Bài 16: Lu-ca chương 9,1-50

  • 20/04/2025
  • Chương 9 cho thấy chính Đức Ki-tô được Thiên Chúa sai đến để cứu chuộc nhân loại qua con đường thập tự, và những ai muốn theo Ngài cũng phải bước trên con đường từ bỏ, hiến thân và phục vụ.

    Bài 16

     LU-CA CHƯƠNG 9,1-50

    Câu 1: Chương 9,1-50 kể lại những sự kiện nào?

    Thưa: Chương 9,1-50 bao gồm những sự kiện sau:

    • Lu-ca 9,1-6 – Chúa Giê-su sai mười hai tông đồ đi rao giảng,
    • Lu-ca 9,7-9 – Hê-rô-đê hoang mang về Chúa Giê-su,
    • Lu-ca 9,10-17 – Hóa bánh cho năm ngàn người ăn no,
    • Lu-ca 9,18-20 – Phê-rô tuyên xưng Đấng Ki-tô,
    • Lu-ca 9, 21-27 – Tiên báo sự thương khó và điều kiện theo Ngài,
    • Lu-ca 9, 28-36 – Biến hình trên núi,
    • Lu-ca 9, 37-43 – Chữa một đứa trẻ bị quỷ ám,
    • Lu-ca 9, 44-45 – Tiên báo trước sự thương khó lần thứ hai,
    • Lu-ca 9, 46-48 – Ai là người lớn nhất trong nước Thiên Chúa,
    • Lu-ca 9, 49-50 – Người không thuộc nhóm nhưng đuổi quỷ nhân danh Chúa,

    Câu 2: Ý chính của Lu-ca 9,1-50 là gì?

    Thưa: Chương 9 cho thấy chính Đức Ki-tô được Thiên Chúa sai đến để cứu chuộc nhân loại qua con đường thập tự, và những ai muốn theo Ngài cũng phải bước trên con đường từ bỏ, hiến thân và phục vụ.

    Câu 3: Lu-ca 9,1-6 nói đến vấn đề gì?

    Thưa: Trong Lu-ca 9,1–6, Chúa Giê-su mở rộng sứ vụ của Ngài bằng cách ban cho các tông đồ quyền năng để họ trừ quỷ và chữa bệnh. Khi sai Mười Hai môn đệ, Đức Giê-su muốn họ cùng với Ngài mang thông điệp đến toàn bộ khu vực. Chủ đề rao giảng là Nước Thiên Chúa, và sự hiện diện của Nước Thiên Chúa được xác nhận qua việc chữa lành và trừ quỷ.

    Câu 4: Người chỉ thị cho các ông thế nào?

    Thưa: Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” (Lc 9,2-5).

    Câu 5: Tại sao Người lại dạy họ “đừng mang gì đi đường”?

    Thưa: Bởi vì khi đi như thế, họ sẽ không bị những lo lắng vật chất cản trở hay làm chậm bước chân rao giảng Tin Mừng, nhưng họ sẽ tin cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa và lòng quảng đại của những người đón nhận Tin Mừng.

    Câu 6: Ngày nay, chúng ta có cần phải đi rao giảng Tin Mừng không?

    Thưa: Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của tất cả các Ki-tô hữu ở mọi thời đại. Vì thế, chúng ta cũng được mời gọi loan báo Tin Mừng cho những ai chưa biết Chúa. Chúng ta có thể tham gia vào việc này bằng nhiều cách khác nhau, như: cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Tin Mừng bằng cuộc sống bác ái yêu thương, giúp đỡ những ai đi loan báo Tin Mừng, và trực tiếp chia sẻ Lời Chúa với người khác bằng những cách thế khác nhau.

    Câu 7: Tại sao tiểu vương Hê-rô-đê bối rối khi nghe về Đức Giê-su?

    Thưa: Lúc đó, tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì Đức Giê-su đã làm và những gì người ta nói về Ngài: người thì cho rằng Ngài là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy, kẻ thì nói Ngài ông Ê-li-a tái xuất, người khác thì bảo Ngài là một ngôn sứ thời xưa sống lại. Còn Hê-rô-đê thì nói: “Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi ông tìm cách gặp Đức Giê-su. (Lc 9,7-9).

    Câu 8: Lu-ca 9,7-9 cho chúng ta thấy điều gì?

    Thưa: Đoạn Kinh thánh này cho thấy rằng thông tin về Chúa Giê-su đang lan rộng đến cung điện và thu hút sự chú ý ở đó. Vấn đề về danh tính của Chúa Giê-su cần được tất cả mọi người xem xét, ngay cả những người ở vị trí cao như Hê-rô-đê. Ngày nay chúng ta cũng cần tự hỏi mình: đối với tôi, Đức Giê-su là ai?

    Câu 9: Câu chuyện Đức Giê-su hóa bánh cho năm ngàn người ăn no diễn ra thế nào?

    Thưa: Sau khi các Tông Đồ trở về báo cáo công việc truyền giáo, Đức Giê-su đưa họ đến một nơi hoang vắng gần Bết-sai-đa. Đám đông đi theo Ngài. Đức Giê-su giảng dạy về Nước Thiên Chúa và chữa lành những người đau yếu. Khi ngày sắp tàn, các Tông Đồ xin Ngài giải tán đám đông để họ tự tìm thức ăn, nhưng Đức Giê-su bảo họ: "Chính anh em hãy cho họ ăn." Các Tông Đồ chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá, không đủ cho đám đông khoảng năm ngàn người. Đức Giê-su bảo các Tông Đồ cho mọi người ngồi thành từng nhóm. Sau đó, Ngài cầm lấy bánh và cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các Tông Đồ để phân phát cho dân. Mọi người ăn no nê, và phần dư thu lại được mười hai giỏ đầy. (Lc 9,10-17)

    Câu 10: Câu chuyện trên có vang vọng âm hưởng của các câu chuyện khác trong Cựu Ước?

    Thưa: Câu chuyện này vọng lại âm vang từ hai câu chuyện trong Cựu Ước. Thứ nhất là việc Thiên Chúa nuôi dưỡng dân Ít-ra-en trong hoang địa bằng man-na (Xh  16,15-21). Thứ hai là chuyện ngôn sứ Ê-li-sê nuôi một trăm người bằng hai mươi chiếc bánh (2 V 4,42-44). Như vậy, tác giả Tin Mừng Lu-ca gián tiếp cho thấy Đức Giê-su là Người của Thiên Chúa khi kể lại câu chuyện này.

    Câu 11: Câu chuyện trên cho chúng ta bài học gì?

    Thưa: Câu chuyện trên cho chúng ta ba bài học sau :

    • Thứ nhất, Đức Giê-su là Đấng ban sự sống. Chính Ngài chu cấp cho mọi nhu cầu cả thể xác lẫn tâm linh của chúng ta.
    • Thứ hai, là những môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi cộng tác vào việc phục vụ anh chị em mình.
    • Thứ ba, khi chúng ta quảng đại dâng cho Chúa những gì mình có, cho dù nó bé nhỏ như năm cái bánh và hai con cá, Ngài có thể biến nó thành những gì lớn lao hơn, làm sinh ích cho chúng ta và người khác.

    Câu 12: Câu chuyện ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su diễn ra thế nào?

    Thưa: 8Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?” 19Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” 20Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” 21Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.

    Câu 13: Việc ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” có tầm quan trọng thế nào trong Tin Mừng Lu-ca?

    Thưa: Việc này đánh dấu khúc quanh của Tin Mừng Lu-ca. Nếu trước kia, dân chúng cũng như Hê-rô-đê nghĩ rằng Đức Giê-su là Gioan Tẩy giả, Êlia hay một ngôn sứ, thì giờ đây ông Phê-rô nhận ra căn tính thật của Đức Giê-su: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 9,20). Đến thời điểm này, trọng tâm đã là sứ vụ và danh tính của Chúa Giê-su. Nhưng, sau lời tuyên xưng của Phê-rô, Chúa Giê-su trực tiếp dạy dỗ các môn đệ về bản chất của sứ vụ của Ngài và chuẩn bị cho họ về sự ra đi và sự đau khổ của Ngài. Ngay ở Lu-ca 9,22, Ngài nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

    Câu 14: Chúa Giê-su ra điều kiện gì cho những người muốn theo Ngài?

    Thưa: Ngài nói, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? 26Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.” (Lc 9,23-26).

    Câu 15: Ý của đoạn trên là gì?

    Thưa: Ý của đoạn đó là: nếu một người muốn theo Chúa Giê-su, họ cần nhận ra rằng đi theo Ngài đồng nghĩa với việc chịu đau khổ. Tuy nhiên, họ từ bỏ bản thân vì nhận thức rằng Thiên Chúa chăm sóc họ. Do đó, theo bước chân của Chúa Giê-su chính là mất cuộc sống của mình để đạt được hạnh phúc đời đời, và ngược lại. Như vậy, theo Chúa đòi hỏi sự cam kết, sự hy sinh, lòng trung tín và phó thác mỗi ngày.

    Câu 16: Việc Đức Giê-su biến hình trên núi diễn ra như thế nào?

    Thưa: Đức Giê-su lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phê-rô, Gio-an Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Ông Phê-rô lên tiếng xin dựng ba cái lều, một cho Chúa, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy. (Lc 9,28-36)

    Câu 17: Câu chuyện này có ý nghĩa gì?

    Thưa: Câu chuyện Đức Giê-su biến hình được đặt ngay sau lời tuyên xưng của Phê-rô (9,20), lời tiên bố đầu tiên về thập tự giá (9,22) và lời kêu gọi "từ bỏ chính mình" (9,23–27) để nhấn mạnh những ý sau:

    • Thứ nhất, xác định thần tính của Đức Giê-su: vinh quang của Ngài lúc biến hình là vinh quang vốn có của Thiên Chúa, tiếng từ đám mây xác nhận Ngài là Con Thiên Chúa, sự hiện diện của Mô-sê và Ê-li-a chứng nhận Ngài làm tròn Cựu Ước.
    • Thứ hai, nhấn mạnh rằng vinh quang và thập giá không thể tách rời (x. 1 Cr 2,8). Trong lúc Ngài tỏ vinh quang Thiên Chúa, Mô-sê và Ê-li-a đến trong vinh quang để đàm đạo với Ngài về “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem” (9,31). Điều này giải thích ý nghĩa cuộc khổ nạn của Đức Giê-su.
    • Thứ ba, xác định thẩm quyền tối cao của Đức Giê-su. Tiếng phán từ trời đặt ngài trên Mô-sê và Ê-li-a (9,35; x. Hr 3,3–6). Vì thế, hai ông Mô-sê và Ê-li-a phải biến đi để nhường chỗ cho Ngài, và Chúa Cha cũng dạy các môn đệ: “hãy vâng nghe lời Người” (9,35; x. Hr 1,1-2).

    Câu 18: Lu-ca 9,37-43 kể về việc Đức Giê-su chữa một đứa trẻ bị quỷ ám như thế nào?

