Bài 24: Lu-ca chương 17,1-37

  • 13/07/2025
  • Chương này nối kết các câu chuyện lại với nhau rất chặt chẽ, bắt đầu với việc Đức Giê-su dạy các môn đệ tránh làm gương mù cho người khác và luôn sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình (Lc 17,1-4). Tha thứ không giới hạn là điều con người bình thường không thể làm được, nên các môn đệ đã xin Đức Giê-su thêm đức tin cho họ. Lúc đó, Đức Giê-su dạy rằng chỉ cần có đức tin bằng hạt cải, họ có thể làm được mọi sự (17,5-6), và đức tin đó cần đi đôi với lòng khiêm tốn (17,7-10). Sau đó, một trong 10 người cùi đã được Chúa chữa khỏi bệnh trở lại cám ơn Chúa, một hành động đáng học tập của người có đức tin vào Chúa (17,11-21). Tiếp đến, Đức Giê-su dạy rằng triều đại Nước Thiên Chúa đã đến (với sự hiện diện của Ngài), và sẽ tỏ hiện vinh quang hoàn toàn trong ngày cánh chung (17,22-37); vì vậy, người môn đệ cần phải tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày đó.

    Bài 24

    Lu-ca 17,1-37

    Câu 1. Đức Giê-su đã nói gì về những người làm cớ cho người khác vấp ngã? (Lc 17,1-3)

    Thưa: 1 Đức Giê-su nói: “… khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã!2 Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. 3 Anh em hãy đề phòng! »

    Câu 2: Đức Giê-su dạy về sự tha thứ như thế nào? (Lc 17,4)

    Thưa: Đức Giê-su dạy: Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.” Như vậy, Ngài dạy mỗi chúng ta phải luôn sẵn sàng tha thứ cho anh chị em mình.

    Câu 3: Đức Giê-su trả lời thế nào khi các tông đồ xin Ngài: "Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con"?

    Thưa: Đức Giê-su đáp: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: "Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc", nó cũng sẽ vâng lời anh em.

    Câu 4. Đức Giê-su dạy về tinh thần phục vụ như thế nào? (Lc 17,7-10)

    Thưa: Đức Giê-su dạy rằng:7 "Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: "Mau vào ăn cơm đi", 8 chứ không bảo: "Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!? 9 Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? 10 Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi."

    Câu 5: Câu chuyện Lc 17,7-10 dạy chúng ta điều gì?

    Thưa: Đức Giê-su đưa ra câu chuyện người đầy tớ làm việc theo ý chủ mình để dạy chúng ta  luôn làm tròn bổn phận phục vụ của mình cách khiêm tốn (Lc 17,7-10), không khoe khoang khoác lác về những gì mình đã làm hay nghĩ rằng Thiên Chúa đang “mắc nợ” mình vì những việc đã làm. Tất cả những gì chúng ta  làm không là gì khác ngoài việc hoàn thành bổn phận được Thiên Chúa trao ban, như người đầy tớ làm tròn bổn phận được ông chủ trao phó.

    Câu 6: Chuyện gì xảy ra khi Đức Giê-su đi qua biên giới giữa Sa-ma-ri và Galilê để đi lên Giêrusalem?

    Thưa: 12Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! "14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế." Đang khi đi thì họ được sạch.

    Câu 7: Sau khi cả 10 người được chữa lành, họ đã làm gì? (Lc 17,15-16)

    Thưa: 15Một người trong nhóm này, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.

    Câu 8: Thái độ của Đức Giê-su trước hành động của anh phong cùi Sa-ma-ri này như thứ nào? (Lc 17,17-19)

    Thưa: 17 Đức Giê-su nói: "Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? ". 19 Rồi Người nói với anh ta: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh."

    Câu 9: Tại sao Đức Giê-su nói với anh phong cùi Sa-ma-ri: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh"?

    Thưa: Thực tế, cả 10 người bị bệnh phong cùi đã được Chúa Giê-su chữa cho khỏi bệnh, có nghĩa là đã được “cứu” theo quan niệm của thời đó. Tuy nhiên, chỉ có người Sa-ma-ri này quay lại tôn vinh Thiên Chúa. Chính lúc này, Đức Giê-su mới nói: “Lòng tin của anh đã cứu anh”. Như vậy, đối với Tin Mừng Lu-ca nói riêng và các sách Tân Ước nói chung, sự cứu độ không chỉ là cứu chữa tức thời về thể xác, nhưng là sự chữa lành toàn diện con người, bao gồm thể lý và tâm linh.

    Câu 10: Câu chuyện này dạy cho chúng ta bài học gì?

    Thưa: Đức tin chân thật giúp chúng ta nhận ra hồng ân Thiên Chúa và đáp lại với lòng biết ơn. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đi sâu vào mối tương quan cá vị với Thiên Chúa và được ơn cứu độ của Ngài.

    Câu 11: Đức Giê-su đã trả lời như thế nào khi người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến?

    Thưa: Đức Giê-su đáp: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được.21 Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa! , vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông."

    Câu 12: Câu nói của Đức Giê-su có ý nghĩa gì?

    Thưa: Người Do-thái lúc đó đang mong đợi “ngày của Chúa”. Đối với họ, khi ngày đó đến, ai cũng nhận ra: Thiên Chúa sẽ đến trong vinh quang và sức mạnh, đánh đuổi quân thù, ban hoà bình và ấm no cho Ít-ra-en và thiết lập triều đại của Ngài trên Ít-ra-en đến muôn đời. Tuy nhiên, Đức Giê-su nói rằng Nước Thiên Chúa đã đến, nhưng không đến như cách họ mong đợi. Khi nói “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông," Đức Giê-su có ý nói rằng Triều Đại Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ qua chính con người và chức vụ của ngài. Sau đó, Đức Giê-su dạy thêm các môn đệ rằng Nước Thiên Chúa sẽ đến trong sự đầy đủ và vinh quang khi Ngài trở lại với tư cách thẩm phán: “Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người…” (Lc 17,24, 32-37).

    Câu 13: Đức Giê-su nhắc lại câu chuyện của ông Nô-ê và của ông Lót nhằm mục đích gì? (Lc 17,26-30)

    Thưa: Khi nhắc lại hai câu chuyện này, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh về sự khôn ngoan, tỉnh thức để nhận biết những gì đang xảy ra xung quanh để chuẩn bị cho ngày đó, vì chúng ta không biết ngày Thiên Chúa quang lâm. Ngày đó có tính bất ngờ, phổ quát và đòi hỏi phải tỉnh thức và sẵn sàng.

    Câu 14: Đức Giê-su có ý gì khi nói: «33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. » (Lc 17,34) ?

    Thưa: Qua câu nói đó, Đức Giê-su khẳng định rằng sự sống của con người phụ thuộc vào Thiên Chúa. Vì thế, nếu ai chỉ tìm cách sống cho mình bất chấp thủ đoạn hay bám víu vào những giá trị của thế gian, thì họ sẽ không thể nào có được đời sống vĩnh cửu. Còn ai sẵn tin vào Thiên Chúa, luôn sống và hành động theo niềm tin đó cho dù chuyện gì xảy ra thì sẽ được Ngài ban cho sự sống đời đời.

    15: Như vậy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt Lu-ca chương 17 là gì?

    Thưa: Lu-ca 17 trình bày những đòi hỏi cốt lõi của đời sống môn đệ, những người tin vào Ngài và sống trong Vương Quốc Thiên Chúa. Họ cần tỏ đức tin của mình ra bằng hành động cụ thể trong đời sống hằng ngày: từ việc tránh gây vấp phạm đến việc tha thứ không giới hạn, từ sự khiêm nhường trong phục vụ đến lòng biết ơn chân thành, và từ sự nhận thức về Vương Quốc hiện tại đến việc tỉnh thức và sẵn sàng cho sự trở lại vinh hiển của Con Người. Là những người tin vào Đức Giê-su, chúng ta đã làm như vậy chưa?

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TINA

    Bài viết liên quan