Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 24/05/2024
  • Chủ đề: Mầu nhiệm tình yêu

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

    NĂM B

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mt. 28, 16-20)

         Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế."

    MÀU NHIỆM TÌNH YÊU

    Dàn ý

    1. Màu nhiệm tình yêu

    - Mầu nhiệm, mystery: Tuyệt vời, diệu huyền, nhiệm mầu, chân lý còn kín. Theo thần học là những chân lý Chúa mạc khải, vượt trí khôn nhân loại.

    - nh yêu: Là sự kết nối, được hình thành bởi dòng chảy cảm xúc, để chia sẻ với người khác.

    - Gioan giải thích: “Thiên Chúa là Tình Yêu,” tình yêu thì không đơn độc, nhưng hiệp nhất với nhau.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về màu nhiệm tình yêu

    - Đanien nói về tình yêu của Chúa với Dân riêng: “Có thần nào dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, như Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai Cập không?” (Đnl 4,32-34).

    - Phao nói Chúa yêu con người đến nỗi cho đồng thừa kế với Đức Kitô: “Đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô” (Rm 8,14-17).

    - Phao còn nói Chúa dành tình yêu cho con người như cha đối với con cái: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa (Rm 8,14-17).

    3. Màu nhiệm Tình Yêu

    - Màu nhiệm tình yêu được thể hiện trong chính Ba Ngôi. Mọi tình yêu bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Cha yêu Con và sinh ra Con giống mình. Con đáp lại tình Cha, xuống thế cứu độ nhân loại. Thánh Thần là tình yêu nối kết giữa Cha và Con. Tình yêu Ba Ngôi trao đổi, cho đi và nhận lãnh; tình yêu hỗ tương Cha, Con, Thánh Thần tạo ra cộng đồng tình yêu.

    - Màu nhiệm tình yêu được thể hiện qua việc tạo dựng. Nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta.” Khác loài vật, Chúa dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa, có quả tim biết yêu thương,  để con người được hạnh phúc với Chúa.

    - Mầu nhiệm tình yêu biểu hiện qua mạc khải. Đức Giêsu nói về tình yêu của Thiên Chúa: “Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). Ngài còn nói về tình yêu của Ngài: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15,13).

    - Màu nhiệm tình yêu Ba Ngôi được thể hiện qua sự quan phòng. Con người, khác thụ tạo khác, là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, được Ngài quan tâm, bảo vệ. Chúa còn sai Chúa Con xuống cứu độ con người và sai Thánh Thần đến để tiếp tục sứ vụ yêu thương của Đức Kitô.

    - Truyện: Đan viện phụ kể với bạn tình trạng bi đát của Tu viện. Tu viện từng thu hút khác hành hương, nhưng giờ trống vắng. Bạn nói: “Đó là do tội vô tình. Chúa đã cải trang thành người, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra.” Nghe vậy, ai trong Tu viện đều nghi ngờ không biết ai ở Tu viện, là Chúa đã cải trang. Từ đó ai cũng đối xử với nhau như với Chúa. Không lâu, bầu khí huynh đệ, sức sống, niềm vui đã trở lại

    - Xin Ba Ngôi Thiên Chúa là khuôn mẫu tình yêu giúp chúng con được tham dự vào bầu khí yêu thương của Người để chúng con mãi mãi yêu thương nhau

    BA NGÔI THIÊN CHÚA

    Suy niệm

    Phụng vụ Giáo hội đã dành Chúa nhật sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống để tôn vinh cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Mầu nhiệm Ba Ngôi một Chúa khích lệ con người luôn trân trọng tình yêu, một tình yêu hợp nhất và hoàn hảo.

    Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trong con người như thế nào? Tại sao người ta không cảm nghiệm thấy gì cả? Phải chăng Thiên Chúa chỉ ngự trong con người cách thụ động như pho tượng? Tại sao Chúa lại để con người không hiểu được chân lí, phải chăng Người xây một bức tường, chắn lại những kiến thức của con người?

    1. Nguồn mạc khải Tin Mừng

    Ba Ngôi Thiên Chúa là màu nhiệm siêu nhiên, con người không thể dùng những phương tiện thế gian: những định luật vật chất, những công thức khoa học để giải đố. Tuy nhiên con người buộc phải tin những gì có thực, qua những chứng nhân giá trị, qua những lần Thiên Chúa xuất hiện công khai và nhất là qua Lời mạc khải của Chúa Giêsu Ki-tô và những sự kiện liên quan đến cuộc đời của Người. Cả bốn Tin Mừng đều làm chứng về Chúa Ba Ngôi:

    Trong Tin Mừng thánh Lu-ca, người ta được biết Thiên Chúa Ba Ngôi đã được nhắc tới trong câu truyện Truyền tin cho Đức Ma-ri-a của Sứ thần Ga-ri-en, với đầy đủ Ba Ngôi xuất hiện trong lời Ngôn sứ: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng tối cao sẽ che chở Bà, vì thế Hài nhi Bà sắp sinh ra sẽ được gọi là con Thiên Chúa"(Lc 1,35).

    Tin mừng thánh Ma-thêu, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Thánh Gio-an Tiền hô, có Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đỗ trên đầu Người, có tiếng Chúa Cha từ Trời xác nhận Đức Giê-su là con yêu dấu của Người. Thánh Ma-thêu cũng nêu rất rõ cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong đoạn Tin Mừng qua lời sai đi của Đức Giê-su: "Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần"(Mt 28,19).

    Tin mừng thánh Lu-ca cũng giới thiệu Ba Ngôi Thiên Chúa, qua Lời của Đức Giê-su: "Thần Khí Chúa ngự trên Tôi, sai Tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó..." Thần Khí đó chính là Đức Chúa Thánh Thần, Chúa ngự ở đây là Đức Chúa Cha ngự trên Tôi, Tôi ở đây chính là Người đang nói, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa được Cha Người sai đi.

    Tin Mừng thánh Gio-an cũng đã giới thiệu Ba Ngôi Thiên Chúa, qua Lời hứa của Đức Giê-su với các Tông đồ trong bữa tiệc li: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng bào chữa khác"(Ga 14,16). Đấng bào chữa ở đây là Chúa Thánh Thần mà Đức Giê-su sai đến để ở với các môn đệ và bảo vệ Giáo hội của Người.

    2. Lệnh truyền

    Đoạn Tin Mừng đã đề cập đến những lệnh truyền của Đức Giê-su nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa:

    Đức Giê-su trao quyền cho các môn đệ: Đức Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai. Người được Chúa Cha trao cho mọi quyền năng, như Đa-ni-en nói tới: "Người được ban tặng quyền bính danh dự và vinh quang." Nay Đức Giê-su cũng trao quyền đó cho các Tông đồ: Anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ... Chúa Giê-su đã trao cho các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Chúa, ban cho các ông quyền tháo quyền buộc. Chương trình của Chúa đã được Đức Giê-su trao tặng cho các Tông đồ để tiếp tục và nối kết nhân loại trong tình yêu Chúa Cha, Chúa con, Chúa Thánh Thần.

    Đức Giê-su sai các ông đi rao giảng cho muôn dân: Nhiệm vụ của các Tông đồ là phải rao giảng và rửa tội nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi: "Anh em hãy giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha và Chúa con và Chúa Thánh Thần."(Mt 28,19). Phép Rửa tội làm cho con người gia nhập vào cơ cấu hữu hình của Giáo hội, phép Rửa tội làm cho những giá trị Tin Mừng thấm nhuần vào đời sống con người. Khi rửa tội, người ta được nhấn chìm trong tình yêu thương, nối kết với tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa.

    Đức Giê-su đòi mọi người phải tuân giữ Luật truyền: Rửa tội cho họ chưa đủ, mà còn phải dạy họ tuân giữ Luật của Chúa. Đức Giê-su không bảo các môn đệ tuân giữ Lề luật các Ngôn sứ, mà tuân giữ "Tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em"(Mt 28,20). Người đặt Mình vào vị trí "Lề luật" vì Chính Người là Thiên Chúa, Đấng lập pháp tối cao. Luật của Chúa đây là luật yêu thương. Đối với Người, lí thuyết thần học hay những bài học giáo lí chưa đủ, mà phải thực hành tình thương đối với nhau nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.

    3. Thực hành yêu mến Thiên Chúa

    Thiên Chúa biểu hiện tình yêu bền vững với con người, qua Lời hứa của Chúa Giê-su: "Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế"(Mt 28,20b). Lời hứa này không có nghĩa là Chúa hiện diện để biến đổi thế giới, mà giúp con người khả năng đương đầu với thế gian; không phải để ban cho họ thành công dễ dàng không gặp trở ngại, mà giúp cho họ có nghị lực vượt lên. Cuộc sống vật chất nhiều khi làm con người sống xa Chúa, mỗi người phải biết nhận ra sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống, để cảm nhận được sự nâng đỡ của Chúa trong cuộc sống của mình.

    Con người phải tin yêu vào Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa: Giáo hội mời gọi con người tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa trong kinh Tin kính. Đây là điều kiện quan trọng nhất, để con người được cứu độ. Thiên Chúa có một bản tính, nhưng có Ba Ngôi riêng biệt và không tách rời nhau; không phải là ba Chúa, mà là một Chúa duy nhất. Niềm tin là cửa ngõ dẫn đưa con người ra thế giới bên ngoài, và xa hơn nữa, thế giới của siêu nhiên, của Thiên Chúa; niềm tin giúp con người nhận ra tình yêu Thiên Chúa, và những việc làm trong cuộc đời của Đức Giê-su, cũng như trong thiên nhiên vĩ đại.

    Con người phải sống trong tình yêu Thiên Chúa: Tình yêu trong Ba Ngôi là tình yêu Mầu nhiệm, tình yêu bừng cháy, tình yêu chung chia và bền vững. Tình yêu đó lan toả ra thụ tạo, đặc biệt nơi con người là hình ảnh Chúa. Đức Giê-su không dạy các Tông đồ đi rao giảng, để bành trướng Giáo Hội, với mũ mão, nghi lễ hoành tráng, mà là quảng bá một tình yêu: tình yêu hiệp nhất, tình yêu tha thứ, tình yêu cho đi, tình yêu chấp nhận tất cả, để mỗi người nên một trong tình yêu hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa.

    Xin tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa là mẫu gương cho chúng con thực thi trong cuộc sống để làm sáng Danh Chúa và lợi ích cho con người.

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan