Chúa Nhật Lễ Lá Năm C - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 10/04/2025
  • Chủ đề: Vua đau khổ

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa Nhật Lễ Lá

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài Thương Khó (Lc 22,14-23,56)

    VUA ĐAU KHỔ

    1. Vua Thập giá

    - Đức Kitô đi ngược lại lộ trình muốn bằng Chúa của Ađam. Người hạ mình làm người để tái lập cuộc sống nhân loại.

    - Đức Giêsu cô đơn 12 giờ cuối, môn đệ hết ngủ vùi, rồi bỏ chạy lúc nguy biến. Giuđa bán Chúa, Phêrô chối Thầy.

    - Đức Giêsu bị kết tội trước tòa án đạo đời: Hội đồng công nghị kết án Chúa, Philatô đại diện La mã lên án giết Người.

    - Đức Giêsu bị xỉ vả chế diễu. Họ bắt Người làm hề, đóng vai vua, mặc cẩm bào, đầu đội triều thiên, cầm vương trượng.

    - Đức Giêsu bị hành hình. Chúa bị đánh đập, tát vả, roi quất và bị lột trần trụi. Hai tay bị đóng đinh, bị đói, bị khát.

    - Đức Giêsu, trên thập giá, đã kêu lớn tiếng: ‘Đã xong,’ như một người chiến thắng đối thủ trong trận cuối cùng.

    - Đức Giêsu chết đi để đổi thay thế giới, làm xúc động lòng người, đặc biệt gây cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ. 

    2. Nhìn lên Thánh Giá Chúa

    - Đau khổ đi theo đời người. Đau khổ theo Thánh Kinh là do tội. Rất nhiều đau khổ do những bất công của con người gây ra. Xã hội coi lường gạt, tham nhũng, là chuyện thường. Quyền lực và đồng tiền bẻ gẫy công lí, tạo ra biết bao đau khổ. Người ta thường là nạn nhân của bất công. Nhìn lên Thánh Giá,  người ta sẽ có can đảm để vượt qua thử thách.

    - Truyện: Tượng Đóng Đinh ở nhà thờ Spain, có tay phải hạ xuống. Có người đến thú tội, cha xứ lưỡng lự vì ông nhiều tội quá: “Tôi giải tội, nhưng ông phải chừa.” Ông hứa, nhưng lại đến xưng tội, cha xứ: “Tôi giải tội cho ông lần cuối đó.” Rồi sau ông lại đến năn nỉ: “Con yếu đuối quá, xin tha cho con lần nữa.” Cha xứ: “Không đùa giỡn Chúa, không giải tội cho ông nữa.” Có tiếng nấc trên thánh giá, bàn tay phải hạ xuống làm phép tha tội: “Cha đổ máu để cứu ông ấy, không phải con.” Từ đó, bàn tay đó vẫn ở tư thế ban xá giải.

    - Đau khổ giúp người ta nhìn ra mình. Chúa Kitô đã không khen các phụ nữ than khóc Người, mà nhắc nhở, chính họ mới là kẻ đáng thương. Nhìn vào Thánh Giá, người ta biết được tình yêu Chúa cao cả, đồng thời cảm nghiệm được tội lỗi, sự chết và sự bất lực của con người trước Đấng Cứu Độ.

    - Đau khổ giúp người ta nhận ra anh em. Đức Giêsu thương  người đau khổ, làm phép lạ chữa bệnh tật, xua trừ ma quỉ. Nhìn vào Thánh Giá, người ta nhớ tới những đau khổ của người khác và cảm nghiệm được lòng Chúa bao dung, dạy bảo con người hãy chia sẻ và tha thứ cho anh em mình.

    - Đau khổ là đường tình yêu. Đức Giêsu đã gột rửa mọi thứ tội ác bằng sức mạnh của tình yêu. Chỉ có tình yêu thật mới làm đau khổ có giá trị. Nhìn lên Thánh Giá, người ta nhận thức được hồng ân bao la của Chúa, không còn lo lắng về hậu quả của tội lỗi, giúp cho cho tâm hồn tràn ngập niềm tin yêu.

    - Đau khổ là con đường tới hạnh phúc. Mỗi người hãy noi gương Chúa, dám can đảm từ bỏ đời sống tiện nghi, dễ dãi, gian tham, ích kỉ, hận thù, để đi theo con đường thập giá, đến tận đỉnh đồi Canvê. Nhưng sau tất cả, kẻ thù sẽ gục ngã và những ai theo Đức Kitô sẽ hoàn toàn chiến thắng.

    BÀI CA NGƯỜI TÔI TỚ

    Suy Niệm

    Thánh Sử Lu-ca trình thuật lại tuồng Thương Khó Đức Giê-su Ki-tô: Vẫn là những nhạc điệu của tình yêu, diễn tả bằng cuộc đời khiêm hạ, bỏ rơi, nhục mạ tàn nhẫn, mà loài người đã đối xử với Đấng Cứu Độ; Đức Ki-tô vượt qua đau khổ, để tiến tới vinh quang, nhằm giải phóng tất cả mọi người.

    Tuy nhiên người ta có thể phân vân, liệu Chúa Giê-su có cần phải sống một cuộc đời đau khổ nhục mạ như vậy không, Chúa có thể sống đàng hoàng hơn để cứu độ nhân loại không? Làm sao người It-ra-en có thể thay trắng đổi đen nhanh đến vậy? Tạo sao Phê-rô dù đã được Đức Giê-su nhắc trước, mà lại có thể chối Chúa trước một người phụ nữ?

    1. Con đường Chúa chọn

    Đức Giê-su vào thành đô Giê-ru-sa-lem: Để hoàn tất nhiệm vụ cứu độ cho nhân loại, Đức Giêsu nói với các môn đệ về con đường Thập Giá, bắt đầu là cuộc tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem vĩ đại. Hãy mường tượng một cuộc rước lạ kì đón một vị vua vào thành. Vua ngồi trên lưng con lừa, trong sự hoan hô nồng nhiệt của quần chúng: họ lấy cành cây, lấy áo mình, và chắc chắn có những chiếc khăn, hoặc bất kì thứ gì vẫy được, để đón chào tung hô vua của họ. Không một quyền lực nào ngăn cản nổi; chính quyền, nhà chức trách tôn giáo cũng bất lực đứng nhìn sự phấn khích của quần chúng, đến nỗi những hòn đá bên đường cũng như biết nói, để hoà nhập làn sóng của đoàn rước vua lên ngôi. Đức Ki-tô chính là Thiên Chúa, Người xứng đáng được mọi người tung hô và tôn vinh Người làm vua, với cành vạn tuế cầm trên tay, mà người ta thường dành cho người hùng trong các giải đấu. Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để làm trọn những gì đã viết về Người.

    Đức Giê-su viết lên bài ca tình yêu: Chính vì yêu mà Người chấp nhận hi sinh tất cả. Chúa giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ, gần gũi nạn nhân, động viên người nghèo khó; Người chấp nhận sự thay đổi đến kinh ngạc của đám quần chúng, chấp nhận nụ hôn phản bội của Giu-đa, Người đã chữa cho tên lính bị Phê-rô chém đứt tai, Người dành thời gian yên ủi và tha thứ cho lỗi lầm Phê-rô, Người cắn răng can đảm,  đứng lại giữa đường vai vác thập giá nặng, để yên ủi dân thành Giê-ru-sa-lem, Người cầu xin Chúa Cha tha tội cho kẻ bách hại mình. Người cho rằng chúng lầm không biết, Người đã tha tội và ban thưởng Nước Trời đầu tiên cho kẻ trộm cùng đóng đinh với Người, có lòng hối cải; Người trải qua cơn hấp hối kinh hoàng trong vườn Cây Dầu. Thế gian có thể kết luận rằng, chỉ có người điên mới để người khác sỉ nhục, mà vẫn cứ yêu "như điên như dại" vậy. 

    2. Con đường của mỗi người

    Hãy cảnh giác với sự hay thay đổi của lòng người: Người ta có thể lên án người It-ra-en, sao có thể dễ dàng thay trắng đổi đen đến như vậy? Tuy nhiên, ngày nay người vẫn chứng kiến nhiều loại sở khanh, trong các câu chuyện, phim ảnh, hay trong thực tế cuộc sống, bao nhiêu nạn nhân của bạn bè, bao nhiêu gia đình tan nát chia lìa, vì phản bội lừa lọc. Biết bao chủ tịch, tổng thống khi tranh cử thì hứa hẹn đủ điều, nhưng khi thành công rồi, thì trở thành độc tài, bóc lột quần chúng, biết bao chủng sinh khi chưa làm linh mục thì khiêm nhường, sốt sắng, đến khi làm linh mục rồi, thì trở nên chuyên quyền nguội lạnh. Mỗi người cũng hãy tự hỏi mình, đã có lúc nào phản lại chính mình chưa? Nhất là khi gặp chướng ngại về sức khoẻ, tài chính, những cám dỗ tinh thần. Hãy luôn đề phòng với thân phận yếu đuối của mình.

    Hãy bước theo con đường Thập Giá của Chúa Ki-tô: Để tới đài vinh quang, Chúa đã phải trải qua con đường đau khổ, không phải là diễn kịch, đóng vai, mà là cuộc thương khó đích thực. Nhờ cây Thập Giá, mà con người được gọi trở lại vai trò đích thực của con Thiên Chúa, được cứu độ; nhờ cây Thập Giá mà con người có thể hiểu và dễ dàng vượt qua thử thách cuộc sống, nhờ đau khổ mà con người có thêm kinh nghiệm. Nếu không có ngày thứ Sáu Khổ Nạn, làm gì có ngày Chúa Nhật Phục Sinh, nếu không có đinh gai thấu thịt, làm gì có thân xác hiển vinh. Nếu không vác thập giá với Chúa, thì con người không chu toàn phổn phận mình, nếu không có chiến đấu, thì làm sao biết mình sẽ chiến thắng. Tuy nhiên thánh giá vác một mình sẽ nặng nề đau đớn, hãy để cho Chúa cùng đồng hành, thánh giá sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

    Hãy noi gương Chúa xóa bỏ hận thù: Loài người thường nhắc tới bài ca Người Tôi Tớ; thế gian cho Đức Ki-tô là điên dại, nhưng Người chấp nhận để yêu, Người tha thứ tất cả những ai lỗi phạm đến Người. Tình yêu của Chúa vượt trên mọi hận thù, tha thứ chiến thắng tất cả, Người đã lên đài vinh quang. Loài người không bao giờ quên được người Cha đầy lòng yêu thương như vậy. Hận thù làm người ta sẽ khó ăn mất ngủ, lương tâm dày vò; hận thù chỉ tạo thêm hố sâu ngăn cách, thiệt thòi cho chính mình và cho thế giới; không tha thứ, đau khổ của con người càng chồng chất lên thêm.

    Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con nhận ra giá trị đích thực của tha thứ như Chúa đã dạy.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan