Suy niệm Lời Chúa - Chúa Nhật III Thường Niên A
Mt 4, 12-23
"Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần."
Khởi đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêu cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu lựa chọn 4 môn đệ đầu tiên. Có thể chúng ta hơi bất ngờ về cung cách lựa chọn của Chúa. Tại sao Ngài lại quyết định chọn những ngư phủ - những người chẳng có gì là nổi nang - để làm môn đệ, làm nhóm ưu tuyển hầu thiết lập Giáo Hội của Ngài sau này? Trong khi đó, tại quê hương của Ngài lúc bấy giờ có bao nhiêu người tài đức hơn, trổi vượt hơn? Câu trả lời chỉ có thể nói được rằng: Vì đó là đường lối của Thiên Chúa.
Không phải đây là lần đầu tiên Thiên Chúa hành xử như vậy. Cùng lần trở lại trong suốt dòng lịch sử Cứu Độ, chúng ta thấy có biết bao nhiêu lần Thiên Chúa đã mời gọi sự cộng tác của những con người. Trước tiên, để thành lập một dân riêng, Thiên Chúa đã gọi tổ phụ Abraham; rồi để dẫn đưa dân của Người ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa gọi Môsê; để hướng dẫn dân riêng của người, Thiên Chúa đã gọi những người làm thủ lãnh và làm ngôn sứ để truyền đạt mệnh lệnh của Ngài cho dân…
Dường như Thiên Chúa chọn lựa không theo tiêu chuẩn của con người. Những người được Ngài tuyển lựa không phải vì tài cán hay khả năng của cá nhân họ, nhưng hoàn toàn là vì tình yêu của Thiên Chúa. Quả vậy, để chọn một người khởi đầu của một dân tộc, Thiên Chúa đã chọn một cụ già, đó là Tổ phụ Abraham; để hướng dẫn dân Chúa ra khỏi Ai-cập, Thiên Chúa đã chọn ông Môsê - một người không biết ăn nói; để chọn một người đứng đầu Giáo Hội, Thiên Chúa lại chọn ông Phêrô - người đã từng 3 lần chối Chúa; để chọn người rao giảng Tin Mừng của Chúa cho dân ngoại, Thiên Chúa chọn ông Phaolô - một người đã từng bắt bớ và bách hại các Kitô hữu…
Vậy đâu là lý do để Thiên Chúa làm như vậy? Lời thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô cho chúng biết: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người”. (1Cr 27-29).
Cũng vậy, hôm nay, Chúa Giêsu quyết định khởi đầu sứ vụ của Ngài tại Galilê - miền đất của dân ngoại chứ không phải là tại Giêrusalem – Trung tâm tôn giáo và chính trị của Do Thái. Vào thời bấy giờ, người Do Thái xem thường những người cư ngụ nơi miền đất Galilê, bởi đây là nơi tôn giáo pha tạp. Thế nhưng, Chúa Giêsu lại quyết định chọn miền đất “tối tăm” này, bởi sứ mệnh của Ngài không phải được sai đến với những người đạo đức, tốt lành, nhưng là đến với những người nghèo khổ, bất hạnh và cùng khốn. Ngài chính là ánh sáng, đến để chiếu rọi vào nơi tối tăm như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi… Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy” (Is 8,1-3).
***
Có lẽ đường lối của Thiên Chúa thật khác xa với đường lối của loài người chúng ta. Thật đáng buồn vì trong khi Đức Giêsu tìm cách để đến với dân ngoại, đến với những người cùng khổ, thì không ít người trong chúng ta - những môn đệ của Ngài - lại chỉ khư khư trong cái vỏ ốc để chăm lo cho bản thân của mình. Khi loan báo Tin Mừng của Chúa, thay vì phải quy chiếu mọi sự vào Chúa Kitô, chúng ta lại chỉ tập chú vào một cá nhân nào đó rồi kết bè kết cánh để chia rẽ nhau. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ lên án tình trạng này: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hoà thuận, một lòng một ý với nhau”. (1Cr 1,10). Tại sao trong anh em lại có luận điệu rằng: "Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô." Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ? Có phải Phaolô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng ? Hay anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao ?” (1Cr 1,13).
***
Đến với dân ngoại, đến với những “vùng ngoại biên” - những nơi mà xưa nay ít người quan tâm đến – đó cũng là lời mời gọi của Đức đương kim Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn “Niềm vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium). Ngài đã lên án những chính quyền không biết chăm lo cho người nghèo, thờ ơ trước những đau khổ của người cô thế cô thân, trong khi chỉ tập trung đầu tư vào những thứ ăn chơi xa xỉ và vô bổ. Ngài nói: “Nguy cơ lớn nhất trong thế giới hôm nay, vốn bị lan tràn bởi chủ nghĩa tiêu thụ, là sự sầu khổ và cay đắng của một trái tim tự mãn nhưng đầy thèm muốn, háo hức theo đuổi những thú vui phù phiếm, và một lương tâm bị chai lỳ. Khi đời sống nội tâm bị đóng kín bởi những mối bận tâm và tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được lắng nghe, niềm vui nhẹ nhàng của tình yêu Ngài không còn được cảm nhận, và khao khát về sự thiện sẽ bị tiêu tan…
***
Đã đến lúc Giáo Hội phải mở cửa ra, đừng có khép kín mãi trong cái vỏ ốc của mình. Giáo Hội cần phải đổi mới, nếu muốn người khác đón nhận mình. Giáo Hội cần phải đi ra những vùng ngoại biên, những nơi mà chưa ai dám đặt chân đến, trước khi mong người khác tự tìm đến với mình. Nhưng Giáo Hội phải bắt đầu đổi mới từ đâu? Thưa phải bắt đầu từ mỗi thành viên của Giáo Hội là chính chúng ta. Đã đến lúc chúng ta phải sám hối bằng cách từ bỏ con người cũ, lối sống cũ, cách suy nghĩ cũ. Muốn làm được như vậy, Đức Giáo Hoàng mời gọi chúng ta: hãy đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô, hay ít nhất mở chính mình ra để Ngài đổi mới chúng ta”.
Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của năm Bính Thân. Thường thì mỗi dịp cuối năm các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cũng tổng kết xem mình đã làm được những gì? Cũng vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình xem, với những ơn lành, những cơ hội Chúa ban cho tôi trong suốt năm qua, tôi đã làm gì? Tôi đã dành thời giờ để đến với anh chị em bất hạnh hay chỉ lo vun vén cho bản thân mình? Câu trả lời xin được dành cho mỗi người.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 99 | Tổng lượt truy cập: 4,045,966