LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ. "Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên Chúa đã đến gần các ngươi." Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này." Bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con." Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời."
CHÚA SAI TÔI ĐI
Dàn Ý
1. Sai đi
- Sai, order : Sai bảo, khiến; Sai đi: Sai đi nơi nào, làm việc gì.
- Isaia nói về Đấng được sai đi: “Chúa đã xức dầu cho tôi; sai tôi đem tin mừng cho kẻ nghèo, băng bó những tâm hồn đau thương, báo tin ân xá cho kẻ bị lưu đày” (Is 61,1).
- Đức Giêsu nhận Ngài được sai như Isaia nói. Ngài lại sai môn đệ: “Như Cha sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
- Thánh Thần sai Phaolô và Banaba: “Được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Xêlêukia, rồi đáp tàu đi đảo Sýp” (Cv 13, 4).
2. Lời Chúa hôm nay nói về sai đi
- Tin Mừng kể lại: “Khi ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa, và sai các ông cứ từng hai người đi trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới” (Lc 10,1).
- Đức Giêsu còn căn dặn khi được sai đi: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giầy dép, đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà ai, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10,4).
3. Thực hành ra đi
- Hãy ra đi, vì ‘lúa chín đầy đồng mà ít thợ gặt.’ Đức Giêsu cho công việc Tin Mừng như mùa gặt: “Hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa Người.” Kinh Thánh coi mùa gặt là thời sau hết (Ge 4,13), mùa gặt thiêng liêng. Chúa trao sứ vụ cho Tông đồ, môn đệ, cả mấy phụ nữ. Truyền giáo không chỉ dành cho Giáo sĩ hay Tu sĩ. Đó là công việc của mọi người.
- Hãy ra đi, vì cánh đồng lúa bị bỏ hoang: “Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói.” Loài người vẫn chìm trong bóng tối tội lỗi, sống thô lỗ, cần được thuần hóa. Thế giới có 1 tỉ Kitô hữu trên 6 tỉ người chưa rửa tội. Á Châu chiếm 2/3 dân số thế giới, mà Công giáo chỉ có 3%. Rất cần những tay thợ lành nghề đưa họ trở về trong một đoàn chiên của Chúa.
- Hãy ra đi khỏi chính mình. Đức Giêsu dạy phải có thái độ từ tốn, siêu thoát. Không chỉ là ra khỏi nơi mình đang sống, mà ra khỏi cái tôi của mình, đến sống hài hòa với anh em khắp nơi. Chúa sai đi từng nhóm có nghĩa: Loan Tin mừng không là việc cá nhân, mà của cộng đoàn, cần nối kết với nhau; như thế sẽ có thêm người thứ ba nghe, tin và trở nên môn đệ.
- Ra đi truyền giáo là phải từ bỏ. Nhiều người trang bị đủ thứ cho chuyền đi: ví tiền, laptop, smarphone, thư kí! Tình trạng tham ô, gian dối, bất công, nghiện ngập tràn lan xã hội, phải quyết tâm mới đưa họ ra khỏi vũng lầy. Ra đi phải thanh thoát, không cồng kềnh với vật chất. Đức Giêsu đòi hỏi thợ gặt: Đừng mang tiền, bao bị, đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia.
- Truyện: Nhà truyền giáo, muốn an toàn, đã viết thư cho giám mục hỏi về các điều cần cho cuộc sống trước khi nhận nhiệm sở: Có xe để di, có máy lạnh không? Lương thế nào? Giám mục trả lời: Xin đừng đến làm việc nơi giáo phận này nữa.
- Ra đi là không được ngừng nghỉ. Suốt cuộc đời của Chúa là lên đường: Sinh ra bên lề đường, giảng dạy trên đường và bị treo thập giá ở ngoài đường. Mỗi người ra đi phải được hành trang bằng cây gậy thể hiện quyền năng của Chúa và đôi dép để bước đi hành trình. Đức Giêsu sẽ ban thêm quyền năng: Rao giảng, chữa bệnh, trừ quỷ để giúp hoàn thành sứ mạng.
Suy Niệm
Đức Giê-su tuyển chọn các môn đệ và sai họ đi tới cánh đồng truyền giáo. Chúa thông báo trước những khó khăn, đồng thời cũng đưa ra những phương thế hữu hiệu nhất cho sứ vụ truyền giảng Tin Mừng.
Người ta hay nghe nói đến 12 Tông đồ, vậy 72 môn đệ là đại diện ai trong Giáo hội? Tại sao sai đi mỗi nhóm hai người? Rao giảng là phải gặp gỡ, sao Chúa không cho chào hỏi ai dọc đường? Đã sai đi khắp mọi nơi, tại sao Chúa không cho đi nhà này đến nhà kia? Tại sao gọi Tông đồ là thợ gặt?
1. Những thợ gặt
Đức Giê-su dùng cánh đồng lúa chín vàng, để nói về việc truyền giáo: Đây là một hình ảnh rất gần gũi, sống động với người It-ra-en. Hơn 2/3 người dân Việt Nam làm nghề trồng lúa cũng thấm thía hình ảnh đồng lúa chín vàng, kết quả sau nhiều tháng ngày dầm sương giãi nắng, với biết bao giọt mồ hôi đã đổ ra. Hãy khẩn trương thu hoạch kẻo thiệt thòi. Nhân loại là những hạt lúa quí giá, cần phải được cất vào kho Nước Chúa. Cánh đồng truyền giáo là mùa gặt hái trải dài trên toàn thể thế giới; công việc hết sức vĩ đại, bao la và cấp bách.
Đức Ki-tô tuyển các thợ gặt: Nhóm 12 Tông đồ, là những người đã được huấn luyện cách đặc biệt, thành những thợ gặt thiêng liêng và lành nghề, để đi đến cánh đồng truyền giáo; họ là Phê-rô, thủ lãnh Tông đồ và 11 Tông đồ khác, mà sau này là các giám mục trên khắp hoàn cầu. Họ là 72 môn đệ, là những cộng sự viên của các Tông đồ, cũng đã được huấn luyện rất công phu để đi gặt hái: Họ là các linh mục, tu sĩ, giáo dân, nam nữ; họ là những Ki-tô hữu. 72 là con số tượng trưng, không phải con số toán học, mà nhiều lần người ta được nghe trong sách Sáng Thế. 72 hay 70 là tất cả, không hạn chế, tất cả mọi người, nam, nữ, màu sắc, quốc gia; họ đều có thể là những thợ gặt để thu hoạch cho Chúa các linh hồn.
2. Tác vụ
Đức Giê-su đã tích cực loan Tin Mừng trong 3 năm và Người muốn tuyển mộ các thợ gặt để tiếp nối sứ vụ này; các ông không thể giảng về một thứ quốc gia hùng mạnh, theo cách suy nghĩ của người It-ra-en, các ông không thể phô trương thanh thế quyền uy của một tổ chức cá nhân; các ông phải làm những gì mà Đức Ki-tô đã kí thác:
Nhiệm vụ đầu tiên là Loan báo Tin Mừng: Đức Kitô đã thông báo cho các ông: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”(Lc 10,9b). Đó là chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với con người qua Đức Ki-tô, đó là Giáo hội mà Đức Ki-tô thiết lập, đó là Nước Trời ở trần gian, mà mọi người sẽ thực thi thánh ý Chúa, đó là nước công chính, mà qua đó con người được cứu độ. Những gì tốt lành mà tội Tổ Tông và tội mỗi người đánh mất, các thợ gặt phải nhanh chóng thông tin cho mọi nguời nhận biết, để gia nhập Nước Thiên Chúa và được cứu độ.
Nhiệm vụ tiếp theo là cứu chữa: Đức Giê-su dạy các Tông đồ: “Hãy chữa những người đau yếu trong thành”(Lc 10,9a). Như vậy Tin Mừng mà họ rao giảng rất thực tiễn. Mục đích Tin Mừng là cứu độ nhân loại, không phải chỉ đời sau mà cả đời này nữa. Chúa Ki-tô thương người nghèo, cứu người bệnh và còn chấp nhận Thập Giá để chia sẻ nỗi đau của họ. Như vậy nhiệm vụ của các môn đệ Chúa là phải đấu tranh: đẩy lùi bất công, tội lỗi; công việc này rất bao la và khó khăn, rất cần nhiều thợ gặt lành nghề.
Lời khuyên tiếp theo là chúc bình an: Đức Giê-su dạy Tông đồ: hãy chúc “bình an cho nhà này.” Bình an là một nhu cầu quan trọng trong đời sống con người, cá nhân cũng như tập thể. Trong một thế giới đang bị xâu xé bởi cạnh tranh thù hằn, bóc lột, bất công, sự bình an là quà tặng quí nhất và là thứ thuốc thần liệu nhất để chữa lành. Hãy thể hiện sự bình an cho mình, để có thể thông chuyển bình an cho người khác.
3. Những đòi hỏi
Cũng như mọi sứ vụ khác, thợ gặt thiêng liêng cần phải có những điều kiện, để đảm nhận trách nhiệm cách hiệu quả:
Đức Giê-su cầu nguyện và Chúa còn dạy các Tông đồ cách cầu nguyện. Cầu nguyện thực chất là chính việc truyền giáo. Bản chất con người là yếu đuối, không có sự trợ giúp của Chúa, chẳng ai làm được việc gì; trong vấn đề quan trọng như vậy, việc cầu nguyện cần được quan tâm hàng đầu.
Đức Giê-su dạy các Tông đồ đề phòng cảnh giác kẻ thù “Thầy sai anh em đi như chiên con đi giữa bầy sói”(Lc 10,3). Chúa Ki-tô nói thật về những khó khăn, mà các thợ gặt sẽ vấp phải: không thiếu những thú dữ, không thiếu những kẻ thù, những mánh khoé đảo điên, không thiếu những bẫy giăng của ma quỷ, những cám dỗ của thế gian, chỉ những ai biết canh chừng và tỉnh thức thì mới qua được thử thách.
Đức Giê-su nhắc nhở thợ gặt phải cảnh giác vật chất: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị giầy dép”(Lc 10,4a). Một khi con người quá lo lắng về vật chất, thì còn để tâm làm việc thiêng liêng sao được? Chúa muốn những thợ gặt của Người hãy tập trung vào nhiệm vụ quan trọng của mình và phải phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa quan phòng.
Đức Giê-su nhắc các thợ gặt phải cảnh báo thời gian, Chúa muốn các Tông đồ phải lưu ý, cảnh giác với những quan hệ không cần thiết: “Đừng chào hỏi ai dọc đường”(Lc 10,4b). Các thợ gặt không được để lãng phí thời gian vào những việc không đâu, nhất là khi đồng lúa đang chín rộ. Chào hỏi thân thiện là việc làm tốt, đừng để những thói “buôn dưa lê,” những quan hệ làm mất thời gian, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính yếu, là rao giảng Tin Mừng.
Đức Giê-su dạy các Tông đồ phải chấp nhận thực tại: Hãy ở lại nhà ấy và người ta cho ăn uống thứ gì, thì anh em dùng thứ đó, vì thợ làm đáng được trả công. Chúa thừa nhận, những công lao đóng góp của các thợ gặt thiêng liêng là được hưởng công, được nhận những gì người ta dâng cúng trả ơn. Tuy nhiên các ngài không được lợi dụng để đòi hỏi quá mức cần thiết, không ép buộc giáo dân phải đóng góp, hãy thông cảm với những người khó khăn, nghèo túng của họ.
4. Những hạt lúa vàng
Nhiệm vụ của các Tông đồ là bảo toàn sứ vụ của Đức Ki-tô. Những hạt lúa vàng trong cánh đồng bao la, cần phải được lượm về và cất giữ; họ là tất cả mọi người, lớn bé, già trẻ, trai gái, không phân biệt màu da, tiếng nói, chủng tộc; họ cần được cải hoá và cứu thoát; họ là hình ảnh của Thiên Chúa, mà mỗi người phải trân trọng. Mỗi người Ki-tô hữu cần phải biết lắng nghe và vâng lời những thợ gặt của Chúa, như trung gian để chuyển tải Tin Mừng cho anh em.
Đức Giê-su trân trọng quyền tự do của con người, trong việc đón nhận Tin Mừng, chấp nhận thì được hưởng, mà từ chối sẽ bị loại. Tuy nhiên, để trở thành “những hạt lúa vàng hữu ích,” họ cũng cần phải tiếp nhận Lời Chúa. Nếu ở đó, có ai đáng được hưởng bình an, thì bình an của anh em ở lại với người ấy; bằng không “ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin trả lại các ông.”
Ngoài ra, Đức Giê-su khuyên dạy phải tế nhị: “Người làm thợ đáng được trả công”(Lc 10,7). Đây là việc làm rất nhạy cảm. Giáo hội không làm kinh tế, không có quyền thu thuế, mà chỉ hưởng những sự đóng góp tự nguyện và lòng hảo tâm của mọi người, không nên chỉ vì một chút đóng góp của mình, mà đòi hỏi quá đáng nơi các vị lãnh đạo Giáo hội. Việc đóng góp vô tư và tình nguyện của mọi người, sẽ làm gia tăng rất nhiều giá trị thiêng liêng cho chính họ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con noi gương các Tông đồ thích nghi với cuộc sống văn hoá, phong tục nơi chúng con sống, để làm nhiệm vụ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 229 | Tổng lượt truy cập: 7,230,352