Lời kêu gọi của Giáo hội Nam bán cầu về công bằng khí hậu và hoán cải sinh thái

  • 02/07/2025
  • Trong văn kiện “Lời kêu gọi công bằng khí hậu và Ngôi nhà chung: hoán cải về sinh thái, chuyển đổi và chống lại các giải pháp sai lầm”, các Giám mục ở Nam bán cầu kêu gọi công bằng, công lý, bảo vệ” để bảo vệ các nhóm dân bản địa, hệ sinh thái, cộng đồng nghèo đói, những người dễ bị tổn thương; cổ võ hoán cải sinh thái thực sự và thay đổi các mô hình của nền kinh tế ngày nay, phê bình mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản “xanh” và các cách tiếp cận kỹ trị.

     

    Văn kiện được biên soạn bởi Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC) và Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM), do Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh (PCAL) điều phối, đã được trình lên Đức Thánh Cha vào ngày 1/7/2025. Tài liệu được truyền cảm hứng từ Thông điệp Laudato si' của Đức Giáo hoàng Phanxicô, được công bố cách đây 10 năm, và theo lời Đức Thánh Cha Lêô XIV kêu gọi giải quyết “những vết thương bị tạo nên bởi lòng căm thù, bạo lực, định kiến, nỗi sợ khác biệt và mô hình kinh tế khai thác tài nguyên của Trái đất và gạt những người nghèo nhất ra bên lề”. Tài liệu khẳng định sự dấn thân của Giáo hội cho công bằng khí hậu và kêu gọi các quốc gia và chính phủ hành động. Trong tài liệu, các Giám mục Nam bán cầu viết: “Không còn thời gian để chỉ phân tích nữa; hành động ngay lập tức là điều cần thiết để tránh những tác động không thể đảo ngược đến khí hậu và các hệ thống thiên nhiên”.

    Cuộc khủng hoảng khí hậu là vấn đề công lý, phẩm giá và sự quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta

    Các Giám mục Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi nhấn mạnh rằng khủng hoảng khí hậu “không chỉ là một vấn đề kỹ thuật” mà còn là “một thực tế cấp bách, với mức tăng nhiệt được ghi nhận là 1,55 °C vào năm 2024, một vấn đề hiện sinh về công lý, về phẩm giá và sự chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”. Trên thực tế, khoa học đã nêu rõ và tuyên bố rằng sự nóng lên toàn cầu phải được giới hạn ở mức 1,5 °C để tránh những hậu quả thảm khốc. Các ngài viết: “Chúng ta không bao giờ được từ bỏ mục tiêu này. Chính Nam bán cầu và các thế hệ tương lai đang phải gánh chịu hậu quả”.

    Những điều các nhà hoạch định chính sách toàn cầu có thể làm

     Để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng này, theo các Giám mục, chúng ta phải “từ chối các giải pháp sai lầm như chủ nghĩa tư bản ‘xanh’, chế độ kỹ trị, việc biến thiên nhiên thành hàng hóa và chủ nghĩa khai thác, những thứ duy trì tình trạng bóc lột và bất công” và đặt lợi nhuận lên trên sự sống. Các ngài yêu cầu, trước hết và quan trọng nhất, về công bằng: “Các quốc gia giàu có phải trả món nợ sinh thái của mình, bằng nguồn tài chính khí hậu công bằng, mà không làm Nam bán cầu nợ thêm, để phục hồi tổn thất và thiệt hại và thúc đẩy khả năng phục hồi ở Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Caribe, Châu Á và Châu Đại Dương”.

    Vì vậy, công lý, cũng có nghĩa là không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không kiểm soát và “chấm dứt nhiên liệu hóa thạch và cơ sở hạ tầng kết nối với chúng, và đánh thuế đầy đủ những người được hưởng lợi từ chúng, mở ra một kỷ nguyên quản trị mới bao gồm và ưu tiên các cộng đồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi khí hậu và khủng hoảng thiên nhiên”.

    Các Giám mục cũng yêu cầu “các nước giàu công nhận và đảm nhận trách nhiệm xã hội và sinh thái của họ, với tư cách là thủ phạm chính trong lịch sử khai thác tài nguyên thiên nhiên và khí thải nhà kính, và cam kết đảm bảo tài chính công bằng, dễ tiếp cận và hiệu quả cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, không tạo ra thêm nợ, để phục hồi những tổn thất và thiệt hại hiện có và khả năng phục hồi ở Nam bán cầu”.

    Những điều Giáo hội có thể làm

    Cuối cùng, các Giám mục yêu cầu “bảo vệ người dân bản địa và truyền thống, hệ sinh thái và cộng đồng nghèo đói; thừa nhận tính dễ bị tổn thương hơn của phụ nữ, trẻ em gái và các thế hệ mới; và coi di cư do khí hậu là một thách thức của công lý và nhân quyền”.

    Tuy nhiên, các Giám mục của Châu Mỹ Latinh và Caribe, Châu Á và Châu Phi không muốn chỉ lên tiếng nói, nhưng muốn thực hiện các cam kết cụ thể. Tài liệu nêu rõ: “Chúng tôi sẽ bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong mọi quyết định về khí hậu và thiên nhiên”, và đề xuất “giáo dục về sinh thái toàn diện và thúc đẩy nền kinh tế dựa trên sự liên đới, sự ‘điều độ hạnh phúc’ được nói đến trong thông điệp Laudato si' và ‘sống hạnh phúc’ theo sự khôn ngoan của tổ tiên”. Hơn nữa, Giáo hội được kêu gọi “tăng cường liên minh liên lục địa giữa các quốc gia ở Nam bán cầu, để thúc đẩy hợp tác và liên đới”. Với mục tiêu hướng đến COP 30, những bên ký kết cam kết giám sát “kết quả của COP, thông qua Đài quan sát về công lý khí hậu”. Và họ đề xuất “một liên minh lịch sử giữa các bên tham gia từ Bắc và Nam bán cầu, để giải quyết các cuộc khủng hoảng theo cách liên đới”.

    Lời kêu gọi cụ thể đối với các chính phủ

    Các Giám mục ở Nam bán cầu cũng đưa ra những lời kêu gọi cụ thể đối với các chính phủ: “Tôn trọng Thỏa thuận Paris và thực hiện các đóng góp do quốc gia tự quyết định, để đáp ứng tính cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu; đặt lợi ích chung lên trên lợi nhuận; chuyển đổi hệ thống kinh tế theo mô hình tái tạo, ưu tiên cho phúc lợi của người dân và đảm bảo điều kiện sống bền vững trên hành tinh; thúc đẩy các chính sách về khí hậu và môi trường dựa trên quyền con người”. Các ngài đưa ra lời kêu gọi cuối cùng: “Mong rằng COP 30 không chỉ là một hội nghị thượng đỉnh khác, mà là một cột mốc của sự phản kháng, sự kết nối liên lục địa và sự chuyển đổi thực sự. Mong rằng nó được hướng dẫn bởi sức mạnh sống động của các cộng đồng, bởi hy vọng nảy sinh từ bên lề và bởi một Giáo hội đi ra, có tinh thần hiệp hành sâu sắc, đồng hành cùng các dân tộc”.

    Họp báo giới thiệu tài liệu 

    Giới thiệu tài liệu tại cuộc họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh vào ngày 1/7/2025 có Đức Hồng y Filipe Neri Ferrão, Tổng giám mục Goa và Damao của Ấn Độ, và là Chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC); Đức Hồng y Jaime Spengler, Tổng giám mục Porto Alegre (Brazil), Chủ tịch Hội đồng Giám mục Brazil (CNBB) và Hội đồng Giám mục Mỹ Latinh và Caribe (CELAM); Đức Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng giám mục Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo) và Chủ tịch các Hội đồng Giám mục Phi Châu và Madagascar (SECAM); và nữ giáo sư thần học gia Emlice Cuda, Tổng thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh.

    Tiến sĩ Cuda: "nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, sẽ có nhiều người chết hơn"

    Tổng thư ký Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh chia sẻ: “Chúng tôi tìm cách chạm đến trái tim của những người có đức tin và những người không có đức tin”, và giải thích rằng các Giáo hội địa phương của Nam bán cầu có ý định “xây dựng cầu nối giữa họ như một biểu hiện của Công giáo”, và cầu nối với những người bên ngoài Giáo hội. Do đó, tài liệu này là “một biểu hiện cụ thể về khả năng vượt qua sự chia rẽ và hệ tư tưởng” bởi vì “hoặc chúng ta đoàn kết hoặc chúng ta cùng chìm”. Bà nói thêm: “Là những tông đồ truyền giáo của một Giáo hội hiệp hành và cởi mở, chúng ta sẽ đến COP 30 để xây dựng hòa bình giữa cuộc chiến từng phần chống lại tạo vật này, nơi nhiều người đang chết và sẽ chết nhiều hơn nữa nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ. Chúng ta làm như vậy vì, như Đức Giáo hoàng Lêô XIV đã nói, Giáo hội ‘luôn tìm cách gần gũi, đặc biệt là với những người đau khổ’”.

    ĐHY Spengler: Phải can đảm đưa ra những quyết định rõ ràng, nếu không sẽ nguy hiểm cho tương lai con cháu chúng ta

    Từ quan điểm của Châu Mỹ Latinh, Đức Hồng y Spengler phát biểu: “Tôi đang lên tiếng không chỉ của riêng tôi, mà còn của những người dân Amazon, của những vị tử đạo của vùng đất - chúng ta có thể nói là của khí hậu -, và của những cộng đồng ven sông, bản địa, hậu duệ người Phi, nông dân và thành thị. Cần phải nhận thức được nhu cầu cấp thiết về những thay đổi trong lối sống, sản xuất và tiêu dùng”. Ví dụ, ngài lên án việc “che đậy” các lợi ích kinh tế dưới những cái tên như “chủ nghĩa tư bản xanh” hay “nền kinh tế chuyển đổi” hoặc việc khai thác các giếng dầu mới ở Amazon và nhấn mạnh rằng Giáo hội phản đối các cơ chế như “tài chính hóa thiên nhiên”. Đức Hồng y nói: “Hoặc là chúng ta phải có can đảm để đưa ra những quyết định rõ ràng, nếu không chúng ta sẽ gây nguy hiểm cho tương lai của các thế hệ tương lai”.

    ĐHY Ambongo: Vùng đất Châu Phi giàu có trở nên nghèo đói vì hàng thế kỷ bị khai thác và bóc lột

    Tương tự như vậy, Đức Hồng y Ambongo đã phát biểu “nhân danh các Giáo hội ở lục địa Châu Phi”, nơi đã “bị bần cùng hóa sau nhiều thế kỷ khai thác, chế độ nô lệ và bóc lột”. Ngài nói: “Đây là một vùng đất giàu có, trở nên nghèo đói vì hàng thế kỷ bị khai thác và bóc lột”. Và ngày nay, “lục địa này gây nên ô nhiễm ít nhất và phải trả giá nhiều nhất cho sự ô nhiễm toàn cầu”. Ngài nhấn mạnh rằng cuộc đua khai thác khoáng sản chính là “nguồn gốc của sự gia tăng các nhóm vũ trang” và kêu gọi “một nền kinh tế không dựa trên sự hy sinh của người dân Châu Phi để làm giàu cho người khác”. Ngài nhấn mạnh rằng “Châu Phi muốn đóng góp cho tương lai công lý và hòa bình cho toàn thể nhân loại”. “Chúng tôi nói rằng đã đủ rồi, đã đủ rồi các giải pháp sai lầm, đã đủ rồi các quyết định được đưa ra mà không lắng nghe những người ở tuyến đầu của sự sụp đổ khí hậu”. Theo ngài, “việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch không chỉ cần thiết để giảm phát thải mà còn để trả món nợ sinh thái và đạo đức cho Nam bán cầu và các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, khai thác và biến đổi khí hậu”.

    ĐHY Ferrao: Các nước giàu nên nhận ra và trả món nợ sinh thái của mình

    Từ Châu Á, Đức Hồng y Ferrao nói: “Thông điệp của chúng ta hôm nay không phải là ngoại giao; mà là mục vụ. Đó là lời kêu gọi lương tâm trước một hệ thống đe dọa nuốt chửng thụ tạo, như thể hành tinh này chỉ là một loại hàng hóa khác”. Ngài giải thích rằng “hàng triệu người đã và đang phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc của biến đổi khí hậu: mưa bão, di cư cưỡng bức, mất đảo, ô nhiễm sông ngòi” trong khi “các giải pháp sai lầm đang được đưa ra: cơ sở hạ tầng khổng lồ, di dời để có năng lượng ‘sạch’ lại không tôn trọng phẩm giá con người và việc khai thác mỏ nhân danh năng lượng xanh”. Ngài nói: “Các nước giàu nên nhận ra và trả món nợ sinh thái của mình, mà không tiếp tục làm cho Nam Bán cầu mắc nợ”, đồng thời nói thêm rằng Giáo hội muốn thúc đẩy các giải pháp thay thế như “các chương trình giáo dục”, “con đường kinh tế mới” hoặc “việc đồng hành với phụ nữ và các trẻ em gái”, những người thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.

    COP 30 phải là một bước ngoặt về mặt đạo đức

    Các đại diện Giám mục của Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Phi Châu nói rằng COP 30 tại Brazil là một lời kêu gọi lịch sử và diễn ra vào thời điểm quyết định đối với nhân loại cũng đang phải chịu đựng chiến tranh. Do đó, các ngài bày tỏ: “Chúng tôi muốn nó không chỉ là một sự kiện khác, mà là một bước ngoặt về mặt đạo đức”.

    Nguồn: Vatican News

    Bài viết liên quan