LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Khi ấy Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với." Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện (quá). Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất."
ĐÓN TIẾP
1. Đón tiếp
- Giao tiếp: Là hành vi và quá trình, mà con người tiến hành trao đổi thông tin, nhận thức, đánh giá hay tác động với nhau
- Đón tiếp, welcome: Là đón khách, tiếp nhận, nghinh đón, tiếp đãi, là công việc quan trọng trong cuộc sống giao tiếp.
- Kinh Thánh kể truyện Giakêu vui vẻ đón Chúa. Người đã thay đổi đời ông: biết phân phát của cải, đền bù bất công.
- Đức Giêsu còn nhấn mạnh việc đón tiếp trẻ nhỏ: “Ai tiếp đón em nhỏ vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy” (Mc 9, 30-37).
2. Lời Chúa hôm nay nói về đón tiếp
- Abraham cảm thấy vinh dự được đón tiếp Chúa: “Lạy Chúa, nếu con được đẹp lòng Chúa, xin đừng bỏ đi qua, con xin lấy ít nước để các Đấng rửa chân và nghỉ mát” (St 18, 3).
- Martha và Maria nhiệt tình đón Chúa: “Đức Giêsu vào làng kia và có phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách” (Lc 10, 38).
3. Thực hành đón tiếp nhau
- Đón tiếp là nhịp cầu tình cảm: Người tiếp chuyện, kẻ lo nhu cầu của khách, chan hòa gần gũi. Abraham thân thiện mời khách lạ: Vái chào, kê ghế, rửa chân, đãi bánh thịt, rồi đứng hầu bàn. Ông đối xử vô tư, quảng đại; khác với lối xử sự của dân Sôđôma đòi bạo hành với khách. Chúa hứa với ông: “Sang năm vào độ này, tôi sẽ lại thăm ông và Sara sẽ có con trai.”
- Truyện: Nhà giầu để gia tài cho con, mong sống an nhàn hết đời. Nhưng, con dâu không muốn bố chồng ở cùng, nên chồng đưa bố vào viện dưỡng lão rẻ tiền. Khi hai bố con đi bộ đến nơi bố sẽ ở, bố khóc: “Con à, bố khóc vì 40 năm trước, cũng trên lối này bố đưa ông nội con vào nhà dưỡng lão này.”
- Đón tiếp để xây dựng cộng đoàn. Đón tiếp nhau sẽ mở rộng tình hiệp thông. Mọi người: già trẻ, lớn bé, xa hay gần đều có thể làm nên một tập thể đầy tình người. Marta đại diện gia đình đón tiếp Chúa qua việc phục vụ. Chị đã trở thành biểu tượng của rất nhiều cộng đoàn khắp thế giới về mẫu gương phục vụ tha nhân, nhất là khách lạ hay những thành phần khó khăn.
- Đón tiếp để quân bình cuộc sống. Đời sống tâm linh hay thể chất đều rất cần thiết. Hành vi đón tiếp của cả Marta và Maria giúp thăng bằng cuộc sống. Sau khi tham dự các sinh hoạt trong nhà thờ, đặc biệt sau khi tham sự Thánh lễ, mỗi tín hữu còn phải ra đi phục vụ anh em, giúp cho nhu cầu đời sống được quân bình, cả về xã hội lẫn tôn giáo.
- Đón tiếp là cho đi và nhận về. Không phải là cho nhau quà cáp hay bữa nhậu, mà là chính là sự hiện diện và trao đổi lẫn nhau, ‘miếng trầu đầu câu chuyện.’ Hãy có trái tim cho đi như Marta và Maria, không chỉ ở đầu môi chóp lưỡi, mà là hào hiệp đón tiếp. Nhịn ăn một hôm không có vấn đề gì, nhưng keo kẹt tình người, đánh mất nhân bản, thì khó có thể chấp nhận được.
- Mỗi người hãy cố gắng dành thời giờ tham gia vào những cuộc viếng thăm tình người. Cộng đoàn lớn bé luôn biết mở rộng cửa để tiếp đón mọi lớp người đến để giao lưu, học hỏi, chia sẻ, cầu nguyện, tạo điều kiện gần gũi với nhau. Đón tiếp người khác thế nào, sẽ được Chúa đón tiếp như vậy.
Suy niệm
Bài Tin Mừng tường thuật lại việc Chúa Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a, vào nhà chị em ông La-gia-rô. Hai cách đón tiếp khác nhau của Ma-ta và Ma-ri-a nguyên nhân dẫn đến bài học Chúa dạy phải chọn lựa những việc quan trọng hơn.
Đọc đoạn Tin Mừng, nhiều người chợt nghĩ, tại sao Maria vô tình đến thế, có bất công không khi để người chị vất vả tất tưởi, trong khi mình chỗm chệ ngồi tiếp Đức Giêsu, một Thần Tượng của cả nhà? Chúa có công bằng và tế nhị không, khi quở trách Matta đòi hỏi Người giúp một việc hữu lí?
1. Hiếu khách
Con người trân trọng tinh thần hiếu khách: Khi có khách tới nhà, người Việt Nam thường rất niềm nở tiếp đón. Gia đình ở Bê-ta-ni-a đã đi vào lịch sử, với những cái tên Bê-ta-ni-a, người ta đặt cho rất nhiều cơ sở: các bệnh viện, trung tâm cấm phòng, hoặc những cơ sở từ thiện. Một gia đình nhỏ bé, nhưng vinh dự là nơi Chúa Giê-su và các Tông đồ thường xuyên đặt chân và trú ngụ. Ngoại trừ phí sinh hoạt, thời gian phục vụ cũng không phải là nhỏ. Phải là một gia đình tuyệt vời, dễ thương, hiếu khách thì mới có hạnh phúc được Chúa và các môn đệ Người đặt làm địa điểm dừng chân thường xuyên như vậy. Lòng hiếu khách của gia đình ở Bê-ta-ni-a này còn được thể hiện qua hình thức đón tiếp của mỗi thành viên:
Chắc chắn La-gia-rô rất vui mỗi khi gặp Đức Giê-su. Tình cảm giữa ông với Chúa và các Tông Đồ phải là rất đặc biệt, đó chính là lí do khiến Người làm phép lạ cho ông sống lại từ cõi chết. Một sự im lặng của ông cũng đủ diễn tả tâm hồn ông: một niềm vui âm thầm, một lòng tự hào kính trọng, một sự đồng tâm đón Chúa.
Hình ảnh Ma-ta, một phụ nữ được rất nhiều người biết tới. Nhiều người lấy tên chị đặt tên cho mình. Ma-ta là người rất năng nổ, đon đả, chân tay thoăn thoắt, lo lắng đủ thứ: lau chùi nhà cửa, chén bát, sắp xếp bàn ghế và nhất là làm sao để có được bữa cơm ngon lành cho Đức Giê-su và các Tông đồ. Ở đây người ta liên tưởng cách đón tiếp của A-bơ-ra-ham, ông đã bưng nước cho khách rửa tay, đưa khách nghỉ ngơi, giết bê non làm thịt và hầu hạ khách. Ma-ta là biểu tượng của mọi thời đại về tinh thần phục vụ và lòng hiếu khách.
Ma-ri-a không làm những công việc như Ma-ta, nhưng cô cũng thể hiện tinh thần hiếu khách tuyệt vời. Loại bỏ sự so sánh hơn kém, người ta thấy Ma-ri-a là mẫu người hào hiệp, quan tâm. Cách cư sử này thường thấy ở các giáo xứ Việt Nam ngày xưa, mỗi khi đón tiếp vị mục tử, không ai dám để cho ngài ngồi một mình, họ thay nhau đến nói chuyện, chia sẻ ban ngày, rồi đêm đến họ thay phiên nhau canh gác, mặc dù không đấng nào muốn vậy, do mệt mỏi vì đã dành quá nhiều thời gian làm các Bí tích. Ma-ri-a không thể yên tâm để Chúa ngồi đó một mình, cô muốn dành thời gian để khoả lấp sự mệt nhọc của Chúa và các Tông đồ, bằng những câu chuyện, những nụ cười thân tình và những chia sẻ kinh nghiệm của cuộc đời truyền giáo.
