Bài 15: Nước Trời cho những người yếu thế và vững tin vào Đức Ki-tô (Lc 8,1-56)

  • 06/04/2025
  • Thánh Lu-ca mở đầu bằng việc giới thiệu mấy người phụ nữ đi theo giúp Đức Giê-su và các môn đệ (8,1-3), sau đó Đức Giê-su dùng dụ ngôn để giảng dạy cho họ (8,4-18) và giúp họ hiểu đâu mới là những người thân đích thực (8,19-21). Cuối cùng Đức Giê-su thực hiện các phép lạ : dẹp yên sóng biển (8,22-25), chữa lành người bị quỷ ám (8,26-39), chữa bệnh cho người phụ nữ loạn huyết 12 năm và phục sinh bé gái 12 tuổi..

    Bài 16

    NƯỚC TRỜI CHO NHỮNG NGƯỜI YẾU THẾ

    VÀ VỮNG TIN VÀO ĐỨC KITÔ (Lc 8,1-56)

    Câu 1: Nội dung chính của chương 8 được thánh sử Lu-ca trình bày là gì?

    Thưa: Thánh Lu-ca mở đầu bằng việc giới thiệu mấy người phụ nữ đi theo giúp Đức Giê-su và các môn đệ (8,1-3), sau đó Đức Giê-su dùng dụ ngôn để giảng dạy cho họ (8,4-18) và giúp họ hiểu đâu mới là những người thân đích thực (8,19-21). Cuối cùng Đức Giê-su thực hiện các phép lạ : dẹp yên sóng biển (8,22-25), chữa lành người bị quỷ ám (8,26-39), chữa bệnh cho người phụ nữ loạn huyết 12 năm và phục sinh bé gái 12 tuổi..

    Câu 2: Ngoài Nhóm Mười Hai tông đồ, còn có những ai đi theo giúp đỡ Đức Giê-su?

    Thưa: Cùng đi với Đức Giê-su trong hành trình rao giảng Tin Mừng, «Nhóm Mười Hai 2và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, 3Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ » (Lc 8,1-3).

    Câu 3: Tác giả Lu-ca muốn nói điều gì khi kể lại những người phụ nữ này?

    Thưa: Phụ nữ Do-thái thời đó không được làm học trò Torah của các rabbi. Ngoài ra, luật Do-thái cho phép phụ nữ sở hữu tài sản (Dân số 27,1-11), nhưng các vai trò bảo trợ thường do nam giới. Tuy nhiên, ở đây các phụ nữ lại là những người vừa đồng hành vừa bảo trợ cho Đức Giê-su và các môn đệ trên con đường rao giảng Tin Mừng. Kể lại việc này, Tin Mừng Lu-ca muốn nhấn mạnh và làm nổi bật về vai trò của phụ nữ trong vương quốc mới xoay quanh Đức Giê-su (x. Lc 1,26-56; 2,36-38 ; 5,38-39… 24,8-11). Việc những phụ nữ này hỗ trợ Chúa Giê-su thách thức các chuẩn mực xã hội và cho thấy rằng vương quốc của Thiên Chúa định nghĩa lại các vai trò xã hội.

    Câu 4: Dụ ngôn  «người gieo giống » được Đức Giê-su kể như thế nào? (8,4-8)

    Thưa: Đức Giê-su kể dụ ngôn đó như sau: 5 "Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm". Nói xong, Người hô lên rằng: "Ai có tai nghe thì nghe." (Lc 8,5-8).

    Câu 5: Câu nói của Đức Giê-su  "Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu» muốn nói điều gì?

    Thưa: Trước tiên, đây là hình thức câu kết hay gặp trong một bài giảng (Epilogos) trong văn chương Hy Lạp. Mục đích để nói lên tầm quan trọng của dụ ngôn và mời gọi độc giả tìm hiểu rõ ý nghĩa dụ ngôn, từ đó rút ra bài học. Thứ đến, qua câu nói đó, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh rằng các môn đệ của Ngài được ơn hiểu biết về mầu nhiệm nước Thiên Chúa, vì họ được Đức Giê-su giải thích. Còn với những người khác, họ sẽ không thể hiểu nếu không có những lời giải thích này.   

