Chia sẻ Lời Chúa – Lễ Thánh Giuse công nhân
Mt 13,54-58
Ngày xưa, có một ông vua muốn thử xem thần dân của mình ra sao, ông bèn tổ chức một cuộc vi hành. Ông lén đặt một tảng đá thật to giữa một con đường nhiều người qua lại, không phải để bắt buộc người dân phải bê nó đi, mà muốn xem người dân sẽ phản ứng tự nhiên ra sao với những vật gây cản trở mà họ bất ngờ gặp trên đường.
Sau khi đặt tảng đá, ông nấp vào một chổ gần đó để quan sát. Nhiều người trông rất giàu có và lịch sự, ăn mặc áo lượt quần là đi qua. Họ than phiền với nhau rằng tảng đá làm nghẽn đường đi, coi nó là một vât đáng ghét. Thậm chí còn xúc phạm Đức Vua đã không cho người giữ đường xá sạch sẽ. Nhưng có một điểm chung là: chẳng ai đoái hoài gì đến tảng đá đó, họ thà đi vòng chứ không chịu đẩy nó ra vệ đường.
Tình cờ một bác nông dân nghèo đi chợ về ngang với một giỏ đầy rau. Nhìn thấy tảng đá, bác đặt giỏ của mình xuống và cố đầy tảng đá đi. Nhiều người đi qua thấy vậy, cười giễu bác là nhiễu sự. Nhưng chẳng một ai dừng lại giúp đỡ bác.
Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng bác nông dân cũng thành công. Khi đẩy tảng đá đi được, bác mới phát hiện có một cái túi nằm trên mặt đường, ở chổ mà lúc nãy tảng đá nằm. Bác mở cái túi thì thấy có rất nhiều tiền. Lúc bấy giờ bác đã hiểu được một điều mà nhiều người khác không hiểu: Sau mỗi trở ngại đều ẩn chứa những cơ hội cho mỗi con người.
***
Chúng ta biết rằng, vào năm 1955, ĐGH Piô XII đã long trọng đặt thánh Giuse là Đấng Bảo trợ cho những người lao động trên khắp thế giới.
Thông thường, người ta hay gán cho những người quyền thế một tước vị cao sang đi kèm theo… thế nhưng ở đây, ĐGH lại đặt Thánh Giuse làm đấng bảo trợ những người lao động chân tay - một tước vị xem ra, có vẻ bình thường, thế nhưng lại làm toát lên tất cả phẩm chất phi thường của con người “công chính” này.
Chúng ta biết, Thánh Kinh không dùng nhiều lời để nói về Thánh Giuse. Bản thân ngài cũng chẳng để lại một lời nào trong Kinh Thánh, nhưng qua việc làm của ngài, đã mang lại cho chúng ta những bài học quý giá.
Tự ban đầu, lao động vốn không phải là một hình phạt, nhưng là một lời mời gọi cộng tác với công trình tạo dựng của Thiên Chúa để làm cho đất đai, hoa màu sinh sôi, nảy nở. Lao động làm cho con người phát triển một cách toàn diện về sức vóc cũng như nhân cách. Chính Thiên Chúa cũng luôn luôn làm việc, như lời Đức Giêsu nói: “Cha Ta làm việc liên lỉ, và Ta cũng làm việc liên lỉ”. Thế nhưng, kể từ sau khi Nguyên Tổ phạm tội, thì đất đai trở nên gai góc. Lao động trở nên cực nhọc: Con người phải lao tác, đổ mồ hôi mới có miếng ăn.
Tuy là Cha nuôi Đức Giêsu – Con Thiên Chúa - nhưng thánh Giuse cũng mang thân phận con người như chúng ta nên bản thân ngài cũng phải lao tâm khổ tứ để có thể nuôi sống gia đình Nadarét. Dù lao động vất vả cực nhọc, nhưng không ai thấy ngài có một lời phàn nàn, kêu trách. Ngài cũng không đòi cho mình được hưởng những quyền lợi mà đáng lý mình được hưởng, nhưng một lòng chấp nhận kiếp sống “Lấy bát mồ hôi đổi bát cơm”. Chắc hẳn, qua việc làm và đời sống của thánh nhân, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của Đức Giêsu.
Không chỉ làm việc cực nhọc vất vả, mà thánh Giuse còn luôn làm việc trong sự “lắng nghe tiếng Chúa”. Ngài mau mắn thi hành ý Chúa mà không một lời phản ứng hay hoài nghi. Ngài sẵn sàng đón nhận Đức Maria về nhà làm vợ mình theo lời Sứ thần yêu cầu, cho dù ngài chưa hiểu được việc Đức Maria mang thai là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Theo lời Sứ thần báo mộng, Ngài tức tốc đưa trẻ Giêsu và Mẹ Người trốn sang Ai cập đang lúc đêm khuya. Ở nơi đất khách quê người, để kiếm được miếng cơm manh áo nuôi sống một gia đình là điều không hể dễ dàng chút nào. Kinh nghiệm đó, có lẽ những anh chị em đã từng đi làm ăn xa là những người thấu hiểu hơn ai hết.
Rồi cũng chính ngài, theo lời Sứ Thần, lại đưa Đức Giêsu và Mẹ Người từ Ai Cập trở về sống tại miền quê nghèo Nazarét. Ở nơi đây, Ngài sống gần gũi và hòa đồng với mọi người đến nỗi, người làng Nadaret gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc Giuse”.
***
Trong một xã hội mà đối với nhiều người, lao động đang trở thành một gánh nặng, thì mẫu gương lao động của Thánh Giuse là lời nhắc nhở chúng ta. Câu khẩu hiệu “Lao động là vinh quang” dường như ai ai cũng thuộc, thế nhưng, trong thực tế, không ít người lại tìm cách trốn tránh cái “vinh quang” đó. Trong khi, nhiều người xả thân ngày đêm lo lắng cho sự nghiệp chung, lo cho sự thăng tiến của cộng đồng, thì cũng có những người chỉ tìm cách vun vén cho lợi ích của bản thân mình. Trong khi nhiều người bôn ba xuôi ngược để kiếm bát cơm, manh áo, thì lại không thiếu những người chỉ muốn ăn trên ngồi chốc hoặc tìm cách làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác. Trong khi nhiều người làm ăn chân chính, thì cũng không thiếu những người dùng những thủ đoạn, mánh khóe, thậm chí dùng những phương thế tầm thường nhất để tiến thân.
Vậy làm sao để “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn?”, làm sao để sống và làm việc một cách ngay chính giữa cuộc đời vốn có quá nhiều nhiễu nhương này? Thiết tưởng, chúng ta hãy nhìn lên tấm gương của Thánh Giuse: Một con người vĩ đại nhưng cũng rất đỗi khiêm nhường. Vĩ đại - bởi ngài là cha nuôi Chúa Cứu Thế đồng thời là bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria. Nhưng cũng thật khiêm nhường - bởi ngài sống và làm việc một cách cần mẫn trong sự tin tưởng tuyệt đối vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa.
Mừng lễ Thánh Giuse công nhân hôm nay, chúng ta cùng cầu xin Chúa, qua lời chuyển cầu của thánh Giuse giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của việc lao động, để qua những công việc hằng ngày, dù vất vả nặng nhọc hay an nhàn thư thái, chúng ta vẫn luôn tìm được niềm vui, bởi biết được rằng: Trong và qua lao động, chúng ta đang tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Và nếu có gặp phải những trở ngại trên đường đời hay trong công việc làm ăn thì chúng ta cũng được an ủi, bởi vì chính thánh Giuse - đấng bảo trợ của chúng ta - cũng đã trải qua những giai đoạn khó khăn như vậy, nhưng chúng ta luôn tin tưởng rằng: Ở đằng sau mỗi trở ngại đều ẩn chứa những cơ hội cho mỗi con người.
Lạy Thánh Giuse là mẫu mực các kẻ làm ăn. Xin cầu cho chúng con!
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 41 | Tổng lượt truy cập: 4,081,218