2. Lắng nghe
Mặc dù tất cả mọi người trong gia đình đều thể hiện lòng hiếu khách, nhưng hôm nay Đức Giê-su lại muốn dạy mọi người bài học là phải biết ưu tiên việc làm quan trọng hơn, đó là biết lắng nghe Lời Chúa:
Nghe là một nghệ thuật giúp con người hiểu biết: Cuộc đời con người được chắp nối bằng những kiến thức tiếp thu được, qua nghe người khác, nghe ở gia đình, nghe ở xã hội, nhà trường, nhà thờ. Khi không nghe được, người ta sẽ chịu một số phận hẩm hiu đau khổ, sẽ trở thành câm, chẳng biết nói gì. Hai người bạn thân lâu không gặp nhau, người nói nhiều sẽ không có thời gian để học hỏi nắm bắt điều mới lạ nơi bạn mình, người nghe lại có một dịp tiếp thu thêm nhiều kiến thức qua ông bạn “hảo tâm” hay nói. Trong tương quan nghe nói, mỗi người có một miệng và hai tai, có nghĩa là nhu cầu để người ta nghe nhiều hơn là nhu cầu để nói. Vậy mà nhiều khi người ta lại muốn nói nhiều hơn là nghe, nói hết phần người khác.
Nghe giúp con người tiến thân. Nghe để nắm bắt chân lí, mở đường cho con người tới sự sống đời đời: “Người ta sống không nguyên bởi cơm bánh mà còn bởi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4). Ma-ri-a đã có cơ hội để nghe Lời Chúa và chị không bỏ lỡ; Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa, tai lắng nghe từng điều, cư xử lịch sự để nắm bắt những lời Chúa truyền đạt, “Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất.” Ma-ri-a là người khôn ngoan, biết dành ưu tiên cho việc làm có giá trị hơn: Lời Chúa phải được con người dành ưu tiên hơn mọi thứ vật chất trần gian.
Người Ki-tô hữu cần dành nhiều thời gian để lắng nghe tiếng Chúa, qua Kinh Thánh, qua kinh nguyện hàng ngày. Chúa muốn nói với con người rất nhiều.
3. Đừng ghen tương
Ghen tương bị Chúa lên án: Mặc dù Đức Giê-su đã ca ngợi Ma-ri-a biết ưu tiên chọn lựa việc quan trọng hơn, đó là lắng nghe Lời Chúa, nhưng Người cũng không lên án công việc nội trợ của Ma-ta, đó là việc làm cần thiết. Điều Chúa muốn nhắc nhở Ma-ta, là hãy cố gắng chu toàn bổn phận của mình. Chúa tán thành việc Ma-ta đang làm, nhưng nếu Ma-ta không ghen tị phân bì, chắc Chúa cũng không quở trách chị; Chúa im lặng là Chúa đồng tình công việc của chị, nhưng một khi ghen tương, Chúa lập tức cảnh cáo chị.
Ghen tương bị người khác ghét bỏ: Ghen tương là biểu hiện của cái tôi thay vì quan tâm đến người khác, người ghen tương chỉ muốn lợi cho mình; họ ghen tị với người khác về tài năng, về của cải, địa vị, nhan sắc. Ghen tương cũng nảy sinh trong lòng Giáo hội, kể cả khi thi hành các việc thiêng liêng; ghen tương làm cho người ta mù quáng, nói hành làm hại người khác. Người có tính ghen tương hay bị dày vò, day dứt; họ bị mù quáng và không bao giờ nhận ra cái sai của mình, họ cố chấp bảo thủ và sẵn sàng làm những việc đê tiện. Ghen tương giết hại cuộc đời của họ bởi những đêm mất ngủ, không muốn ăn, những thời gian cô đơn xa cách. Chính vì sự ghen tương mà Ma-ta đã không hiểu được em mình là Ma-ri-a, đang làm điều rất quan trọng, là tiếp đón Chúa chân tình trong nhà mình.
Trong một thế giới ồn ào, làm cho con người bị nhức ráy trước tiếng gọi của ái tình, của tham vọng, của tiền tài, giải trí, đôi khi trở thành cạnh tranh tàn khốc, chúng ta phải luôn cầu nguyện, lắng nghe, khôn ngoan chớp thời cơ thuận tiện để đạt được hạnh phúc đời đời.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 411 | Tổng lượt truy cập: 7,459,965