    Câu 6: Đức Giê-su đã giải thích dụ ngôn người gieo giống này như thế nào?

    Thưa: Đức Giê-su giải thích: hạt giống là lời Thiên Chúa.

    • 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.
    • 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc.
    • 14 Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.
    • 15 Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

    Câu 7: Đâu là ý nghĩa về dụ ngộn cái đèn mà Đức Giê-su kể ở Lc 8,16-18?

    Thưa: Đức Giê-su dùng dụ ngôn cái đèn để nói về việc đáp lại Lời Chúa. Thứ nhất, những người lắng nghe Lời Chúa cần phải để cho Lời đó hướng dẫn và làm chiếu tỏa ra bên ngoài cho mọi người thấy (ánh sáng của cái đèn). Thứ hai, họ cũng cần phải mở rộng lòng mình hơn để cho Lời Chúa sinh hoa kết trái vì có thì sẽ được cho thêm.

    Câu 8: Đức Giê-su đã trả lời như thế nào khi người ta báo cho biết: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy."

    Thưa: 21 Đức Giê-su đáp lại: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành."

    Câu 9: Điều gì đã xảy ra khi Đức Giê-su và các môn đệ xuống thuyền sang bên kia Biển hồ?  

    Thưa: Đức Giê-su và môn đệ xuống thuyền ra khơi.23 Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giê-su thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy. 24 Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: "Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất! " Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay.25 Người bảo các ông: "Đức tin anh em ở đâu? " Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: "Vậy người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh? "

    Câu 10: Câu chuyện trên cho thấy điều gì về Đức Giê-su?

    Thưa: Theo Kinh Thánh của người Do-thái, chỉ Thiên Chúa mới có quyền trên biển cả, sóng gió (x. Tv 89,8 ; Job 38,8-11). Vì vậy, khi kể lại việc Đức Giê-su dẹp yên sóng gió, tác giả cho thấy Đức Giê-su có quyền năng như Thiên Chúa.

    Câu 11: Câu chuyện này cho chúng ta bài học gì?

    Thưa: Bài học mà chúng ta có thể rút ra từ câu chuyện này là : dù có rơi vào những hoàn cảnh khó khăn bi đát và nguy hiểm đến đâu, chúng ta cũng đừng bao giờ mất lòng tin cậy vào Thiên Chúa, vì Ngài vẫn luôn dõi theo chúng ta với tấm lòng hiền phụ và ra tay cứu độ, nếu chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng, cậy trông vào Ngài. Nếu không công nhận quyền năng của Chúa, chúng ta sẽ không trông cậy vào Ngài khi những «cơn sóng gió ba đào» nổi lên, và chúng sẽ nhấn chìm chúng ta xuống vực thẳm của cuộc đời.

    Câu 11: Điều gì đã xảy ra sau khi thuyền của Đức Giê-su và các tông đồ ghé vào vùng đất của người Ghê-ra-xa?

    Thưa: 27 Khi Đức Giê-su vừa ra khỏi thuyền và đặt chân lên đất, thì có một người dân trong thành bị quỷ ám ra đón Người. Từ lâu, anh ta không mặc quần áo, không ở trong nhà, nhưng ở trong đám mồ mả. 28 Thấy Đức Giê-su, anh la lên, sấp mình dưới chân Người, và lớn tiếng nói rằng: "Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Tôi xin ông đừng hành hạ tôi!"

    Câu 12: Trước hoàn cảnh này, Đức Giê-su đã làm gì?

    Thưa: Đức Giê-su đã truyền cho thần ô uế xuất khỏi người ấy (…).30 Ngài còn hỏi anh: "Tên anh là gì? " Anh thưa: "Đạo Binh", vì rất nhiều quỷ nhập vào anh.31 Lũ quỷ nài xin Người đừng truyền cho chúng rút xuống vực thẳm.32 Ở đó có một bầy heo khá đông đang ăn trên núi. Lũ quỷ nài xin Người cho phép chúng nhập vào bầy heo kia, và Người cho phép.33 Lũ quỷ xuất khỏi người đó, nhập vào bầy heo. Cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống hồ và chết ngộp hết.

    Câu 13: Đâu là thái độ của những người chứng kiến phép lạ này?

