Chia sẻ Lời Chúa- Chúa Nhật II Mùa Chay A
Mt 17,1-9
Người ta kể rằng, những người thổ dân ở Châu Phi có cách bẫy khỉ rất độc đáo. Họ cho một nắm quả hạch thơm lừng vào bên trong những chiếc bình bằng thủy tinh rất nặng. Sau đó họ mang bỏ những bình này lăn lóc trong rừng. Những chú khỉ khi đánh hơi thấy mùi thơm của quả hạch bèn kéo đến thò tay vào bình để bốc những quả hạch. Nhưng chúng không thể rút tay ra được, vì cổ bình vừa dài lại vừa hẹp, trong khi chúng lại không muốn buông những quả hạch đầy hấp dẫn đó để rút tay ra. Chiếc bình thì nặng, chúng cũng không thể tự mình tha những chiếc bình đó đi được. Và thế là chúng bị dính bẫy.
Chúng ta có thể cười bọn khỉ quá ngốc nghếch, nhưng đó có thể cũng là câu chuyện cuộc đời của mỗi chúng ta.
Cuộc sống sung túc ngày hôm nay khiến con người ái ngại mỗi lần nghe đến hai tiếng “từ bỏ”. Quả vậy, từ bỏ nào cũng đều phải chấp nhận những thiệt thòi trước mắt. Một con sâu bướm, muốn trở thành con bướm muôn sắc màu tung cánh bay lên bầu trời cao, phải chấp nhận từ bỏ cái tổ kén ấm áp. Một hạt giống, muốn trở thành cây to lớn, phải chấp nhận tách ra khỏi cái vỏ vẫn bao bọc nó. Một em bé muốn trở thành một người trưởng thành phải chấp nhận ra khỏi sự an toàn của ngôi nhà mà em đã sinh ra và lớn lên…
Tuy nhiên, từ bỏ cũng có năm bảy đường. Có những từ bỏ vì… bị buộc phải từ bỏ; như người bị gút, nếu không từ bỏ những cuộc nhậu tối ngày, chắc chắn sẽ nguy hiểm cho sức khỏe. Có những từ bỏ vì tự nguyện, do không thích một điều gì đó nữa. Nhưng có lẽ, sự từ bỏ đáng trân trọng hơn cả, đó là từ bỏ vì lòng yêu mến một điều gì đó. Như câu chuyện của người mẹ chấp nhận hy sinh một con mắt để ghép cho đứa con của mình bị hỏng một mắt trong một lần tai nạn…
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói về sự từ bỏ. Trước tiên là sự từ bỏ của tổ phụ Abraham. Chúng ta biết rằng, trước khi lên đường đi đến miền đất Chúa hứa ban, tổ phụ Abraham đang có một cuộc sống sung túc: Nào là tôi trai tớ gái, nào là chiên, dê, lạc đà… chỉ có điều, hai ông bà đã già mà vẫn chưa có con để nối dõi. Ở cái tuổi “xế chiều” như ông, chắc hẳn sẽ rất ngại ngần khi nói đến việc rời đến một miền đất mới.
Thông thường, người ta ra đi đến một miền đất mới là vì lý do kinh tế, nhưng đối với tổ phụ Abraham lại không như thế. Vậy đâu là lý do khiến ông sẵn sàng từ bỏ để ra đi? Thưa, tất cả chỉ vì ông đi theo một tiếng gọi – Đó là tiếng Thiên Chúa - Đấng mà ông tôn thờ. Ông ra đi với một niềm tin tưởng rằng, Thiên Chúa là Đấng trung thành, chắc chắn Ngài sẽ ban cho ông như lời Ngài đã phán hứa. Và quả thực, lời Thiên Chúa hứa với ông ngày xưa, nay đã trở thành hiện thực. Dòng dõi của ông ngày một thêm đông số. Và cũng chính từ dòng dõi ấy, Đấng Cứu Thế đã ra đời.
Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Theo văn mạch, thì việc Chúa biến hình diễn ra ngay sau khi Đức Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn của Ngài (x.Mt 16,21-23) cũng như về số phận của các môn đệ “phải vác thập giá mình mà theo Chúa” (x. Mt 16,24-28). Để tỏ trước vinh quang của Ngài cũng như để trấn an các môn đệ, Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc biến hình.
Khi chứng kiến khung cảnh chói lòa rực rỡ như vậy, ba môn đệ hết sức ngỡ ngàng. Ngay lập tức, ông Phêrô thay mặt cho các anh em thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia." (Mt 7,14). Thánh Macô còn cho biết thêm: mặc dù nói như vậy, nhưng “thực ra, ông không biết mình nói gì vì các ông kinh hoàng” (x.Mc 9, 6).
Lời đề nghị của ông Phêrô xem ra có vẻ chẳng ăn nhập gì với bối cảnh hiện tại, thậm chí nó còn hàm chứa một sự tư lợi. Điều đó, chứng tỏ cho đến lúc này, ông vẫn chưa hiểu hết được sứ vụ của Thầy mình. Cũng giống như, chính ông ngay trước đó, đã từng kéo riêng Đức Giêsu ra một nơi để can ngăn Người đừng đi lên Giêrusalem để chịu khổ nạn (x. Mt 16,22).
***
Tâm tình và thái độ của Phêrô cũng có thể là của mỗi chúng ta hôm nay. Theo xu hướng tự nhiên, ai trong chúng ta cũng muốn thu vén cho bản thân mình. Thế nên, khi phải đứng trước những lựa chọn, không ai là người chọn lựa thiệt thòi về mình. Người ta chỉ chấp nhận từ bỏ, khi biết chắc chắn rằng: tôi từ bỏ điều này để được lại những điều tốt hơn. Nhưng, nếu như ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, thì gian khổ sẽ dành phần ai ? (lời bài hát “Một đời người - một rừng cây”).
Để được hưởng lời chúc phúc và mang lại lời chúc phúc của Thiên Chúa cho hậu duệ, tổ phụ Abraham đã phải từ bỏ quê hương xứ sở, từ bỏ miền đất của tổ tiên, mặc dù ông đã cao niên. Để được bước vào trong vinh quang với Chúa, các môn đệ phải chấp nhận từ bỏ khung cảnh diệu huyền của ánh hào quang trên đỉnh núi Tabor để bước vào con đường thập giá như Thầy của mình. Cũng vậy, để trở thành môn đệ của Chúa, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường phải từ bỏ. Từ bỏ những tham sân si của lòng người để tâm hồn được thanh thỏa; từ bỏ những hận thù ghen ghét để làm hòa với anh chị em mình; từ bỏ những toan tính ích kỷ để biết quảng đại trao ban; từ bỏ những cuộc làm ăn mờ ám để giữ cho lương tâm ngay thẳng; từ bỏ những mối tình bất chính để giữ gìn hạnh phúc gia đình…
Mặc dù vẫn biết từ bỏ là điều cần thiết, nhưng trong thực tế, không mấy người muốn từ bỏ. Vì từ bỏ nào cũng khiến chúng ta phải hy sinh. Điều mà ta từ bỏ càng có giá trị, thì sự hy sinh lại càng lớn lao.
Như câu chuyện kể trên, những chú khỉ đã sập bẫy chỉ vì chúng không muốn buông những quả hạch mà chúng đang nắm giữ. Cũng vậy, lý do khiến chúng ta vẫn chưa thể toàn tâm toàn ý đến với Chúa, vì bản thân còn nắm giữ quá nhiều điều.
Mùa Chay chính là cơ hội thuận tiện để chúng ta duyệt xét lại lòng mình. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm bỏ đi tất cả những gì đang làm cản bước chúng ta đến với Chúa. Có như vậy, chúng ta mới mong trở nên “Con yêu dấu” của Ngài.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 70 | Tổng lượt truy cập: 4,046,118