Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Mác-cô: Bài 12 - Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô 10,32-52

  • 05/04/2024
  • Sự mù loà của anh Ba-ti-mê được coi như biểu tượng sự mù loà của các môn đệ: Dù đã ở với Chúa và được Ngài dạy dỗ trong thời gian dài, nhưng vẫn không hiểu Ngài. Vì thế, cho anh Ba-ti-mê thấy được cũng là hành động biểu tượng mà Đức Giêsu làm nhằm cũng cố mở mắt cho các môn đệ.

    Bài 12 – Tìm hiểu Tin Mừng Mác-cô (Mc 10,32-52)

    Câu 15: Chúa Giê-su loan báo lần thứ ba cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ngài trong hoàn cảnh nào?

    Thưa: 32 Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình. (Mc 10,32).

    Câu 16: Nội dung lời loan báo đó là gì?

    Thưa: Đức Giê-su loan báo: 33 "Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.(Mc 10,33-34).

    Câu 17: Những lần loan báo về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu chứng tỏ điều gì?

    Thưa: Những lời loan báo này cho thấy rằng cuộc thương khó và Phục sinh của Đức Giêsu nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và Đức Giêsu đến để thực hiện kế hoạch đó. Như vậy, cái chết của Đức Giêsu không phải là một thất bại, nhưng là cách Người thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

    Câu 18: Khi hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin Đức Giê-su để được ngồi bên tả, bên hữu Ngài khi Ngài được vinh quang (x.Mc 10,35-37), Đức Giêsu trả lời thế nào?

    Thưa: 38 Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" 39 Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được." (Mc 10,38-40).

    Câu 19: Khi chứng kiến điều này, các môn đệ khác đã phản ứng như thế nào?

    Thưa: Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an (Mc 10,41).

    Câu 20: Thấy thế, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ điều gì?

    Thưa: 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,42-45).

    Câu 21: Tại sao Đức Giêsu lại dạy họ như thế?

    Thưa: Đức Giêsu vừa mới loan báo cho các môn đệ nghe lần thứ ba về cuộc khổ nạn của Người. Nhưng, một lần nữa, các ông không hiểu Ngài. Vì thế, Gio-an và Gia--bê mới xin như thế và các môn đệ kia mới tức tối như vậy. Do đó, Đức Giêsu phải một lần nữa giải thích cho các ông rằng: Ngài đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống vì người khác. Và các ông cũng thế: Nếu muốn được chia sẻ vinh quang với Ngài, các ông phải chia sẻ chén đắng của Ngài. Nếu muốn làm lớn, phải luôn tìm phục vụ anh chị em mình.

    Câu 22: Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô thì điều gì xảy ra?

    Thưa: Lúc đó có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!" 49 Đức Giê-su đứng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây!" Người ta gọi anh mù và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!" 50Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" Anh mù đáp: "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52 Người nói: "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. (Mc 10,46-52).

    Câu 23: Tác giả Tin Mừng Mác cô kể chuyện này ở đây với mục đích gì?

    Thưa: Sự mù loà của anh Ba-ti-mê được coi như biểu tượng sự mù loà của các môn đệ: Dù đã ở với Chúa và được Ngài dạy dỗ trong thời gian dài, nhưng vẫn không hiểu Ngài. Vì thế, cho anh Ba-ti-mê thấy được cũng là hành động biểu tượng mà Đức Giêsu làm nhằm cũng cố mở mắt cho các môn đệ. Thêm vào đó, khi nói anh Ba-ti-mê thấy được và đi theo Đức Giêsu, tác giả cũng có ý nói rằng người môn đệ là người đi “trên con đường Đức Giêsu đi”, con đường cứu độ qua thập giá.

    Câu 24: Chúng ta rút được bài học gì từ người mù tên là Ba-ti-mê?

    Thưa: Chúng ta có thể học tập nơi anh mù hai điều sau: Thứ nhất, sự kiên trì trong lời cầu nguyện. Đám đông dân chúng quát nạt anh mù và bảo anh im đi, nhưng anh vẫn kêu xin và càng kêu to hơn. Sự kiên trì của anh vượt qua mọi thử thách, và cuối cùng được đền đáp. Thứ hai, tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Chính sự tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa đã giúp anh kiên trì kêu lên với Ngài: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”

    (Còn tiếp)

    Bài viết liên quan