    Thưa: 34 Thấy sự việc xảy ra, các người chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm.35 Thiên hạ ra xem sự việc đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ đã được trừ quỷ đang ngồi dưới chân Đức Giê-su, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo. Họ phát sợ.36 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe người bị quỷ ám được cứu chữa thế nào.37 Bấy giờ đông đảo dân chúng vùng Ghê-ra-xa xin Người rời họ, vì họ sợ quá. Thế nên Người xuống thuyền trở về.

    Câu 14: Người đã được Đức Giê-su chữa khỏi quỷ ám đã xin gì với Ngài?

    Thưa: 38 Kẻ đã được trừ quỷ xin được ở với Người. Nhưng Người bảo anh ta về và nói: 39 "Anh cứ về nhà và kể lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho anh." Anh ta ra đi, rao truyền cho cả thành biết mọi điều Đức Giê-su đã làm cho anh.

    Câu 15: Phép lạ chữa lành người bị quỷ ám cho thấy điều gì?

    Thưa: Phép lạ này cho thấy Đức Giê-su là Đấng có quyền năng trên cả một đạo binh ma quỷ; quyền năng này chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Ngài đến để giải phóng những ai bị ma quỷ và những thế lực xấu trói buộc. Khi gặp Ngài, một số người, như người đã được giải thoát khỏi quỷ, tin tưởng Ngài và muốn đến gần Ngài. Tuy nhiên, một số khác, như những người dân làng của anh, lại muốn giữ khoảng cách với Ngài vì không tin tưởng nơi Ngài hoặc vì sợ bị mất mát...

    Câu 16: Sau khi trừ quỷ cho người ở Ghê-ra-xa, Đức Giê-su quay trở về thì gặp điều gì?

    Thưa: 40 Khi Đức Giê-su trở về thì đám đông tiếp đón, vì ai ai cũng đợi chờ Người.41 Bỗng có một người tên là Gia-ia đi tới; ông là trưởng hội đường. Ông sụp xuống dưới chân Đức Giê-su, nài xin Người vào nhà ông,42 vì ông có một đứa con gái duy nhất độ mười hai tuổi, mà nó lại sắp chết.

    Câu 17: Đâu là thái độ của viên trưởng hội đường?

    Thưa: Viên trưởng hội đường có một thái độ kính trọng với Đức Giê-su, khi gặp Đức Giê-su ông đã sụp dưới chân Ngài. Ông cũng có lòng tin vào Ngài nên đã đến xin Đức Giê-su tới nhà chữa bệnh cho con gái ông sắp chết.

    Câu 18: Trong khi Đức Giê-su đi cùng với ông Gia-ia và đám đông thì có câu chuyện gì xen vào?

    Thưa: 43 Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, không ai có thể chữa được.44 Bà tiến đến phía sau Người và sờ vào tua áo của Người. Tức khắc, máu ngừng chảy.45 Đức Giê-su hỏi: "Ai là người đã sờ vào tôi? " Mọi người đều chối, nên ông Phê-rô nói: "Thưa Thầy, đám đông xô đẩy, chen lấn Thầy đấy! " 46 Nhưng Đức Giê-su nói: "Có người đã đụng vào Thầy, vì Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra."

    Câu 19: Thái độ của người phụ nữ thay đổi như thế nào sau khi được chữa lành bệnh?

    Thưa: 47 Người đàn bà thấy mình không giữ kín được nữa, thì run rẩy đến phủ phục trước mặt Người, và loan báo trước mặt toàn dân lý do tại sao bà đã đụng vào Đức Giê-su, và bà đã được khỏi bệnh tức khắc như thế nào.48 Đức Giê-su nói với bà: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy đi bình an."

    Câu 20: Phép lạ Đức Giê-su chữa người phụ nữ bị bệnh loạn huyết dạy chúng ta điều gì?

    Thưa: Qua phép lạ, thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh: Đức Giê-su có quyền trên sự sống và Ngài ban sự sống cho con người. Đức Giê-su không chỉ chữa lành về mặt thể lý mà Ngài còn đến chữa trị tâm hồn con người, để cho họ trở thành con Thiên Chúa (Lc 8,48). Con người cần tin cậy và chạy đến với Đức Giê-su để được chữa lành.

