Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Bài 6 - Tìm hiểu Mc 4,35 - 5,43

  • 12/01/2024
  • Sau khi được chữa lành, người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa xin cho mình được ở với Người. Nhưng Đức Giê-su không cho phép và bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết những điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào”. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền thập tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. (Mc 5, 18 - 20).

    BÀI 6

    TÌM HIỂU Mc 4,35 - 5,43

    Câu 1: Sau những bài giảng bằng dụ ngôn của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mc 4,1-34, chuyện gì đã xảy ra?

    Thưa: Chiều hôm ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi sang bên kia biển hồ. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?" Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: "Im đi! Câm đi!" Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mc 4,35-39).

    Câu 2: Sau khi dẹp yên sóng gió trên biển, Đức Giê-su đã nói điều gì với các môn đệ?

    Thưa: Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em chưa có lòng tin?” (Mc 4,40).

    Câu 3: Câu chuyện Đức Giê-su dẹp sóng giótrong Tin Mừng Mc 4,35-41 nói lên điều gì?

    Thưa: Câu chuyện này có ý nói: Đức Giê-su là Đấng có quyền năng vượt trên thiên nhiên và quyền lực của sự dữ.

    Câu 4: Sang đến bên kia biển hồ, Đức Giê-su đã gặp ai?

    Thưa: Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình”. (Mc 5,1-5).

    Câu 5: Thấy Đức Giê-su, người bị quỷ ám đó đã phản ứng thế nào?

    Thưa: Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!" (Mc 5,6-7).

    Câu 6: Đức Giê-su đối xử với thần ô uế như thế nào?

    Thưa: “Đức Giê-su đã bảo nó: "Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!" Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm." Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: "Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia." Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo - chừng hai ngàn con - từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó” (Mc 5,8-13).

    Câu 7: Những người chăn heo và dân vùng Ghê-ra-sa phản ứng như thế nào khi nghe biết câu chuyện này?

    Thưa: Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ”. (Mc 5,14-16).

    Câu 8: Sau khi được chữa lành, người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa xin Đức Giê-su điều gì?

    Thưa: Sau khi được chữa lành, người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa xin cho mình được ở với Người. Nhưng Đức Giê-su không cho phép và bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết những điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào”. Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền thập tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. (Mc 5, 18 - 20).

    Câu 9: Ý nghĩa của phép lạ chữa người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa là gì?

    Thưa: Khi kể phép lạ này, tác giả Tin Mừng Mác-cô muốn cho thấy rằng Đức Giê-su có quyền năng trên ma quỷ.

    Câu 10: Đoạn Tin Mừng Mc 5, 21-43 kể về cái gì?

    Thưa: Trong đoạn này, tác giả Tin Mừng Mác-cô kể về hai phép lạ của Đức Giê-su đan xen vào nhau: chữa lành người đàn bà bị băng huyết và làm cho con gái ông Gia-ia sống lại. Đoạn này được viết theo cấu trúc văn chương ABA’ (A = 5,21-24; B = 5,25-34; A’ = 5,35-43).

    Câu 11: Khi gặp Đức Giê-su, ông trưởng hội đường có thái độ như thế nào?

    Thưa: Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5,23). Đó là một cử chỉ biểu lộ niềm tin của ông vào Đức Giê-su.

    Câu 12: Người phụ nữ bị băng huyết nghĩ gì khi sờ vào áo Đức Giê-su?

    Thưa: Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu. Tức khắc, máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (Mc 5,28-29).

    Câu 13: Đức Giê-su nói gì với người đàn bà bị băng huyết?

    Thưa: Người nói với bà ta:“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34).

    Câu 14: Người nhà của ông Gia-ia có tin rằng Đức Giê-su có thể cho con gái ông sống lại không?

    Thưa: Không, vì đang khi Đức Giê-su và ông đang đến nhà ông, họ nói với ông: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5,35). Và khi Đức Giê-su vào nhà, “họ chế nhạo Người” (x. Mc 5,40).

    Câu 15: Trước thái độ đó, Đức Giê-su đã làm gì?

    Thưa: Khi đang đi trên đường, Chúa Giê-su bảo ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,35-37). Và khi vào nhà “Người cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: Trỗi dậy đi!” lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ” (Mc 5,40-42).

    Câu 16: Những câu chuyện trong Tin Mừng Mc 4,35-5,43 muốn nhấn mạnh điều gì?

    Thưa: Những câu chuyện này nhấn mạnh đến quyền năng của Đức Giê-su. Ngài có quyền dẹp yên cuồng phong bão tố, Ngài có quyền trên ma quỷ, Ngài có quyền trên bệnh tật và trên cả sự chết. Qua đó, tác giả cũng mời gọi chúng ta tuyệt đối tin tưởng phó thác vào quyền năng của Đức Giê-su, nhất là khi chúng ta gặp những “phong ba bão táp” của cuộc đời.

    (Còn tiếp)

     

    Bài viết liên quan