Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Bài 2 - Tìm hiểu Mc 1,1-45

  • 10/12/2023
  • Theo cái nhìn của tác giả Tin Mừng Mác-cô, Gio-an là vị tiền hô và sứ giả mà Cựu Ước đã tiên báo để dọn đường cho Đấng Mê-si-a (x.Mc 1,2-3).

    BÀI 2

    TÌM HIỂU Mc 1,1-45

    Câu 1: Gio-an Tẩy Giả là ai?

    Thưa: Theo cái nhìn của tác giả Tin Mừng Mác-cô, Gio-an là vị tiền hô và sứ giả mà Cựu Ước đã tiên báo để dọn đường cho Đấng Mê-si-a (x.Mc 1,2-3).

    Câu 2: Gio-an Tẩy Giả đã chuẩn bị và dọn đường cho Đức Giê-su như thế nào?

    Thưa: Ông đã rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng hối cải để được ơn tha tội. Đồng thời, ông loan báo sự xuất hiện của Đức Giê-su: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc 1,7-8).

    Câu 3: Tại sao Đức Giê-su lại chịu phép rửa của ông Gio-an?

    Thưa: Đức Giê-su chịu phép rửa của ông Gio-an để chia sẻ thân phận con người và mở rộng cửa dẫn mọi người vào Đất Hứa đích thực.

    Câu 4: Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa của Gio-an, điều gì đã xảy ra?

    Thưa: Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa,“Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,10-11).

    Câu 5: Việc Đức Giê-su chịu cám dỗ có ý nghĩa gì?

    Thưa: Khi chịu cám dỗ, Đức Giê-su “hoạ lại” lịch sử của Ít-ra-en trong sa mạc xưa. Tuy nhiên, nếu dân Do Thái xưa đã nhiều lần sa ngã, thì Đức Giê-su đã chiến thắng mọi cám dỗ vì Ngài tuyệt đối vâng theo ý Chúa Cha. Và chính khi đó, Ngài xứng đáng với điều Chúa Cha đã phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11).

    Câu 6: Người Ki-tô hữu cần có thái độ nào trước cám dỗ?

    Thưa: Cám dỗ chưa phải là tội. Khi bị cám dỗ, chúng ta cần phải dứt khoát chống trả. Đồng thời, chúng ta phải tỉnh thức cầu nguyện để chiến thắng cám dỗ như Đức Giê-su (x. GLHTCG, số 2846-2848).

    Câu 7: Câu đầu tiên mà Đức Giê-su loan báo khi bắt đầu sứ vụ là gì?

    Thưa: Đức Giê-su loan báo rằng: “Thời kì đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).

    Câu 8: Các môn đệ đầu tiên được Đức Giê-su kêu gọi là ai?

    Thưa: Bốn môn đệ đầu tiên được Đức Giê-su kêu gọi là: Si-mon và anh là An-rê, sau đó là hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an. Tất cả các ông đều là ngư phủ (x.Mc 1,16-20).

    Câu 9: Tại thành Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã làm những gì?

    Thưa: Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy và chữa lành một người bị thần ô uế ám. Vừa ra khỏi hội đường, Người đến nhà ông Si-môn và chữa lành mẹ vợ ông. Chiều đến, Người còn chữa nhiều kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ (x.Mc 1,21-34).

    Câu 10: Dân thành Ca-phác-na-um có thái độ nào trước những lời giảng dạy và việc làm của Đức Giê-su?

    Thưa: Mọi người đều sững sờ kinh ngạc và xôn xao vì: Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền(Mc 1,27).

    Câu 12: Khi người mắc bệnh phong xin Đức Giê-su chữa lành, Ngài có thái độ như thế nào?

    Thưa: Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1,41). Sau đó, Người nói với anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” (x.Mc 1,43-44).

    Câu 13. Tại sao Đức Giê-su bảo người mắc bệnh phong đã được chữa lành phải đi trình diện với các tư tế?

    Thưa: Vì theo Luật Mô-sê, những người mắc bệnh phong là những người ô uế và bị loại ra khỏi cộng đoàn. Vậy nên, sau khi được chữa lành, họ cần phải dâng lễ vật và trình diện các tư tế để được hòa nhập lại với cộng đoàn (x.Lv 14,2-3).

    (Còn tiếp)

    Bài viết liên quan