“Một trẻ thơ đã ra đời cho chúng ta”
Lc 2, 1-14
“Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ." (Lc 2,10-12).
Lời của Sứ Thần Thiên Chúa loan báo cho các mục đồng cách đây hơn 2000 năm, cũng là lời mà tôi muốn nói với tất cả quý cộng đoàn hiện diện trong thánh lễ hôm nay.
Có ngạc nhiên không, khi mà một Đấng Cứu Độ nhân loại lại giáng sinh dưới hình hài của “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Những tưởng vị Cứu Tinh thì phải được sinh ra trong một cung điện đền vua nguy nga tráng lệ, giữa những quần thần đứng xung quanh hầu cận ! Thế mà ở đây, Vị Cứu Tinh nhân loại lại được sinh ra trong một hang đá nghèo hèn, giữa cánh đồng hoang vu trong một đêm đông giá lạnh.
Lại nữa, lời loan báo về Đấng Cứu Độ sinh ra không phải cho những người quyền cao, chức trọng, những kẻ khôn ngoan thông thái, mà lại được báo cho đám mục đồng (đám trẻ con chăn chiên) nghèo khó đang quây quần bên đống lửa để coi đàn vật của mình! Thật không thể tưởng tượng nổi! Nhưng đó lại là một sự thật đã diễn ra cách chúng ta hơn 2000 năm. Đó là một tin mừng, không chỉ cho các trẻ mục đồng, hay cho những người có niềm tin vào Thiên Chúa, mà là “cho toàn dân”.
Nhưng tại sao Thiên Chúa, Đấng bá chủ toàn thể địa cầu, lại có thể sinh ra một cách âm thầm, lặng lẽ như vậy ? Lời ngôn sứ Isaia mà bài đọc thứ nhất chúng ta vừa nghe, cho chúng ta biết rằng: “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9,5). Như lời kinh Tin Kính chúng ta vẫn đọc: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”. Vâng, lý do Con Thiên Chúa xuống thế làm người là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”.
Quả vậy, từ ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng nên con người và vũ trụ vạn vật trong tình trạng hoàn toàn tốt đẹp. Thế nhưng, con người đã nghe theo lời dụ dỗ của con rắn là ma quỷ mà bất tuân lệnh Thiên Chúa. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người, trái lại, Ngài còn hứa ban cho nhân loại một Đấng Cứu Thế - Đấng sẽ giải thoát nhân loại khỏi ách lầm than của tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Ngài đã thực hiện lời hứa của mình bằng việc lựa chọn tổ phụ Abraham để thiết lập một dân riêng. Trải qua dọc dài lịch sử cứu độ, Ngài tiếp tục dẫn dắt dân của mình thông qua các vị thủ lãnh, các ngôn sứ và những người được Ngài tuyển chọn cách đặc biệt. Tuy nhiên, thay vì dân cộng tác với Thiên Chúa để thực hiện kế hoạch cứu độ thì họ lại liên tục tỏ ra bất tuân phục bằng việc liên tục lỗi phạm và loại trừ tất cả những người mà Thiên Chúa gửi đến.
Sau cùng, Thiên Chúa đã sai chính người Con Một yêu dấu của mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, để đồng cảm với con người, đặc biệt là những người đau khổ, bất hạnh. Chưa dừng lại ở đó, mặc dù là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu Kitô đã sống như một người phàm, chỉ trừ tội lỗi. Để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, Người đã vui lòng chấp nhận cái chết và bị người ta đóng đinh vào thập giá. Nhưng Người đã phá tan xiềng xích của sự chết để sống lại hiển vinh và mở đường về trời cho tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi.
***
Lược qua một vài điểm chính yếu trong lịch sử cứu độ như vậy để chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta lớn lao là dường nào. Và việc Con Thiên Chúa giáng trần quan trọng như thế nào đối với toàn thể nhân loại chúng ta.
Con Thiên Chúa không đến để chỉ cứu vớt những người Công Giáo, Người cũng không giáng trần vì một vài người đạo đức, nhưng là cho tất cả mọi người, không phân biệt người Lương hay người Giáo, người sang hay kẻ hèn, người công chính hay kẻ bất lương. Trái lại, càng những người nghèo khó, đơn hèn, càng những người tội lỗi, lại càng là đối tượng để Người quan tâm, săn sóc, như lời Người đã từng khẳng định: “Ta đến để tìm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Mt 18,11).
***
Để việc mừng lễ Con Thiên Chúa giáng trần hôm nay thực sự ý nghĩa, tất cả chúng ta đều được mời gọi: hãy làm một điều gì đó thật tốt đẹp, để đáp lại tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta. Lời thánh Phaolô trong thư gửi cho ông Titô hôm nay nhắc bảo chúng ta rằng: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang”. (Tt 2,11-13).
Ngôn sứ Isaia loan báo rằng, khi Đấng Cứu Thế đến, Người sẽ mang lại hòa bình cho trăm họ. Nhưng tiếc rằng, đã hơn 2000 năm qua, nhân loại vẫn sống trong hận thù, chia rẽ, chiến tranh vẫn xảy ra đây đó khắp nơi trên thế giới. Tại sao lại như vậy, nếu không phải là vì con người chưa đủ quảng đại để bỏ qua những lỗi lầm, thiếu sót của anh chị em đồng loại mà tha thứ cho nhau. Lễ Giáng Sinh là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hãy chấn chỉnh lại lối sống của mình, để biết quảng đại hơn, biết vị tha hơn, nhờ đó gia đình, xóm làng, dân tộc và thế giới luôn được sống trong cảnh ấm êm, thuận hòa.
Mùa Giáng Sinh còn là dịp để người ta trao cho nhau những món quà, những cánh thiệp mừng. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa hôm nay đã trở nên một món quá lớn lao và vĩ đại nhất cho tất cả chúng ta. Chớ gì, mỗi chúng ta hãy trở nên những món quà cho nhau; chồng hãy trở nên món quà cho vợ; vợ hãy trở nên món quà cho chồng, con cái hãy trở nên món quà cho cha mẹ mình, bạn bè hãy là những món quà để trao tặng cho nhau. Có như vậy, Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh mới thực sự trở nên ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta.
Giờ đây, xin kính mời cộng đoàn cùng hợp lời với muôn vàn thiên binh cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương." Amen.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 73 | Tổng lượt truy cập: 4,045,643