Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Bài 17 – Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô (Mc 15,1-47)

  • 21/05/2024
  • Người Do-thái nghĩ rằng Đức Giê-su kêu cứu ông Ê-li-a vì hai lý do này: Thứ nhất, vì chữ “Ê-lô-i” nghe giống với tên của ông Ê-li-a. Thứ hai, vì ông Ê-li-a là người đã cứu bà góa và con trai bà trong giờ phút tuyệt vọng của họ (1V 17,1-24), người Do-thái cho rằng ông là “vị thánh bảo trợ” cho những trường hợp vô vọng. Vì thế, họ nghĩ rằng Đức Giê-su đã cầu cứu ông Ê-li-a.

    Bài 17 – Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô (Mc 15,1-47)

    Câu 1: Sau khi người các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng kết án tử cho Đức Giê-su vào ban đêm (x. Mc 14,55-64) thì họ làm gì?

    Thưa: 1 Vừa tảng sáng, các thượng tế đã họp bàn với các kỳ mục và kinh sư, tức là toàn thể Thượng Hội Đồng. Sau đó, họ trói Đức Giê-su lại và giải đi nộp cho ông Phi-la-tô.

    Câu 2: Khi Phi-la-tô hỏi Người: "Ông là vua dân Do-thái sao?" Đức Giê-su trả lời như thế nào?

    Thưa: Người trả lời: "Đúng như ngài nói đó." (Mc 15,2).

    Câu 3: Khi Các thượng tế tố cáo Người nhiều tội, Đức Giê-su có đáp lại không?

    Thưa: Người không đáp lại điều gì, khiến ông Phi-la-tô phải ngạc nhiên (x. Mc 15,3-5).

    Câu 4: Khi Phi-la-tô hỏi người Do-thái có muốn ông phóng thích Đức Giê-su mà ông gọi là “vua dân Do-thái” không? (x.Mc 15, 9.12), họ trả lời thế nào?

    Thưa: Họ xin ông tha Ba-ra-ba và đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá !" (Mc 15,11.13).

    Câu 5: Khi Phi-la-tô truyền đánh đòn Đức Giê-su, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá, quân lính đã làm gì?

    Thưa: 16 Lính điệu Đức Giê-su vào bên trong công trường, tức là dinh tổng trấn, và tập trung cả cơ đội lại. 17 Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. 18 Rồi chúng bái chào Người: "Vạn tuế đức vua dân Do-thái!" 19 Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. 20 Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá.

    Câu 5: Tác giả Mác-cô muốn giới thiệu Đức Giê-su là ai trong các lời đối thoại của Đức Giê-su với Phi-la-tô (Mc 15,1-2) và Phi-la-tô với dân chúng (Mc 15,9-12)?

    Thưa: Tác giả Mác-cô muốn trình bày Đức Giê-su như là «Vua».

    Câu 6: Ai đã vác đỡ thánh giá Đức Giê-su?

    Thưa: 21 Đó là ông Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su (Mc 15,21).

    Câu 7: Khi đã đưa Đức Giê-su lên Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, quân lính đã đối xử với Ngài như thế nào?

    Thưa: 23 Chúng trao rượu pha mộc dược cho Người, nhưng Người không uống. 24Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. 25 Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba.

    Câu 9: Nội dung bản án xử tội đức Giê-su là gì?

    Thưa: 26 Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người Do-thái".

    Câu 10: Tại sao tác giả Tin Mừng Mác-cô lại nói: “Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp” (Mc 15,28)?

    Thưa: Vì “bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái” (Mc 15,27).

    Câu 11: “Kẻ qua người lại” nhục mạ Đức Giê-su như thế nào?

    Thưa: Họ vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, 30 có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!" (Mc 15,29-30).

    Câu 12: Các thượng tế, kinh sư và những kẻ cùng chịu đóng đinh với Đức Giê-su chế nhạo Người như thế nào?