    Câu 18: Phản ứng tiếp theo của ông trưởng hội đường và người thân của ông như thế nào khi Đức Giê-su tới nhà?

    Thưa: Khi Đức Giê-su còn đang nói, thì có người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông: "Con gái ông chết rồi, đừng làm phiền Thầy nữa! "50 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu."

    51 Khi đến nhà, Người không cho ai vào với mình, trừ ông Phê-rô, ông Gio-an, ông Gia-cô-bê và cha mẹ của đứa bé.52 Mọi người đều đấm ngực khóc thương nó. Đức Giê-su nói: "Đừng khóc! Con bé có chết đâu, nó ngủ đấy! "53 Họ chế nhạo Người, vì biết nó đã chết.54 Nhưng Người cầm lấy tay nó, lên tiếng gọi: "Này bé, trỗi dậy đi! "55 Hồn đứa bé trở lại, và nó đứng dậy ngay. Đức Giê-su bảo người ta cho nó ăn.

    Câu 19: Câu nói cả Đức Giê-su «ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi, là con gái ông sẽ được cứu » muốn nói điều gì?

    Thưa: Qua đó, Đức Giê-su muốn nói đến hai điều. Thứ nhất, Ngài có khả năng cho con gái ông được khỏi bệnh. Thứ hai, ông cần tin vào quyền năng của Ngài thì con gái ông sẽ được Ngài cho lành bệnh. Như vậy, câu trên nhấn mạnh quyền năng của Chúa Giê-su và tầm quan trọng của đức tin.

    Câu 20: Trình thuật hai phép lạ đan xen ở Lc 8,40-56 muốn dạy chúng ta điều gì?

    Thưa: Trước tiên về mặt tu từ, hai phép lạ được tác giả Lu-ca trình bày đan xen nhau theo cấu trúc : A–B–A’ :

     A - Lời câu xin của ông Gia-ia với Đức Giê-su cho con gái ông sắp chết (8,40-42)

     B - Đức Giê-su chữa lành người phụ nữ bị bệnh loạn huyết 12 năm (8,43-48)

     A’ - Đức Giê-su phục sinh con gái ông Gia-ia (8,49-56)

    Về mặt nội dung: Qua hai câu chuyện đan xen này, thánh Lu-ca muốn nhấn mạnh về quyền năng và lòng thương xót của Đức Giê-su. Ngài đến để cứu chữa những con người ốm đau và phục sinh họ. Đồng thời, tác giả cũng trình bày về những mẫu gương đức tin, đó là ông Gia-ia và người phụ nữ bị bệnh loạn huyết. Cả hai đã mạnh mẽ tin tưởng vào Ngài trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, và đức tin đó đã được đền đáp.

    Câu 21: Đâu là những điểm đặc biệt của Lu-ca chương 8?

    Thưa: Chương này có hai điều đặc biệt. Trước hết, chương 8 của Tin Mừng Lu-ca cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Đức Giê-su và phụ nữ: những người phụ nữ đi theo Đức Giê-su và lấy của cải của mình mà giúp đỡ Người, người phụ nữ bị bệnh băng huyết, và cháu gái được Đức Giê-su cho sống lại.  Họ là những người yếu thế trong xã hội Do-thái, nhưng luôn được Đức Giê-su yêu thương giúp đỡ, đón nhận và cho chia sẻ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.  

    Bên cạnh đó, chủ đề «đức tin vào quyền năng Chúa» cũng nổi bật trong chương này. Đất tốt tượng trưng cho người nghe Lời Chúa với đức tin và kiên trì (c.15). Trong câu chuyện dẹp yên sóng gió (8,22-25), Chúa quở trách môn đệ: "Đức tin các con đâu?" (c.25). Tiếp theo đó, người đàn bà bị loạn huyết (8,43-48) được chữa lành vì tin rằng chỉ cần chạm vào áo Chúa (c.48). Cuối cùng, trước khi cho con gái ông Gia-ia sống lại (8,49-56), Chúa bảo ông: "Đừng sợ, chỉ cần tin" (c.50). Trong câu chuyện này, chính đức tin vào quyền năng Chúa đem lại sự sống.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB

    Bài viết liên quan