Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXII Thường Niên A
Mt 16, 21- 27
Đường thập giá - Con đường yêu thương.
Giữa cuộc đời trăm vạn nẻo đường, nhiều lúc làm chúng ta lưỡng lự, không biết chọn con đường nào cho phù hợp, bởi con đường nào cũng đầy hứa hẹn. Đối với các bạn trẻ đó là đường công danh sự nghiệp, đường tiến thân và cả đường tình yêu nữa. Cứ theo lẽ thường, chúng ta sẽ lựa chọn con đường nào ngắn nhất, dễ đi tới đích nhất. Tuy nhiên, có những con đường tuy gập ghềnh, sỏi đá, nhưng lại dẫn chúng ta tới hạnh phúc và trái lại, có những con đường, tưởng chừng như bằng phẳng, rộng rãi thênh thang, nhưng lại đưa đến diệt vong.
Biết được điều đó, nên qua phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta thấy một con đường hoàn toàn khác, con đường dẫn tới hạnh phúc đời đời, nhưng không hề dễ đi, đó là con đường thập giá, với lời khẳng định: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24).
Nói đến thập giá, nhiều người nghĩ ngay đến những đau khổ. Quả vậy, thập giá có thể coi là hình khổ dã man nhất mà con người có thể nghĩ ra để hành hạ những tử tội. Vào thời Đức Giêsu, tử tội trước khi bị hành hình, phải tự mình vác lấy thập giá đi đến nơi xử. Trên đường đi, họ còn bị lính đánh đập hết sức tàn bạo. Nơi hành hình thường là một nơi công cộng, để mọi người qua lại có thể chứng kiến. Thế nên, thập giá là điều gì đó mà khiến người ta nghĩ đến đã đủ rùng mình khiếp sợ.
Nhưng, đối với cây thập giá của Đức Giêsu, thì lại mang ý nghĩa khác hẳn. Đó không phải là hình khổ như người ta vẫn nghĩ, mà trái lại, thập giá trở thành niềm tự hào, bởi đã trở nên phương tiện để đem ơn cứu độ đến cho chúng ta. Như lời Thánh Phaolô rằng: “Phần tôi, tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Thập Giá Đức Giêsu Kitô – Chúa chúng ta” (1Cr 2,2).
Với lời khẳng định: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”, Đức Giêsu đưa ra 2 điều kiện cho các môn đệ của Ngài. Điều kiện thứ nhất là từ bỏ mình. Điều kiện thứ hai là vác thập giá mình. Vậy phải hiểu như thế nào cho đúng?
Trước tiên, Chúa không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng là hãy vác lấy thập giá mình. Trong thân phận con người, ít ai có thể thoát khỏi những đau khổ trong cuộc sống. Người thì đau khổ về đường công danh sự nghiệp, kẻ lại gặp đau khổ trong đường làm ăn, người khác gặp đau khổ do chính những người thân trong gia đình mình gây ra.
Bài sách Ngôn sứ Giêrêmia mà chúng ta nghe đọc hôm nay được các nhà nghiên cứu Thánh Kinh gọi là "Lời tự thú của Giêrêmia". Trong đó, vị ngôn sứ than thở về biết bao đau khổ ông phải chịu do sứ mạng làm ngôn sứ cho Chúa.
Thực vậy, sứ mạng của Giêrêmia không được trơn tru và thành công, nhưng gặp phải rất nhiều chống đối: lời ông giảng không được người ta đón nghe, trái lại còn bị chế nhạo, phản đối, thậm chí lên án nữa (vì ông công kích cuộc sống tội lỗi của họ, loan báo án phạt của Chúa...). Nhiều lần người ta âm mưu sát hại ông khiến ông chỉ thoát chết trong gang tấc. Nhưng dù than thở như thế, Giêrêmia cũng thú nhận là ông không thể nào từ bỏ sứ mạng đau khổ đó, bởi lẽ "Chúa đã quyến rũ được con, Chúa đã hùng mạnh hơn con và đã thắng con" (Gr 20,7).
***
Thập giá là đau khổ, thì dễ hiểu rồi, nhưng ngày hôm nay, thập giá được ẩn núp dưới muôn hình muôn vẻ. Đôi khi, thập giá cũng là những cái bẫy ngọt ngào, không dễ hình dung.
Chúng ta vác thập giá khi giữ được sự liêm chính trong làm ăn. Một phi vụ làm ăn, chỉ cần thỏa hiệp với cái xấu một chút, chúng ta có thể sở hữu trong tay hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng - một số tiền không phải là nhỏ đối với khoản tiền lương “ba cọc ba đồng”. Nhưng Chúa bảo, theo Chúa phải vác thập giá, thế nên đành ngậm ngùi bỏ lỡ cơ hội.
Chúng ta vác thập giá khi giữ được sự thủy chung trong mối quan hệ vợ chồng. Thập giá có thể đến từ những lời ngon ngọt của đồng nghiệp cùng cơ quan. Nhìn người ta sao mà nam tính thế, phong độ thế, còn chồng mình ở nhà thì… đúng là cái kiểu: “Chồng người thổi sáo thổi tiêu, chồng mình ngồi bếp húp riêu cả ngày”. Nghĩ mà nhiều lúc muốn ngã lòng, muốn chạy theo tiếng gọi của con tim. Thế nhưng, mình là người theo Chúa, đâu có làm thế được. Đành tự nhủ lòng mình: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu khôn, dẫu dại, cũng là chồng em”.
Vậy phải chăng, chọn con đường theo Chúa là phải chấp nhận những thiệt thòi? Vâng, đối với con mắt người đời, có thể là thiệt thòi đôi chút, có khi thiệt thòi nhiều nữa là đàng khác. Thế nhưng, chúng ta cũng biết rằng: Thập giá không chỉ dừng lại ở những hình khổ nhưng còn là phương tiện giúp chúng ta nên thánh. Thánh Tông Đồ Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma đã từng quả quyết: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ, sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mạc khải nơi chúng ta” (Rm 8, 18). Hơn tất cả, biến cố khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô là mẫu mực và là câu trả lời trọn vẹn nhất. Ngài đã không ở mãi trên thập giá, nhưng vinh hiển khải hoàn, để mở đường cho tất cả chúng ta vào Thiên Quốc.
***
Trong cuộc sống thường ngày, những khổ đau là điều không tránh khỏi, thế nhưng nếu chúng ta biết đón nhận những khổ đau đó để thánh hóa chúng, thì những đau khổ chúng ta gặp phải sẽ trở thành niềm vui, thành phương thế để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta và cho cả những người khác nữa.
Chớ gì, giữa cuộc đời trăm ngàn nẻo đường, mỗi chúng ta biết chọn con đường Giêsu. Dẫu biết rằng, đó là con đường chẳng mấy ai đi vì là con đường hẹp, lại gập ghềnh sỏi đá. Thế nhưng, chúng ta tin tưởng rằng đó mới là con đường dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc đích thực. Bởi vì chính Chúa đã phán: Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 66 | Tổng lượt truy cập: 4,045,850