DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA MÙA PHỤC SINH
NĂM B
LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Lc. 24, 31-48)
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào.
Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: "Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ". Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: "Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây". Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: "Ở đây các con có gì ăn không?" Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: "Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh". Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.
Người lại nói: "Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy."
HÃY ĐI LÀM CHỨNG
DÀN Ý
1. Làm chứng
- Pháp luật: Người làm chứng biết các tình tiết liên quan tội phạm, vụ án và được triệu tập để làm chứng.
- Cựu ước: ‘Chớ làm chứng dối,’ trongThập giới.
- Kitô giáo: ‘Làm chứng’ dùng phổ biến, là ơn gọi Kitô hữu: “Anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem.”
- Đức Kitô: “Những gì anh em làm, hãy làm vì danh Đức Giêsu, nhờ Ngài mà tạ ơn Chúa là Cha chúng ta.”
- Giáo Hội: Mục đích chứng từ của tín hữu là tôn vinh Chúa, và làm chứng cho Đức Kitô, Đấng Phục Sinh.
2. ‘Làm chứng’ trong đoạn TM Luca (Lc 24,35-48)
- Môn đệ Emmau làm chứng Chúa sống lại: “Hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24,35).
- Có lời Kinh Thánh viết rằng: “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân” (Lc 24,46).
- Đức Giêsu đòi môn đệ làm chứng sự thật: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,48).
3. Mỗi người là chứng nhân
- Hãy làm chứng bằng việc thuật lại cho người khác về cuộc đời và lời giảng của Đức Giêsu. Mađalêna và các phụ nữ được gặp Chúa trước tiên và được Ngài sai đi làm chứng: “Hãy đi loan báo…” Hai môn đệ Emmau sau khi gặp Chúa, trở lại Giêrusalem, sẵn sàng loan báo việc Thầy đã sống lại. Các Tông đồ đã xuất sắc hoàn thành sứ vụ này.
- Hãy làm chứng bằng đời sống gương mẫu. Trong khi thế giới đảo điên, bất đồng, bạo lực, Phêrô lại can đảm nói về Chúa Phục Sinh, bất chấp bị đàn áp: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta” (CVTD 4,19). Kitô hữu hãy sống xứng đáng, để công bố Tin Mừng của Chúa, ‘ lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.’
- Truyện: Thầy trò Khổng Tử bị đói ở Tề. Hôm nọ, nằm đọc sách, nghe tiếng mở nắp nồi cơm và thấy Nhan Hồi đang vốc cơm ăn. Đến bữa, Khổng Tử ngỏ ý lấy ít cơm trắng để cúng bố mẹ. Nhan Hồi im lặng. Khổng Tử hỏi:“Cơm sạch không? Nhan Hồi: “Không, vì con vô tình để bụi rơi vào, vì sợ cơm thiếu, bỏ đi sẽ mất một phần ăn, nên con đã ăn phần cơm bẩn đó, còn cơm sạch để Thầy và anh em, và nồi cơm đã ăn không nên cúng nữa! Khổng Tử đấm ngực: Việc rành rành, mà còn hiểu sai, tí nữa ta thành kẻ hồ đồ(ST).
- Hãy làm chứng cho niềm vui. Thế giới bị ám ảnh bởi văn hóa sự chết: Ma tuý, phá thai, tự tử; rồi trẻ em bỏ học, bệnh nhân không thuốc chữa, đói nghèo không có của ăn. Kitô hữu phải noi gương các Tông Đồ, sẵn sàng ra đi loan tin vui Phục Sinh. Việc rao giảng chỉ có giá trị khi họ biết đem lại niềm vui cho người xấu số, thiệt phận.
- Hãy làm chứng bằng việc sẵn sàng hi sinh vì đức tin. Các môn đệ ra đi loan báo Đấng Phục Sinh bằng cả tính mạng. Các thánh Tử Đạo Việt Nam không chối đạo hay bước qua thập giá, để làm chứng sự thật. Giáo Hội phát triển là nhờ công sức của mọi người, như Tetulianô đã viết: “Máu của các vị Tử Đạo là hạt giống phát sinh các Kitô hữu.”
- Đức Giêsu đã đem Tin Mừng cho nhân loại. Mỗi người phải là chứng nhân của Đấng Phục sinh để đem Tin Mừng cứu độ, góp phần xây dựng một ‘Trời Mới Đất Mới,’ nơi tràn đầy bác ái, công bình và hạnh phúc viên mãn.
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng Thánh Lu-ca thuật lại câu truyện Đức Giê-su hiện ra với các Tông đồ sau khi đã hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau. Đức Ki-tô củng cố niềm tin cho các Tông đồ, qua các dấu chỉ đặc trưng cho sứ vụ của Người, để sai các ông làm chứng cho các Ngườì ở khắp mọi nơi.
Nhưng tại sao các ông không thể nhận ra Thầy mình khi Người hiện diện trực tiếp với họ, phải chăng Người đã mặc bộ mặt hoàn toàn khác? Tại sao Người hiện diện ngắn ngủi như vậy, mà không ở với họ cho đến khi về Trời?
1. Củng cố niềm tin
Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau: Sau cái chết quá dễ dàng và quá nhanh chóng của Đức Giê-su, tất cả các Tông đồ đã hoàn toàn vỡ mộng, hết hi vọng, kẻ thì ẩn trong phòng đóng kín cửa, người thì đi lang thang vất vưởng, người khác thì muốn trở lại mái nhà xưa với nghề cũ của mình. Hai môn đệ Em-mau trên đường về quê với tâm trạng chán chường, vì đã hi vọng Đức Giê-su sẽ giải phóng dân It-ra-en khỏi người Rô-ma, giải phóng thế giới khỏi cái ác, nay bị giết đi; họ còn chứng kiến những môn đệ quan trọng nhất, như Phê-rô cũng trở nên khiếp nhược và chối Chúa trước một cô gái. Tuy vậy, trong tâm hồn họ, Đức Giê-su vẫn được coi như là một Ngôn sứ vĩ đại. Bằng những cử chỉ quen thuộc, Đức Giê-su mạc khải Người đã sống lại. Họ đã cấp tốc về Giê-ru-sa-lem báo tin cho các môn đệ Tin Mừng quan trọng này.
Đức Giê-su hiện ra với các Tông đồ: Các môn đệ không tin mấy người phụ nữ thông báo về ngôi mộ trống, nghi ngờ những lời kể của các đồng nghiệp cũng như câu truyện hai môn đệ Em-mau. Trải nghiệm mấy ngày kinh hoàng với những biến cố đầy sợ hãi: cuộc vây bắt tại vườn Giêt-si-ma-ni, Giu-đa tự tử, Đức Giê-su bị tra tấn và bị treo trên Thập giá đã làm cho họ hết hi vọng. Đức Giê-su tiếp tục hiện ra với các Tông đồ. Sự hiện diện của Chúa làm cho các ông tưởng là ma. Các ông chưa từng được chứng kiến một con người có thể tự sống lại bao giờ. Đức Ki-tô đã phải mở trí lòng họ và quở trách họ kém lòng tin: "Việc gì mà hoảng hốt? Sao anh em còn ngờ vực?"(Lc 24,38). Mặc dù chỉ hiện ra với các Tông đồ trong thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đủ cho các ông nhận ra và tin vào Đức Giê-su để sẵn sàng làm chứng về Người.
2. Những dấu chỉ
Trước sự khiếp đảm và yếu kém của các Tông đồ, Đức Giê-su dùng đến những dấu chỉ quen thuộc để giúp họ nhận ra Người:
Đức Giê-su chúc bình an cho các Tông đồ: Chúa dùng lời chào thông thường của người It-ra-en "Shalan": nghĩa là bình an, một cử chỉ quen thuộc của Chúa với các môn đệ. Đức Giê-su muốn qua lời chúc bình an, thổi vào các ngài sự yên ủi động viên: "Thầy ban bình an cho anh em, phúc bình an của chính Thầy"(Ga 14,27). Sự bình yên của chính Chúa có sức giúp các môn đệ can đảm tiến lên.
Đức Giê-su cho các Tông đồ xem các dấu tích của Người: Chúa cho họ xem tay chân đã bị đóng đinh, cho xem cạnh sườn đã bị ngọn giáo đâm thâu qua để nguồn nước vọt lên, cho các ông nhìn tận mắt Thân Thể Người, để các ông không còn ảo tưởng Người là ma hiện hình. Đức Giê-su muốn cho các ông biết rằng, trong Thân Thể sáng láng vinh quang, biến cố Phục Sinh không lấy đi những đau khổ vì những thương tích tình yêu của Người.
Đức Giê-su cho các Tông đồ "sờ" vào dấu tích của Người: Nhìn xem chưa đủ, Đức Giê-su còn để cho họ chạm đến vết thương của Người: "Hãy xỏ ngón tay vào đây, hãy chạm bàn tay con vào cạnh sườn của Thầy, và đừng cứng lòng, nhưng hãy tin"(Ga 20,27). Những vết thương đó là những vất vả của Đấng chịu đóng đinh, những vết thương tình yêu của Người, để những ai đụng chạm vào vết thương của Người, sẽ được chữa lành bệnh cứng lòng tin của họ.
Đức Giê-su ăn uống với các Tông đồ: Để tiếp tục thuyết phục các ông, Đức Giê-su hỏi họ có gì ăn không? Người cầm mẩu cá nướng mà các Tông đồ đưa cho và ăn ngon lành trước mắt các ông. Đức Giê-su muốn họ cảm nghiệm được thực tại thể lí của Đấng Phục Sinh, có ăn uống, không phải là thứ tà ma hiện về như các ông nghĩ.
Đức Giê-su dùng Sách Thánh để thuyết phục các Tông đồ: "Cần phải ứng nghiệm mọi lời đã chép về Thầy trong luật Mô-sê, trong sách Tiên tri và Thánh vịnh"(Lc 24,44). Hãy nhìn những việc Người làm thì hiểu được Thánh Kinh, và hãy tìm hiểu Thánh Kinh để biết được những việc Người đã làm. Ai không hiểu Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô. Cả lúc trên đường đi Em-mau và trong lúc hiện diện với các Tông đồ, Chúa đều trích dẫn Kinh Thánh để giải thích sứ vụ của Người với họ.
3. Nhiệm vụ chứng nhân
Đức Ki-tô phục sinh là sự kiện lịch sử, cả bốn tác giả Tin Mừng đều thuật lại việc Chúa sống lại ngày thứ Nhất trong tuần, các Tông đồ đều được Chúa cho "đụng chạm" và "ăn uống" với Người, họ được mắt thấy và tai nghe trực tiếp Đấng Phục Sinh. Họ được Đức Giê-su sai đi làm chứng nhân cho Người: "Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân... Chính anh em là những chứng nhân về những điều này"(Lc 24,47).
Hãy là chứng nhân của niềm tin: Khi Đức tin còn yếu kém, các Tông đồ tưởng Chúa là ma; nhưng sau khi Đức tin được củng cố, họ nhận ra Đức Giê-su. Cuộc đời con người luôn bị những bóng ma đe doạ, có những lúc làm họ thất vọng. Con người cần phải củng cố niềm tin, hãy ra khỏi những lo âu của chính mình, để chia sẻ niềm hi vọng, mang lại tiếng cười và bình an cho những người rủi ro đau khổ, đem Tin Mừng cho nhân loại.
Hãy là chứng nhân trong lời nói: Nói thẳng, nói thật luôn được hậu thế tán thưởng, nhưng đôi khi họ thường gặp tai họa trong hiện tại. Các Ngôn sứ đã bị kết án chỉ vì nói thật, Đức Giê-su cũng không được miễn khỏi luật đó. Nói thẳng, nói thật là nhiệm vụ quan trọng nhất của Giáo hội và tất cả những ai làm chứng nhân cho Chúa. Đức Giê-su đã dùng lời nói để giảng dạy, giải thích Tin Mừng cho mọi người; các Tông đồ cũng đã dùng tất cả nhiệt huyết, hi sinh tính mạng để rao giảng Tin Mừng. Mỗi Ki-tô hữu phải là những chứng nhân cho Chúa trong lời nói, trong giảng giải, loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho hết mọi người.
Hãy là chứng nhân cho Đức Ki-tô bằng hành động cụ thể: Sứ vụ chứng nhân phải bắt đầu tại Giê-ru-sa-lem, nơi Đấng Ki-tô đã phục sinh, phải giúp thế giới đổi đời: "Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội." Như vậy, người chứng nhân trước hết phải có đời sống gương mẫu. Các Tông đồ đã làm chứng nhân cho Chúa không chỉ bằng lời nói mà bằng cả đời sống của mình. Mỗi Ki-tô hữu tự bản chất đều là những con người, họ phải làm chứng bằng đời sống lương thiện của một người tín hữu để mọi người dễ dàng nhận ra Chúa.
Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a giúp mỗi người chúng con biết noi gương Mẹ dùng đời sống, gương sáng của mình để làm chứng nhân cho Chúa.
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 84 | Tổng lượt truy cập: 4,045,637