BÀI 5
TÌM HIỂU Mc 4,1-34
Câu 1: Mc 4,1-34 tập trung vào điều gì?
Thưa: Mc 4,1-34 bao gồm 5 dụ ngôn nói về Nước Thiên Chúa:
- Dụ ngôn người gieo giống (x. Mc 4,1-20)
- Dụ ngôn cái đèn (Mc 4,21-23)
- Dụ ngôn cái đấu (Mc 4,24-25)
- Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và tăng trưởng (x. Mc 4,26-29)
- Dụ ngôn hạt cải (x. Mc 4,30-32)
Câu 2: Ý nghĩa chính của “Dụ ngôn người gieo giống” (Mc 4,1-20) là gì?
Thưa: Dụ ngôn này trình bày, trước hết, lòng quảng đại của Thiên Chúa: Ngài rộng rãi gieo hạt giống của mình vào tất cả các loại đất. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào mỗi loại đất mà hạt giống có mọc lên và sinh hoa kết quả hay không.
Câu 3: Trong “Dụ ngôn người gieo giống”, hạt giống rơi vào những loại đất nào?
Thưa: Chúng rơi vào những loại đất sau: vệ đường (x. Mc 4,4); sỏi đá (x. Mc 4, 5); bụi gai (x. Mc 4,7) và đất tốt (x. Mc 4,8).
Câu 4: “Những kẻ bên vệ đường” là ai?
Thưa: Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ vừa nghe lời Chúa thì Xa-tan liền đến cất Lời đã gieo nơi họ (x. Mc 4,15).
Câu 5: “Những kẻ được gieo trên sỏi đá” là ai?
Thưa: Họ là những người khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời. Khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp ngã ngay (x. Mc 4,16-17).
Câu 6: “Những kẻ được gieo vào bụi gai” là ai?
Thưa: Đó là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, và vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt Lời khiến Lời không sinh hoa kết quả gì (x. Mc 4,18-19).
Câu 7: “Những người được gieo trong đất tốt” là ai?
Thưa: Những kẻ được gieo trong đất tốt là những người nghe lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm (x. Mc 4,20).
Câu 8: Qua dụ ngôn “cái đèn” (Mc 4,21-23), Đức Giê-su muốn nói đến điều gì?
Thưa: Qua cách nói này, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh rằng khi đã đón nhận Lời Ngài thì cần phải để cho Lời đó soi đường dẫn lối cho chúng ta.
Câu 9: Qua dụ ngôn “cái đấu” (Mc 4,24-25), Đức Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì?
Thưa: Qua dụ ngôn này Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến thái độ của người nghe: cần phải mở rộng tâm hồn của mình và khao khát đón nhận Lời Chúa thì Lời Ngài mới sinh hoa trái dồi dào cho cuộc đời chúng ta.
Câu 10: Qua dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên” (Mc 4,26-29) nói lên điều gì?
Thưa: Dụ ngôn “Hạt giống tự mọc lên” nói lên sức mạnh nội tại của Nước Thiên Chúa, như Đức Giê-su đã nói: “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt” (Mc 4,27-28).
Câu 11: “Dụ ngôn hạt cải” có ý nghĩa gì? (Mc 4,30-32)
Thưa: Dụ ngôn này nhấn mạnh đến sự to lớn và tầm ảnh hưởng của Nước Thiên Chúa: “khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,32).
(Còn tiếp)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 182 | Tổng lượt truy cập: 4,179,483