Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật II Phục Sinh
Thiên Chúa giàu lòng xót thương
Ga 20,19-31
Những năm gần đây, khắp các giáo xứ giáo họ, các cộng đoàn kính lòng Chúa thương xót mỗi ngày một thêm đông số; con số các hội viên mỗi ngày một thêm nhiều. Không giống như những đoàn thể công giáo tiến hành khác, thành viên của hội tông đồ Lòng Chúa thương xót thuộc đủ mọi tầng lớp: Người già có, người trẻ có, công nhân có, học sinh sinh viên cũng có. Điều đó chứng tỏ, mọi người, không phân biệt tuổi tác, địa vị… đều cảm thấy cần thiết được nương mình trong sự chở che của Lòng Chúa xót thương.
Nói như thế, không có nghĩa là bây giờ Thiên Chúa mới tỏ lòng thương xót đối với nhân loại, nhưng là từ trong ý định ngàn đời của Thiên Chúa. Để hiểu rõ hơn ý định nhiệm màu này, chúng ta cùng lần trở lại các bản văn Thánh Kinh của cả Cựu và Tân Ước.
Nhiều người thắc mắc rằng, Thiên Chúa của Cựu Ước có vẻ không nhân từ như lời mạc khải của Chúa Giêsu. Bởi Ngài thường thẳng tay trừng phạt những ai bất tuân lệnh; Ngài đánh phạt con vì tội lỗi của cha; nhiều lần, Ngài nổi cơn thịnh nộ với dân của Ngài khi dân không đi theo đường lối mà Ngài đã ấn định… Vâng, quả thật, có những đoạn trong Thánh Kinh Cựu Ước đã diễn tả Thiên Chúa có cách hành xử giống như nói ở trên, nhưng nếu chúng ta tách rời đoạn văn ra khỏi văn mạch và ngữ cảnh của nó, thì thiết tưởng, chúng ta sẽ có những đánh giá sai lầm và phiến diện. Đúng ra, chủ đề được các ngôn sứ hay đề cập tới nhiều nhất trong Thánh Kinh Cựu Ước đó chính là: Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương.
Qua bao gian nan thử thách, nhiều lần dân Chúa chống đối và phản loạn, chạy theo các vị thần của dân ngoại, nhưng Thiên Chúa vẫn rộng mở cánh tay đón nhận trở về và ôm ấp vào lòng. Thiên Chúa không muốn tiêu diệt dân mà Ngài đã tuyển chọn. Ngài yêu thương chăm sóc dân riêng của Ngài như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh. Chúa đánh phạt, rồi Chúa lại tha. Chúa để dân chịu khổ sở trong lưu đầy xa xứ, rồi Chúa lại dẫn về quê hương xứ sở. Thiên Chúa như mục tử tốt lành dẫn đàn chiên tới nguồn suối chỗ nghỉ ngơi. Sách Sử Biên đã ghi lại: “Thật vậy, nếu anh em trở lại với Đức Chúa, thì các anh em của anh em và con cháu của anh em sẽ gặp được lòng thương xót trước mặt quân chiến thắng và sẽ được trở về đất này: vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, là Đấng từ bi nhân hậu, Người sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ, nếu anh em trở lại với Người." (2 Sb 30,9).
Trong cơn thử thách lưu đày, nhiều lần dân Do Thái cảm thấy như Thiên Chúa vắng mặt và bỏ rơi họ, nhưng thực ra, sau đó Chúa vẫn cho họ có cơ hội được đoàn tụ: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp (Is 54,7).
Đôi khi Thiên Chúa dùng các dân tộc lân bang để thanh luyện và thức tỉnh lòng dân. Nhưng ở đằng sau sự sửa trị đó, Ngài như người Cha luôn ở cạnh con cái để nâng đỡ, bảo vệ và phù trợ: “Thiên Chúa là chỗ chúng con nương tựa và ẩn thân: Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn (Tv 103,13).
Thiên Chúa không chỉ là Đấng từ bi và giàu lòng thương xót, nhưng Ngài còn được gọi là Đấng luôn luôn trung thành, như lời Thánh Vịnh 86 diễn tả: “Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín (Tv 86,15).
Tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa không chỉ được trải dài trong suốt dọc dài lịch sử Cựu Ước, mà bước sang thời Tân Ước, tình thương ấy lại tiếp tục được lan tỏa qua Đức Giêsu Kitô - Người Con chí ái của Ngài. Đức Giêsu chính là phản ảnh rõ nét nhất về tình yêu của Thiên Chúa Cha, để đến nỗi có thể nói được rằng: Ngài và Chúa Cha là một. (x. Ga 10,30).
Khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu đã bày tỏ tình thương với hết mọi người, đặc biệt với những ai lầm than khốn khổ: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Ngài chạnh lòng thương đám đông dân chúng vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,36). Ngài mở mắt cho người mù được thấy, chữa kẻ câm nói được, cho người điếc được nghe, kẻ bị phong cùi được lành sạch… Chúa yêu thương và chúc lành cho các trẻ nhỏ; nâng đỡ những người già góa bụa… Như người mục tử, Ngài chăm sóc cho từng con chiên: Con nào bị lạc, Ngài dẫn đưa về.
Tình thương của Thiên Chúa không chỉ được thể hiện ở việc chữa lành các bệnh tật, mà còn ở sự tha thứ mà dụ ngôn “Người cha nhân hậu” là một phản ảnh rõ nét nhất: “Thầy không dạy anh em phải tha đến bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Chính Ngài đã tha thứ cho Phêrô – người môn đệ chối Thầy; tha thứ cho người trộm cướp biết ăn năn; tha thứ cho những kẻ đã bắt nộp và kết án tử cho Ngài. Sau cùng, tình yêu thương của Ngài còn đi đến tận cùng bằng cái chết trên thập giá để cứu độ con người: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
***
Mừng lễ kinh lòng Chúa thương xót, không phải chúng ta chỉ dừng lại ở việc tưởng nhớ lại những ân huệ cao vời mà Thiên Chúa đã thi ân cho nhân loại nhưng là phải thực thi theo những gì Chúa dạy qua thánh nữ Faustina, đó là: Thỉnh cầu Lòng Thương Xót Chúa; Thực hành lòng thương xót Chúa và Tín thác vào lòng thương xót Chúa.
Chúa muốn chúng ta tìm đến gặp gỡ Người qua việc cầu nguyện, sám hối tội lỗi mình, thỉnh cầu Người đoái thương đến chúng ta và toàn thế giới, như lời Chúa phán: Không một linh hồn nào kêu gọi đến Lòng Thương Xót của Ta mà phải thất vọng bao giờ (1541).
Nhưng đồng thời, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta, sau khi đã nhận lãnh Lòng Thương Xót cho mình, chúng ta cũng phải lan tỏa lòng thương xót của Chúa tới tha nhân: “Ta xin con hãy làm những việc Thương Xót, và chúng phải phát xuất từ tấm lòng yêu mến Ta. Con có bổn phận thi hành lòng thương xót đối với những người lân cận của mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay tránh né, chữa mình. Ngay cả đức tin mạnh nhất cũng vô dụng nếu không có việc làm kèm theo (742). Những ai không thực hành việc gì cả - thì kẻ ấy chẳng đáng được Ta thương xót vào ngày phán xét “ (1317).
Chớ gì, khi mừng lễ kính lòng thương xót Chúa hôm nay, mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết tín thác hơn vào lòng từ bi Chúa để từ đó, trở nên những nhân chứng sống động về lòng thương xót Chúa cho muôn người trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới !
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 24 | Tổng lượt truy cập: 4,081,501