Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật Lễ Lá Năm A
Mt 26,14-27,66
Đức Giêsu - Người Tôi Tớ đau khổ
Khi tham dự nghi thức kiệu lá và nghe bài Tin Mừng theo thánh Mat-thêu hôm nay, hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy trong lòng đầy phấn chấn và rạo rực một niềm vui, bởi Đức Giêsu hôm nay được người ta long trọng đón vào thành Giêrusalem. Tin Mừng thuật lại rằng: “Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,8-9).
Vâng, Chúa Giêsu xứng đáng được người ta tung hô và ca tụng như vậy, bởi Ngài chính là Vua muôn vua và là “Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”. Thế nhưng, có lẽ Phụng vụ Chúa Nhật lễ Lá hôm nay không chỉ dừng lại ở đó, mà qua biến cố Đức Giêsu long trọng tiến vào thành thánh Giêrusalem, Giáo Hội còn muốn cho chúng ta chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Giêsu qua hình ảnh của Người tôi tớ đau khổ của Giavê.
Nơi bài đọc thứ I, ngôn sứ Isaia đã trình bày cho chúng ta thấy vai trò của người Tôi tớ Giavê trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Người Tôi tớ đã trung thành thi hành Thánh ý huyền diệu của Thiên Chúa trong niềm vâng phục, tin tưởng và yêu mến. Đồng thời, ông còn sẵn sàng đón nhận những đau khổ, chấp nhận mọi nhục hình mà không dùng bạo lực để chống lại bạo lực, nhưng nhìn nhận giới hạn của thân phận con người, để hoàn thành cách tốt nhất tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa đem đến cho nhân loại. Qua đó, thái độ của người Tôi tớ đau khổ bày tỏ một gương mẫu tuyệt vời về sự vâng phục và tinh thần khiêm tốn, đối nghịch với cách hành xử của con người hung dữ, tàn bạo và bất tuân phục.
Đã có thời, hình ảnh Người tôi tớ của Giavê được hiểu là Giêrêmia - một vị ngôn sứ sống cùng thời với Isaia (vào khoảng thế kỷ thứ VIII tcn). Phải nói rằng, cuộc đời của vị ngôn sứ này họa lại khá nhiều điểm giống với thân phận của Người tôi tớ được ghi trong sách Isaia Đệ Tam: Nào là những đau khổ, hiểu lầm, nào là bị bắt bớ, bách hại và sau cùng bị giết chết một cách nhục nhã. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu thôi, vẫn chưa lột tả hết được dáng vẻ của Người tôi tớ mà cuộc đời gặp toàn những điều đau khổ nhưng lại rất mực nhẫn nhục và khiêm nhường này.
Phải đến thời Tân Ước (tức là khoảng gần 800 năm sau), hình ảnh Người tôi tớ đó mới được thể hiện một cách trọn vẹn và rõ nét nơi con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, đặc biệt là qua cuộc khổ nạn của Ngài. Nếu như Người tôi tớ của Giavê đã bị người thân của mình phản bội thì Đức Giêsu cũng đã bị các môn đệ - những người thân tín nhất của mình - chối bỏ. Nếu như Người tôi tớ của Giavê đã bị người ta vu vạ, cáo gian, thì Đức Giêsu cũng bị người đã bị người ta vu cáo đủ điều xấu xa. Nếu như Người tôi tớ của Giavê đã bị tra tấn, xỉ vả, thì Đức Giêsu cũng đã phải trải qua những nhục hình man rợ… Nhưng, đúng như “con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt”, Ngài đã không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Ngài đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Ngài đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ.
Thật không thể hiểu nổi: Đấng vốn là Vua muôn vua, mà lại khiêm nhường ngôi trên lưng lừa con, là con của con vật chở đồ, để tiến vào thành. (x.Mt 21,5); Đấng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. (Pl 2,6-8).
***
Cuộc sống sung túc ngày hôm nay khiến người ta cảm thấy ngại ngùng mỗi khi nói đến đau khổ, khiêm nhường, vâng phục và nhẫn nại. Thông thường, những người làm lớn trong dân chỉ muốn dùng quyền hành để thống trị dân; kẻ có của lại muốn dùng tiền bạc để thu phục lòng người, kẻ có sức mạnh thì lại muốn dùng cơ bắp để đè nén những người cô thân cô thế… Thế nhưng, thực tế cuộc sống lại cho chúng ta thấy: sức mạnh thực sự của con người không nằm ở khả năng hủy diệt, nhưng là ở khả năng phục sinh và chữa lành.
Quả vậy, mặc dù bị các môn đệ phản bội, bỏ rơi nhưng Đức Giêsu vẫn một mực yêu thương họ. Mặc dù bị những nhà cầm quyền Do-thái vu vạ, cáo gian, nhưng Ngài không hề lên tiếng tự bào chữa. Mặc dù bị tra tấn đánh đập dã man, bị khạc nhổ vào mặt… nhưng Ngài vẫn chẳng hề than thở. Mặc dù bị bọn người vô lại nhục mạ và thách thức, nhưng Ngài vẫn chẳng ra tay để chứng tỏ quyền năng của mình… Trái lại, thay vì lên án, kết tội, trả thù, Ngài lại tha thứ cho những người đã làm hại mình. Vậy, kết quả của sự hy sinh đến tột cùng đó là gì ? Thưa là việc “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,9).
***
Sự khiêm nhường, vâng phục và tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa theo gương Đức Giêsu - Người tôi tớ đau khổ - vẫn luôn là bài học mới mẻ và hữu ích cho mỗi người tín hữu chúng ta hôm nay. Thật vậy, nếu như người ta chỉ lấy hận thù để đáp lại hận thù, thì thế giới sẽ chẳng bao giờ có được một ngày bình yên. Nếu như mỗi thành viên trong gia đình ai cũng tỏ ra cố chấp, bảo thủ thì gia đình chẳng bao giờ có được hạnh phúc. Nếu như ai cũng chỉ vì một chút hư danh mà không dám nhìn nhận trách nhiệm về mình, thì sẽ chẳng có được một nền công lý đích thực.
Hơn lúc nào hết, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng chiêm ngắm cuộc đời của Đức Giêsu - Người tôi tớ đau khổ - để mỗi khi gặp phải những sóng gió và thử thách trong cuộc đời, chúng ta luôn biết lạc quan và tín thác vào quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa - Đấng đã làm cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết – cũng là Đấng trả lại cho Ngài quyền năng vượt trên mọi danh hiệu. Để nhờ và qua Danh Thánh Giêsu, muôn loài đều được hưởng ơn cứu độ.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 29 | Tổng lượt truy cập: 4,081,520