Chúa Nhật XXVII TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 03/10/2024
  • Chủ đề: Giao ước Tình yêu

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc 10,2-16)

    Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?" Người đáp: "Môsê đã truyền cho các ông thế nào?" Họ thưa: "Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị". Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: "Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ".

    Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: "Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình".{Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: "Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó". Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.}

    GIAO ƯỚC TÌNH YÊU

    1. Giao ước

    - Giao: Là trao, tiếp xúc, kề, đến gần, giao hợp, nộp, sai.

    - Ước: Là hẹn, thoả thuận, thắt, bó, khoảng, khế ước.

    - Hôn ước: Là những thỏa thuận tiền hôn nhân do vợ chồng  thống nhất lập ra trước khi ký hôn thú.

    - Hôn nhân: Là giao ước giữa một nam và một nữ, với ý thức tự do nhiệm vụ, yêu nhau, sinh sản và dạy con cái.

    - Bí tích Hôn nhân: Là việc phối hợp vợ chồng, một nam  và một nữ, qua Giáo quyền, duy nhất và vĩnh viễn.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về giao ước tình yêu

    - Sách Sáng thế thuật việc Thiên Chúa tạo dựng nên vợ chồng: “Đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy tạo dựng cho nó một nội trợ giống như nó” (St 2, 18).

    Đức Giêsu cho hôn nhân là giao ước đời đời: “Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Sự gì Chúa kết hợp, người ta cấm được chia rẽ” (Mc 10, 8)

    3. Thực hành giao ước tình yêu

    - Trung thành với giao ước. Giao ước tình yêu đang bị báo động, tình trạng ‘cơm không lành, canh chẳng ngọt’ ngày càng phổ biến. Người Đông phương mô tả sự hợp nhất đó bằng hình tròn, có âm dương, biểu hiện sự hoàn hảo. Kitô hữu phải trung thành với Giao ước của Chúa. Đàn ông lìa cha mẹ, gắn bó với vợ nên một xương thịt.

    - Cảnh giác những cạm bẫy. Giao ước tình yêu đang bị đe dọa. Nếp sống hưởng thụ, nạn ly dị, sống thử, hôn nhân đồng tính làm đời sống gia đình bị xáo trộn. Kitô hữu phải luôn cảnh giác với cạm bẫy từ truyền thông sách báo, phim ảnh, truyền hình, sim rác, đặc biệt các trang thông tin trên các báo mạng.

    - Truyện: Thu Hồ Tử Lỗ, cưới vợ 5 ngày lệnh làm quan ở Tần. Sau 5 năm Hồ Tử về thăm nhà. Về gần nhà, thấy thiếu nữ hái dâu, Hồ Tử tới đùa cợt. Nàng thản nhiên bứt lá. Hồ Tử nói: Vất vả làm việc sao bằng một năm được mùa. Cố hái dâu, sao bằng có chồng làm quan, lắm vàng bạc! Nàng khinh bỉ. Hồ Tử về gặp vợ thì là cô gáo hái dâu. Nàng nói: Đáng lẽ chàng về thăm mẹ, gặp vợ, thế mà chỉ vì cô gái dọc đường, đã quên mẹ và vợ, sao gọi là quan?(ST)

    - Tôn trọng giá trị tình yêu. Chúa dùng tình yêu để liên kết hôn nhân. Nhưng người ta đã đánh mất ý nghĩa của Giao ước tình yêu. Họ coi hôn nhân chỉ để hưởng thụ. Tuần trăng mật sẽ mau qua đi, nhường chỗ cho ‘ngục tù gia đình.’ Kitô hữu noi theo mẫu gương Ba Ngôi Thiên Chúa, luôn yêu thương nhau, biết gìn giữ quà tặng tình yêu mà Thiên Chúa đã trao tặng.

     

    HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

    Suy Niệm

              Những người Pharisiêu dựa vào luật li dị của Mô-sê chất vấn Đức Giê-su về luật hôn nhân. Đức Giê-su lấy chính những lời trong Cựu ước để bác bỏ quan điểm của họ, đồng thời Chúa cũng đưa ra điều kiện là người ta phải nên như trẻ nhỏ mới được vào nước Trời.

              Nhưng phải chăng luân lí Ki-tô giáo quá khắt khe trong hôn nhân? Phải chăng Ki-tô giáo quá thổi phồng và mặc cảm tội lỗi trong vấn đề trong sạch? Luật cấm li dị có tàn nhẫn không? Và tại sao Đức Ki-tô lại thừa nhận luật li dị của Mô-sê? Người thời nào cũng có những lí do để li dị, giống như sự cố chấp của người It-ra-en mà?

              1. Những cuộc phỏng vấn

              Hôn nhân là đề tài rất quen thuộc đối với nhân loại. Người ta phải đối mặt với những vấn đề của hôn nhân khi bước vào tuổi ''biết yêu.'' Những câu hỏi luôn được đặt ra: thế nào là tình yêu, thế nào là tình dục, là yêu thương? Tại sao có phái nam phái nữ? Tại sao phải sống trong gia đình, tập thể xã hội quản lí có tốt hơn không? Đó chính là những lí do khiến cho quan niệm hôn nhân rất đa dạng. Vấn đề hôn nhân vẫn là công việc bận rộn nhất của các nhà Lập pháp, Tư pháp. Luật li dị cũng đang được tiếp tục thay đổi theo thời gian trong xã hội It-ra-en. Ngay trong những người Biệt phái cũng có hai lập trường khác nhau trong vấn đề này, nhóm thì cho phép li dị khi có lí do, nhóm khác chỉ cho li dị khi bên kia ngoại tình.

              Những người Biệt phái lợi dụng vấn đề nóng bỏng về hôn nhân để gài bẫy Đức Giê-su; họ hỏi Chúa: ''Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?''(Mc 10,2). Thật ra câu hỏi vốn đã được thực tế cuộc sống trả lời. Hầu hết các nước trên thế giới đều cho phép li dị, luật Mô-sê mà các ông cầm khư khư trên tay cũng cho phép li dị; có điều các ông thường tranh luận với nhau về những lí do để cho li dị, để giải quyết trong các vụ án hôn nhân, chứ không tranh luận Luật có cho phép li dị không. Họ muốn đưa Đức Ki-tô vào cuộc, để thử Người và để có lí do lên án Người.

              Đức Giê-su dùng Kinh Thánh để trả lời phỏng vấn: Chúa hiểu được những ý định chẳng lành của những người Biệt phái, nên Người không trả lời trực tiếp, mà đưa cuộc tranh luận vào trong những trang Kinh Thánh. Tất cả những đặc tính của một thụ tạo như con người, tình yêu, giới tính, hôn nhân đều xuất phát từ nơi Thiên Chúa và người ta không thể đi ngược lại quy luật của Đấng Tạo Hoá, nay thích thì kí kết, mai không muốn, thì giải tán theo ý của loài người.

              Đức Giê-su dạy phải nên như trẻ nhỏ để được vào Nước Trời. Trước những tư tưởng câu nệ lề luật của những Biệt phái, Đức Giê-su nhắc bảo các ông phải khiêm nhường, đơn sơ như các em nhỏ. Nước Trời không dành cho những ai cậy thế, đặc quyền đặc lợi. Nước Trời là quà tặng Đấng Tạo Hoá trao ban cho những ai có tâm hồn đơn sơ trong trắng. Trẻ em không sống theo lối mòn của tập tục, chúng đơn sơ và hồn nhiên. Bổn phận của người lớn, như cha mẹ là đón nhận ơn Chúa qua các trẻ nhỏ, phải chu toàn bổn phận với các em. Hãy noi gương Đức Giê-su, ôm trẻ em, yêu thương các em và chữa lành các em.

              2. Giao ước hôn nhân

              Trước những quan niệm lộn xộn về hôn nhân, Đức Giê-su đưa ra những căn tính của hôn nhân mà Thiên Chúa đã ban hành từ khi có con người:

              Hôn nhân là vĩnh viễn: Đức Giê-su lấy bản văn sách Sáng thế để nhấn mạnh con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Người đã tạo ra người nam, người nữ, cả hai nên một và sống với nhau suốt đời, Người khẳng định: ''Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân li''(Mc 10,9). Đức Giê-su giải thích nguyên nhân ông Mô-sê cho phép li dị là do lòng chai đá của họ, nhất là trong hoàn cảnh đất nước bị xâm chiếm; Chúa cho rằng ngay từ ban đầu loài người không có như vậy, và Thiên Chúa vẫn duy trì quan điểm là không bao giờ được phép li dị.

              Hôn nhân là một vợ một chồng: Hôn nhân kết hợp màu nhiệm giữa Chúa Ki-tô và Giáo hội. Đức Giê-su nâng hôn nhân lên hàng Bí tích, không có chuyện chung vợ chung chồng. Người ta chứng kiến bao cảnh hỗn loạn, ghen tị, ngột ngạt, bùng nổ, chỉ vì chuyện ''ông ăn chả bà ăn nem." Thiên Chúa đã tạo nên con người có nam có nữ và cho họ kết hợp nên ''một xương thịt.'' Phá bỏ ý định này của Thiên Chúa là một tội ác phản nghịch lại Thiên Chúa.

              3. Nghĩa vụ của hôn nhân

              Để bảo vệ tình yêu vợ chồng: Con người được dựng nên giống hình ảnh Chúa, tình yêu của con người là bản sao phản ánh tình yêu cao siêu của Thiên Chúa, mà tình yêu vợ chồng là một kiểu mẫu. Hôn nhân nam nữ đã được Thiên Chúa nâng lên hàng Bí tích. Thiên Chúa muốn tình yêu này bổ sung cho nhau, trung thực với nhau, chia sẻ những gánh nặng của cuộc sống. Cuộc sống của họ phải dựa trên luật tình thương. Không có gì có thể bào chữa cho trường hợp li dị, phá thai, thất trung vợ chồng. Khi yêu người ta muốn chiếm trọn tình yêu, chứ không ai muốn giữa đường đứt gánh. Người ta chứng kiến bao thảm hoạ, chém giết, đập phá, tạt axit, chiến tranh tàn phá, chỉ vì một bên không trung thành. Ngoài ra hôn nhân vĩnh viễn còn được bảo vệ cuộc đời cho bên kia, nhất là người phụ nữ, khi đã hết tuổi xuân, sức khoẻ giảm đi. Nhiều người lợi dụng luật li dị để thay hoa đổi tình, con người trở nên nô lệ tình dục. Đức Giêsu mạnh mẽ lên án những loại người này: ''Ai rẫy vợ mình lấy người khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng mình để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình''(Mc 10,11-12).

              Để duy trì sự sốnggiáo dục con cái: Thiên Chúa cho con người cộng tác vào việc bảo tồn sự sống. Chúa cho ''xương thịt duy nhất,'' làm nghĩa vụ sinh con cái cho Chúa và giáo dục chúng nên người.  Hôn nhân vĩnh viễn còn là để con cái sinh ra được bảo vệ. Những đứa trẻ không cha mẹ vẫn là mối bận tâm của xã hội, nhất là khi nó nhìn thấy gương xấu người lớn để lại. Sau khi nói về hôn nhân, Đức Giê-su đề cập tới trẻ em, những trẻ nhỏ không tự mình lo lắng cho bản thân, mà cần sự che chở giúp đỡ của bố mẹ. Nước Trời chỉ dành cho những người nhận biết, đón tiếp, có trách nhiệm với các trẻ nhỏ như ý Chúa muốn.

              Xin cho mỗi người chúng con noi gương thánh Cả Giu-se và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã luôn yêu thương và trân trọng lẫn nhau để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

     

    Bài viết liên quan