    Thưa: 31 Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. 32 Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

    Câu 13: Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su nói với Chúa Cha điều gì?

    Thưa: 34Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!" Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?"

    Câu 14: Phải chăng Đức Giê-su nghĩ rằng Chúa Cha bỏ rơi mình nên kêu lên "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?"

    Thưa: Không phải vậy. Đây chính là câu đầu tiên của Thánh vịnh 22, là lời cầu nguyện của người công chính bị đau khổ. Đầu Thánh vịnh là lời kêu van thống thiết xin Chúa thương cứu giúp, và cuối Thánh vịnh là niềm tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa. Đức Giê-su dùng Thánh vịnh này để dâng lên Chúa Cha niềm trông cậy phó thác trong khi bị đau khổ tột cùng. Chúng ta cũng vậy, cần tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa khi bị thử thách gian nan.

    Câu 15: Khi nghe thấy điều đó, những người ở đó phản ứng thế nào?

    Thưa: 35Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Kìa hắn kêu cứu ông Ê-li-a." 36 Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không."

    Câu 16: Tại sao họ lại nghĩ rằng Đức Giê-su kêu cứu ông Ê-li-a?

    Thưa: Vì hai lý do này: Thứ nhất, vì chữ “Ê-lô-i” nghe giống với tên của ông Ê-li-a. Thứ hai, vì ông Ê-li-a là người đã cứu bà góa và con trai bà trong giờ phút tuyệt vọng của họ (1V 17,1-24), người Do-thái cho rằng ông là “vị thánh bảo trợ” cho những trường hợp vô vọng. Vì thế, họ nghĩ rằng Đức Giê-su đã cầu cứu ông Ê-li-a.

    Câu 17: Khi Đức Giê-su kêu lên một tiếng lớn rồi tắt thở, điều gì xảy ra trong Đền thờ?

    Thưa: Lúc đó, “bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mc 15,38).

    Câu 18: Tác giả Tin Mừng Mác-cô có ý nói gì khi viết ra điều đó?

    Thưa: Ông có ý nói rằng: đây là dấu hiệu của sự phán xét dành cho Đền thờ, như Đức Giê-su đã tiên báo (Mc 13,2). Hơn nữa, qua cái chết của Người, Đức Giê-su đã xé bức màn ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người, để từ đây mọi con cái Thiên Chúa có thể gặp gỡ Người, bất luận họ là đàn ông hay đàn bà, người tội lỗi hay thánh thiện, người lớn hay trẻ nhỏ, người Do-thái hay dân ngoại.

    Câu 19: Thấy Người tắt thở như vậy, viên đại đội trưởng nói gì?

    Thưa: Ông tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

    Câu 20: Lời tuyên xưng trên có ý nghĩa gì đối với Tin Mừng Mác-cô?

    Thưa: Ngay từ đầu Tin Mừng, tác giả đã giới thiệu “Đức Giê-su Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1; cf. 1,11), đấng đến để thi hành kế hoạch của Thiên Chúa (Mc 1,1-15). Những lời nói và việc làm của Đức Giê-su đã giúp Phê-rô nhận ra Ngài là Đấng Ki-tô (Mc 8,29). Đức Giê-su còn mạc khải rằng đấng Ki-tô cũng chính là “Con Người” bị giết chết nhưng sẽ sống lại (Mc 8,31; 9,31; 10,33-34). Trình thuật thương khó nhấn mạnh rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô và là “Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng” (Mc 14,62), nghĩa là Con Thiên Chúa - Vua Ít-ra-en. (x. 1Sm 8,7; Is 33,22). Đến đỉnh điểm của Tin Mừng, tác giả muốn độc giả nhận ra: Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa (Mc 15,39), đấng đã hoàn thành kế hoạch cứu độ của Chúa Cha qua cuộc sống và cái chết trên thập giá của Ngài.

    (Còn tiếp)

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

     

    Bài viết liên quan