Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Bài 3 - Tìm hiểu Mc 2,1-28

  • 19/12/2023
  • Có năm cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và hàng ngũ lãnh đạo Do Thái về: quyền tha tội (x.Mc 2,1-12); việc đón tiếp người tội lỗi (x.Mc 2,13-17); việc ăn chay (x.Mc 2,18-22); việc các môn đệ bứt lúa trong ngày Sa-bát (x.Mc 2,23-28); việc Đức Giê-su chữa bệnh trong ngày Sa-bát (x.Mc 3,1-6).

    BÀI 3

    TÌM HIỂU Mc 2,1-28

    Câu 1: Trong Mc 2,1-3,6, có mấy cuộc tranh luận?

    Thưa: Có năm cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và hàng ngũ lãnh đạo Do Thái về: quyền tha tội (x.Mc 2,1-12); việc đón tiếp người tội lỗi (x.Mc 2,13-17); việc ăn chay (x.Mc 2,18-22); việc các môn đệ bứt lúa trong ngày Sa-bát (x.Mc 2,23-28); việc Đức Giê-su chữa bệnh trong ngày Sa-bát (x.Mc 3,1-6).

    Câu 2: Đức Giê-su chữa lành người bại liệt ở chương 2 như thế nào?

    Thưa: Đức Giê-su chữa lành người bại liệt bằng lời quyền năng của Ngài khi nói: “Này con, con đã được tha tội rồi.” (Mc 2,1-5).

    Câu 3: Phản ứng của các kinh sư ra sao trước sự việc này?

    Thưa: Có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ngoài một mình Thiên Chúa ra, ai có quyền tha tội?” (Mc 2,6-7).

    Câu 4: Trước thái độ của các kinh sư, Đức Giê-su đã làm gì?

    Thưa: Đức Giê-su biết họ lẩm bẩm trong lòng, nên Ngài dạy cho họ biết là Ngài vừa có quyền tha tội vừa có năng lực chữa lành người bại liệt (x. Mc 2,8-12).

    Câu 5: Qua việc tha tội và chữa lành cho người bại liệt, Đức Giê-su vén tỏ điều gì?

    Thưa: Đối với người Do Thái, bệnh tật là do tội lỗi, và chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Vì vậy, Khi nói “Này con, tội con được tha rồi”, Chúa Giê-su có ý mạc khải rằng Ngài là con Thiên Chúa nên có quyền tha tội.

    Câu 6: Sự kiện dân chúng dỡ mái nhà, thả người bại liệt nằm trên chõng xuống cho chúng ta bài học gì?

    Thưa: Đó là lòng tin của cộng đoàn có sức mạnh mãnh liệt trước mặt Chúa. Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện với nhau vì chắc chắn Chúa sẽ nhận lời như Người đã nói: “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,20)

    Câu 7: Hành động của những người khiêng anh bại liệt đến với Đức Giê-su gợi ý cho chúng ta điều gì?

    Thưa: Chúng ta được mời gọi quan tâm đến anh chị em bị ốm đau bệnh tật cả thể xác lẫn tinh thần và mang họ đến với Chúa.

    Câu 8: Đức Giê-su kêu gọi ông Lê-vi như thế nào?

    Thưa: Ðức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Ði ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc 2,13-14).

    Câu 9: Chúng ta học được gì qua việc Đức Giê-su kêu gọi Lê-vi?

    Thưa: Những người chung quanh chỉ thấy Lê-vi là một người tội lỗi; nhưng Đức Giê-su còn nhìn thấy những khả năng, khát vọng và những điểm tốt nơi ông. Bài học cho chúng ta là hãy tập nhìn vào những mặt tích cực nơi anh chị em mình hơn là chỉ chú ý đến những điều tiêu cực nơi họ.

    Câu 10: Đức Giê-su trả lời như thế nào khi nghe người Pha-ri-sêu nói: “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?”

    Thưa: Đức Giê-su nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mc 2,15-17).

    Câu 11: Vì sao người thu thuế bị những người Do Thái xếp ngang hàng với những cô gái điếm?

    Thưa: Vì những người thu thuế cộng tác với ngoại bang là đế quốc Rôma để bóc lột dân mình và làm lợi cho bản thân.

    Câu 12: Cuộc trạnh luận về vấn đề ăn chay giữa Đức Giê-su và những người Pha-ri-sêu xảy ra thế nào?

    Thưa: Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: "Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?" Đức Giê-su trả lời: "Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !" (Mc 2,18-22).

    Câu 13: Đức Giê-su dùng hình ảnh áo mới và rượu mới để diễn tả điều gì?

    Thưa: Hình ảnh áo mới và rượu mới diễn tả một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. thế phải bỏ đi những lề xưa lối cũ đã lỗi thời và có một lối sống phù hợp với hoàn cảnh mới, như câu ngạn ngữ: “Rượu mới thì bình phải mới”. Qua cách nói ẩn dụ này, Đức Giê-su cũng nêu bật sự tự do mới mẻ mà Ngài mang lại cho các môn đệ, giải thoát họ khỏi những bó buộc vụ hình thức làm cho họ hoàn toàn tự do để yêu thương.

    Câu 14: Có phải Đức Giê-su chủ trương huỷ bỏ luật cũ không?

    Thưa: Không. Đức Giê-su đã nói: “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).

    Câu 15: Đâu là nguyên nhân của cuộc tranh luận về quyền của Đức Giê-su đối với ngày Sa-bát?

    Thưa: Vào ngày Sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày Sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” (Mc 2,23-24). Người Do-thái không được làm việc nặng trong ngày Sabát. Ở đây, các môn đệ bị kết án là làm việc vì đã bứt lúa. Một thái độ giữ luật hết sức chi li của người Pha-ri-sêu.

    Câu 16: Đức Giê-su đã trả lời cho những người Pha-ri-sêu biết ý nghĩa nguyên thuỷ của ngày Sa-bát là gì?

    Thưa: Đức Giê-su nói: “Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sa-bát”. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày Sa-bát.” (Mc 2,27-28). Thiên Chúa thiết lập ngày Sa-bát để cho con người được nghỉ ngơi, tự do sống an bình và hạnh phúc; chứ Ngài không muốn con người trở thành nô lệ cho những lề luật quá tỉ mỉ và khắt khe trong ngày Sa-bát.

    Câu 17: Đức Giê-su chữa người bại tay trong ngày Sa-bát xảy ra thế nào?

    Thưa: Vào ngày Sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường, có người bại tay ở đó, và họ (các Pha-ri-sêu) rình xem Đức Giê-su có chữa bệnh không để tố cáo Người. Đức Giê-su bảo người bại tay “Anh trỗi dậy, ra giữa đây” và chất vấn các Pha-ri-sêu “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” Nhưng họ làm thinh. Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Đức Giê-su bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra!” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su. (Mc 3,1-6)

    Câu 18: Thái độ của người Pha-ri-sêu trong câu chuyện này và những câu chuyện này nói lên điều gì?

    Thưa: Trong những chương này, thánh Mác-cô cho chúng ta thấy rằng: việc rao giảng của Đức Giê-su ngày càng mở rộng thì đồng thời Ngài cũng gặp phải những chống đối ngày càng tăng: từ chỗ họ lẩm bẩm phản đối trong lòng đến việc bàn tính với phe Hê-rô-đê để giết Ngài.

    (Còn tiếp)

    Bài viết liên quan