DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
CN XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Mc 9,30-37)
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người. Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: "Dọc đàng các con tranh luận gì thế?" Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người". Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy"
GHEN GHÉT
Dàn Ý
1. Ghen ghét
- Ghen: Là ganh tị với ai hơn mình. Ghét: Là bẩn, ghét bỏ.
- Ca dao: “Rõ ràng giấy trắng mực đen, Duyên ai phận nấy chớ ghen mà già.” Nguyễn Du cũng nói: “Dại gì chẳng giữ lấy nền, Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.”
- Kinh Thánh kể: Quỉ ghen Tổ Tông, Cain với Aben, Esau với Giacóp, các anh em Giuse, Apsalon và Đavít.
2. Lời Chúa hôm nay nói về ghen ghét
- Sách Khôn ngoan nói về hậu quả do ghen tuông: “Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói, thì người ta sẽ cứu nó!” (Kn 2, 20).
- Giacobê nói, ghen ghét gây tai hại: “Ở đâu có ganh tị cãi vã, ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan” (Gc 3, 16).
- Các Tông đồ im lặng, do thái độ sai lầm vì lòng ghen của họ: “Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất” (Mc 9, 34).
3. Tác hại của ghen ghét
- Người có tính ghen thường sống bất công. Con người đối xử với nhau tàn nhẫn, tranh giành của cải, đất đai, ‘cá lớn nuốt cá bé.’ Họ sống thất đức, sẵn sàng phản bội, trí trá với nhau. Họ chèn ép người dưới và nịnh bợ cấp trên. Đức Giêsu đã thất vọng vì không có ai, cả môn đệ, hiểu mình, nên đã chất vấn: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?”
- Người có tính ghen làm hại chính mình. Người ghen lúc nào cũng ấm ức, khó chịu khi thấy người ta hơn mình. Họ tự làm giảm uy tín, vì tự đặt mình vào tư thế cùng tranh giành, biểu hiện mình thua kém. Victor Hugo xác nhận: “Ganh ghét là tự thú nhận sự thua kém của mình.” Khi người ta vui thì mình buồn, khi người ta hạnh phúc thì mình thất vọng.
- Truyện: Có thương gia sùng đạo, dù vất vả nhưng vẫn hay khấn vái. Một hôm thần hiện ra phán: “Ta sẽ ban theo ước muốn của ngươi, điều gì cũng được, nhung hễ thứ gì ban cho ngươi thì ta sẽ ban cho tha nhân gấp đôi.” Anh tự nhủ: “Nếu xin một chiếc xe Lexus thì mấy bạn sẽ được hai. Tiền bạc vợ con họ đều được gấp đôi mình. Không ổn rồi!” Thế là anh cầu: “Xin cho con đui một con mắt”(ST).
- Người có tính ghen đánh mẩt tình yêu thương. Kẻ ghen gây thiệt hại cho người khác, vì họ luôn bị kẻ ghen dòm ngó xét nét, do lúc nào cũng lo sợ người khác hơn mình. Đức Giêsu thiết lập một kỉ nguyên yêu thương, là không nhìn nhau như kẻ thù mà coi nhau như anh em: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau.”
- Người có tính ghen sẽ làm hại cộng đoàn. Trước con mắt của người ghen, mọi thứ đều trở nên xấu xa đáng ghét, bất kể là người ta đúng hay sai, tốt hay xấu, thành công hay thất bại. Giống như loại vi rút nguy hiểm chuyên đi phá hại, người có tính ghen luôn gây chia rẽ, làm cộng đoàn mất bình an, đời sống trở nên tồi tệ.
- Ghen tương luôn là hiểm họa trong cuộc sống. Augutinô nói: Có cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Chúa đến hi sinh và yêu bản thân đến nỗi chối bỏ Chúa. Kitô hữu hãy nghe lời Đức Giêsu, loại bỏ tính ghen tương để mọi người được bình an hạnh phúc.
Suy Niệm
Thánh Mac-cô tiếp tục đưa mọi người vào cuộc Thương khó của Đức Ki-tô, trong khi các môn đệ tranh chấp ngôi thứ địa vị với nhau, Đức Giê-su dạy cho họ biết thế nào là người làm lớn.
Nhưng người ta không hiểu tại sao Đức Giê-su lại đưa em bé xen vào cuộc tranh luận của các Tông đồ; xem ra không có liên hệ gì với nhau, đứa bé có làm lớn được đâu?
1. Những cuộc tranh luận
Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, băng qua miền Ga-li-lê, sau những thành công trong sứ vụ công khai, Đức Giê-su dành nhiều thời gian để huấn luyện các môn đệ. Đức Giê-su nhắc lại đề tài thương khó Người sẽ phải chịu, bị người It-ra-en bỏ rơi, bị giao nộp vào tay người đời. Chúa phán: ''Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết Người sẽ sống lại"(Mc 9,31). Các môn đệ Đức Giêsu cho đến lúc này, vẫn chưa hiểu biết nội dung Người nói, và đám quần chúng lại càng không hiểu nổi. Họ chỉ biết, nếu là một Đấng Me-si-a thì phải đến như một ông hoàng, đánh đổ đế quốc Rụ-ma, thành lập một nước It-ra-en độc lập, thịnh vượng.
Các Tông đồ cãi vã tranh luận về vị trí lớn nhất trong nước Chúa ở trần gian mà Đức Giê-su sẽ thành lập. Các môn đệ chắc chắn biết Đức Giê-su sắp kết thúc sứ vụ và đến lượt họ thay thế sứ vụ của Người. Họ không nghĩ là họ sẽ phải trải qua Thập giá và cái chết; họ chỉ nghĩ đến những địa vị mà họ sẽ nắm giữ trong cái chính phủ mới mà Đức Ki-tô thiết lập; họ đã lớn tiếng với nhau. Đức Giê-su nghe biết, nhưng không tiện nói trên đường đi, chờ tất cả về đến nhà, để dạy họ bài học về những gì mà các môn đệ sẽ lãnh trách nhiệm trong Nước của Người.
2. Muốn làm lớn
Biết được các Tông đồ tranh giành địa vị, Đức Giê-su đưa ra những điều kiện quan trọng để được làm lớn; Người đưa một em bé đến trước mặt các ông để làm minh họa sống động cho Lời dạy của Người:
Đức Giê-su dạy phải khiêm nhường, nếu muốn làm lớn, Chúa phán: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết''(Mc 9,35b). Thích được làm lãnh đạo, ưa được người ta khen, thích ngồi chỗ quan trọng, thích quyền lợi, sức mạnh, là xu hướng chung của con người mọi thời. Đức Giê-su lật nhào trật tự khuynh hướng xấu này: người đứng đầu sẽ nên người bét rốt, nên đầy tớ. Chúa đấu tranh loại bỏ kiểu thống trị cỡi cổ người khác. Trẻ nhỏ cũng như đàn bà trong xã hội It-ra-en thường bị coi là không đáng kể, cả trong các câu chuyện trong Kinh Thánh, thường chỉ nói đến con số nam giới. Trẻ em không có chỗ đứng trong xã hội. Nói đến trẻ em là nói đến khiêm nhường, thấp bộ không tranh giành địa vị, luôn lễ phép vâng lời người lớn. Một khi tâm hồn con người khiêm nhường như trẻ nhỏ, họ có thể loại trừ được tham lam, nết xấu, tội lỗi; một khi con người biết sống khiêm nhường vô tư như trẻ nhỏ, họ mới được Chúa nâng lên.
Đức Giê-su dạy phải là người phục vụ nếu muốn là người lãnh đạo: Đức Giê-su cho rằng người có quyền bính là người có điều kiện để phục vụ tốt hơn. Mục đích quyền bính là phục vụ anh em và như vậy người ta cũng sẽ chỉ có danh vọng khi biết làm tôi tớ phục vụ người khác. Đức Giê-su phán: ''Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người"(Mc 9,35). Đức Giê-su không chỉ dạy bằng lời nói, mà Người còn thực hiện tinh thần phục vụ tuyệt vời; Chúa từ Trời cao xuống, mặc thân phận con người, Chúa đã lao động phục vụ với cái nghề thợ mộc, Chúa đã phục vụ mọi tầng lớp quần chúng, đặc biệt là người nghèo, bệnh tật; Người là Thiên Chúa trên hết, nhưng cũng là Người đứng đầu trong tinh thần khiờm nhu phục vụ.
Đức Giê-su dạy phải đón tiếp trẻ nhỏ, nếu muốn làm người đứng đầu: Khi con người có địa vị thì thường có quyền lợi, họ chỉ nịnh hót những người thuộc về mình, bỏ rơi những người thấp hèn, thấp cổ bé họng. Đức Giê-su dạy phải đón tiếp trẻ nhỏ, đại diện cho lớp người tầm thường, thấp bé trong xã hội. Chúa dạy phải biết thương yêu đón tiếp và phục vụ: ''Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy''(Mc 9,37a). Đức Giêsu mời những người tầm thường bé nhỏ đến trước mặt Người, như người tội lỗi, thu thuế, gái điếm, người bị bỏ rơi, bị chà đạp để được Người phục vụ. Chính Đức Giê-su cũng đã trở nên bé nhỏ, bị bỏ rơi, bị coi khinh, trở nên như Vị Mục Tử nhân lành, luôn yêu thương hết mọi người.
3. Bước Theo Chúa Ki-tô
Đoạn Tin Mừng biểu hiện sự nối kết giữa cuộc thương khó của Đức Giê-su và tinh thần khiêm nhường phục vụ. Khi loan báo về sự đau khổ và phục sinh, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đây là tâm điểm của chương trình cứu độ. Người phán: ''Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại'(Mc 9,31). Đức Giê-su sống trọn cuộc đời phục vụ, từ khi sinh ra trong khiêm hạ, đến những bước đường rao giảng, chữa bệnh tật. Đỉnh cao của phục vụ là sự hi sinh đến chết cho nhõn loại.
Đoạn Tin Mừng nhấn mạnh tinh thần hi sinh: Cụm từ ''bị giao nộp'' được nhiều lần được nhắc tới trong Kinh Thánh. Một Thiên Chúa bị giao nộp, có nghĩa không phải là một Thiên Chúa uy quyền, mà là một Thiên Chúa tình yêu, trao tặng cho nhân loại, để xoá tội và cứu độ nhân loại. Cụm từ ''con người bị nộp trong tay,'' cũng còn phản ánh những hi sinh và tinh thần phục vụ của các Ngôn sứ, các Thánh Tử Đạo, những người công chính và tất cả những ai theo và sống với Đức Ki-tô.
Người Ki-tô luôn xác định, theo Chúa phải đi theo con đường của Người. Có những thú vui, những tranh chấp trên đường; có nhiều cạm bẫy: theo Chúa để được ơn nọ, ơn kia, để được làm lớn hơn người này, xứ kia... Người ta chưa hiểu hết được những khó khăn đang chờ trước mặt, không phải là một xa lộ thẳng tắp mà là những ngõ hẻm quanh co đầy chướng ngại. Tuy nhiên, chúng con không phải lo vì có Đức Giê-su là đường, Người sẽ dẫn chúng con tới đích bình an.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 99 | Tổng lượt truy cập: 4,258,044