Bài 19: Lu-ca chương 12,1-59

  • 24/05/2025
  • Chương 12 của Tin Mừng Lu-ca trình bày những lời giảng dạy của Đức Giê-su về sự cảnh giác với những cách sống đạo đức giả của những người lãnh đạo trong dân (12,1-7). Đồng thời biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, chính khi phó thác vậy (Lc 12,22-34) và tỉnh thức (Lc 12,35-48), họ sẽ chu toàn sống đức tin của mình (12,17-30) và cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa (12,21).

    Bài 19

    Lu-ca 12,1-59

    Chương 12 của Tin Mừng Lu-ca trình bày những lời giảng dạy của Đức Giê-su về sự cảnh giác với những cách sống đạo đức giả của những người lãnh đạo trong dân (12,1-7). Đồng thời biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, chính khi phó thác vậy (Lc 12,22-34) và tỉnh thức (Lc 12,35-48), họ sẽ chu toàn sống đức tin của mình (12,17-30) và cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa (12,21).

    Câu 1: Đức Giê-su có thái độ nào đối với thói đạo đức giả của người Pha-ri-sêu?

    Thưa: Đức Giê-su coi thói đạo đức giả đó như một loại men xấu, dễ làm cho người khác bị lây nhiễm, nên Ngài dạy các môn đệ tránh xa thói giả tạo đó, vì Thiên Chúa là chân lý tối hậu sẽ phơi bày mọi sự ra ánh sáng. Ngài nói: "Anh em phải coi chừng men Pha-ri-sêu, tức là thói đạo đức giả. 2 Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. 3 Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà».

    Câu 2: Đức Giê-su đã dạy về tinh thần phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa như thế nào?

    Thưa: Đức Giê-su dạy rằng Thiên Chúa vừa có quyền năng tối cao, vừa yêu thương quan tâm đến mọi tạo vật của Ngài. Vì thế, chúng ta không phải sợ ai, nhưng luôn vững tâm tin tưởng vào Ngài, dù bất cứ sự gì xảy ra cho chúng ta. Ngài nói: 4 "Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa.5 Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.6 Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa.7 Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.

    Câu 3: Đức Giê-su dạy các môn đệ về việc làm chứng về Ngài như thế nào?

    Thưa: Đức Ki-tô hứa ban phần thưởng cho những ai can đảm công khai tuyên xưng niềm tin vào Ngài, và chỉ rõ hậu quả của những ai chối từ Ngài khi Ngài nói :8 "Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.9 Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.

    Câu 4: Đức Giê-su có ý gì khi nói: «Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha»?

    Thưa: Trước hết, câu này có thể ám chỉ những người Pha-ri-siêu thấy phép lạ Chúa Giê-su làm trong Thánh Linh nhưng cố tình gán cho quỷ (x. Lc 11,15; cf. Mc 3,29-30) nên không được tha thứ. Thêm vào đó, Thiên Chúa luôn ban ơn tha thứ cho người ăn năn (1 Ga 1,9), nhưng kẻ kiên quyết từ chối Thánh Linh (không ăn năn sám hối) hay cố tình chống lại chân lý mà mình biết rõ (Dt 10,26-27) thì không được tha thứ.

    Nói cách khác, Lu-ca 12,10 là một lời cảnh báo nghiêm khắc về hậu quả của việc từ chối mạc khải của Thiên Chúa qua Thánh Thần. Tội nói phạm đến Thánh Thần không phải là một hành động đơn lẻ mà là một thái độ ngoan cố, chống lại quyền năng và sự thật của Thiên Chúa, không ăn ăn sám hối và vì thế tự cô lập mình khỏi nguồn ơn tha thứ.

    Câu 5: Đức Giê-su có thái độ nào với người xin Ngài giúp phân chia tài sản?

    Thưa: Đức Giê-su nói với họ: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? "15 Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu."

    Câu 6: Đâu là nội dung dụ ngôn người Phú hộ xây kho lẫm để trích trữ của cải? (12,16-20)

    Thưa: Đức Giê-su nói với họ dụ ngôn này: "Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi,17 mới nghĩ bụng rằng: "Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!18 Rồi ông ta tự bảo: "Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó.19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?

    Câu 7: Dụ ngôn ông phú hộ xây kho lẫm tích trữ của cải dạy chúng ta điều gì?

    Thưa: Qua câu chuyện dụ ngôn này, thánh sử Lu-ca muốn nhấn mạnh rằng, con người cần phải biết lựa chọn đâu là cùng đích của cuộc đời. Nếu họ chỉ dừng lại tích trữ của cải đời này mà không lo đời sống mai sau thì sẽ có kết cục như nhà phú hộ: chết mà không được hưởng dùng. Thay vào đó, chúng ta cần tích trữ của cải thiêng liêng như Đức Giê-su dạy: « 21kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó».

