Chia sẻ Lời Chúa – Chúa Nhật Phục Sinh 2023

  • 08/07/2023
  • Chúa đã sống lại thật

    Chia sẻ Lời Chúa – Chúa Nhật Phục Sinh

    Chúa đã sống lại thật

    (Ga 20, 1-9)

    Kết quả một cuộc điều tra tại Pháp cho thấy 84% người Pháp thừa nhận mình là người Công Giáo, nghĩa là có lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng chỉ có 32% là còn tin vào sự sống lại. Năm 2020 con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nếu số liệu trên là sát với thực tế và điều phỏng đoán trên là đáng tin cậy, thì tình trạng niềm tin hôm nay quả là bi đát. Tại sao lại có hiện tượng ấy?

    Có lẽ ngày hôm nay, do ảnh hưởng của óc thực dụng, người ta đòi mọi sự điều phải được kiểm chứng, phải được chứng minh bằng khoa học, kể cả trong lĩnh vực nhạy cảm nhất như: Tình cảm, Tình yêu. Tuy nhiên, người ta lại quên mất một điều là, ngoài những điều cụ thể mà con người có thể chạm tới được, chứng minh được, chúng ta còn cần phải có NIỀM TIN, vốn là điều được khởi đi từ sự cảm nghiệm. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.

    Đối với người Kitô hữu chúng ta, Phục Sinh là một biến cố vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng vào bậc nhất. Bởi vì theo lời Thánh Phaolô: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi thật trống rỗng và niềm tin của anh em trở thành một việc luống công vô ích,… như thế, chúng ta là những người dại dột hơn ai hết. (x.1Cr 15,14-19). Thế mà biến cố quan trọng ấy lại chỉ được Tin Mừng Gioan ghi nhận bằng một sự kiện đơn giản: “Ngôi mộ trống”. Tuy nhiên, điều tưởng chừng như đơn giản ấy, lại là dấu chỉ mở về một thực tại khác. Đó là niềm tin Phục Sinh qua những chặng đường khám phá.

    Khi thấy ngôi mộ mở toang, bà Mađalêna vô cùng hốt hoảng. Bà tức tốc chạy về báo tin cho các Tông đồ. Theo cách hiểu của bà, thì việc xác Chúa không còn ở đấy nữa, đơn giản là vì “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2). Có nghĩa là có người đã đánh cắp xác Chúa.

    Chính các Tông Đồ cũng không phải là những người dễ tin. Khi họ nghe những người phụ nữ từ mồ Chúa trở về loan báo rằng xác Chúa không còn trong mộ nữa, họ đã không khỏi ngạc nhiên, bán tín, bán nghi. Phêrô, một con người cương trực, với vai trò là thủ lãnh các Tông Đồ, ông đã chạy ra mộ, nhưng khi thấy sự việc xảy ra, ông cũng không đưa ra một lời nhận xét nào. Và Tin Mừng ghi lại: Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9).

    Chỉ có Gioan, là người duy nhất “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Sở dĩ Tông Đồ Gioan có thể “thấy” và “tin” được bởi vì ông đã có những cảm nghiệm sâu sắc về Thầy mình và luôn sống trong mối tình hiệp thông sâu xa với Chúa. Ngôi mộ trống và những chiếc khăn liệm còn đó sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với những người không có niềm tin; thế nhưng, lại là những dấu chỉ để người môn đệ Chúa Kitô tin vào sự sống lại của Thầy mình.

    Thực vậy, Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng của vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối. Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị kìm hãm bởi thân phận của một thụ tạo. Bởi đó, không còn cách nào khác hơn là Ngài đã phục sinh.

    ***

    Những phản ứng khác nhau của các nhân vật khi đứng trước ngôi mộ trống được ghi lại trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng phần nào phản ánh tâm tình và thái độ của mỗi người chúng ta.

    Trong cuộc sống đức tin, nhiều lần chúng ta đứng trước “ngôi mộ trống” của Đức Giêsu, đó là những lần chúng ta băn khoăn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đích thực của đời Kitô hữu. Dù đã được học hỏi về Đức Tin Kitô, đã được nghe giảng Lời Chúa, đã được chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của ông bà cha mẹ truyền lại… nhưng những điều ấy không miễn trừ cho chúng ta phải đối diện với Đức Tin của chính mình.

    Có nhiều lúc, đức tin của chúng ta như chìm vào đêm tối, chúng ta nửa tin, nửa ngờ; tương tự như các môn đệ trong thời điểm sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu. Một mặt, chúng ta biết rằng, niềm tin vào Chúa Kitô có sức giải thoát chúng ta khỏi vòng vây tội lỗi và mang lại cho chúng ta cuộc sống an bình, hạnh phúc. Mặt khác, chúng ta lại phải đối diện với những thực tại mà xem ra không trùng hợp bao nhiêu với những điều mà đức tin dạy bảo chúng ta.

    Đức tin dạy chúng ta phải xây dựng hạnh phúc trên nền tảng siêu nhiên. Thực tế lại cho thấy, dường như những điều siêu nhiên chẳng giúp chúng ta đạt hạnh phúc, mà đôi khi còn gây ra cho chúng ta biết bao thiệt thòi, phiền toái. Nhiều người than phiền rằng, tại sao gia đình chúng con một đời tu thân thân tích đức, thế nhưng lại toàn gặp phải những điều “tai bay vạ gió” từ đâu ập đến. Vậy xem ra: “Ở hiền mà lại chẳng gặp lành !!!”

    Nhiều bạn trẻ sống một cách trung thực, đứng đắn trong tình yêu, thì lại bị chê là “cù lần”, là “dại dột”. Trong đời sống hôn nhân gia đình, biết bao lần chúng ta phải đối mặt với cơn cám dỗ thiếu thủy chung: “trẻ không chơi, già ân hận”!

    Trong công ty xí nghiệp, cả tập thể tham nhũng, cắt xén của công, còn chúng ta không làm theo thì lại bị chê là “khờ” là “lội ngược dòng”. Không biết chừng, chúng ta còn bị họ “tẩy chay”!

    Vậy, ai đúng, ai sai; ai khôn, ai dại ? Chúng ta bối rối, không biết phải chọn đàng nào!!! Khi cầu xin Chúa soi sáng, thay vì trực tiếp trả lời, Chúa lại dẫn chúng ta đến trước “ngôi mồ trống” của Người. Thật là khó hiểu!

    ***

    Có lẽ Mầu nhiệm Phục Sinh sẽ mãi là một mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của con người. Thiết tưởng, muốn hiểu được thánh ý Chúa, chúng ta lại phải biết “giải mã” những dấu chỉ của thời đại. Sở dĩ, Tông Đồ Gioan “đã thấy và đã tin” bởi vì, ông không nhìn bằng con mắt thể xác, nhưng nhìn bằng con mắt đức tin - một niềm tin đã được kinh qua thử thách.

    Mừng lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi hãy biết đón nhận những biến cố xảy đến trong cuộc đời bằng đôi mắt Đức Tin và bằng sự cảm nghiệm của con tim. Nhưng nếu sự cảm nghiệm ấy chỉ dừng lại ở cảm nghiệm mà thôi, thì thiết tưởng, biến cố Phục Sinh của Đức Kitô chẳng ích lợi gì. Điều Chúa muốn chúng ta, không chỉ dừng lại ở sự “cảm nghiệm”, mà sâu xa hơn, chúng ta phải biết hoán cải đời sống của mình sao cho phù hợp với niềm tin mà chúng ta đã đón nhận.

    Chúa Kitô đã sống lại thật. Điều đó mang lại cho chúng ta niềm vui và hy vọng. Vui vì Chúa Kitô đã thực sự chiến thắng tử thần... Hy vọng vì, Ngài đã vinh hiển tiến vào thiên quốc, thì đến lượt chúng ta, nếu cùng chết đi với con người cũ của mình... chúng ta cũng được chung hưởng niềm vui thiên quốc với Chúa Phục Sinh.

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan