Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Bài 14 – Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô (Mc 11,27 - 12,44)

  • 08/05/2024
  • Khi kể câu chuyện “những người làm vườn nho sát nhân”, Đức Giê-su có ý ám chỉ rằng họ chính là những tá điền sát nhân. Họ không chỉ giết các ngôn sứ, mà còn giết chính Đức Giê-su là người Con yêu dấu của Thiên Chúa; hậu quả là họ sẽ bị tiêu diệt.

    Bài 14 – Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô (Mc 11,27 - 12,44)

    Câu 1: Ngày hôm sau, khi Đức Giê-su vào đền thờ Giê-ru-sa-lem, người Do-thái chất vấn Người về điều gì?

    Thưa: Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến chất vấn về nguồn gốc thẩm quyền của Chúa: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy ?"  (Mc 11,28).

    Câu 2: Đức Giê-su đã trả lời như thế nào?

    Thưa: Thay vì trả lời câu hỏi của họ, Đức Giê-su hỏi họ một câu hỏi khác: "Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 30 Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi !".

    Câu 3: Cuộc đối đầu này kết thúc thế nào?

    Thưa: 31 Họ bàn với nhau: "Nếu mình nói: ' Do Trời ', thì ông ấy sẽ vặn lại: 'Thế sao các ông lại không tin ông ấy?' 32 Nhưng chẳng lẽ mình nói: 'Do người ta'?" Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33 Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Đức Giê-su liền bảo họ: "Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."

    Câu 4: Sau đó, Đức Giê-su nói với họ điều gì?

    Thưa: Ngài kể cho họ dụ ngôn “những người làm vườn nho sát nhân” (Mc 12,1-12). Có thể tóm lược câu chuyện đó như sau: ông chủ giao vườn nho cho tá điền canh tác, rồi trảy đi phương xa. Đến mùa thu hoạch, ông lần lượt sai các đầy tớ đến thu hoa lợi; nhưng những đầy tớ kẻ thì bị bắt, người thì bị họ giết. Cuối cùng ông chủ sai chính người con yêu dấu của mình đến. Nhưng họ không nể người con, là người thừa tự. Người con không những bị bắt, bị giết mà còn bị quăng ra ngoài vườn nho. Sau hết, ông chủ sẽ đến tiêu diệt các tá điền rồi giao vườn nho cho người khác.

    Câu 5: Đức Giê-su có ý nói gì khi kể cho họ dụ ngôn đó?

    Thưa: Khi kể câu chuyện đó, Đức Giê-su có ý ám chỉ rằng họ chính là những tá điền sát nhân. Họ không chỉ giết các ngôn sứ, mà còn giết chính Đức Giê-su là người Con yêu dấu của Thiên Chúa; hậu quả là họ sẽ bị tiêu diệt.

    Câu 6: Đức Giê-su ám chỉ điều gì khi nói: “10Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. 11 Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta !”? (Mc 12,1-11)

    Thưa: Nói những lời đó sau khi kể dụ ngôn trên,  Đức Giê-su có ý ám chỉ về cuộc thương khó và phục sinh của Ngài. Ngài sẽ bị những nhà lãnh đạo Ít-ra-en giết chết. Nhưng, Thiên Chúa sẽ làm cho Ngài sống lại và trở nên “tảng đá góc tường” của ngôi nhà mới là Giáo hội của Ngài.

    Câu 7: Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã làm gì sau khi nghe dụ ngôn của Chúa Giê-su?

    Thưa: 12 Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

    Câu 8: Sau đó, nhóm người nào đến để gài bẫy Đức Giê-su?

    Thưa: Sau đó, “mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. 14 Những người này đến và nói: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?"(Mc 12,13-14).

    Câu 9: Đức Giê-su đã phản ứng thế nào đối với những người này?

    Thưa: Đức Giê-su biết họ giả hình, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!" 16 Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" Họ đáp: "Của Xê-da." 17 Đức Giê-su bảo họ: "Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa." Và họ hết sức ngạc nhiên về Người (Mc 12,15-17).

    Câu 10: Đức Giê-su có ý gì khi nói “Của Xê-da trả về Xê-da, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”?

    Thưa: Khi nói “Của Xê-da trả về Xê-da”, Chúa Giê-su có ý dạy rằng: khi sử dụng đồng tiền của Xê-da là họ đã mặc nhiên chấp nhận chủ quyền của Xê-da, thì họ có nghĩa vụ nộp thuế cho Xê-da. Thêm vào đó, khi nói “của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”, Chúa Giê-su đưa cuộc tranh luận lên một tầm cao mới. Ngài thách thức các đối thủ của mình phải tuân thủ các nghĩa vụ của họ đối với Chúa.

    Câu 11: Chúng ta có thể áp dụng lời dạy đó của Đức Giê-su trong hoàn cảnh ngày nay như thế nào?

    Thưa: Chúng ta cần chu toàn bổn phận của mình như một công dân tốt của xã hội. Và trên hết, chúng ta cần luôn ý thức được bổn phận của con cái Thiên Chúa: luôn thờ phượng, lắng nghe và thực hành lời Chúa, chân thành yêu thương nhau, cùng nhau xây dựng thế giới này ngày một tốt đẹp theo ý Chúa.

    (Còn tiếp)

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

    Bài viết liên quan