Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Bài 13 - Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô 11,1-26

  • 16/04/2024
  • Cây vả không sinh trái này là biểu tượng Ít-ra-en không sinh hoa trái theo ý Thiên Chúa và vì thế sẽ bị chặt bỏ (Hs 9,10.16-17; 7,1; Gr 8,13). Do đó, khi làm cho cây vả không sinh trái bị khô héo, Đức Giê-su đã làm một hành động biểu tượng mang tính ngôn sứ để ám chỉ rằng Đền Thờ của Ít-ra-en sẽ bị khô héo như cây vả.

    Bài 13 – Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô (Mc 11,1-26)

    Câu 1: Mác-cô 11,1-26 kể về điều gì?

    Thưa: Mác-cô 11,1-26 nói về ba ngày đầu của Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem. Ngày thứ nhất, Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem cách long trọng (11,1-11). Ngày thứ hai, Đức Giê-su đã làm một hành động biểu tượng để loan báo sự sụp đổ của Đền Thờ (11,12-19). Ngày thứ ba, các môn đệ chỉ cho Đức Giê-su thấy cây vả bị rủa đã chết khô (11,20-25); đó là tiền đề để Đức Giê-su dạy dỗ họ về cách thế mới để đến với Thiên Chúa.

    Câu 2: Đức Giê-su chuẩn bị cho việc vào thành Giê-ru-sa-lem như thế nào?

    Thưa: 1 Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ 2 và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. 3 Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy?", thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay." 4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. 5 Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy?" 6 Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông.

    Câu 3: Sự việc vừa kể nói lên điều gì?

    Thưa: Những điều này chứng tỏ rằng Đức Giê-su biết trước tất cả những điều sắp xảy ra với mình, và Người chủ động đón nhận nó theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

    Câu 4: Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem như thế nào?

    Thưa: Tác Giả Tin Mừng Mác-cô kể lại rằng khi hai môn đệ “đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. 8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9 Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: "Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! 10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời! 11 Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ” (Mc 11,7-11). Như vậy, Đức Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem một cách vinh quang với tư cách là vị Mê-si-a từ nhà Đa-vít.

    Câu 5: Tác giả Tin Mừng Mác-cô kể việc Đức Giê-su làm cho cây vả không có trái bị khô héo như thế nào?

    Thưa: Tin Mừng kể: “Khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. 13 Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. 14 Người lên tiếng bảo cây vả: "Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!" Các môn đệ đã nghe Người nói thế”. 20 Sáng sớm hôm sau, “khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. 21 Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: "Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!"

    Câu 6: Tại sao Đức Giê-su lại làm cho cây vả không sinh trái bị khô héo?

    Thưa: Cây vả không sinh trái này là biểu tượng Ít-ra-en không sinh hoa trái theo ý Thiên Chúa và vì thế sẽ bị chặt bỏ (Hs 9,10.16-17; 7,1; Gr 8,13). Do đó, khi làm cho cây vả không sinh trái ra khô héo, Đức Giê-su đã làm một hành động biểu tượng mang tính ngôn sứ để ám chỉ rằng chế độ Đền Thờ sẽ bị sụp đổ vì đã không sinh ra hoa trái thiêng liêng theo thánh ý Thiên Chúa.

    Câu 7: Đức Giê-su đã làm gì khi Người vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem?

    Thưa: Khi vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, Người “Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16 Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua Đền Thờ.” (Mc 11,15-16).

    Câu 8: Phải chăng, khi làm như thế, Đức Giê-su đang thanh tẩy Đền Thờ?

    Thưa: Những đồ vật hay con vật được bán ở khuôn viên Đền Thờ là để dành cho việc tế tự của Đền Thờ. Vì thế, khi ngăn cản những hành vi này của họ, Đức Giê-su cũng làm một hành động biểu tượng chấm dứt chức năng của Đền Thờ, vì như Đức Giê-su nói, “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11,17).

    Câu 9: Các thượng tế và kinh sư phản ứng thế nào với hành động này của Đức Giê-su?

    Thưa: 18 Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. (Mc 11,18).

    Câu 10: Theo tác giả Tin Mừng Mác-cô, từ nay con người có thể thờ phượng Thiên Chúa bằng cách nào?

    Thưa: Chúng ta có thể đến với Thiên Chúa qua đức tin, lời cầu nguyện và sự tha thứ, như Đức Giê-su dạy: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: 'Dời chỗ đi, nhào xuống biển!', mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. 26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

    (Còn tiếp)

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN

    Bài viết liên quan