(Lc 2,1-20)
Câu 1: Tin Mừng theo thánh Lu-ca kể về cuộc giáng sinh của Chúa Giê-su như thế nào?
Thưa: Tin Mừng theo thánh Lu-ca kể rằng: 1Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. 2Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. 3Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. 4Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. 5Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. 6Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. 7Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (Lc 1,1-7).
Câu 2: Việc Đức Giê-su hạ sinh tại Bê-lem có ý nghĩa gì không?
Thưa: Bê-lem chính là quê hương của Đa-vít. Vì thế, khi kể rằng Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem, tác giả gợi ý rằng hài nhi Giê-su thuộc dòng dõi Đa-vít. Hơn nữa, tác giả cho thấy việc Đức Giê-su giáng sinh tại Bê-lem đã làm tròn lời Thiên Chúa hứa qua Mi-kha xưa rằng: từ Bê-lem, một vị vua của Ít-ra-en sẽ ra đời (Mk 5,1-2). Như vậy, tác giả muốn giới thiệu Đức Giê-su là vị vua từ nhà Đa-vít đã giáng sinh như tiên báo.
Câu 3: Phải chăng Đức Giê-su sinh ra vào đúng ngày 25 tháng 12?
Thưa: Kinh Thánh không nói Đức Giê-su sinh ra ngày nào. Giáo Hội chọn ngày 25 tháng 12 là ngày Giáng Sinh để kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su vì lý do hội nhập văn hóa. Thật vậy, tài liệu sử học cho thấy vào thời Constantine (A.D. 306-37), ngày 25 tháng 12 được chọn là ngày mừng Chúa Giáng Sinh, dường như thay thế cho dịp lễ hội Saturnalia của người La Mã diễn ra vào dịp đó. Bằng cách này, Giáo Hội đã “rửa tội” cho một lễ của ngoại giáo và hội nhập Tin Mừng vào truyền thống văn hóa của người dân. Thêm vào đó, ngày đông chí, thường rơi vào khoảng 21 hoặc 22 tháng 12, đánh dấu ngày ngắn nhất trong năm; sau ngày này, ánh sáng bắt đầu trở lại. Vì vậy, Giáo Hội chọn ngày 25 tháng 12 là ngày Chúa giáng sinh để nói lên ý nghĩa biểu tượng: Chúa Giê-su là Ánh Sáng Thế Gian.
Câu 4: Tác giả Tin Mừng Lu-ca có ý gì khi kể rằng Đức Giê-su được sinh ra ở Bê-lem trong lúc hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số?
Thưa: Hoàng đế Au-gút-tô được ca ngợi là vị vua của hòa bình và vị cứu tinh của thế giới vì ông đã chấm dứt cuộc nội chiến và đem lại hòa bình cho đế quốc Rô-ma. Tuy nhiên, tác giả Tin Mừng Lu-ca có ý nói rằng chính hài nhi Giê-su, chứ không phải Au-gút-tô, là vua thật và là Đấng Cứu Độ nhân loại, như lời loan báo của các thiên thần: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,11).
Hơn nữa, khi kể rằng do tuân theo chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số của hoàng đế Au-gút-tô mà thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a đến Bê-lem và Đức Giê-su được giáng sinh tại đó, tác giả Tin Mừng Lu-ca có ý nói rằng hoàng đế Au-gút-tô là công cụ Thiên Chúa dùng để vua Giê-su có thể chào đời trong thành Đa-vít như đã tiên báo (x. Mic 5:1-2).
Câu 5: Các thiên thần đã báo tin Đức Giê-su chào đời cho ai?
Thưa: Khi Đức Giê-su chào đời, các thiên thần đã báo tin cho các mục đồng đang thức đêm canh giữ đàn vật (Lc 2,8-9) rằng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: 11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. 12Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. (Lc 2,10-12).
Câu 6: Tại sao việc giáng sinh của Đức Giê-su lại là “tin mừng cho toàn dân”?
Thưa: Vì Đức Giê-su là vị vua xuất thân từ dòng dõi Đa-vít mà dân đã mong chờ từ lâu, là Đấng cứu độ họ và là Đức Chúa của họ. Như thế, việc Đức Giê-su giáng sinh đánh dấu một giai đoạn mới của nhân loại.
Câu 7: Việc thiên thần báo tin mừng này cho các mục đồng cho chúng ta thấy điều gì?
Thưa: Các mục đồng không chỉ gợi lại nghề nghiệp cũ của vua Đa-vít (1 Sm 16,11) mà còn là những người sống bên lề xã hội lúc đó. Nhưng, họ lại là những người đầu tiên được đón nhận tin mừng đặc biệt này. Điều đó cho thấy Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Câu 8: Khi Đức Giê-su giáng trần, điều gì đã xuất hiện ở trên trời?
Thưa: Lúc đó, có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,13-14).
Câu 9: Khi các thiên sứ đã từ biệt những người chăn chiên, những người này đã làm gì?
Thưa: Họ bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy , và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ (Lc 1, 15-20).
Câu 10: Tại sao khi nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên?
Thưa: Họ ngạc nhiên vì những sự việc “đối lập” xảy ra trong khung cảnh giáng sinh của Chúa Giê-su: một hài nhi được sinh ra trong nơi thấp hèn lại được gọi là Vua, Đấng Cứu Thế và Đức Chúa. Thêm vào đó, cơ binh thiên sứ xuất hiện để ca ngợi Chúa và cầu chúc bình an cho loài người dưới thế khi Chúa sinh ra. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng cách thức hành động của Thiên Chúa thật khác xa con người.
Câu 11: Mẹ Ma-ri-a biểu hiện ra sao khi chứng kiến tất cả những điều trên?
Thưa: Tin Mừng Lu-ca kể rằng Mẹ hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,19). Khi chứng kiến sự ứng nghiệm của những gì thiên thần Gabriel đã nói với mình, Mẹ suy niệm những gì vừa xảy ra và những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Mẹ biết rằng đây chỉ là khởi đầu một hành trình mới của Mẹ và của lịch sử nhân loại, và Mẹ cố gắng tìm ra ý Chúa để cộng tác với ơn Ngài.
Câu 12: Chúng ta có thể học tập được gì Mẹ Ma-ri-a từ điểm này?
Thưa: Noi gương Đức Mẹ Ma-ri-a, người Ki-tô hữu không chỉ suy niệm về ý nghĩa của sự kiện Con Thiên Chúa xuống thế làm người đối với chính bản thân mình, mà còn biết để tâm chiêm niệm hầu tìm ra điều Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua tất cả những biến cố xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
Câu 13: Đức Giê-su sinh ra ở nơi nghèo khó đơn sơ giúp chúng ta nhận ra điều gì?
Thưa: Đối với Thiên Chúa, giá trị của con người không nằm ở quyền lực, vinh quang, tiền bạc và những thứ ở bên ngoài; bởi vì, Ngài công nhận giá trị bên trong của con người. Hơn nữa, Thiên Chúa cho thấy sự vĩ đại của Ngài khi đến và ở với chúng ta, chứ không tách biệt khỏi con người.
BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 86 | Tổng lượt truy cập: 4,584,618