    Câu 8: Đức Giê-su dạy về sự tin tưởng vào việc quan phòng của Thiên Chúa như thế nào? (Lc 12,23-31)

    Thưa: Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ là đừng lo lắng những thứ bên ngoài, nó sẽ chóng qua. Họ cần phải học cách tin tương vào sự quan phòng của Thiên Chúa trong mọi sự vì Ngài luôn luôn chăm sóc giữ gìn. Điều quan trọng đối với các môn đệ của Đức Kitô trước tiên là: « 31hãy lo tìm Nước của Thiên Chúa, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho ». Nước Thiên Chúa là kho tàng cho những ai khao khát tìm kiếm và kho tàng này không bị hủy hoại (12,33-34).

    Câu 9: Đức Giê-su đã nói gì về sự tỉnh thức?

    Thưa: Đức Giê-su nói: 35 "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.36 Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.37 Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.38 Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.39 Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu.40 Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến."

    Câu 10: Câu chuyện về người đầy tớ tỉnh thức (12,35-40) nhấn mạnh điều gì?

    Thưa: Qua câu chuyện đó, thánh Lu-ca nhấn mạnh rằng người môn đệ của Đức Giê-su phải có tinh thần sẵn sàng chờ đón Ngài trở lại. Ba hành động: tỉnh thức, thắt lưng cho gọnthắp đèn cho sẵn diễn tả trọn vẹn thái độ tận tâm và yêu mến của người môn đệ đối với ông Chủ. Và người đầy tớ sẽ được ân thưởng xứng đáng khi Chủ trở về, chính ông Chủ mời anh ta vào bàn ăn và tận tâm phục vụ anh.

    Câu 11: Đâu là ý nghĩa của câu nói «Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn» ở Lc 12,48 ?

    Thưa: Qua câu nói đó, Đức Giê-su khẳng định khi người đầy tớ được lãnh nhận nhiều từ ông Chủ, thì anh ta cũng sẽ được ông chủ trao cho nhiều trách nhiệm hơn. Trong đời sống ki-tô hữu cũng vậy, Thiên Chúa ban cho mỗi người khả năng khác nhau, và Thiên Chúa cũng muốn chúng ta sử những hồng ân mình đã lãnh nhận để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình.

    Câu 12: Ý nghĩa câu nói của Đức Giê-su :49« Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! » là gì?

    Thưa: Qua câu nói này, Đức Giê-su muốn tiên báo về cái chết của Ngài được diễn tả qua hình ảnh «phép rửa» mà Ngài sẽ chịu. Qua cái chết đó, Đức Giê-su cũng ban Thánh Thần cho thế gian (Cv 2,3; 2,19) để Thánh Thần làm bùng cháy lên trong lòng ngọn lửa yêu mến (Lc 3,17; 12,5).

    Câu 13: Đức Giê-su giải thích ý nghĩa của việc Ngài đến như thế nào?

    Thưa: Đức Giê-su nói: 51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."

    Câu 14: Tại sao Đức Giê-su lại nói Ngài đến là đem lại sự chia rẽ (Lc 12,51-53)?

    Thưa: Vì khi đó sẽ có nhiều người tin vào Ngài, và khi đã tin họ sẽ thực hành những điều mà Đức Giê-su giảng dạy cho họ. Chính khi tuân giữ những giới răn của Đức Giê-su, họ sẽ gặp phải những kẻ không tin, chống đối và phá hoại. Như vậy, sự chia rẽ không phải do Đức Giê-su mà do sự đối chọi cuộc sống giữa người tin và người không tin vào Ngài.

    Câu 15: Đâu là nội dùng trong lời giảng dạy của Đức Giê-su về sự nhận biết dấu chỉ thời cuộc? (Lc 12,54-59)

    Thưa: 54 Đức Giê-su cũng nói với đám đông rằng: "Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: "Mưa đến nơi rồi", và xảy ra đúng như vậy.55 Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: "Trời sẽ oi bức", và xảy ra đúng như vậy.56 Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? 57 "Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?58 Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục.59 Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng."

    Câu 16: Lời giảng dạy của Đức Giê-su về sự nhận biết dấu chỉ thời cuộc (Lc 12,54-59) giúp ta rút ra bài học gì?

    Thưa: Qua các dấu chỉ mà Đức Giê-su đã nói ở Lc 12,54-59, Ngài muốn chúng ta cần phải biết phân định, xem xét những gì xảy ra xung quanh mình để từ đó đưa ra sự lựa chọn điều gì là tốt nhất cho cuộc sống của mình ở đời này và đời sau. Nếu không sẽ phải trả lẽ cho những sai lầm của mình ở đời này và đặc biệt là đời sau.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB

    Bài viết liên quan