    Thưa: Hôm sau, khi Đức Giê-su và ba môn đệ ở trên núi xuống, có đám đông dân chúng tới đón Người. 38Bỗng có một người đàn ông từ trong đám đông kêu lên rằng: “Thưa Thầy, tôi xin Thầy đoái nhìn đứa con trai tôi, vì tôi chỉ có một mình cháu. 39Thế mà quỷ nhập vào cháu, khiến cháu bỗng dưng la lên, vật mình vật mẩy, sùi cả bọt mép, và khó lắm nó mới chịu rời cháu, bỏ cháu lại đó mệt nhừ. 40Tôi có xin các môn đệ Thầy trừ tên quỷ đó, nhưng các ông trừ không được.” 41Đức Giê-su đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi phải ở cùng các người và chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Ông đem cháu lại đây!” 42Đứa trẻ đang tiến lại, thì quỷ vật nó xuống và lay nó thật mạnh. Đức Giê-su quát mắng tên quỷ ô uế, chữa đứa trẻ, và trao lại cho cha nó. 43Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.

    Câu 19: Thánh Lu-ca muốn nói gì qua câu chuyện này?

    Thưa: Kể chuyện này, tác giả muốn nhấn mạnh ba điều sau. Thứ nhất, quyền năng và uy quyền của Chúa Giê-su đánh bại sức mạnh của quỷ ma. Thứ hai, phép lạ này cũng thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa qua Chúa Giê-su. Đây là một phép trừ quỷ chống lại các lực lượng muốn hủy diệt con người. Thứ ba, việc các môn đệ bị Chúa quở trách cho thấy rằng họ “còn nhiều điều để học”, củng cố mệnh lệnh “lắng nghe” Chúa Giê-su ở câu chuyện biến hình.

    Câu 20: Đức Giê-su tiên báo cuộc thương khó lần thứ hai như thế nào?

    Thưa: Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, Người nói với các môn đệ: 44“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.

    Câu 20: Câu chuyện này gợi lên điều gì?

    Thưa: Thứ nhất, câu chuyện này cho thấy: sự thương khó của Đức Giê-su không phải là một tai nạn, nhưng nằm trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa và là trung tâm sứ mạng của  Ngài. Thứ hai, việc các môn đệ không hiểu được lời tiên báo của Đức Giê-su cho thấy nghịch lý của thập giá làm cho con người khó lĩnh hội; chính các môn đệ vấp phạm khi Chúa Giê-su bị bắt (Lc 22,54-62).

    Câu 21: Chúa Giê-su làm gì khi các môn tự hỏi trong các ông ai là người lớn nhất (9,46-48)?

    Thưa: Ngài đặt một trẻ nhỏ bên cạnh mình và nói với các ông: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”

    Câu 22: Đức Giê-su có ý nói gì qua việc đó?

    Thưa: Các môn đệ không những phải có lòng khiêm tốn mà còn phải mở lòng ra đón nhận những người thấp hèn như trẻ em vì danh Đức Giê-su. Tình yêu phải được mở rộng đến tất cả mọi người, bởi vì ngay cả những người nhỏ nhất cũng là người vĩ đại. Nếu sự vĩ đại được tìm thấy ở những người nhỏ bé, thì sự vĩ đại cũng nằm ở tất cả mọi người. Vì thế, bằng cách đặt một em bé bên cạnh mình, Chúa Giê-su ngăn cản mọi sự so sánh giữa các môn đệ.

    Câu 23: Chúa Giê-su dạy gì khi Gio-an ngăn cản người không thuộc nhóm mình trừ quỷ nhân danh Ngài (9,49)?

    Thưa: Đức Giê-su bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (9,50)

    Câu 24: Lời dạy trên có ý nghĩa như thế nào?

    Thưa: Đức Giê-su dạy các môn đệ không nên có sự cạnh tranh, mà là sự hợp tác. Nói cách khác, các ông không được độc quyền thi hành sứ vụ được trao, nhưng cần thu hút và mời gọi nhiều cộng tác viên cùng tham gia nhiệm vụ. Ngày nay cũng vậy, chúng ta cần biết kết hợp với những người thiện chí khác để làm việc tốt cho anh chị em mình và xây dựng thế giới này, dù họ có cùng niềm tin với chúng ta hay thuộc về nhóm của chúng ta hay không.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB

    Bài viết liên quan