Chúa Nhật IV Phục Sinh - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 10/05/2025
  • Chủ đề: Người mục tử tốt lành

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    Chúa Nhật IV Phục Sinh

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm Ga (10,27-30)

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta. Ðiều mà Cha Ta ban cho Ta, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Ta. Ta và Cha Ta là một."

    NGHE TIẾNG TÔI

    Dàn Ý

    1. Vâng lời trong cuộc sống

    - Vâng lời: Nghe lời, làm theo lời người trên dạy bảo.

    - Không vâng lời: Nguời ta có thể chọn vâng lời hoặc không. Evà không vâng lời nên đã đánh mất sự sống.

    - Kinh Thánh nhấn mạnh đức vâng lời. Abraham, Môsê, Davit, các tiên tri… nghe tiếng Chúa, phục vụ dân tộc. Samuel đáp  lời Chúa làm ngôn sứ: “Lạy Chúa, xin hãy nói, con nghe đây!”

    - Các Tông đồ theo tiếng Đức Giêsu gọi làm mục tử. Chúa tôn trọng tự do mỗi người đáp lại tiếng Chúa (Mt 19,16).

    2. Lời Chúa hôm nay nói về ‘nghe tiếng tôi’

    - Tông đồ Công vụ kể: “Dân ngoại hân hoan ca tụng lời Chúa; ai được Chúa tiền định hưởng sự sống đời đời, thì tin theo, nên lời Chúa được loan khắp vùng” (Cv 13,48).

    - Chúa Giêsu nói về chiên biết lắng nghe: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất” (Ga 10,27).

    3. Thực hành sống ơn gọi của Chúa

    - Trước hết là ơn gọi nhận biết Chúa. Chúa là Mục Tử nhân lành: “Đức Giavê là Mục Tử tôi. Tôi không còn thiếu gì.” Tuy nhiên, xã hội có quá nhiều thông tin sai lạc, tiếng ồn từ bạn bè, người thân, dụ dỗ của quỉ ma, không còn chỗ cho Thiên Chúa. Kitô hữu hãy nhận ra Chúa qua cầu nguyện, qua các dấu chỉ và các hiện tượng xảy ra theo dòng lịch sử.

    - Tiếp đến là ơn gọi lắng nghe. Đức Giêsu dạy chiên phải biết nghe Lời Người để đạt nguyện ước: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi thì nghe tiếng tôi… Tôi sẽ cho chúng được sống đời đời” (Ga 10,27). Thực tế cho thấy, thai nhi đã biết giẫy đạp trong dạ, khi nghe tiếng bố mẹ gọi. Mỗi người hãy nghe Chúa gọi, qua Kinh Thánh, Giáo Hội, lời giảng thuyết.

    - Ơn gọi trung thành. Con người luôn bị quyến dũ bởi những tiếng gọi hấp dẫn từ vật chất, tình cảm, tiền bạc. Tuy nhiên không ai có thể lấy mất niềm tin, nếu không phải là chính họ. Chúa luôn trung thành với nhân loại. Mỗi người cũng phải trung thành đáp trả tình yêu huyền diệu của Chúa.

    - Ơn gọi hiệp thông. Con người sống giữa xã hội bon chen, giành giật. Những âm thanh hối hả, làm cho quả tim họ bị đóng băng, không còn quan tâm đến ai. Dù sao, tiếng gọi yêu thương của Chúa vẫn vang lên, mời gọi mọi người biết sống liên đới, yêu thương, dấn thân phục vụ đồng bào.

    - Truyện: Đức Giêsu hiện ra hỏi Giêrônimô: Con có gì dâng Ta? Ngài đáp: Con dâng các sách con viết và bộ Kinh Thánh vừa dịch. Chúa thêm: Còn gì nữa? Giêrônimô: Con dâng các hy sinh của con. Chúa  hỏi: Còn gì nữa? Giêrônimô: Con dâng hết rồi. Chúa phán: Sao không dâng tội lỗi? Ta chết để đền tội con mà. Và Giêrônimô dâng hết, cả tội lỗi mình.

    - Ơn gọi thực hành theo gương Chúa. Người mục tử, theo quan niệm trong văn hoá Itraen, là biểu thị thần hòa bình. Nghe tiếng Chúa không phải chỉ dựa vào các giáo điều, hay bỏ mặc trách nhiệm cho Chúa, mà là phải lắng nghe và thực hành theo gương Người để thăng tiến cuộc sống.

    NGƯỜI MỤC TỬ TỐT LÀNH

    Suy Niệm

    Thánh Gio-an tường thuật lại bài giảng của Đức Giê-su về mối quan hệ yêu thương giữa Thiên Chúa và loài người, qua mối quan hệ mục tử và đoàn chiên; tình yêu của Chúa được ví như người mục tử nhân lành, luôn quan tâm đến đoàn chiên của mình.

    Nhiều người thắc mắc tại sao Chúa lại nhận mình là người mục tử? Tại sao không xưng mình là Thượng đế, là thống lãnh hay quan tướng gì đó có giá trị hơn không? Việc các linh mục coi tín hữu là con chiên có phải là coi thường không? Liệu có người chăn chiên nào dại dột, hi sinh mình và cả đàn chiên vì một con chiên không?

    1. Người mục tử

    Đức Giê-su thể hiện tình mục tử: Thiên Chúa luôn dành cho con người tình yêu tốt đẹp nhất; Chúa Giê-su diễn tả mối tình đó bằng những mối quan hệ ý nghĩa nhất như: cha con, vợ chồng, thầy trò. Hôm nay Chúa diễn tả mối tình đó bằng hình ảnh rất đẹp: Chúa chiên lành với đoàn chiên. Trong thời Chúa Ki-tô, người It-ra-en phần lớn làm nghề du mục; mọi người đều hiểu rất rõ về những mối quan hệ tốt đẹp giữa người chăn chiên và đàn chiên. Đàn chiên là tất cả gia sản, là nguồn sống của gia đình, người chủ chăn thường yêu mến, chăm sóc và bảo vệ đàn chiên tới mức cao nhất.

    Đức Ki-tô phục vụ con người hết mình: Chúa Ki-tô nhận mình là người phục vụ: Người không đến như ông vua sang trọng trị vì, Người không đến như một ông tướng đầy quyền uy, kẻ lớn; Người không đến như một nhà tỉ phú, giàu có, tiện nghi; Người không đến như một minh tinh màn bạc, hấp dẫn và hưởng thụ. Đức Ki-tô thực hiện lời hứa với những ai thuộc về Người, Người không để ai hư mất, nhưng Người săn sóc, giữ gìn, nuôi dưỡng đàn, cho chúng an toàn no nê trong đồng cỏ. Chúa đến những làng mạc, chữa bệnh, giảng dạy, trừ ma quỷ, để tha thứ, phục vụ và cứu vớt họ.

    Chúa Ki-tô bảo vệ đoàn chiên của Người bằng mọi giá: Đức Giê-su đến với con người trong tư cách rất giản dị khiêm nhường, nhưng đầy tình thương và trách nhiệm của một người chăn chiên. Người còn hứa bảo vệ đoàn chiên đến cùng, đến nỗi Người sẵn sàng hi sinh chịu chết vì họ. Người biết rõ các chiên của Người “Tôi biết các chiên Tôi”(Ga 10,14). Chúa Ki-tô không phải là người lãnh đạo như kiểu thế gian. Chúa Giê-su lăn xả vì đoàn chiên, đấu tranh với sói dữ, kẻ trộm, dù có phải chết, để bảo toàn cho đoàn chiên. Người phục vụ cho quyền lợi của đoàn chiên mình.

    2. Kẻ thù đoàn chiên

    Đoàn chiên luôn phải đối phó với kẻ thù rình rập tấn công: Đó là những con thú rừng hằng ngày gầm rú kiếm mồi, đó có thể là thiên nhiên thời tiết khắc nghiệt làm cho những đồng cỏ héo tàn, đó cũng có thể là những con thú người luôn tìm cách giết hại đoàn chiên. Trên thế gian, có biết bao nhiêu cha mẹ không biết con cái cần gì, có nhiều người lãnh đạo chỉ biết đòi quyền lợi, mà không biết bao nhiêu người đang bị thiệt thòi. Trong cái thế giới mà biết bao con chiên, con cừu bị vồ chụp, bị xô đẩy cho đến chết; hàng ngàn nạn nhân chết sau cái chết của Tần Thuỷ hoàng, hàng triệu người tử trận trong các cuộc chiến tranh cho mục tiêu chính trị, bao nhiêu sinh mạng chết ngoài biển cả, hầm mỏ để làm giàu cho chủ nhân của họ.

    Đoàn chiên còn phải đối phó với mục tử giả hiệu: Đó là kẻ chăn thuê chỉ tìm cách bòn rút, bóc lột, hà hiếp con chiên. Đó là những Pha-ri-siêu giả hình, những nhà chức trách tôn giáo It-ra-en thiếu trách nhiệm. Trên bục giảng thì thao thao bất tuyệt bài ca đạo lí, nhưng cuộc sống là cả những sắp đặt, mưu mô, cạnh tranh, chèn ép. Trong khi thuyết pháp về tình bác ái yêu thương, nhưng cứ tiếp cận ai, thì lớn tiếng dèm pha chê bai người này, vùng nọ, miền kia, giết hại người khác bằng miệng lưỡi độc hại. Đó là những con sói đội lốt cần phải thanh lọc, để bảo vệ đoàn chiên của Chúa.

    3. Đoàn chiên Chúa

    Mối quan hệ giữa chủ chăn và con chiên có hoàn hảo không, còn do đoàn chiên có nhận ra chủ chiên không. Để được tận hưởng sung mãn niềm hạnh phúc cứu độ, mỗi người phải có đủ tư cách cần thiết của một con chiên ngoan ngoãn:

    Trước hết con chiên phải biết lắng nghe: Trong cuộc sống cạnh tranh để có miếng ăn, nhất là trong hoang mạc đầy thú dữ, con chiên tuyệt đối phải tuân theo chủ và sống trong liên đới tập thể. Lắng nghe là đặc tính vô cùng quan trọng trong tương giao cuộc sống của con người, nó giúp họ hiểu biết về nhau, thông cảm cho nhau, hoà hợp với nhau. Kì diệu thay giác quan Chúa dựng nên cho con người, chỉ cần màng tai không hoạt động, họ sẽ trở nên đần độn, câm điếc, đau khổ. Câu chuyện thành Babel là một điển hình, tai họ đã không nghe được tiếng của người khác và đã thất bại trong mục tiêu rất kiêu ngạo là xây tháp nối trời đất. Đức Giê-su dạy con người phải biết lắng nghe lời Chúa chiên, “Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi”(Ga 10,27a). Tiếng Chúa luôn vang vọng qua những trang Thánh Kinh, qua những bài đọc trong Thánh lễ, qua giáo huấn của Giáo hội, qua những người xung quanh; tiếng Chúa còn phát ra qua không gian của vũ trụ, những âm thanh của thiên nhiên. Trong cuộc sống cũng còn những tiếng nói của kẻ thù, những điệu vũ ma quỷ, của những quyến rũ ngọt ngào hấp dẫn, những đam mê xác thịt, những ồn ào gầm thét của tiền bạc tục tĩu. Rất khó để nhận ra đâu là âm thanh đích thực của Chúa, nhất là những âm thanh này đòi hỏi người ta phải cố gắng, phải qua đau khổ, qua những gồ ghề gai nhọn. Phải luôn dùng đôi tai rất thính để phân biệt tiếng Chúa.

    Từ chỗ lắng nghe đến chỗ tuân theo còn là một buớc dài. Trong một cơ quan, có đôi anh chị yêu nhau, tuy nhiên anh chàng có thói xấu hay nói tục. Cô nàng muốn đưa anh về giới thiệu, nhưng sợ anh nhỡ nói tục làm cha mẹ coi thường, anh chàng an ủi: Em yên tâm đừng nghe đứa miệng thối như phân ấy đơm đặt. Cô gái nói: Ồ anh lại vừa nói tục đấy thôi; anh chàng đáp lại: Ồ vậy à, anh xin thề sẽ không nói tục nữa, mả cha mả mẹ đứa nào nói dối em! Anh ta đã không thể thực hiện lời hứa với người bạn gái. Có nhiều con chiên nghe và phân biệt được tiếng chủ, nhưng ngang ngược, quậy phá, lạc đàn, dẫn đến nguy hại. Đức Giêsu lưu tâm đến những ai nghe tiếng Người, “Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”(Ga 10,27b). Theo ở đây không có nghĩa là theo đuôi, theo voi hít bã mía, là hèn kém, thụ động. Theo ở đây nói lên sự liên kết giữa các đối tượng với nhau, giữa người này với người khác, theo ở đây là kết hợp mật thiết với Chúa. Các Tông đồ bỏ gia đình, nghề nghiệp, cha mẹ, vợ con để theo Chúa. Các nhà truyền giáo cũng đã từ bỏ giầu có, địa vị ra đi theo Chúa để loan báo Tin Mừng; nhiều nam thanh nữ tú đã từ bỏ đam mê cuốn hút của xã hội, ẩn mình trong bốn bức tường của nhà dòng. Như vậy, phân biệt được tiếng Chúa trong muôn âm thanh sôi động của thế giới đã khó, nhưng tuân theo tiếng gọi của Chúa lại càng khó hơn. Nó luôn đòi hỏi cố gắng nỗ lực từ bỏ chính mình, từ bỏ lợi lộc trần thế để theo Chúa.

    Lạy Chúa, theo Chúa là theo con đường Thập Giá Chúa đi, từ bỏ vật chất đam mê như Chúa, phục vụ quên mình như Chúa. Nhưng chúng con biết rằng qua những thiệt thòi tạm thời, chúng con sẽ đạt vinh quang bất diệt với Vị Mục Tử nhân lành đang chờ để đón chúng con vào đồng cỏ đời đời.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan