Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXVI Thường Niên A

  • 07/10/2023
  • Nói và Làm

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXVI Thường Niên A

    Mt 21, 28-32

    Nói và Làm

    “Nói” và “làm” mới nghe qua có vẻ như đơn giản, nhưng trong thực tế cuộc sống, để thực hành được lại không hề đơn giản chút nào. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những người nói thao thao bất tuyệt, trong khi việc làm của họ lại chẳng ra gì, như tục ngữ ca dao Việt Nam từng nói: “Ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng”. Hay: “Nói chín thì phải làm mười. Nói mười làm chín, kẻ cười người chê”. Đó cũng là thái độ bị Chúa Giêsu lên án qua bài Tin Mừng hôm nay.

    Câu chuyện kể về việc người cha sai hai đứa con của mình đi làm vườn nho cho ông. Người con thứ nhất từ chối, về sau hối hận nên lại đi. Người con thứ hai nhận lời, nhưng sau lại không đi làm. Bài Tin Mừng đã kết luận rằng, trong hai người con, người được coi là đã thực thi ý định của cha không phải là người đã mau mắn trả lời vâng trước lệnh truyền của cha, nhưng trong hành động thì lại không làm. Mà chính là người tuy đã trả lời không, nhưng trong thực tế lại đi làm điều người cha truyền dạy.

    Thực ra, khi mượn hình ảnh người con thứ hai này, Đức Giêsu muốn ám chỉ các thượng tế và kỳ mục. Họ cho mình là chu toàn lề luật, đạo đức hơn người, nhưng thực ra họ chỉ nói mà không làm. Họ bắt kẻ khác tuân giữ luật lệ nhưng chính họ lại tránh né. Họ chất lên vai dân chúng gánh nặng mà chính họ cũng không thể mang nổi. Tệ hơn nữa, họ đã tự mãn đến độ không tin nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến.

    Trái lại, người con thứ nhất được ví như các người thu thuế và những cô gái điếm. Họ là những người tội lỗi công khai, bị loại ra khỏi hội đường và bị gạt ra bên lề xã hội. Nhưng họ đã thành tâm hối cải và tin vào Đức Giêsu là cứu Chúa của họ. Vì thế, Người đã tuyên bố một câu đầy kinh ngạc cho các nhà lãnh đạo Do thái giáo: “Tôi bảo thật các ông; những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

    Như vậy phải chăng, khi cho những người thu thuế và tội lỗi vào thiên đàng trước những người được coi là đạo đức, Thiên Chúa đã đi ngược lại với những chuẩn mực của loài người?

    Không phải như vậy, mà đúng hơn, đường lối của Thiên Chúa không giống như đường lối của chúng ta. Bởi vì con người chúng ta thường nhìn bề ngoài mà xét đoán, trong khi Thiên Chúa lại nhìn đến những giá trị đích thực, tức là những giá trị nằm ẩn sâu trong tâm hồn con người. Giá trị đó không nằm ở quá khứ đạo đức hay tội lỗi của người đó, mà hệ tại hiện tại người đó có quyết tâm sống công chính hay không. Giá trị thực của con người không do những lời tốt đẹp người đó nói ra, mà do công việc mà người đó làm. Vì Thiên Chúa theo một đường lối như thế cho nên Ngài đã ưu ái những người một thời nổi tiếng tội lỗi như Gia kêu, Mađalêna, tên trộm lành...

    ***

    Thái độ “bất nhất” giữa lời nói và việc làm mà Đức Giêsu đã lên án, rất tiếc lại đang là căn bệnh trầm kha của xã hội hôm nay, không loại trừ cả những người mang danh là Kitô hữu như chúng ta. Chính vì vậy, Tin Mừng hôm nay không phải là lời cảnh báo dành cho một vài thành phần nào đó trong xã hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Bởi vì, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Vậy để thực hành lời Chúa dạy hôm nay, chúng ta phải có thái độ như thế nào?

    Thiết tưởng, trước tiên chúng ta hãy tránh thái độ tự tôn, cho mình là con người hoàn hảo để rồi không cần phải sám hối. Trong xã hội thời Chúa Giêsu cũng như thời nay, vẫn có những người tỏ ra ngoan đạo, công chính, siêng năng với các việc đạo đức, kinh hạt, nhà thờ nhà thánh. Lời nói thì đầy vẻ thuần phục đối với các giáo huấn của Chúa, nhưng trong hành động lại chẳng có chút vẻ gì là ưng thuận đối với điều Chúa truyền dạy. Những người bề ngoài xem ra dễ bảo, nhưng thực chất lại là người khó dạy. Tuy nhiên, Họ đã có thể đánh lừa được dư luận vì cái mau mắn bên ngoài của họ, nhưng lại không thể qua được mắt Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa thấu biết tất cả tâm can con người.

    Thứ đến, chúng ta cũng không nên quá tự ti, cho rằng mình là người quá xấu xa và tội lỗi, để rồi buông xuôi cho đòng đời lôi cuốn, nhưng hãy ăn năn hoán cải để trở về với Thiên Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và khoan dung, như lời của ngôn sứ Êdêkien trong Bài đọc thứ I hôm nay "Nếu kẻ gian ác bỏ đường gian ác nó đã đi và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống".

    Sau cùng, niềm tin của chúng ta phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể. Bởi vì theo lời Chúa nói: “Không phải mọi kẻ nói với Thầy; Lạy Chúa, lạy Chúa, là sẽ được vào Nước Trời, nhưng là kẻ làm theo ý Cha Thầy”. Nguyên cái “mác” là Kitô hữu của chúng ta cũng không bảo đảm cho chúng ta được hạnh phúc Nước Trời, nếu chúng ta không thi hành những gì Chúa Giêsu truyền dạy. Người ta vẫn từng nói: Con đường xa nhất là con đường từ miệng đến đôi tay. Niềm tin của chúng ta sẽ chẳng có ích gì, nếu nó không được thể hiện bằng việc làm cụ thể, như lời Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã khẳng định: “Ngày nay, người ta cần những chứng nhân hơn là những nhà giảng thuyết. Sở dĩ người ta nghe lời những nhà giảng thuyết bởi vì người ta đã thấy họ sống chứng nhân”. Thánh tông đồ Gia-cô-bê Tông đồ cũng đã từng nói: “Bạn hãy chứng minh cho tôi thấy đức tin không có việc làm của bạn. Còn tôi, bằng việc làm, tôi sẽ chứng minh cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 18).

    Trong lịch sử Giáo Hội, có biết bao nhiêu tấm gương giúp chúng ta nói theo, như gương của thánh Phanxicô Assisi là một ví dụ. Theo các văn thư của Đức Giáo Hoàng Innocentê để lại, thì thời của Ngài, tức thế kỷ 12, là một trong những thời kỳ suy thoái nhất của giáo huấn về đức tin và luân lý: tệ đoan lan tràn khắp nơi, các phe phái quá khích nổi lên, nhiều người phê bình chỉ trích các vị lãnh đạo Giáo Hội vì cuộc sống phản chứng của các ngài. Lúc đó thánh Phanxicô Assisiô xuất hiện, ngài không chỉ trích ai, nhưng ý thức rằng kẻ phải ăn năn sám hối trước tiên là chính ngài; ngài không khoe khoang, không tham lam, không giả hình, nhưng cố gắng sống đạo một cách nghiêm túc; ngài đi cho đến tận cùng trọng cuộc sống nghèo khó, bác ái, phục vụ, khoan dung. Lý tưởng của thánh Phanxicô chẳng mấy chốc đã được nhiều người chia sẻ, Giáo Hội được hồi sinh, nhiều tâm hồn được đổi mới, mùa xuân thiêng liêng được nở rộ nhiều thế kỷ liên tiếp.

    Trên hết tất cả, chúng ta hãy nhìn vào gương Đức Giêsu như lời thánh Phaolô trong bài Thánh ca gửi giáo đoàn Philipphê hôm nay. Ngài không bao giờ rao giảng những gì mà Người đã không thực hiện trước. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không đòi cho mình địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, một lòng vâng theo ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người, và tặng ban cho Người một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.

    Chớ gì, qua phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy biết thay đổi cách hành xử của mình, biết thống nhất giữa lời nói và việc làm. Để khi nhìn thấy đời sống chứng tá của chúng ta, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa và ca tụng Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời.

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan