Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm A

  • 08/07/2023
  • Ánh sáng thế gian

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm A

    Ánh sáng thế gian

    Ga 9,1-41

    Ai trong chúng ta cũng biết, ánh sáng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của mọi sinh vật, tất nhiên, trong đó có cả con người. Ánh sáng làm cho vạn vật thêm tốt tươi. Ánh sáng dẫn lối chúng ta đi trong những đêm tối trời. Ánh sáng có thể mang lại cho con người niềm vui và hy vọng. Làm sao có thể diễn tả hết niềm hân hoan của là những ngư phủ khi giữa biển cả mênh mông, bỗng nhìn thấy áng sáng từ ngọn hải đăng, hay trong bóng đêm của rừng sâu, những tiều phu chợt nhìn thấy một ánh sáng leo lét phát ra từ túp lều nào đó…

    Ánh sáng thật cần thiết đối với những người khỏe mạnh, tuy nhiên, nó lại trở nên sự bức bối khó chịu đối với những người bị đau mắt. Ánh sáng mang lại cho người sáng mắt biết bao cơ hội, nhưng lại chẳng giúp ích gì cho những người bị khiếm thị.

    Tiếp nối chủ đề Đức Giêsu là Nước Hằng Sống mà Chúa Nhật trước chúng ta cùng tìm hiểu, Phụng vụ Chúa Nhật thứ IV Mùa Chay hôm nay giới thiệu cho chúng ta hình ảnh: Đức Giêsu là Ánh Sáng cho trần gian.

    Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay như một vở trường kịch gồm ba tuyến nhân vật với ba thái độ khác nhau khi cùng đứng trước một sự kiện: một người mù từ khi mới sinh được Chúa Giêsu chữa lành.

    Tuyến nhân vật thứ nhất bao gồm các kinh sư và pharisiêu. Đáng lý ra, họ phải tỏ ra hân hoan vui mừng, vì một người mù từ khi khi mới sinh - người đồng hương với họ - đồng thời cũng là người hành khất vẫn ăn xin trong đền thờ, bỗng dưng nay lại được mắt cách lạ lùng; nhưng đằng này, thay vì phải chúc mừng cho anh chàng mù, họ lại chỉ dùng anh như một nhân chứng để kết án Chúa Giêsu - người đã cả dám chữa bệnh trong ngày Sabát.

    Mặc dù phép lạ đã xảy ra một cách hiển hiện, nhưng dường như, bấy nhiêu chẳng làm cho họ động lòng trắc ẩn. Những hủ tục và sự cố chấp đã che lấp tâm hồn họ. Thế nên, chẳng những họ không nhìn nhận Đức Giêsu là một vị ngôn sứ mà còn đi đến kết luận: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được" (x.Ga 9,16) và “là một người tội lỗi” (x.Ga 9,25). Như một thứ vũ khí bảo vệ chính kiến của mình, họ tuyên bố sẽ trục xuất ra khỏi hội đường tất cả những ai dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô (x.Ga 9,22).

    Tuyến nhân vật thứ hai là Cha mẹ của anh mù. Khi được hỏi về đứa con của mình, cha mẹ anh đáp: "Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được." (Ga 9,20-22). Có thể nhiều người trong chúng ta cho rằng, cha mẹ của anh mù này lập trường không rõ ràng. Tại sao không dám đứng lên để làm chứng cho sự thật ? Tuy nhiên, nếu như ở trong cương vị của họ, chúng ta cũng khó có thể trả lời khác đi được, vì nếu làm như vậy, họ sẽ phải đối diện với việc “bị trục xuất ra khỏi hội đường” – tương đương với việc bị vạ tuyệt thông, loại ra khỏi Giáo Hội.

    Và sau cùng là nhân vật chính: Anh mù. Tin Mừng không nói trước đây anh đã từng được thụ giáo ở đâu hay chưa, nhưng chắc hẳn, một người mù từ khi mới sinh như anh, khó có thể được học hành một cách bài bản (Vì thời bấy giờ chưa có các công cụ hỗ trợ cho người khiếm thị như ngày nay). Thế nhưng, chúng ta thật ngạc nhiên về cách lập luận của anh trước những kỳ mục Do Thái. Anh không hề phủ nhận hay chối cãi rằng: anh chính là người bị mù từ khi lọt lòng mẹ và đã được chữa lành. Anh khẳng định: người chữa bệnh cho anh có tên là Giêsu (x.Ga 9, 11); Anh cũng không ngần ngại tuyên xưng: “Người (Đức Giêsu) là một vị ngôn sứ” (x.Ga 9, 17). Không những thế, anh còn lập luận cách hùng hồn trước những vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái rằng: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì." (Ga 9, 31-33). Nhưng kết quả của sự khẳng khái đó là gì ? Anh ta đã bị trục xuất ra khỏi hội đường của người Do Thái - thật là một kết cục buồn.

    ***

    Những cảnh đời như câu chuyện kể trên vẫn là những gì đang diễn ra trong xã hội của chúng ta hôm nay. Những người có quyền thì lại không dám nhìn nhận sự thật… Nhóm người khác thì vì lợi ích bản thân, lại không dám nói lên sự thật vì sợ bị liên lụy, sợ bị thiệt thân. Trong khi đó, những người công chính, lương thiện luôn là những người bị thiệt thòi về mọi phương diện. Thật đúng như câu ca dao trào phúng của thời đại mới rằng: “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt. Lọc lừa, lươn lẹo lại lên lương” ?!

    Không ít người trong chúng ta tỏ ra bất bình về cách hành xử của những kinh sư và pharisiêu, thậm chí không đồng tình cả với cha mẹ của anh chàng mù vì họ đã thiếu quyết đoán khi cần phải bênh vực cho lẽ phải. Tuy nhiên, đó cũng có thể là thái độ của mỗi chúng ta hôm nay. Bằng chứng là, nhiều lần chúng ta không dám làm chứng cho sự thật vì sợ ảnh hưởng tới thanh danh, uy tín của mình; không ít lần chúng ta không dám đứng về phía chân lý vì sợ bị liên lụy đến bản thân; chúng ta lên án người anh em, trong khi chính đời sống của chúng ta cũng chẳng hơn gì họ. Nhiều khi chúng ta xét đoán anh chị em mình mà chỉ dựa trên dáng vẻ bề ngoài, trong khi lại chưa cố công tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của sự việc.

    Tình trạng mù lòa về thể lý đã đáng sợ, nhưng tình trạng mù lòa tâm linh còn đáng sợ hơn gấp bội phần. Như lời Chúa Giêsu kết án những người kinh sư và pharisiêu hôm nay: “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy” nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41).

    Mặc dù chúng ta không bị mù về mặt thể lý, nhưng chúng ta vẫn còn bị mù về nhiều phương diện khác, vì không ai dám khẳng định mình thông biết tất cả mọi lĩnh vực, nhất là về phương diện tâm linh. Xin Chúa giúp chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận thân phận mù lòa của mình, để biết hoán cải, nhất là biết nhận ra hình ảnh của Chúa nơi anh chị em chúng ta.

    “Lạy Chúa, xin mở mắt con, con hết u mê. Để con thấy Chúa trong cuộc đời, để con thấy Chúa trong mọi người và để con thấy Ngài trong chính cuộc đời của con”. Amen.

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan