linh: Từ "hiển linh" có nghĩa là tỏ hiện, là mạc khải hay vén bức màn bí mật lên. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, yêu thương họ và ban những yếu tố cần thiết, giúp con người được thăng hoa để đạt cõi phúc. Thiên Chúa không áp đặt, mà để con người tự do đáp trả tình yêu của Chúa. Thiên Chúa cũng muốn ban hạnh phúc vĩnh cửu cho con người, nhưng phải bảo đảm được điều kiện mà Chúa đòi hỏi trong cuộc sống nơi con người là sinh vật có trí khôn. Thiên Chúa cũng luôn can thiệp kịp thời bằng những dấu chỉ, để mạc khải về Thiên Chúa và những kế hoạch của Chúa giúp con người luôn có đủ điều kiện để hiểu biết và gặp gỡ Thiên Chúa.
Giê-ru-sa-lem: Bài Tin Mừng đã nhắc tới địa danh quan trọng Giê-ru-sa-lem, thủ đô của It-ra-en, nơi tập trung mọi quyền lực chính trị, tôn giáo, lưu giữ các bản văn mạc khải, nơi ở của các nhà lãnh đạo trong tôn giáo, các Thượng tế, Kinh sư… Khi ba nhà Chiêm tinh đến Giê-ru-sa-lem hỏi Chúa Cứu thế sinh ra ở đâu, Hê-rô-đê và các đại giáo trưởng tập họp lại, lục soát Kinh thánh về những tiên báo liên quan tới Đấng Cứu thế. Họ đã tìm thấy trong đó, các chi tiết, địa điểm, nhân vật và thời gian Đấng Cứu Thế đến, những dấu chỉ liên quan đến Giê-ru-sa-lem. Đáng tiếc cả kinh thành chỉ “bất an” khi nghe tin Chúa đến, thay vì đến tôn thờ Người.
Be-lem: Thiên Chúa đã mạc khải rất rõ ràng qua các Ngôn sứ, Đấng họ đợi trông sẽ phải sinh ra ở Be-lem, như đoạn Tin Mừng ghi lại: “Tại Be-lem miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ Mi-kê-a có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Be-lem, miền đất Giu-đê, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì nơi ngươi, vị lãnh tụ chăn dắt It-ra-en dân Ta sẽ ra đời”(Mt 2,5-6). Không thể nói Chúa không hiển linh đầy đủ, các vua quan, Kinh sư, Biệt phái, hết mọi người dân… đều đã đến hội đường trong ngày Sa-bat, đều phải đọc Kinh Thánh và đều được nghe đoạn sách Ngôn sứ này.
Ánh sao: Thiên Chúa không chỉ tỏ hiện cho dân riêng của Người thôi, mà còn tỏ hiện cho dân ngoại, cho các nhà chiêm tinh, hay nói cách khác là cho tất cả mọi người biết Màu nhiệm của Chúa. Ánh sao có thể là một ngôi sao, hoặc một mảnh sao băng xuất hiện khác thường, có thể là ánh sao tâm hồn mà Thiên Chúa tỏ hiện trong trí khôn loài người. Nhờ tìm hiểu sách vở, khoa học đạo đời và nhờ vào mạc khải thần linh của Chúa qua ánh sao, mà dân ngoại đã hiểu được việc làm của Thiên Chúa nơi Đức Kitô.
2. Gặp gỡ
Màu nhiệm Ngôi Hai nhập thể đã được hiển linh cho loài người qua các Tổ phụ, các Tiên tri, qua ánh sao, các phép lạ, qua các chứng nhân trực tiếp hoặc không trực tiếp với Đức Kitô. Điều quan trọng là loài người có thiện chí đón nhận hay không. Đoạn Tin Mừng thánh Mat-thêu đã giới thiệu những nhân vật được gặp gỡ Chúa Hài Đồng.
Trước hết là Ma-ri-a và Giu-se: Đây là hai nhân vật mẫu mực thánh thiện, hiền lành. Cả hai đã khấn mình trinh khiết để dâng trọn cuộc đời cho Chúa. Cả hai đã kiên trì chờ đợi Đấng Cứu Thế. Chính vì thế, Ma-ri-a đã được chọn làm mẹ Đấng Cứu thế, còn thánh Giu-se được tuyển chọn làm gia trưởng Thánh Gia. Cả hai đã hạnh phúc được trực tiếp chứng kiến Chúa Cứu thế sinh ra, thấy các Thiên thần ca hát và tận mắt nhìn mọi người từ khắp nơi về thờ lạy “Hài Nhi với Thân Mẫu là bà Ma-ri-a.”
Những mục đồng, dù khó nghèo vất vả, nhưng vinh dự được gặp gỡ trực tiếp Chúa sinh ra ở Be-lem, ngay trong quán lều của họ. Chúa Hài Đồng đã sử dụng chiếc lều tồi tàn cũ kĩ dùng để cho các sinh vật nghỉ ngơi ăn uống, làm nơi cư ngụ đầu tiên của cuộc đời nhập thể làm người. Các mục đồng là những người có lòng thành tâm đón nhận Chúa.
Ba vua được coi là những nhân vật trọng tâm trong ngày lễ Hiển linh mà người ta vẫn gọi là lễ Ba vua. Họ có thể là những nhà chiêm tinh, những đạo sĩ, hay những tộc trưởng; có thể là các nhóm khoa học thuộc các trường phái Py-tha-go, Hy-po-cờ-rat, Tha-lê. Nhờ vào ánh sao dẫn đường, các ông đã quyết tâm vượt qua đường trường để đến thờ lạy vua dân It-ra-en mới sinh. Mặc dù có đôi chút trục trặc khi các ông đã tìm Chúa ở thành đô Giê-ru-sa-lem, để đến nỗi suýt gặp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cuối cùng họ cũng đã đến được Be-lem, tận lều trại nơi Chúa sinh ra. Ba vua đã dâng lễ vật: vàng là tặng vật quan trọng dành cho vua chúa; nhũ hương là thứ dành cho việc thờ phượng và mộc dược dùng để ướp xác, tượng trưng cho nhân tính Chúa Giê-su. Họ đạt được mục tiêu và trở về theo đường an toàn mà Thiên thần hướng dẫn họ.
3. Lỡ hẹn
Mặc dù Chúa đã ban ơn đầy đủ để mọi người nhận ra các dấu chỉ của Chúa, như trường hợp các nhà đạo sĩ phương Đông, trong khi đó những người It-ra-en 'nằm giữa lại mất phần chăn;' họ bị lỡ hẹn!
Đó là Hê-rô-đê: Mặc dù chỉ là vua bù nhìn, nhưng Hê-rô-đê vẫn là người có vị trí thuận lợi nhất trong dân It-ra-en để nhận ra Đấng Cứu Thế. Ông có đủ điều kiện để nắm bắt những gì đang diễn ra ở đất nước; ông có thể chiêu mời các nhà chiêm tinh, các đầu mục thầy cả, những người hiểu biết Kinh Thánh, khi được thông tin về việc sinh ra của “Vua dân It-ra-en.” Nhưng đáng tiếc, ông có thể biết, nhưng ông không thể gặp được Đấng Cứu Thế. Đáng lẽ ông có thể trông chờ Đấng Cứu Thế đến để giúp khôi phục lại It-ra-en; nhưng vì không muốn ai lấy mất chiếc ngai của ông; cuối cùng ông không những đã mất địa vị vào tay người ngoại bang mà ông còn mất luôn cơ hội được gặp Chúa. Cuộc sống quá phũ phàng, đầy tội ác, nham hiểm, lừa lọc của ông, đã làm hại chính ông; ông bị các nhà chiêm tinh cho “leo cây!” Cuộc tàn sát đẫm máu các trẻ em từ hai tuổi trở xuống cũng chỉ để lại hậu thế tên tuổi của một ông vua đê hèn. Ông thực sự lỡ hẹn với Đấng từ Trời mà loài người mòn mỏi đợi trông.
Những người It-ra-en, các nhà chức trách tôn giáo, là các Tư tế, Pha-ri-siêu, Sa-đu-cê-ô, những nhân vật quan trọng trong It-ra-en cũng đã lỡ hẹn với Chúa. Họ là những người cầm Kinh Thánh trong tay, họ giảng dạy quần chúng về những dấu chỉ của Chúa, họ là những chủ nhân của di sản “Lịch sử cứu độ.” Họ biết Chúa đến, nhưng chỉ trên lí thuyết, mà không thực hành. Họ chỉ tìm quyền lợi vật chất, lợi ích cá nhân mà không chấp nhận Đấng Cứu Thế sinh ra nghèo hèn trong lều tranh mục tử. Việc Chúa hiển linh với người ngoại cho mọi người thấy rằng, Chúa đặt dấu chấm hết cho mọi hình thức dành riêng, dân tuyển chọn. Chính Chúa Ki-tô cũng đã nói về thành đô của họ: “Hỡi Giê-ru-sa-lem…. Đã bao lần Ta muốn tập hợp các con cái Ta, và các ngươi đã không muốn”(Mt 23,27-37). Họ đã lỡ hẹn.
4. Gương thực hành
Chúa Ki-tô đã xuống trần, người được gặp, kẻ lỡ hẹn. Những kinh nghiệm giúp mỗi người có thể gặp gỡ Đức Ki-tô:
Tìm hiểu chân lý: Đó là phương án tốt nhất giúp con người tìm ra lối đi đúng cho cuộc sống và giúp họ gặp gỡ Chúa. Dù có ánh sao lạ xuất hiện, nhưng nếu các nhà đạo sĩ không có kiến thức về thiên văn, nếu họ không học hỏi hiểu biết về Kinh Thánh của người It-ra-en, thì làm sao họ có thể can đảm đi tìm trẻ Giê-su và được gặp Chúa. Con người cần học hỏi khoa học, kiến thức về xã hội để bảo đảm cuộc sống, phải bồi dưỡng kiến thức tôn giáo giúp họ nắm bắt chân lý để đạt tới hạnh phúc trường cửu.
Theo ánh sao: Thiên Chúa có thể tỏ hiện Người cho nhân loại qua nhiều con đường, qua Kinh Thánh, qua Giáo hội, qua thiên nhiên, đặc biệt qua ánh sáng của lương tâm. Từ chối những tia sáng dọi vào tâm hồn là từ chối ơn Chúa. Phải biến những tiếng gọi đó thành hành động. Nếu mấy nhà đạo sĩ sợ nguy hiểm khó khăn, cứ ở nhà, làm sao có thể gặp Chúa; nhưng họ đã bất chấp gai góc, sỏi đá của núi đồi, cát bỏng của sa mạc, rắn rết, thú dữ, lính canh; họ đã ra đi theo ánh sao và họ đã đạt mục tiêu. Loài người đang trong cuộc lữ hành. Đức tin không đảm bảo cho cuộc hành trình dễ dàng. Có rất nhiều vật cản không cho người ta có đủ quyết tâm lên đường. Trong một xã hội ích kỉ và hưởng thụ, môi trường bị uế tạp bởi các tệ nạn xã hội, những thông tin quảng cáo lừa lọc, đầy tính nhục dục, con người phải quyết tâm ra đi theo tiếng gọi của ánh sao mà Chúa thường xuyên gửi đến trong cuộc đời.
Xin Chúa giúp chúng con nhận ra sự yếu kém và vô tâm của chúng con, mở toang cánh cửa tâm hồn để đón nhận ánh sáng và Hồng ân của Người, giúp chúng con nhận ra tình thương hải hà của Chúa luôn dành cho chúng con.
DÀN Ý
1. Vấn nạn
- Ba vua có mấy người? Là 2, 4, 12 vị, dựa vào các bích họa thế kỷ đầu; hoặc 3 vị, dựa vào 3 thứ lễ vật họ dâng.
- Họ từ đâu tới? Bức họa là người Magi. Y phục là Ba Tư. Vàng, nhũ hương và mộc dược, là thổ sản Ả Rập.
- Ánh sao là gì? Là ánh sáng được phát ra bởi các ngôi sao hay sự phản chiếu ánh sáng Mặt Trời từ các vật thể khác như: Ánh trăng, ánh hành tinh, ánh sáng hoàng đạo.
2. Lời Chúa hôm nay nói về ánh sao
- Isaia tiên báo ánh sáng sẽ bừng lên: “Bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng ngươi đến rồi. Vinh quang Đức Chúa như bình minh toả trên ngươi” (Is 60,1).
- Ba vua theo ánh sao đi tìm Chúa: “Vua Itraen mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên đến bái lạy Người” (Mt 2,2).
- Matthêu thuật lại việc ngôi sao lại xuất hiện: “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại” (Mt 2,9).
3. Thực hành lên đường theo ánh sao
- Kitô hữu phải biết khám phá. Kepler khám phá hai sao Jupiter và Saturn luôn quay cách đều nhau, nhưng năm Chúa sinh, nó sát lại gần nhau và ánh sáng cộng hưởng tạo ra luồng sáng khác thường, kéo dài mấy tháng, phù hợp với lời các tiên tri: “Một vì sao hiện ra từ Giacóp.” Kitô hữu hãy khám phá để biết được công trình kì diệu của Tạo Hóa.
- Kitô hữu phải biết tìm ý Chúa. Xưa người ta tin khoa chiêm tinh, dựa vào sao để đoán tướng số. Mệnh hệ một người được an bài do ngôi sao xuất hiện lúc sinh ra. Các sao đi cố định, nếu tự nhiên có sao sáng khác thường, thì họ cho là Tạo Hóa đang can thiệp vào trật tự vũ trụ (William Barclay). Mỗi người hãy làm theo ý Chúa để cuộc sống trở nên ý nghĩa.
- Kitô hữu phải biết từ bỏ và lên đường tìm Chúa. Các nhà chiêm tinh phương Đông thấy sao lạ, đã lên đường tìm kiếm Hài Nhi. Họ dấn thân vào chuyến đi mạo hiểm, không sợ bị thiên hạ chê cười, nhưng họ không bỏ cuộc và đã được gặp Chúa. Muốn được hạnh phúc thấy Thiên Chúa, người ta phải biết từ bỏ những rào cản từ xác thịt và thế gian lên đường theo ánh sao.
- Truyện: Có anh nói với tu sĩ Ai Cập:“Xin thầy dạy làm gì để thấy Chúa.” Tu sĩ dẫn ra bờ sông, túm cổ dìm đầu anh xuống nước. Anh nghĩ tu sĩ ban nghi thức thanh tẩy. Nhưng đã hai phút, anh vùng vẫy, tu sĩ vẫn không buông. Ngộp thở, anh vùng vẫy mãnh liệt, tu sĩ mới lôi cổ anh lên khỏi mặt nước và nói: “Khi nào muốn tìm Chúa mạnh mẽ như anh ước có không khí để thở, anh sẽ tìm thấy Chúa”(ST).
- Kitô hữu hãy phát huy gương phục vụ và cho đi. Hãy là ngôi sao lạ tặng cho đời, như gửi đi món quà, một nụ cười, một lời chúc; hãy phục vụ những ai có nhu cầu, như Chúa đã làm cho người mù thấy được, người điếc nghe được, người què đi được. Họ có thể là bác sĩ hay tu sĩ trong bệnh viện hay linh mục nơi nhiệm sở. Họ đang phục vụ khuôn mặt Đức Kitô.
- Kitô hữu phải là vì sao hi vọng dẫn đưa mọi người đến với Chúa. ‘Bệnh sao’ xuất hiện mọi nơi, ở sân khấu, chính trường hay báo mạng; họ muốn ‘sao’ chiếu sáng cái tôi của mình. Tự bản chất, không có ai là ngôi sao xấu. Kitô hữu có vai trò chiếu ánh sáng công bình, bác ái để xây dựng cuộc sống tình người.
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 88 | Tổng lượt truy cập: 4,074,740